Vaccine COVID-19: Kẻ ăn không hết...

LÊ QUANG 25/04/2021 17:05 GMT+7

TTCT - Tới ngày 15-4, Bộ Y tế Việt Nam cho biết đã tiêm được 58.037 liều vaccine chống COVID, tức là tiêm đợt đầu cho 6 trong số 10.000 người. Dù còn khá sớm để lạc quan theo dõi tia sáng cuối đường hầm Corona, cũng nên bỏ chút thì giờ suy ngẫm về những ngang trái trong một thế giới còn đầy bất bình đẳng này: 58.037 liều vaccine được đón chào ở Việt Nam chỉ là 1/10 lượng thuốc bị quăng ra bãi rác ở bang Bayern (Đức) mỗi tuần!


 
  Ảnh: Reuters

Có lẽ ai cũng biết điều này: mở hộp sữa bột hay bịch bột giặt, thấy ít nhất 20% thể tích trong đó là không khí, túi snack còn tệ hơn, nhưng không phải lúc nào hiện tượng đó cũng là thủ đoạn bất lương của nhà sản xuất. Đơn giản là có những loại sản phẩm cần khoảng không dự phòng để khỏi bị lèn vỡ, hoặc hàng hóa dạng bột sẽ bị nén xuống trong quá trình vận chuyển nên làm xuất hiện thể tích thừa...

Trong lọ đựng vaccine cũng vậy. Lấy ví dụ vaccine của BioNTech/Pfizer ở cách đóng gói mới nhất: sau khi pha với dung dịch natri clorua, mỗi lọ chứa 2,25ml, tương ứng với trên 7 liều thuốc chích ngừa (mỗi liều 0,3ml). Tất nhiên đó là cách tính toán thuần túy trên giấy tờ, thực tế là người tiêm rút thuốc bằng xilanh không thể tuyệt đối chính xác, do đó nhà sản xuất quy định mỗi lọ chỉ được khai thác ra 6 liều. Và chỗ thừa bị vứt đi.

Dược sĩ Patrik Marx, người phụ trách một trạm chích ngừa ở thành phố Mühlheim 171.000 dân (bang Nordrhein-Westfalen, Đức), không thể đoán chắc có bao nhiêu liều thuốc quý như vàng ấy bị tiêu hủy nhưng mỗi liều thuốc rất có thể cứu được một mạng người. 

Đừng quên châu Phi bị đẩy lùi công cuộc xóa đói giảm nghèo đến 30 năm bởi COVID-19 chỉ vì không có tiền nhập khẩu vaccine - theo dự đoán của Oxfam (liên minh quốc tế từ 20 tổ chức làm việc tại 94 quốc gia toàn cầu để tìm giải pháp lâu dài chống lại nghèo đói và bất công).

Mühlheim là địa phương có tốc độ tiêm chủng cao, thường xuyên vượt chỉ số trung bình của bang Nordrhein-Westfalen đến 10% nhờ một sáng kiến - nghe có vẻ tầm thường mà vĩ đại - của ông Marx: ông xin phép Bộ Y tế bang lấy ra mỗi lọ 7 liều, tất nhiên phải cam đoan là người tiêm khéo tay, làm việc chính xác.

Nhưng không sai không có nghĩa là đúng

Đó là quan điểm của nhà chức trách. Về nguyên tắc thì họ không sai. Không phải chưa có người nghĩ đến phương pháp của Patrik Marx, kể cả để áp dụng cho các loại thuốc khác như Moderna hay AstraZeneca: mỗi lọ chứa 10 liều, và ông Marx thường “vét” được đến 11, thậm chí 12 liều 0,5ml, tương ứng gia tăng hiệu suất đến 20%.

Tuy nhiên không thể biến kết quả khá hiếm hoi đó thành quy định, vì bàn tay con người luôn mắc lỗi, và khi liều cuối cùng nằm dưới mức tối thiểu thì không được sử dụng. Là dược sĩ, ông Patrik Marx hiểu rõ bản chất quy định đó, nhưng ông vẫn ngạc nhiên vì sự chần chừ của cơ quan chức năng. Bộ máy tiêm chủng thường thiên về vứt thuốc thừa đi còn hơn làm trái quy định, cũng không dám dồn thuốc thừa của nhiều lọ cho đủ liều.

Bộ trưởng Bộ Y tế liên bang Jens Spahn cho biết ông khuyến khích việc tận dụng triệt để thuốc trong lọ, nhưng thể chế liên bang ở Đức cho thấy một thực tế tréo ngoe: mỗi tiểu bang có quyền đưa ra “giấy phép con”. 

 
 Tiêm vaccine COVID-19 ở bang Saxony-Anhalt (Đức). Ảnh: DPA

Bang Nordrhein-Westfalen của ông Marx, như đã kể, có chỉ thị khá “thông thoáng” đối với thuốc của BioNTech, song lại tự mâu thuẫn trong khi xét đến AstraZeneca: “Chính quyền bang không cho phép khai thác liều thứ 11”, tuy nhiên: “Nếu lấy đủ liều lượng cho liều thứ 11 từ mỗi lọ thì chính quyền bang không phản đối đem tiêm cho người thứ 11”. Nói theo cách của ta là “hiểu chết liền!”.

Bang Bayern nghiêm hơn. Tuần trước Bộ trưởng Y tế Klaus Holetschek còn ủng hộ biện pháp tận dụng thuốc, song lại ban hành một thông tư về “sử dụng thuốc vượt quy định là khả thi - về nguyên tắc”, đồng thời người phát ngôn của Bộ Y tế dồn trách nhiệm lên đầu bác sĩ địa phương: “Chừng nào bác sĩ muốn đi chệch luật ban hành dược phẩm trong khuôn khổ tự chịu trách nhiệm về phác đồ điều trị thì vẫn được phép!”. Xét về pháp lý thì Bộ Y tế tuyên bố có lợi cho mình, rũ bỏ mọi trách nhiệm, còn bác sĩ hay y tá tiêm thuốc hoàn toàn có quyền lãng phí một cách vô can.

Nhưng Christian Kröner, một bác sĩ gia đình ở Bayern, không thể chấp nhận mỗi tuần vứt đi chừng 500.000 liều Pfizer/BioNTech, dùng kim cực nhỏ để lấy ra từ mỗi lọ 7 liều thuốc tiêm chủng, dù hoàn toàn ý thức là đã tra một tay vào còng.

Tương tự, Bộ Xã hội bang Sachsen chưa bao giờ cấm tận dụng lượng thuốc dư trong lọ, nhưng nhắc khéo “người sử dụng chắc chắn biết các hệ quả của việc dùng thuốc trái quy định trên nhãn lọ”. Patrik Marx thì đau lòng: “Những chỉ thị kiểu ấy không hề có tính khuyến khích, mà chỉ làm chúng tôi chùn bước. Nếu lấy được thêm một liều thôi từ một nửa các lọ vaccine thì đã là thắng lợi rồi. Không cố gắng thì còn tệ hơn, vì mỗi liều tiêm chủng có thể giảm một tiến trình phát bệnh chết chóc, hay ít nhất cũng giảm tải cho các khoa điều trị tích cực”.

 Ai cũng biết đại dịch Corona đang là thử thách lớn nhất đối với nhân loại, nước nào cũng phải tự mò mẫm tìm giải pháp tối ưu cho mình. Nhưng bộ máy hành chính càng hoàn hảo càng kém linh hoạt, kể cả khi cái chết cận kề.

Cuộc chiến không đơn độc

Những người như dược sĩ Marx hay bác sĩ gia đình Kröner có không ít đồng minh. Từ hồi tháng giêng 2021, nhà khoa học Fritz Sörgel, giám đốc Viện Nghiên cứu y sinh và dược học ở Nürnberg-Heroldsberg, đã cảnh báo về sự lãng phí đáng trách, thậm chí ông coi đó là “cái tát vào mặt những người đang bức thiết cần được tiêm chủng”.

Bác sĩ gia đình Christian Kröner lên án hành vi “vứt đi nửa triệu liều thuốc còn tốt trong vòng một tuần ở bang Bayern chỉ vì những rào cản quan liêu” là một vụ bê bối. Ông gửi một thỉnh nguyện thư cấp tốc lên nghị viện bang để xin xét vụ này. 

Tuy nhiên tờ báo đăng tải tin này đánh giá triển vọng thành công khá thấp, vì loại xilanh gắn kim tiêm thích hợp để rút ra một lượng thuốc chính xác rất hiếm ở Đức và việc đặt mua dụng cụ cần thiết trên một thị trường đang bị quét sạch hàng thời Corona là một điều không tưởng .

Trớ trêu thay, ngay hàng xóm Hà Lan là nơi có sẵn hàng thì lại không được bán sang Đức! Công ty SJJ Solutions ở Hà Lan cho biết nếu muốn mua loại xilanh đó thì Đức phải ban một luật mới, trong khi hơn 30 bệnh viện và nhà dưỡng lão Hà Lan đã sử dụng thành công. 

Chính quyền Đức không phải không biết hay không cố gắng, song họ cho biết rằng loại xilanh đó của Hà Lan chỉ có thể tích 0,3ml, đúng như lượng thuốc cần thiết của BioNTech, song thuốc của Moderna và AstraZeneca lại đòi phải tiêm 0,5ml! Ngôi nhà chung EU té ra còn nhiều phòng chốt hờ then cửa lắm.

Giải pháp Helsinki

Sẽ có người phẩy tay, kể làm gì chuyện khó khăn của nhà giàu vượt sướng. Nhưng ở đây ta đang đối mặt một thảm họa toàn cầu, và ta biết có một nhà giàu hơn nhưng linh hoạt hơn, đó là Phần Lan.

Sari Roos, một y tá đã 30 năm hành nghề, người Helsinki tìm ra cách làm gần giống Patril Marx để lấy thêm được một liều từ trong lọ vaccine, nhưng với một phương pháp hay hơn. Phát kiến của cô đã giúp tăng đáng kể tốc độ tiêm phòng của Phần Lan.

Sari Roos cải tiến một phương pháp đã được áp dụng ở Đan Mạch để khai thác thêm được 1-2 liều từ mỗi lọ vaccine của các nhà cung cấp khác nhau, bất kể đó là BioNTech/Pfizer, Moderna hay AstraZeneca, mà không cần thay mũi kim tiêm đặc chủng rất khó mua hiện tại.

 
 Y tá Sari Roos – người đã có sáng kiến lấy thêm được một liều từ trong lọ vaccine, giúp đẩy tốc độ tiêm phòng của Phần Lan tăng đáng kể. Ảnh: Reuters

Mẹo của cô rất đơn giản: cô dùng xilanh rút vài giọt thuốc từ trong lọ, rồi bơm ngược chỗ thuốc đó trở lại, qua đó giải phóng hết bọt khí đọng trong mũi kim. Giờ thì cô có thể hút ra lượng thuốc cần thiết, sau đó hút thêm một lượng nhỏ không khí sạch trong lọ. 

Công năng của bọt khí đó là giúp đẩy hết lượng thuốc vào cánh tay người được tiêm và đóng kênh truyền thuốc lại, ngăn chảy máu. Qua đó lượng thuốc hầu như không bị mất mát. Quá trình ấy không đơn giản như vừa mô tả, nhưng sau vài giờ luyện tập thì mọi chuyện đều ổn thỏa.

Sau lễ Giáng sinh 2020, Helsinki bắt đầu chích ngừa hàng loạt. Sari Roos cũng tham gia tiêm và truyền nghề cho các y tá khác. Khác với hướng dẫn của Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) về 6 liều vaccine từ mỗi lọ của BioNTech/Pfizer, cô lấy được 7 liều mà không cần thay mũi kim đặc chủng. Đối với Moderna và AstraZeneca, cô còn lấy thêm được 2 liều mỗi lọ. 

Ngay trong tháng 12-2020, Sari Roos soạn một tài liệu giảng dạy và trình lên Viện Y tế và phúc lợi quốc gia (THL). Chỉ vài hôm sau, sáng kiến của cô được chấp thuận. Từ 4 tháng nay, “phương pháp Roos” hay “Công nghệ bong bóng khí” được áp dụng thành công ở Phần Lan.

Thành công miễn dịch ở Phần Lan còn có một nguyên nhân quan trọng nữa. Thay vì tiêm mũi đầu và dự trữ đủ thuốc cho mũi thứ hai sau đó 2-3 tuần như ở khắp các nước khác, đặc biệt quan trọng khi lượng thuốc ban đầu còn hiếm, Phần Lan kéo dài thời gian đợi giữa hai mũi tiêm cho nhóm ít rủi ro lên đến mức tối đa cho phép là ba tháng, qua đó lượng người được tiêm lần thứ nhất cao hơn hẳn. Nhưng giờ thì ai thuyết phục được người Đức làm theo Phần Lan đây?■


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận