Ấn Độ: Vấn đề không phải là tiền...

LÊ QUANG 25/11/2016 21:11 GMT+7

TTCT - Mà vấn đề là không có tiền. Cuộc khủng hoảng tiền mặt đang diễn ra ở Ấn Độ cho thấy việc điều hành các chính sách tài khóa và tiền tệ ở các nước với nền kinh tế ngầm còn chiếm tỉ trọng lớn, phức tạp và đòi hỏi sự tinh tế ra sao...

Xếp hàng đổi tiền-Hindustan Times
Xếp hàng đổi tiền-Hindustan Times

Cũng như nhiều nơi trên thế giới, đêm thứ ba (8-11), các máy vô tuyến truyền hình ở Ấn Độ chỉ chạy một chương trình, mọi người tụ tập hóng xem diễn biến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Chợt hầu hết các kênh bị gián đoạn và Thủ tướng Narendra Modi xuất hiện.

Những gì ông thông báo với toàn quốc làm lu mờ mọi tin tức nóng hổi xoay quanh Donald Trump hay Hillary Clinton: Ấn Độ bắt đầu một cuộc cải cách tiền tệ cực đoan và tạo ra cơn địa chấn kinh tế vô tiền khoáng hậu ở đất nước 1,25 tỉ dân.

Người Ấn Độ và tiền mặt

Khi Ấn Độ còn chưa là Ấn Độ, trên vùng địa lý hôm nay mang tên Ấn Độ đã xuất hiện những nền văn hóa đầu tiên biết dùng đồng xu làm phương tiện trao đổi. Tuy sử sách có nhiều mâu thuẫn, các nhà nghiên cứu thống nhất thời điểm giữa thế kỷ 4 và thứ 6 trước Công nguyên là thời điểm đồng tiền xuất hiện.

Ngày ấy, đồng tiền được coi là một thành tựu lớn của văn minh loài người vì nó đơn giản hóa việc quản lý xã hội và giám sát thương mại đến tận hôm nay.

Từ khi có đồng xu đầu tiên đến nay, đồng tiền Ấn Độ đã có nhiều thay đổi cả về tên, hình hài lẫn giá trị. Chả gì thì đất nước đông dân nhất nhì thế giới này từng được coi như một châu lục riêng và trải qua nhiều thăng trầm.

Mỗi thể chế, mỗi triều đại để lại dấu ấn trong hệ thống tiền tệ. Song cả các biến động chính trị xã hội cũng được ghi lại gián tiếp trên đồng xu. Trong chu kỳ Ấn - Hi chẳng hạn, một mặt đồng xu dập nổi hình các vị thần Hi Lạp, hoặc song song giai đoạn phát triển thương mại rực rỡ với La Mã là sự lưu hành những đồng tiền mang biểu tượng Ấn Độ bên cạnh La Mã.

Trong thế kỷ 8 sau Công nguyên, Ấn Độ chịu ảnh hưởng sâu nặng văn hóa Ả Rập sau khi tỉnh Sindh bị quân Ả Rập chiếm, trên đồng tiền Ấn Độ có chữ Ả Rập. Đến thế kỷ 12, lãnh chúa Delhi ra lệnh dùng thư pháp đạo Hồi để trang trí.

Đồng tiền ngày ấy tên là Tanka cho đến thế kỷ 15, sau đó mang tên rupee đến hôm nay mặc dù chính quyền thực dân Anh nhiều lần muốn thay nó, ví dụ năm 1864 họ phát hành đồng Sovereign. Kế hoạch thất bại thảm hại, giống ở các thuộc địa khác như Hong Kong và Canada. Người Ấn Độ vẫn coi đó là thắng lợi của tinh thần dân tộc.

Khác với các nền văn hóa thẻ nhựa như ở phương Tây, người Ấn Độ yêu tiền rupee của họ, nhất là ở dạng tiền mặt, và điều đó còn bởi một lý do khác.

Kinh tế ngầm

Về nguyên tắc thì không có gì khó hiểu: trao đổi hàng hóa hay dịch vụ không qua ngân hàng là phương pháp hữu hiệu nhất để né tránh kiểm soát, trốn thuế, nặng nề hơn nữa là tiếp tay cho khủng bố và các hoạt động tương tự của thế giới ngầm.

Ở Mỹ ít ai có trong túi quá 50 đôla, nhiều cửa hàng từ chối thẳng thừng tiền mặt trên 20 đôla - về lý thuyết có thể coi xứ cờ hoa là đất nước kiểu mẫu trong việc kiểm soát dòng lưu thông tiền, vì mọi giao dịch lớn đều qua nhà băng và bị giám sát.

EU không chỉ một lần ngồi vào bàn nghị sự để làm theo Mỹ, nhưng đến nay chưa có chuyển biến rõ rệt. Có lẽ khía cạnh văn hóa ở cộng đồng ngót 30 quốc gia chưa cho phép họ tìm ra sự đồng thuận nhanh hơn. Nhưng dù sao thì bước đầu tiên đã được quyết: cuối năm 2018 sẽ không phát hành đồng tiền lớn nhất (500 euro) nữa.

Ngay hôm nay, ai trả tiền mặt bằng đồng 500 euro ở siêu thị cũng thấy khó khăn. Thống kê của cảnh sát hình sự cho thấy đó là tờ bạc được yêu thích nhất trong giới tội phạm. Kinh tế ngầm được coi là chế ngự 4% sức mạnh kinh tế toàn cầu. Ở Ấn Độ, như nhiều nền kinh tế đang phát triển khác, con số đó được ước tính là 12%.

Đấy là lý do để Thủ tướng Modi, lên nắm quyền năm 2014, đưa ra biện pháp cực đoan nhất. Ông tuyên bố hai đồng tiền lớn nhất của Ấn Độ (500 và 1.000 rupee, khoảng 7,5 và 15 USD) nay đã biến thành giấy lộn.

Nếu ta biết hai đồng tiền đó tương đương khoảng 86% tiền mặt, không khó đoán đất nước Ấn Độ đang hỗn loạn ra sao. Ngay trong đêm, người dân đổ xô đến các cây rút tiền nhưng vô ích, vì sáng hôm sau mới có tiền mới ở các ngân hàng với số lượng cực hạn chế.

Hiệu thuốc và cây xăng là hai địa chỉ được phép nhận đồng 500 và 1.000 rupee lâu hơn, nhưng cái mà người ta cần nhất là đồ ăn thức uống hằng ngày! Sáng hôm sau, ai đổi tiền ở nhà băng đều phải trình thẻ căn cước và được nhận tối đa 4.000 rupee tiền mới mỗi ngày, số còn lại phải gửi vào tài khoản, nếu có!

Một nửa dân Ấn Độ không hề biết tài khoản ngân hàng là gì, như tờ báo tiếng Anh lớn thứ hai trong nước, Hindustan Times, số ngày 13-11 cho biết, mặc dù từ năm 2014 nhà nước đã phát động chiến dịch “mỗi người có một tài khoản”.

Xét trên bình diện toàn cầu, Ấn Độ là quốc gia có kinh tế ngầm và tham nhũng hoành hành ở mức trầm trọng. Về quy mô, dĩ nhiên có nhiều phỏng đoán khác nhau.

Trong báo cáo của Hội Nghiên cứu cơ cấu kinh tế (GWS) của Đức 2015, một nửa tổng sản phẩm quốc nội của Ấn Độ đến từ các lĩnh vực mà nhà nước không thể kiểm soát nổi và đặc biệt tầng lớp tinh hoa coi việc trốn thuế như một môn thể thao đại chúng. Và khoảng 15% dòng tiền Ấn Độ mỗi năm “được chuyển ra nước ngoài như một dạng sơ tán vốn, do đó Ấn Độ luôn bị thiếu ngoại tệ và không thể phát triển theo kế hoạch”.

Tiền rupee của Ấn Độ -Gopal Vijayaraghavan
Tiền rupee của Ấn Độ -Gopal Vijayaraghavan

 

Mượn gió bẻ măng hay đổi mới?

Kế hoạch của Thủ tướng Modi lập tức bị coi là một đòn chính trị nhắm vào lực lượng đối lập trong quốc hội, vốn không mặn mà với mọi cải cách. Đa số người dân tuy hiểu ra mục đích kiểm soát tiền bẩn, song đều bất bình vì cách tiến hành vô cùng thiếu chuyên nghiệp của chính phủ.

Thủ tướng Modi kêu gọi người dân thông cảm vì Nhà nước Ấn Độ tới nay chỉ thu được thuế từ khoảng 3% dân số đi làm (theo báo Times of India online ngày 9-11) và đó là một thực trạng không thể kéo dài nữa, nếu không muốn nhà nước sập tiệm.

Vụ đổi tiền này, như ông hi vọng, sẽ làm khô cả vũng bùn tham nhũng, nơi đồng 1.000 rupee được chất hàng tấn dưới gầm giường. Nhà nước sẽ bao quát được lượng tiền mặt trong dân chúng vì ai không đổi tiền, sau ngày 30-12-2016 chỉ có thể đem nhóm bếp.

Chính phủ của ông Modi kỳ vọng xây dựng từng bước một xã hội không tiền mặt. Sắp tới, mọi giao dịch quá giá trị nhất định sẽ chỉ được làm qua nhà băng. Hiện tại, đó mới chỉ là ước muốn long lanh như bong bóng xà phòng và dường như chính phủ khá bị động bởi chính sáng kiến của mình, chỉ đưa ra những biện pháp lâm thời chắp vá.

Để cuộc sống thường nhật không bị đảo lộn quá mức, trong 72 tiếng đầu (sau tuyên bố trên tivi) người dân còn được dùng tiền cũ ở bệnh viện, nhà ga và nghĩa địa. Dân du lịch được đổi tiền mới không hạn chế nếu có thẻ tín dụng.

Bỏ hẳn tiền mặt?

Để ngẫm nghĩ tại sao một xã hội không tiền mặt ít triển vọng thành công ở Ấn Độ, ít nhất là trong tương lai gần, có lẽ nên xem ví dụ Thụy Điển, quốc gia đầu tiên ở châu Âu sử dụng tiền giấy vào năm 1661, nhưng đang làm hết sức mình để bãi bỏ hoàn toàn tiền giấy.

Trong cuộc sống thường nhật, tiền mặt ngày càng ít ý nghĩa. Ở thủ đô Stockholm không thể dùng tiền mặt để mua vé tàu điện ngầm, xe buýt công cộng, thậm chí một số hàng quán không nhận tiền mặt.

Luật cải cách của Thụy Điển cho phép các cửa hàng bán lẻ được phép từ chối phục vụ nếu khách hàng không trả bằng thẻ tín dụng. Và có lẽ ví dụ thuyết phục nhất là nhà thờ: hòm công đức đã biến mất ở hàng trăm nhà thờ, thay vào đó họ có cái gọi là kollektomat, đó là máy đọc thẻ tín dụng cho những người hảo tâm có thể dễ dàng nhấn số tiền định quyên góp, số tiền đó sẽ chảy thẳng từ tài khoản của họ vào tài khoản nhà thờ.

Thật khó tin nhưng có thật: một số nhà băng Thụy Điển không nhận tiền mặt nữa. Khoảng một nửa trong số 1.800 chi nhánh ngân hàng ở đất nước này chỉ giao dịch bằng thẻ và số này ngày càng nhiều. Hệ quả của xu hướng đó là số lượng tiền mặt ở Thụy Điển trong mấy năm qua giảm một nửa. Cuối năm 2008 có khoảng 112 tỉ krona được lưu hành, đầu năm 2016 chỉ còn 66 tỉ.

Không tiêu tiền mặt thì có lợi gì ngoài việc nhà nước tận thu thuế và ngăn ngừa tiền bẩn? Trước tiên là đỡ sản xuất tiền, không lo có tiền giả và người ta không thể bị móc túi hoặc bị cướp.

Nhưng trào lưu này cũng vạch ra điểm đen: người ta nhẹ dạ phóng tay tiêu tiền hơn, vì khi quẹt thẻ không có cảm giác “chi tiền” như đếm từng tờ bạc. Nhà thờ Thụy Điển cho biết từ khi thay hòm công đức bằng kollektomat, họ thu được lượng tiền quyên góp nhiều gấp 5 lần.

Ở Thụy Điển có một loại tạp chí do người vô gia cư bán và hưởng phần trăm, tờ Situation Stockholm. Bà chủ báo Pia Stolt trả lời trên báo Handelsblatt là ngày trước báo bán ít vì người dân không có xu lẻ, nhưng mấy năm gần đây người bán báo được trang bị đầu đọc thẻ và tăng doanh thu đáng kể.

Các tiền đề thuận lợi cho một xã hội không tiền mặt tồn tại khá đầy đủ ở Thụy Điển: ở đó đất rộng người thưa, phải đi khá xa để rút tiền mặt. Người Thụy Điển cũng rất mê tiến bộ kỹ thuật. Thêm nữa, họ tín nhiệm nhà nước, không lo bị nhà nước lạm dụng các thông số cá nhân (như người Đức chẳng hạn - ở đó 80% lượng tiền mua bán là tiền mặt, theo khảo sát của Ngân hàng liên bang Bundesbank năm 2014).

Đối với người dân nước này, chẳng có gì đáng ngại khi mọi dữ liệu cá nhân được tổng hợp dưới một mã số cá nhân chứ không được quản lý và bảo mật riêng rẽ tại sở thuế, sở xã hội và sở y tế như ở Đức. Các công ty cấp thẻ tín dụng cũng đóng vai trò tích cực trong việc bãi bỏ tiền mặt. Họ thường xuyên tổ chức các nghiên cứu, như “tiền mặt và truyền bệnh lây lan” và do đó có hại cho sức khỏe, hoặc Bảo tàng ABBA do Công ty MasterCard tài trợ.

Những tiền đề như thế nằm mơ cũng chưa có ở Ấn Độ.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận