Và giờ, người lính muốn kể chuyện mình...

KHÁNH HƯNG 29/12/2017 21:12 GMT+7

TTCT- Tháng 11-2017, tôi cầm trên tay cuốn sách Đừng kể tên tôi (*) của chị, sách dày hơn 300 trang nhưng đọc mất thời gian hơn tôi nghĩ. Vì mỗi câu chuyện đọc xong tôi phải dừng lại, không dám đọc nữa, cảm giác nghẹn ngào qua chuyện từng người lính.

Ảnh: Đức Lộc
Ảnh: Đức Lộc

 

Tôi nhớ ngày còn nhỏ, có hai kỷ vật chiến tranh cha mang về mà tôi rất thích: một chiếc dù pháo sáng và một chiếc bình toong nước. Chiếc đầu của Mỹ, chiếc thứ hai của Trung Quốc, chất lượng đều rất tốt.

Cha tôi dùng dù pháo sáng làm chăn, đó là một thứ vải mịn, dệt kín mít, mùa đông rất ấm, mùa hè thì mát lạnh lạ kỳ. Chiếc bình toong bằng nhôm, nhẹ tênh, tôi hay dùng làm của riêng, đến ngày gặt lúa, nhổ khoai, tôi luôn mang theo một bình đầy nước giếng mát lạnh.

Cha tôi là lính, đi vào Nam năm 1973-1975 gì đó, tôi không nhớ rõ. Tôi chưa từng hỏi cha về những trận đánh như thế nào, tôi nghĩ chiến tranh như trên sách vở tôi được dạy, hỏi thêm cũng chẳng làm gì.

Cha xuất ngũ với một miếng đạn nơi đùi trái và giấy tờ thì mất gần hết, nên mãi sau này mới chạy vạy đi “làm chế độ”. Cha được công nhận thương binh, mỗi tháng có mấy trăm ngàn đồng và anh em chúng tôi được miễn học phí.

Cha tôi vui lắm, ông khắc tên những đồng đội cũ đã giúp đỡ ông được công nhận thương binh trên xà nhà, tôi còn nhớ mãi cái tên ông khắc lên hàng đầu: thượng tá Trần Đình Lượng (giờ đã mất).

Tôi không bao giờ hỏi thêm những câu chuyện về chiến trận của cha nữa. Chuyện của cha cứ quên dần đi như thế và cuối cùng mất theo ông vào năm tôi học lớp 7. Năm 2017, tôi 26 tuổi, tức cha tôi đã mất 13 năm. Tôi “add friend” với chị Phan Thúy Hà, chị là người cùng làng và tôi rất thích đọc những câu chuyện về làng mình qua lời kể của chị.

Rồi một ngày trên Facebook của chị xuất hiện những câu chuyện viết về người lính đầy ám ảnh, tôi bắt đầu chú ý hơn. Ở đó có những người tôi từng biết hoặc từng nghe tên, họ cũng là lính như cha tôi, nhưng số phận trĩu nặng hơn, đau buồn hơn.

Tháng 11-2017, tôi cầm trên tay cuốn sách Đừng kể tên tôi (*) của chị, sách dày hơn 300 trang nhưng đọc mất thời gian hơn tôi nghĩ. Vì mỗi câu chuyện đọc xong tôi phải dừng lại, không dám đọc nữa, cảm giác nghẹn ngào qua chuyện từng người lính.

Đừng kể tên tôi gồm 21 nhân vật, họ là những người lính, thanh niên xung phong, anh hùng, vợ anh hùng, vợ thương binh chưa bao giờ là anh hùng. Có những câu chuyện thật dài, chân thực, sống động, nhưng cũng có những câu chuyện ngắn, rất ngắn, như một lát cắt của cuộc đời lính.

Nhưng mỗi câu chuyện là một mảnh ghép của chiến tranh khốc liệt. Ở đó chỉ có sự thật - những sự thật đã “im lặng quá lâu rồi, bởi họ từng nói. Nói từng lời đau đớn ruột gan. Nhưng người ta không tin”.

Đừng kể tên tôi không phải là tiểu thuyết, mặc dù tôi nghĩ mỗi câu chuyện trong cuốn sách này có thể viết thành một tiểu thuyết. Tôi xem đây là cuốn hồi ký của những người lính. Những người lính ngày xưa cầm súng hôm nay không thể cầm bút viết lên câu chuyện của mình (vì có người mất tay, vì có người phải lao vào kiếm sống...).

Họ được kể ra những ký ức đau đớn đã giấu kín mấy chục năm trời, về bản thân, về đồng đội, về quê hương, gia đình. Không đọc Đừng kể tên tôi, làm sao thế hệ tôi biết những người lính trong cuộc chiến không chỉ hi sinh một lần: “Tôi vừa chui ra thì bom rơi. Anh chết thêm lần nữa”.

Không được kể lại thì làm sao chúng tôi biết những nữ thanh niên xung phong từng tâm tư: “Tôi nói với cha hòa bình nếu còn có người tới hỏi, con sẽ lấy làm chồng”. Nhưng “hòa bình rồi không ai tới hỏi tôi”.

Xen giữa những câu chuyện chiến tranh khốc liệt, Đừng kể tên tôi vẫn có những câu chuyện yêu thương dịu dàng. Hương mùa thu là câu chuyện tình buồn, buồn mà đẹp, đẹp mà đau, kể về anh lính trẻ thầm yêu cô gái ở huyện Nam Đàn vào một ngày mùa thu đầy hương thị.

Anh ra chiến trường, cô gái cũng vào thanh niên xung phong, sau đó mất vì bom vùi lấp. Anh về thắp hương lên bàn thờ nhỏ tượng trưng không có ảnh, ngồi nhớ “cô gái áo bà ba xanh màu lá. Em đang cúi nhặt những quả thị. Em đã bay theo hương mùa thu”.

Và rất nhiều câu chuyện như thế nữa!

Chiến tranh qua rồi, nhưng những câu chuyện về chiến tranh thì chưa bao giờ thôi kể lại. Phan Thúy Hà đi và lắng nghe chính những người lính bước ra từ cuộc chiến kể lại. Chiến tranh với họ “không có khuôn mặt người nông dân”, mà chỉ ẩn hiện những khuôn mặt không đổ máu.

21 chân dung về người lính, anh hùng, vợ anh hùng, thanh niên xung phong trong cuốn sách này “xin đừng kể tên tôi”, bởi “so với anh em đồng đội đã hi sinh khi tuổi đời mười tám hai mươi thì mình được sống đến hôm nay, có con cháu vậy là may mắn rồi”.

Cha tôi cũng may mắn vì khi rời cuộc chiến ông chỉ dính một vết đạn. Cha tôi cũng may mắn vì gặp lại được đồng đội cũ, được chứng nhận “làm chế độ” và cha tôi cũng may mắn khi những đứa con sinh ra như tôi vẫn còn đọc được những dòng sách này.■

(*): NXB Phụ Nữ, 2017.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận