Ai muốn làm Độc Cô Cầu Bại?

DANH ĐỨC 14/09/2021 17:00 GMT+7

TTCT - Thứ tư 1-9 tuần rồi, chiếu theo Luật an toàn giao thông hàng hải mới sửa đổi của Trung Quốc, các tàu “nước ngoài” khi vô “lãnh hải” nước này ở Nam Hải (tức Biển Đông) phải khai báo. Tiếp theo Luật hải cảnh có hiệu lực từ đầu tháng 2, luật mới này của Trung Quốc là một áp đặt nữa với cả thiên hạ.

Lý do khiến các nước phản ứng mạnh mẽ là điều 2 của luật mới sửa đổi, thông qua từ hôm 29-4 ở Ủy ban Thường vụ quốc dân đại hội Trung Quốc, đã mở rộng quá sức tưởng tượng phạm vi áp dụng luật từ “vùng biển ven bờ” (như được nêu trong đạo luật cùng nội dung năm 1983 và được sửa đổi năm 2016) thành “các vùng biển thuộc quyền tài phán của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa”.

 
 Cuộc tập trận thường niên của hải quân hai nước Ấn Độ và Singapore năm nay diễn ra ở phía nam Biển Đông từ ngày 2 tới 4-9. -Ảnh: The Hindu

 Của chung và của riêng 

Thật vậy, nếu như trong Luật an toàn giao thông hàng hải của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa năm 1983, điều 2 còn trung thực ghi: “Luật này sẽ áp dụng với tất cả các tàu thuyền, cơ sở lắp đặt và nhân viên cũng như chủ sở hữu và người quản lý các tàu và cơ sở đó di chuyển, cập bến hoặc hoạt động trong vùng biển ven biển Cộng hòa nhân dân Trung Hoa”, thì trong đạo luật mới sửa đổi năm nay, cụm từ “vùng biển ven bờ” đã được “hóa phép” thành “các vùng biển thuộc quyền tài phán của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa”, tức “lãnh hải” Trung Quốc sẽ không chỉ còn là ven bờ, 12 hải lý tính từ đường cơ sở ra biển như trước nữa mà có thể là xa tít ngàn khơi.

Giáo sư Raul Pete Pedrozo của Trung tâm Luật quốc tế Stockton, trong nghiên cứu về đạo luật này đăng trên tạp chí chuyên ngành International Law Studies số 956 (2021), đã chỉ ra rằng thuật ngữ “các vùng biển thuộc quyền tài phán của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa” không được định nghĩa trong luật và “mơ hồ có chủ đích”. 

“Chủ đích” đó là gì? Giáo sư Pedrozo giải thích: “Việc ban hành các luật lệ mập mờ và không chính xác cho phép Trung Quốc thay đổi quan điểm của họ về khả năng áp dụng luật dựa trên hoàn cảnh vào mọi thời điểm”. 

Nôm na mà nói, khi tự tuyên định rằng luật này có phạm vi áp dụng trong “các vùng biển thuộc quyền tài phán của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa”, Trung Quốc muốn “thả nổi” phạm vi áp dụng luật tùy thích. 

Nếu chọn thời điểm là năm 2021 này, thì cách hiểu của Trung Quốc về “vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc” có thể là vùng biển nằm trong đường 9 đoạn phi pháp trên Biển Đông, có thể là bồn trũng Okinawa trên biển Hoa Đông (tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản), thậm chí còn vượt qua khỏi đá ngầm Socotra trên Hoàng Hải (tranh chấp giữa Trung Quốc và Hàn Quốc), giáo sư Pedrozo nêu một số thí dụ. 

Còn nếu tới một thời điểm nào khác thì cái “lãnh hải” đó sẽ dãn ra theo sự mở rộng tầm với của Bắc Kinh. 

Lấy thí dụ năm 2041 hay 2051, giả tỉ lúc đó Trung Quốc đã “làm chủ” đâu đó ở Bắc Cực, thì cái “vùng biển thuộc quyền tài phán” kia sẽ tự động dời lên tận trên đó, nơi mà tự cổ chí kim người Trung Quốc chưa từng đặt chân đến! 

Lúc đó, chiếu theo điều 2 nêu trên, tàu bè các nước, cho dù là của các nước sát bên Bắc Cực, cũng sẽ phải khai báo với Cục Hải sự Trung Quốc khi muốn đi lại ở đấy!

Cái phi lý của luật sửa đổi năm nay còn rõ rệt hơn do lẽ vào năm 1983, khi luật này lần đầu tiên ra đời, lãnh hải Trung Quốc mới loanh quanh 12 hải lý tính từ đường cơ sở (nôm na gọi là 12 hải lý cách bờ biển), chớ nào đã “trườn ra” tới các hòn đảo ở Trường Sa như từ sau năm 1988! 

Sự “giãn nở” từ “các vùng biển ven bờ” của đạo luật năm 1983 thành “vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc” của đạo luật năm 2021 chính là điều phi lý và phi pháp cơ bản: muốn kẻ vẽ lãnh hải tới đâu tùy thích.

Từ những lấn chiếm và tự tuyên định trong đường 9 đoạn đó, luật mới này khác hẳn luật năm 1983. Trong khi luật 2021 khống chế tận các vùng biển xa xôi, thì luật 1983 chỉ đóng khung lãnh hải của Trung Quốc trong phạm vi 12 hải lý ven bờ mà thôi. 

Trong luật năm 1983 đó, làm gì đã có chuyện cấm đoán, xét giấy và xử lý như bây giờ tại những vùng biển xa tít mù khơi như Trường Sa.

Giáo sư Pedrozo gọi đây là một minh chứng khác cho thấy Bắc Kinh hoàn toàn coi thường các nghĩa vụ pháp lý quốc tế của mình, và rằng việc sửa đổi luật như thế là tiền lệ nguy hiểm có thể dẫn tới việc phá vỡ trật tự quốc tế dựa trên luật pháp. 

Giáo sư Pedrozo đặc biệt nhấn mạnh đến ý nghĩa của luật pháp quốc tế là nhằm đảm bảo cho tất cả các quốc gia được sử dụng an toàn và hiệu quả các đại dương mà không bị gây trở ngại không thích đáng.

Một trong những lý do quan trọng của sự biến dạng này là sự “nổi lên” của hải quân Trung Quốc. Năm 1983, Bắc Kinh còn an phận thủ thường với một “hải quân nước nâu” (“brown water navy”), ý chỉ chạy loanh quanh gần bờ, vùng các cửa sông, chứ chưa ra tới đại dương “nước xanh”. 

Vì thế, luật năm đó vẫn còn khiêm tốn tuân thủ đúng luật pháp quốc tế với những điều khoản như thật bình thường và phổ quát toàn cầu. 

Nay, khi hải quân Trung Quốc đã lớn mạnh và vươn xa, thì Trung Quốc tự ý đặt ra những “cấm chỉ” và những yêu sách mới, nhất là từ cái gọi là đường 9 đoạn mà Tòa trọng tài thường trực đã bác bỏ hôm 12-7-2016.

Chỉ để tranh luận, ngay cả nếu nói các vùng biển này là trong vùng đặc quyền kinh tế nên Trung Quốc có quyền “ra lệnh”, thì vẫn không đúng chút nào so với điều 74 và 83 của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) mà Trung Quốc là thành viên. 

Do lẽ điều 74 yêu cầu rằng trong khi phân định các vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn, các bên không thực hiện hành động “gây khó khăn hoặc cản trở việc đạt được thỏa thuận cuối cùng”. 

Cũng thế, điều 83 yêu cầu thêm rằng trong khi chờ xử lý thỏa thuận, các bên sẽ không thực hiện hành động có thể gây nguy hiểm hoặc cản trở việc đạt được thỏa thuận cuối cùng. 

Trong khi đó, luật mới của Trung Quốc đầy rẫy cấm đoán và cưỡng ép phi lý và phi pháp. Giáo sư Pedrozo nhấn mạnh: “Ngoài lãnh hải, không một quốc gia nào có thể quy định bất kỳ phần nào trên biển cả, kể cả vùng EEZ là thuộc chủ quyền của mình”.

Thiên hạ phản ứng

Do thấy luật này là phi lý và phi pháp, chiếu theo UNCLOS, nên ngay cả một tờ báo của Hong Kong nay đã bị Trung Quốc kiểm soát rất chặt là South China Morning Post cũng đã nhận xét trong một bài viết đăng hôm 1-9: “Yêu cầu mới đối với các tàu nước ngoài khi đi vào vùng biển Trung Quốc phải báo cáo thông tin về tàu và hàng hóa có thể khó được thực thi, các nhà quan sát nhận định". 

"Họ dự đoán rằng các quốc gia tranh chấp với Trung Quốc hoặc thách thức các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc có thể sẽ bất chấp luật này. Không rõ nhà chức trách hàng hải của Trung Quốc sẽ thực thi luật mới này như thế nào”. 

Tờ SCMP không quên nhắc lại lịch sử, dù là lịch sử gần: “Một kết cuộc như vậy sẽ lặp lại chuyện Trung Quốc công bố vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở biển Hoa Đông vào năm 2013. Điều này đã gây ra phản ứng dữ dội từ các quốc gia bao gồm cả Nhật Bản và Mỹ”.

Cùng ngày, một tờ báo khác của Hong Kong, Asia Times, cũng góp vài ý kiến. Nổi bật là chuyện thực thi luật này như thế nào một khi có tàu nước ngoài không chịu khai báo trong bối cảnh như sau: Theo UNCLOS, lãnh hải được định nghĩa là vùng biển 12 hải lý (22,2km) kéo dài từ lãnh thổ trên cạn, với “quyền đi lại vô hại” dành cho tàu thuyền qua đó, miễn sao không đe dọa đến an ninh của quốc gia ven biển.

Tờ Asia Times mượn lời của một viên chức thuộc Viện Nghiên cứu quân sự và nghiên cứu chiến lược Đài Loan để giải thích vấn đề. 

Theo vị này, chuyện là do Trung Quốc đã định nghĩa “lãnh hải” quá rộng, bao gồm “nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa”..., tất cả đều thuộc quyền tài phán của họ. 

Câu chuyện thêm phần phức tạp khi luật mới tiếp theo Luật hải cảnh, mà chương VI luật đó quy định các quan chức hải cảnh Trung Quốc có thể sử dụng vũ khí cầm tay nếu một tàu nước ngoài “bất hợp pháp” vào vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền và từ chối dừng lại sau đã được ra chỉ thị. 

Hơn nữa, hải cảnh có thể sử dụng vũ khí trên không nếu như tàu hoặc máy bay của Trung Quốc bị tấn công.

Asia Times đặt ngay vấn đề: “Không rõ liệu luật mới sẽ được thực thi mạnh mẽ đến mức nào, rộng rãi tới đâu, và nếu có thì trên phạm vi địa lý rộng cỡ nào”. 

Tờ Asia Times cũng không quên nhắc lại “điệp khúc” quen thuộc: “Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông theo đường 9 đoạn, một yêu sách đã bị Tòa Trọng tài tại The Hague bác bỏ vào tháng 7-2016”, và chú giải: “Bất chấp những tuyên bố đó, Trung Quốc đã không tấn công bất kỳ tàu hải quân Mỹ nào thường xuyên đi vào vùng biển đang tranh chấp nhân danh “tự do hàng hải””.

Nhắc đến Mỹ là phải do lẽ nội dung đặc biệt của luật mới là danh mục các tàu nhất thiết phải khai báo, được nêu trong điều 54 gồm: (1) tàu ngầm; (2) tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân; (3) tàu chở chất phóng xạ hoặc các chất độc hại khác; (4) các tàu khác có thể gây nguy hiểm cho an toàn giao thông hàng hải của Trung Quốc. 

Trên thế giới, hiện các loại tàu (1) và (2) hay lui tới khu vực này chủ yếu là của Mỹ, Nhật, Úc, Ấn Độ, Anh... Thành ra, có thể hiểu đối tượng chính của luật này là tàu hải quân các nước đó, mà “đầu têu” là Hoa Kỳ.

SCMP 2-9 loan tin tiếp về vụ này với phản ứng của người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ, bác bỏ yêu cầu đăng ký và khai báo của Bắc Kinh, gọi đây là “mối đe dọa nghiêm trọng với tự do hàng hải và thương mại” và cảnh báo: “Hoa Kỳ vẫn kiên quyết rằng bất kỳ luật hoặc quy định nào của quốc gia ven biển không được vi phạm các quyền hàng hải và hàng không mà tất cả các quốc gia được hưởng theo luật pháp quốc tế”.

Tờ Financial Review của Úc 1-9 cho biết hai bộ trưởng quốc phòng Úc và Pháp vừa họp trong khuôn khổ các cuộc họp 2+2 giữa bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng hai nước kết thúc bằng một thông cáo chung bày tỏ sự phản đối các “hành động gây bất ổn định và o ép” trên Biển Đông, đồng thời loan báo những chuyến hải hành hỗn hợp qua vùng biển này.

Trong khoảng thời gian bắt đầu luật mới, hải quân Ấn Độ và Singapore diễn tập với nhau từ ngày 2 đến 4-9. Ấn Độ cử tới tàu khu trục tên lửa dẫn đường INS Ranvijay, tàu hộ tống chống ngầm INS Kiltan và tàu hộ tống tên lửa dẫn đường INS Kora cùng một máy bay tuần tra hàng hải tầm xa P8I. 

Singapore thì có khinh hạm RSS Steadfast, tàu hộ tống tên lửa RSS Vigor, một tàu ngầm lớp Archer và một máy bay tuần tra hàng hải Fokker-50 cùng bốn máy bay chiến đấu F-16.

Giữa bối cảnh luật mới gây nhiều phản ứng, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã bắt đầu chuyến công du 4 nước châu Á, tới Việt Nam trước tiên, sẽ qua Campuchia, Singapore và Hàn Quốc từ ngày 10 tới 15-9, theo Tân Hoa xã.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận