Vẫn có nơi coi báo cáo giám sát của Quốc hội chưa "thiêng"

VÕ VĂN THÀNH THỰC HIỆN 30/10/2010 13:10 GMT+7

TTCT - Từ kỳ họp “áp chót” để nhìn lại các kỳ họp vừa qua của Quốc hội (QH) khóa XII, viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của QH Đinh Xuân Thảo cho rằng nhiệm kỳ QH lần này đã để lại nhiều dấu ấn cả trong lĩnh vực lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Tuy nhiên, vẫn còn không ít vấn đề có thể làm tốt hơn.

Ông Đinh Xuân Thảo nói: “Trước đây thường có ý kiến cho rằng hoạt động giám sát của QH còn hình thức, chưa hiệu quả. Nhưng những năm gần đây, nhất là sau khi có Luật hoạt động giám sát của QH (2003), hoạt động giám sát của QH đã ngày càng thu hút được sự quan tâm của đông đảo cử tri”.

* Điều gì cho thấy những nỗ lực và hiệu quả ấy trong hoạt động giám sát của QH, thưa ông?

Đầu năm 2010, QH đã giám sát tối cao về chất lượng giáo dục đại học. Qua thảo luận, có nhiều ý kiến đề nghị giám sát cả về giáo dục dạy nghề, các trường có yếu tố nước ngoài, xã hội hóa và tự chủ trong giáo dục đại học... Nhưng, Ủy ban Thường vụ QH đề nghị nên tập trung vào vấn đề bức xúc nhất hiện nay là việc thành lập trường và chất lượng đào tạo bậc đại học. Với cách chọn vấn đề giám sát có trọng tâm như thế, kết quả giám sát đã được các vị đại biểu QH thảo luận kỹ, được xã hội quan tâm và chắc chắn những kiến nghị từ cuộc giám sát này sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện chất lượng giáo dục đại học, tránh tình trạng thành lập trường tràn lan như vừa qua.

- Trước hết là việc lựa chọn vấn đề giám sát. Nhìn vào những vấn đề được Ủy ban Thường vụ QH trình QH quyết định đưa vào chương trình giám sát hằng năm, sẽ thấy đây đều là những vấn đề nổi cộm, nhiều vấn đề phức tạp, như việc sử dụng vốn, tài sản tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; chất lượng giáo dục đại học; vệ sinh an toàn thực phẩm; cải cách thủ tục hành chính... Chọn đúng vấn đề giám sát mà đông đảo cử tri đang bức xúc đã là thành công bước đầu của công tác giám sát. Mỗi năm, các cơ quan của QH tiến hành trên dưới 20 cuộc giám sát khác nhau.

Có những vấn đề mà QH giám sát liên tục qua nhiều nhiệm kỳ, ví dụ như dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Đây là công trình duy nhất từ trước đến nay mà QH ban hành tới hai nghị quyết. Sau nghị quyết đầu tiên (năm 1997), công trình này chậm trễ trong nhiều năm liền, gây lãng phí lớn về kinh tế, làm giảm hiệu quả đầu tư, ảnh hưởng không tốt đến lòng tin của nhân dân.

Qua giám sát, QH nhìn thấy vấn đề và đã ra nghị quyết thứ hai (năm 2005) với yêu cầu cụ thể: “Chính phủ chỉ đạo kiên quyết để hoàn thành việc xây dựng Nhà máy lọc dầu số 1 Dung Quất trong năm 2008, đưa nhà máy vào sản xuất trong năm 2009”. Với yêu cầu này, dự án đã vào tiến độ và có những sản phẩm đầu tiên như chúng ta đã biết. Đến khóa XII, QH tiếp tục giám sát dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất và ngay tại kỳ họp thứ 8, đại biểu QH đã yêu cầu Chính phủ có báo cáo tổng kết công trình trọng điểm quốc gia này để có đánh giá tổng thể về hiệu quả của dự án.

* Nhưng vẫn không ít ý kiến cho rằng QH “giám mà chưa sát”?

- Đúng là nhận thức của các cấp, ngành về hoạt động giám sát của QH chưa đồng đều. Có nơi coi trọng hoạt động kiểm tra, thanh tra, kiểm toán và nhìn nhận về giám sát của QH nhẹ hơn. Khi đoàn thanh tra đến thì lo lắng chuẩn bị báo cáo, nhưng đoàn giám sát của QH đến thì lại không được như vậy. Cũng có ý kiến nói báo cáo giám sát của QH không “thiêng” như kết luận của thanh tra, kiểm toán. Ở đây đặt ra hai vấn đề: một mặt phải tiếp tục thông tin về vai trò giám sát của QH, một mặt phải hoàn thiện hành lang pháp lý, nâng cao hiệu lực giám sát cũng như các kiến nghị sau giám sát của QH. Vụ Vinashin chẳng hạn, qua giám sát, Ủy ban Kinh tế của QH đã có cảnh báo nhiều năm rồi, nhưng cơ quan có trách nhiệm đến đâu phải lắng nghe và thực hiện đến đâu vẫn cần có quy định rõ trong pháp luật.

* Trong vụ Vinashin, QH đã tổ chức giám sát tối cao về việc sử dụng vốn và tài sản của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, nhưng có ý kiến cho rằng kiến nghị liên quan đến Vinashin chưa đúng với thực trạng của tập đoàn này?

- Như ông tổng Thanh tra Chính phủ nói, mỗi đoàn công tác đi vào doanh nghiệp cũng chỉ đề cập một khía cạnh nhất định, ví dụ Bộ Nội vụ thanh tra về tổ chức, con người, về vốn liếng thì Bộ Tài chính. QH giám sát việc tuân theo pháp luật, mà nhiều người cho rằng lĩnh vực hoạt động của tập đoàn kinh tế chưa có luật nào quy định cụ thể. Mô hình tập đoàn đang thí điểm, nếu đi sâu vào thì phải là kiểm toán, thanh tra... Tất nhiên qua giám sát cũng nhận thấy có những vấn đề không hiệu quả, có phản ảnh mô hình tập đoàn như là một “siêu bộ” không chịu sự quản lý của bộ chuyên ngành, đây đều là những vấn đề cần chấn chỉnh.

* Nhiều cử tri cho rằng gần đây QH đã “khó tính” hơn, ví dụ dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - TP.HCM, khi tờ trình của Chính phủ chưa thật sự thuyết phục, nhiều đại biểu đã có ý kiến và QH đã không thông qua dự án trong kỳ họp QH vừa qua?

- Đánh giá của cử tri như vậy là tích cực. Chúng ta đang xây dựng một QH ngày càng thực quyền hơn. Quyết định của đại biểu QH xuất phát từ tâm tư, nguyện vọng của cử tri, thấy được trách nhiệm của mình đối với cử tri và đất nước để đi đến lựa chọn việc bấm nút trên nghị trường. Theo tôi nghĩ, ở đây tất cả đều vì cái chung, chứ hoàn toàn không có chuyện đối lập giữa QH với Chính phủ.

* Ông nghĩ sao về việc nhiều vấn đề không có trong chương trình nghị sự kỳ họp này như vụ Vinashin, khai thác bôxit ở Tây nguyên, nhưng từ sự quan tâm của cử tri, nhiều đại biểu QH vẫn phát biểu về vấn đề đó tại nghị trường?

- QH mỗi năm chỉ họp hai kỳ, phải tập trung vào những công việc trọng tâm theo đúng chương trình nghị sự. Tuy nhiên khi có những vấn đề nổi lên, cử tri tin tưởng gửi gắm thì đại biểu QH sẽ căn cứ vào chương trình nghị sự để phát biểu thích hợp, ví dụ tại các phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội của đất nước.

Thật ra việc khai thác bôxit ở Tây nguyên đã được đề cập ở các kỳ họp trước đây, đại biểu QH cũng đã chất vấn và Chính phủ, bộ trưởng các bộ có liên quan đã trả lời, giải trình trước QH. Nhưng qua thảm họa bùn đỏ ở Hungary, liên hệ thực tế ở nước ta về trình độ kỹ thuật, công nghệ, ý thức con người còn hạn chế, ngay như làm đường còn có hiện tượng lún, sụt... nên những quan tâm của cử tri cũng như lên tiếng của đại biểu QH là rất chính đáng.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận