Ước vọng đầu năm

TRUNG TRẦN 13/02/2022 18:00 GMT+7

TTCT - Mùng 4 Tết, Đà Lạt, Vũng Tàu, Sa Pa… lại đông nghẹt du khách như mọi năm. Mùng 6, trên các ngả đường về lại Sài Gòn hay Hà Nội, xe cộ lại xếp lớp nhích từng mét. Điều khác là dù có kẹt xe tắc đường bao nhiêu cũng ít có lời ta thán, hoặc có kêu ca thì cũng là một sự than phiền ra chiều vui sướng: Được tắc đường, kẹt xe lại rồi!

Niềm vui được hưởng một cái Tết bình yên nhất trong 3 cái Tết gần đây, dẫu chưa hẳn đã hết âu lo về dịch bệnh nhưng cảm giác vững lòng hơn và một tâm thế sẵn sàng cho một năm mới bận rộn đang chờ đón, là xu hướng chủ đạo dễ bắt gặp trong câu chuyện đầu năm bên ấm trà, ly rượu ngày xuân con Hổ.

Đường hoa Nguyễn Huệ, TP.HCM tấp nập trong Tết. Năm nay cả nước đã được hưởng một cái Tết tương đối bình thường. Ảnh: Quang Định

 

Năm mới, mấy thắng lợi mới

Cũng trong những ngày Tết tương đối bình yên này, hàng ngàn công nhân đã chọn cách ở lại nhà máy để bù đắp cho nhiều tháng đóng cửa hoặc chỉ hoạt động cầm chừng. 

Đứng trước ngồn ngộn công việc và đi cùng đấy là khoản thu nhập gấp 4-5 ngày thường, khó mà tìm thấy nỗi buồn ở những con người đang hưởng một cái Tết bận rộn như thế, nhất là sau nửa năm sống trong âu lo, bất lực.

Tuần đầu tiên của năm con Hổ, người đứng đầu Chính phủ có cuộc du xuân - xuyên Tết - xuyên Việt cùng các bộ trưởng dưới quyền để kiểm tra và đốc thúc các dự án đầu tư công quan trọng trong năm 2022. 

Thủ tướng nêu ra con số chi phí thi công của 1km đường nếu đầu tư bằng ngân sách Nhà nước sẽ cao hơn khoảng 30% (200 tỉ đồng/km so với 120 - 130 tỉ) so với đầu tư PPP (hợp tác công tư). 

Ông cũng chỉ ra thực tế không thể chối cãi về tiến độ thi công sân bay Long Thành: kế hoạch hoàn thành 2025, nhưng cập nhật là cuối 2024 mới có thể hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng. 

Quyết tâm chính trị có đủ tạo ra phép mầu, hay chúng ta buộc phải thừa nhận là đang có rất nhiều việc phải làm, phải thay đổi, nếu không muốn thay đổi lùi các mốc kế hoạch xa hơn nữa?

Ngày mùng 1 Tết, cả nước vui mừng tột độ trước chiến thắng của đội tuyển bóng đá nam trước đội Trung Quốc, một chiến thắng mà ý nghĩa vượt ra khỏi kết quả chuyên môn. 

5 ngày sau, từ Bắc chí Nam lại một lần nữa được bùng nổ khi các cô gái đá bóng chịu thương chịu khó, luôn thiệt thòi, lập nên kỳ tích đoạt vé tham gia vòng chung kết World Cup. 

Khó có thể tìm ra được một khoảnh khắc nào hợp lý hơn để bóng đá đem lại niềm vui trọn vẹn như thế. Một niềm tự hào, một biểu tượng của tinh thần vượt khó đem lại cảm hứng cho rất rất nhiều người trong thời khắc năm mới.

Những ước nguyện đầu năm

Trong chuyến công du đầu xuân, Thủ tướng cũng đã đưa ra thông điệp về những dự án sẽ được triển khai năm mới. Cao tốc Bắc Nam sẽ được khởi động những hợp phần cung đường quan trọng. 

Những con đường nối Sài Gòn đến gần thì Bình Dương, xa hơn là Tây Ninh, Bảo Lộc, Phan Thiết… sẽ được mở rộng hay thi công mới.

Những ai có điều kiện đi đây đi đó sẽ không khó để nhận ra sự chênh lệch về hạ tầng đường sá giữa hai miền. 

Một con đường đủ rộng nối Đồng Nai với Bình Thuận, một cao tốc nối liền các tỉnh miền Tây mong lắm sẽ không chỉ là ước mơ hay lời hứa. 

Hàng trăm nghìn tỉ đồng của gói kích thích kinh tế hy vọng sẽ đem lại công ăn việc làm cho hàng chục nghìn nhân công ngành xây dựng và những con đường bền đẹp sẽ được mở ra cho doanh thương được thông thoáng phát triển.

Tiền và nhân lực đã sẵn, lộ trình chi tiết cũng đã có, những bất cập của con ngáo ộp mang tên cơ chế cũng đã được chỉ ra. 

Chỉ cần thêm sự cộng sinh hợp lý của việc sử dụng các nguồn lực thì sẽ không có lý do gì những giấc mơ rất gần kia không biến thành sự thật - một sự thật ai cũng mong muốn và rất gần tay với. 

Nó cũng là lực đẩy để các doanh nghiệp nhà nước có cơ hội cải thiện năng lực, nếu không muốn bị bỏ lại phía sau hoặc tiếp tục chọn cách lay lắt tồn tại ký sinh vào ngân sách.

Câu chuyện đầu xuân nữa mà mọi nhà ai cũng ít nhất một lần nhắc đến, đấy là việc đi học lại sau Tết của con trẻ. 

Dù có cẩn trọng bao nhiêu thì ai cũng mong trường lớp mau chóng được mở lại để trẻ con được đến trường. Mà trẻ con của chúng ta, hãy nhìn lại những bức ảnh khoe đầu năm trên Facebook sẽ nhận ra một điều rằng: bây giờ bọn trẻ, ít ra là ở các đô thị, đã cao lớn hơn hẳn thế hệ cha mẹ mình.

Nhà nào có con trên 15 tuổi, bố mẹ đã là người thấp nhất trong các tấm hình chụp chung. Chiều cao xấp xỉ 1m7 đang là bình thường với các bạn nam 16 - 17 tuổi của thế hệ Gen Z. 

Với những người làm cha mẹ, đấy là một niềm vui vừa riêng tư vừa có thể ra mặt. Nó vừa là kết quả của hai mươi năm phát triển về mặt dinh dưỡng của người Việt Nam, vừa là động lực cho sự vươn lên về mặt trí tuệ trong tương lai.

Một thế hệ có thể chất không thua kém trước hết là những láng giềng khu vực sẽ cần phải có một nền tảng tri thức tương xứng. Không thể khác được, nhu cầu bức thiết có một nền giáo dục hiện đại, tư duy toàn cầu và thực học được đặt ra không phải bởi những người làm giáo dục, hay cha mẹ, mà bởi chủ thể là học sinh.

Nếu không thay đổi kịp, đến một lúc nào đấy không xa, trẻ con sẽ tự tìm cách học mà không đợi những người làm giáo dục cứ mỗi năm mỗi cải cách nữa. 

Chúng ta không thể trách giới trẻ cắm mặt vào màn hình trong khi bản thân người lớn cũng đang làm như thế, và chúng ta có thể giả vờ không biết khả năng học hỏi từ màn hình của trẻ con gấp nhiều lần những trò hoài niệm níu kéo của người lớn trên mạng xã hội.

Bởi vậy, sau trải nghiệm học online hơn một năm cùng con cái, người lớn cần phải hiểu một điều: Việc học tập của trẻ con từ giờ đã rất khác, và do thế, phương cách giáo dục cũng phải khác đi, để ít ra là rút ngắn được sự đứt gãy kết nối giữa các thế hệ do công nghệ.

Một nền giáo dục linh hoạt và phù hợp với thế hệ Z cần được áp dụng sớm hơn là muộn. 

Để làm được việc như vậy, người thầy cần được tái định vị vai trò để tự mình có khả năng tự thay đổi, trước khi xã hội và học trò yêu cầu - một kiểu “tái nâng cấp bản thân” khi công nghệ và xã hội có những bước nhảy đứt gãy - tức không thể tư duy kiểu tiệm tiến nữa rồi.

Điều này nói ra có thể là ảo tưởng, phi thực tế nếu nhìn vào thực trạng giáo dục ở Việt Nam. 

Tuy nhiên, nếu nhìn vào những gì trẻ con học được, tiếp nhận được từ màn hình, sau khi kết thúc giờ học ở lớp hiện giờ, thì việc yêu cầu hay mơ mộng về một nền giáo dục giáo dục hiện đại, tư duy phản biện và khả năng trở thành công dân toàn cầu hóa cho một lớp trẻ đã đủ đầy về mặt thể chất, và sẽ có một không gian khác hẳn thế hệ cha mẹ mình - về cả công nghệ, cơ sở hạ tầng cứng và mềm - không hề là quá đáng.

Vả lại, vẫn là những tuần đầu của năm mới, chúng ta có quyền ước mơ một chút mà!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận