Vaccine COVID: Hàng hóa công đặc biệt

NAM MINH 28/06/2021 17:00 GMT+7

TTCT - Vaccine cho COVID-19 nên được xem là một loại hàng hóa công đặc biệt, như điện, nước hay dịch vụ giáo dục, để tất cả mọi người đều được hưởng lợi, gia tăng phúc lợi toàn xã hội, cũng như đảm bảo khả năng phục hồi của nền kinh tế.

Việt Nam đang bước vào triển khai chiến lược tiêm vaccine rộng khắp cả nước. 

Điều này có thể gây tranh cãi vì ước tính sẽ tiêu tốn 25.000 tỉ đồng ngân sách, cũng như xuất hiện nguy cơ tiêu cực, thất thoát trong quá trình triển khai. 

Công nhân Công ty May Nhà Bè, Q.7, TP.HCM tiêm ngừa vắc xin COVID-19. Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

 

Nhưng nếu xét khía cạnh lợi ích kinh tế và công bằng xã hội, vaccine dành cho COVID nên được nhìn nhận là một loại hàng hóa công (public goods) đặc biệt mà ở đó, chính phủ đóng vai trò chủ chốt trong việc cung ứng và dần thu hồi nguồn chi ngân sách thông qua công cụ thuế tương lai.

Theo kinh tế học, một loại hàng hóa công thuần túy cơ bản có hai đặc tính quan trọng là không thể loại trừ (nonexcludable) và không lấn át (nonrivalrous). 

Đặc tính không thể loại trừ hàm ý sẽ rất tốn kém hoặc bất khả nếu một người muốn loại trừ, không cho những người khác sử dụng hàng hóa đó. Không lấn át nghĩa là khi một người sử dụng hàng hóa đó, họ không làm giảm quy mô sử dụng của người khác.

Nhìn chung vì kinh doanh hàng hóa công khó thu được lợi nhuận, tư nhân khó tham gia, thông thường chỉ có nhà nước - với vai trò quyền lực điều tiết - đứng ra sản xuất và cung ứng.

Thực tế vẫn có những tranh cãi liên quan đến việc có nên xem vaccine là hàng hóa công hay không. 

Rõ ràng, không giống hàng hóa công thuần túy (chẳng hạn như ánh sáng mặt trời, vốn tồn tại mà không có sự can thiệp của con người), việc cung cấp các loại thuốc và vaccine cần có kế hoạch và tài chính bền vững. 

Các tập đoàn dược phẩm cũng tốn nhiều chi phí cho công đoạn nghiên cứu, thử nghiệm và nên được thụ hưởng lợi ích từ công sức bỏ ra.

Nhưng trong một số trường hợp khẩn cấp nguy hại như COVID-19, sẽ cần một cơ chế linh động hơn trong việc cân bằng giữa lợi ích của nhà sản xuất và quyền được tiếp cận vaccine rộng rãi của dân chúng. 

Điều đáng mừng là hiện nhiều các quốc gia và tổ chức quốc tế đạt được sự đồng thuận về việc coi vaccine như, hoặc gần như, một hàng hóa công. 

Cơ chế COVAX - sáng kiến của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) để đảm bảo quyền được tiếp cận vaccine rộng rãi cho các nước nghèo - là trên cơ sở đó. Một loạt các nước lớn và có nguồn lực dồi dào như Mỹ, Anh, Nhật Bản, Trung Quốc... cũng tuyên bố và thực thi việc viện trợ vaccine miễn phí.

Thực tế, việc đẩy lùi virus corona càng sớm càng tốt sẽ mang lại lợi ích cho tất cả các quốc gia, dù giàu hay nghèo. 

Nếu chỉ tiêm chủng cho một lượng dân số nhất định trong khi vẫn để các quốc gia khác bùng phát dịch bệnh, virus có thể tiếp tục phát triển, đột biến và trở nên kháng các loại vaccine hiện tại, thì hậu quả sẽ không khu biệt ở bất kỳ quốc gia đơn lẻ nào.

Tổ chức tư vấn RAND đã thực hiện một nghiên cứu vạch ra những lợi ích kinh tế tiềm năng liên quan đến việc tiếp cận bình đẳng và toàn cầu đối với vaccine COVID-19. 

Theo đó, Hoa Kỳ, Anh, EU và các quốc gia có thu nhập cao khác có thể mất khoảng 119 tỉ đôla mỗi năm nếu từ chối cung cấp vaccine cho các nước nghèo. 

Nếu các quốc gia có thu nhập cao này trả tiền cho việc cung cấp vaccine thì tỉ lệ lợi ích trên chi phí với họ có thể lên tới 4,8 trên 1 - có nghĩa là cứ mỗi 1 đôla chi tiêu cho hỗ trợ vaccine, các nước thu nhập cao sẽ nhận lại khoảng 4,8 đôla!

Đó là ở tầm quốc tế. Ở mức quốc gia tình hình cũng không khác. 

Trở lại với trường hợp Việt Nam, lợi ích từ việc cung cấp vaccine miễn phí cho toàn bộ người dân không chỉ là vấn đề chính trị, đó còn là bước đi đúng đắn về mặt kinh tế, giúp tiến tới trạng thái miễn dịch cộng đồng và tạo lớp phòng thủ vững chắc cho sự tăng trưởng của quốc gia.

Thực tế thì từ trong lĩnh vực tiêm chủng nói chung, Việt Nam cũng đã xếp một số dòng vaccine vào loại hàng hóa công mà xã hội được thụ hưởng miễn phí, như chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ em. 

Điều này đã giúp đẩy lùi nhiều căn bệnh thế kỷ như bại liệt, sởi, viêm não Nhật Bản..., với những lợi ích phải nói là không thể tưởng tượng được.

Nghiên cứu “Ba mươi năm tiêm chủng ở Việt Nam: Tác động và chi hiệu quả chi phí của chương trình tiêm chủng mở rộng” (2015) đăng trên trang thư viện của Viện Y khoa Hoa Kỳ cho thấy chương trình đã giúp ngăn chặn 5,7 triệu ca bệnh và 26.000 ca tử vong. 

Về mặt kinh tế, điều này tương đương khoản chi phí tiết kiệm được có thể lên tới 702 triệu đôla riêng cho các ca tử vong. Những con số đó tất nhiên chỉ để hình dung và thảo luận, các lợi ích vô hình như một thế hệ trẻ khỏe mạnh hơn hay phúc lợi gia đình và xã hội gia tăng có thể nói là vô giá.

Về vaccine COVID-19, nếu có thể đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng, nền kinh tế sẽ có cơ hội phục hồi về trạng thái trước đại dịch nhanh hơn, đồng thời góp phần ổn định tâm lý cho các doanh nghiệp. 

Báo chí nước ngoài mới đây đã lên tiếng cảnh báo về khả năng các chuỗi cung ứng có thể quay lại Trung Quốc nếu tình hình đại dịch gia tăng đột biến ở Ấn Độ và Việt Nam không sớm được kiểm soát.

Trong bối cảnh nhiều nước phát triển đã triển khai việc tiêm vaccine với 45 - 50% dân số và chuẩn bị khởi động lại các hoạt động kinh tế bình thường, Việt Nam cũng phải tính toán để theo kịp chu kỳ đó. 

Chỉ khi dịch bệnh được kiểm soát, các địa phương mới có thể thu hút không chỉ đầu tư nội tỉnh mà cả đầu tư từ các địa phương khác cũng như quốc tế. 

Thực tế là các vùng kinh tế trọng điểm của Việt Nam hiện vẫn thu hút được nhiều sự quan tâm của giới đầu tư quốc tế và một ngày dịch bệnh kéo dài là một ngày cơ hội đó bị bỏ qua.

Theo ông Nguyễn Xuân Thành - chuyên gia kinh tế thuộc Đại học Fulbright, Việt Nam nên tăng tốc nhập vaccine. Nhà nước phải sẵn sàng nguồn lực tài chính, chấp nhận mua vaccine với giá bằng hoặc cao hơn giá trung bình trên thị trường quốc tế. 

“Đàm phán mua giá cao đúng thời điểm này, Việt Nam sẽ có vaccine sớm. Chi phí mua vaccine dù rất lớn nhưng vẫn nhỏ hơn so với thiệt hại về kinh tế nếu để dịch bệnh bùng phát” - ông Nguyễn Xuân Thành nói.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận