“Vạch mặt” chân dung bị Photoshop

TRÚC ANH 18/11/2019 23:11 GMT+7

TTCT - Trong thời buổi chân - giả lẫn lộn như hiện nay, trước khi tin bất kỳ hình ảnh nào được chia sẻ trên mạng, ta nên hỏi: “Ảnh này là thật hay photoshop?”. Hãng Adobe, cha đẻ của phần mềm Photoshop, vừa thử nghiệm một công cụ trả lời được câu hỏi trên chỉ bằng một cú click chuột.

Công cụ của Adobe phát hiện được các điểm bị chỉnh sửa trên ảnh gốc (trái) và suy đoán được hình gốc ban đầu (phải). Ảnh: Adobe
Công cụ của Adobe phát hiện được các điểm bị chỉnh sửa trên ảnh gốc (trái) và suy đoán được hình gốc ban đầu (phải). Ảnh: Adobe

Công cụ của Adobe được đặt tên là About Face, một phần vì mới chỉ có thể phân tích ảnh chân dung xem gương mặt (face) có bị chỉnh sửa hay không, phần khác cũng là lối chơi chữ vì cụm từ này trong tiếng Anh có nghĩa là “trở mặt, thay đổi 180 độ” (còn một nghĩa khác là khẩu lệnh “đằng sau quay” trong quân đội).

Tính năng là để “vạch mặt” nhưng lại đặt tên là “trở mặt”, cứ như thể hãng phần mềm Mỹ này đang sám hối, rằng xưa nay ta làm phần mềm cho thiên hạ “tút” hình ảnh, thôi thì phải “quay đầu là bờ”, tặng bá tánh công cụ phát hiện ảnh giả để gọi là có chút trách nhiệm.

Trong video minh họa do Adobe công bố trên YouTube, About Face sẽ dùng trí tuệ nhân tạo (AI) phân tích bức ảnh chân dung được tải lên và xác định khả năng nó bị can thiệp bằng Photoshop là bao nhiêu phần trăm.

Chẳng hạn, nếu ta chỉ dùng Photoshop xóa chút tàn nhang, About Face sẽ cho kết quả bức ảnh có xác suất bị chỉnh sửa chỉ là 0,02%. Còn nếu ta “tút” quá tay, để trán cao hơn, mũi thon hơn, mắt to hơn, phần mềm sẽ hiện ngay dấu cảnh báo đỏ chót, với dòng chữ cũng đỏ nốt: “Ảnh bị chỉnh sửa với xác suất 100%”.

Đáng kinh ngạc hơn, About Face còn có nút Undo (phục hồi), chỉ cần click chuột vào là bức ảnh vừa bị About Face đánh giá là “100% đã bị chỉnh sửa” biến ngược trở lại thành bản gốc. Điều này có nghĩa AI của About Face không chỉ phát hiện được ảnh bị sửa, mà còn có khả năng suy đoán ảnh gốc là như thế nào và chỉnh sửa bức ảnh đã bị chỉnh sửa, hòng khôi phục nguyên bản.

Trong phần mềm Photoshop có công cụ Liquify rất hữu ích cho việc chỉnh sửa ảnh chân dung, bởi nó giúp việc chỉnh sửa các phần trên gương mặt dễ dàng (phóng to mắt, kéo mép để miệng từ mếu thành cười). Adobe cho biết About Face được phát triển để tìm các chỉnh sửa bằng công cụ Liquify và “trả lại nguyên trạng”.

Nhìn sâu về mặt kỹ thuật, About Face của Photoshop không phân tích bức ảnh chân dung cần kiểm tra theo tổng thể, mà kiểm tra từng pixel (điểm ảnh), xem pixel nào không còn là nguyên bản mà đã bị can thiệp như kéo giãn, thu hẹp bằng Liquify.

Một bức ảnh trong đời thực dù bị chỉnh sửa, can thiệp kiểu gì thì cũng để lại dấu vết, không nhìn thấy được bằng mắt thường thì dùng kính hiển vi, hoặc các nghiệp vụ “pháp y” (forensic). Với hình ảnh chỉnh sửa bằng phần mềm cũng vậy, có thể để lại các dấu vết như các phần trên ảnh bị xóa, nhân bản hoặc cắt, dán.

Các nhân viên “pháp y máy tính” có thể kiểm tra ảnh như vậy, và Adobe hồi tháng 6 năm ngoái cho biết đang nghiên cứu để AI có thể thay con người làm việc này. About Face là công trình thứ hai cho thấy hãng phần mềm vốn bị xem là kẻ tiếp tay cho việc chỉnh sửa ảnh giả này thật sự có quan tâm đến công nghệ phát hiện ảnh bị chỉnh sửa.

About Face là một trong các công cụ được Adobe tung ra tại Adobe Max - sự kiện bán thường niên nơi các kỹ sư của hãng trình diễn các sản phẩm thử nghiệm - hồi đầu tháng 11. Nhiều sản phẩm, tính năng được công bố trong dịp này đã từng được Adobe hiện thực hóa, cung cấp cho công chúng.

Các kỹ sư Adobe kỳ vọng từ bước đầu tiên là phát hiện ảnh chân dung bị chỉnh sửa, công nghệ sẽ ngày càng hoàn thiện để nhận dạng được hình ảnh bị chỉnh sửa phức tạp hơn, cung cấp một công cụ mạnh mẽ để chống tin tức giả.

Nhưng biết đâu công cụ About Face lại được sử dụng cho một mục đích hoàn toàn khác. Một bình luận dưới video trình diễn About Face trên YouTube hóm hỉnh đùa rằng, công cụ này mà được phổ biến cho ai cũng dùng được thì hết thời cho các anh chàng, cô nàng đăng ảnh ảo diệu trên mạng.

Ta nghi ngờ cô này không đẹp lung linh như hình Facebook thì cứ thử tải ảnh về và hỏi phần mềm. Giả sử About Face bảo ảnh này có khả năng 100% đã bị chỉnh sửa, lúc đó câu hỏi quan trọng là ta có dám bấm “Undo” để xem mặt thật là thế nào hay không.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận