Vấn đề Biển Đen

DU LONG 09/02/2022 08:02 GMT+7

TTCT - Trên bề nổi, những cuộc tập trận của Nga từ sát biên giới phía đông Ukraine sang Belarus tạo cảm giác cuộc chiến tranh, nếu phải xảy ra, sẽ là trên bộ. Song thực tế là nhiều khả năng phát súng đầu tiên, nếu nổ, sẽ là trên biển.

Câu hỏi then chốt ở đây là biển Đen sẽ thế nào nếu quả thật tình hình Ukraine đi tới đụng tay chân? Nhìn vào bản đồ sẽ thấy, ngược chiều kim đồng hồ, Thổ Nhĩ Kỳ chắn hết quãng bao quanh biển Đen ở phía nam, rồi tới Gruzia, Nga, Ukraine, Romania và Bulgaria. 

Biển Đen và các nước xung quanh. Ảnh: Wikipedia

 

Biển Đen chỉ có một lối ra duy nhất xuống Địa Trung Hải là eo biển Bosphorus, mà thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ án ngữ. Cho tới nay, hải quân các nước không phải ven biển muốn ra vào eo biển Bosphorus này đều phải chấp hành Công ước Montreux năm 1936.

Công ước đại ý quy định các quốc gia không ở ven biển Đen chỉ có thể qua eo Bosphorus bằng tàu chiến mặt nước hạng nhẹ, tàu chiến đấu nhỏ và tàu phụ trợ, cấm các tàu có trọng tải lớn hơn 10.000 tấn, tàu trang bị từ một khẩu pháo có cỡ nòng lớn hơn 203mm trở lên, tàu sân bay và tàu ngầm. 

Trong mọi trường hợp, tàu chiến quá cảnh không được sử dụng máy bay mang theo. 

Với các nước ven biển thì tàu chiến của họ được phép đi qua eo biển với điều kiện đi từng chiếc và được hộ tống bởi không quá hai tàu phóng lôi nếu chúng có trọng tải lớn hơn 15.000 tấn. 

Với các tàu ngầm tự chế tạo hoặc mua bên ngoài biển Đen thì phải thông báo cho Thổ Nhĩ Kỳ trong thời gian thích hợp nhất và di chuyển nổi vào ban ngày. Các hàng không mẫu hạm vẫn bị cấm đi qua eo biển, với cả các nước ven biển.

Thành ra suốt Chiến tranh lạnh, việc lối ra duy nhất của Hạm đội biển Đen, một trong bốn hạm đội của Liên Xô, bị Thổ Nhĩ Kỳ, vốn là thành viên NATO từ 1952, kiểm soát, đã làm tăng thêm cảm giác bị bao vây của Liên Xô. 

Cảm giác đó cũng có thể là cảm giác mà nay ông Putin đang muốn thoát ra khi nhìn đâu cũng thấy bị NATO vây hãm hay chĩa tên lửa vào.

Đó là lý do thúc giục Nga chủ động hiện đại hóa hải quân trên biển Đen kể từ năm 2014 với mục tiêu là hình thành một lực lượng hải chiến cao cấp có thể ra đến tận Địa Trung Hải. 

Kế hoạch này có kinh phí trên 2 tỉ USD, nhằm tạo ra một lực lượng hải quân biển Đen thượng hạng vào năm 2020 bao gồm 30 tàu đủ loại, tức có thể sẽ phớt lờ Công ước Montreux.

Từ 2016, ông Erdogan đã phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Warsaw: “Sự vắng mặt của NATO ở biển Đen sẽ khiến biển này trông giống như một hồ nước của Nga”. 

Tổng kết năm 2021, Hải quân Mỹ phái đến đây 12 lượt tàu chiến, trải qua 182 ngày hải hành tập thể, ít hơn 7 năm trước 15%. Đây là một xu hướng mà, theo tờ Stars & Stripes của quân lực Mỹ ngày 28-1, bắt đầu từ khi Nga chiếm Crimea cách đây gần 8 năm.

Trong khi đó, Hạm đội biển Đen của Nga hiện gồm đến 49 tàu chiến và 7 tàu ngầm, trong đó có 6 tàu ngầm diesel đề án 636.3 (tức Kilo cải tiến), 3 khinh hạm lớp Đô đốc Grigorovich, 1 tàu hộ tống lớp Buyan-M và 3 tàu tuần tra đề án 22160; tất cả được chuyển giao từ năm 2015 đến năm 2020, đều có khả năng triển khai tên lửa hành trình tấn công Kalibr. 

Các khinh hạm Đô đốc Grigorovich được cho là mang tên lửa siêu thanh Tsirkon, triển khai cụ thể chưa rõ (Naval News 30-1). Cần nhắc, Hải quân Ukraine hiện chỉ còn khoảng 15 tàu các loại.

Ngoài ra, nhằm tăng cường lực lượng ở Địa Trung Hải, hôm 6-2 tuần dương hạm lớp Slava mang tên Thống chế Ustinov (055) của Nga, vốn là soái hạm của Hạm đội Phương Bắc, mấy ngày trước còn lai vãng eo biển Manche, đã qua eo biển Gibraltar để vô Địa Trung Hải. 

Cùng ngày, chiếc Varyag, cũng lớp tuần dương hạm Slava, vốn thuộc Hạm đội Thái Bình Dương, đã đi qua kênh đào Suez vào đầu tháng 2 để vô Địa Trung Hải (Naval News 7-2). Có lẽ các chiếc này được điều động để tăng cường phòng thủ cảng Tartus ở Syria.

Đáp lại, cũng ngày 6-2, NATO tổ chức diễn tập bao gồm một lúc ba nhóm tàu sân bay Harry S. Truman của Mỹ, Charles de Gaulle của Pháp, và Cavour của Ý, kèm theo tổng cộng khoảng hai tá tàu chiến và hơn 100 máy bay F-15B và Rafale. 

Trong khi đó, hôm 2-2 nhóm tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh, sau khi hoàn tất chuyến hải hành Ấn Độ - Thái Bình Dương, đã về lại cảng Portsmouth, vừa kịp để chuẩn bị nghênh tiếp một hải đội Nga đang thao diễn ngoài khơi Ireland sau khi đã đi qua eo biển Manche.

Với bấy nhiêu máy bay và tàu chiến, chiến tranh, nếu bùng nổ, sẽ đích thực là một Thế chiến III tàn khốc không thể tưởng tượng nổi!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận