Anh và những chuyển động mới ở châu Á

HỮU NGHỊ 29/07/2021 02:07 GMT+7

TTCT - Ngay trước chuyến thăm “chào sân” với 3 nước Đông Nam Á (Việt Nam, Singapore và Philippines) của ông Lloyd Austin, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thuộc chính quyền mới nhậm chức vào tháng 1, nhiều hoạt động nhộn nhịp đã diễn ra ở khu vực này.

Chiều thứ hai 26-7, trang tin Forces.net của Anh loan tin nhóm tàu sân bay tấn công HMS Queen Elizabeth của Anh đã đi qua eo biển Singapore để vô Biển Đông sau khi hoàn tất các cuộc diễn tập với hải quân Ấn Độ, Malaysia và Thái Lan. 

Đội hình tàu sân bay Anh với chiếc HMS Queen Eliazabeth ở trung tâm. Ảnh: wsws.org

 

Cùng ngày, Taiwannews cho biết hải quân Trung Quốc tiến hành tập trận ở Biển Đông. Cũng trong thời gian này, các bộ trưởng quốc phòng Anh và Mỹ đến khu vực. 

Một cảnh tấp nập trong mọi ý nghĩa và chiều hướng. Được biết, hải quân Trung Quốc diễn tập tại vùng biển giữa đảo Thương Xuyên của Quảng Đông và Biển Đông từ 6h chiều thứ ba 27-7 đến 10h tối thứ năm 29-7. 

Nước Anh hướng ngoại hậu Brexit 

Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth, ngay sau cuộc diễn tập Konkan với hải quân Ấn Độ, đã diễn tập với hải quân hoàng gia hai nước Thái Lan và Malaysia, vốn là các đối tác của Anh cả trong khối Thịnh vượng chung lẫn trong các thỏa thuận quốc phòng Ngũ cường (bao gồm Úc, Malaysia, New Zealand, Singapore và Anh - được kết nối với nhau từ năm 1971 bằng điều khoản “tham khảo ngay với nhau khi một thành viên bị đe dọa tấn công”).

Vô cùng bận rộn, tới thứ hai 26-7, nhóm tàu sân bay này còn sát cánh với một nhóm tàu hải quân đa quốc gia trong một cuộc diễn tập khác, có mặt HMS Queen Elizabeth và tuần dương hạm săn ngầm HMS Kent (Anh), tuần dương hạm HNLMS Evertsen (Hà Lan), khu trục hạm USS The Sullivans (Mỹ), và các tuần dương hạm RSS Intrepid và RSS Unity (Singapore), được tiếp tế dầu bởi tàu chở dầu RFA Tidespring (Anh), theo gov.uk 27-7.

Về cuộc diễn tập đa quốc gia này, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace giải thích tại Hà Nội: “Nhóm tàu sân bay tấn công này là một cuộc triển khai đa phương lớn về các năng lực quân sự tiên tiến, hợp tác với các đồng minh thân cận nhất của chúng tôi - Hoa Kỳ và Hà Lan - không phải để đối đầu một kẻ thù trong khủng hoảng mà là để tự tin thể hiện các giá trị được chia sẻ của chúng tôi”.

Quy mô đa quốc gia của cuộc diễn tập cho thấy tính liên thông trong vận động hàng hải, vận động tác chiến và chỉ huy tham mưu giữa hải quân Anh, Mỹ, Hà Lan, Singapore đang từng bước được hình thành qua rèn luyện ngay trong vùng biển đang có nhiều đe dọa bất ngờ. 

Thật trùng hợp, những diễn tập ở phía nam Thái Bình Dương gần như đồng thời với cuộc diễn tập Army Games 2021 của hải quân Nga ở Vladivostok ở bắc Thái Bình Dương, có sự tham gia của hai chiến hạm 015 Trần Hưng Đạo và 016 Quang Trung của hải quân Việt Nam từ ngày 22-7, sau 8 ngày hải hành từ Cam Ranh vượt qua 2.300 hải lý.

Steve Moorhouse, tư lệnh nhóm tàu sân bay Anh, khẳng định: “Sự xuất hiện của nhóm tấn công tàu sân bay HMS Queen Elizabeth ở Đông Nam Á là dấu hiệu rõ ràng cho thấy Vương quốc Anh sẵn sàng hợp tác với các bạn bè và đối tác, cả mới và cũ, để tăng cường an ninh và các quyền tự do mà chúng ta cùng nhau gắn bó vào đó”. Chi tiết đáng lưu ý trong phát biểu của tư lệnh Moorhouse là “các đối tác mới và cũ”.

Dễ dàng nhận ra những đối tác nào là cũ, còn ai là mới. Câu chuyện “tứ hải giai huynh đệ” mới mẻ này đã được Bộ trưởng Wallace đề cập tới trong chuyến thăm chính thức Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam tuần rồi, một chuyến thăm và hội kiến các lãnh đạo cao cấp nhất, mà theo ông, nhằm “làm sâu sắc và mở rộng các quan hệ quốc phòng của Vương quốc Anh với các đối tác chính trong khu vực nhằm giải quyết các mối đe dọa toàn cầu đang thay đổi”.

Tại Nhật Bản, ông Wallace đã gặp Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga và Bộ trưởng Quốc phòng Nobuo Kishi. 

Quan hệ hai bên đã được đánh giá là gần gũi từ thế kỷ trước, và nhân dịp này hai bên nhất trí về một kế hoạch quốc phòng Anh - Nhật kéo dài 3 năm, trong đó quân đội Anh sẽ hoạt động tích hợp hơn nhiều với Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản. 

Cụ thể, hai bên nhất trí đẩy nhanh các thảo luận về việc phát triển các hệ thống phụ cho một hệ thống tác chiến trên không tương lai.

Ở Hàn Quốc, ông Wallace đã gặp Bộ trưởng Quốc phòng Suh Wook. Hai bên cam kết tiếp tục hợp tác trong việc đối phó với các mối đe dọa an ninh khu vực, bao gồm tập trận và huấn luyện quân sự chung. 

Cụ thể là tháng tới, Hàn Quốc sẽ tổ chức Diễn đàn Tương lai Thái Bình Dương ngay trên tàu HMS Queen Elizabeth. 

Sự kiện kéo dài 3 ngày này là cơ hội để các nhà hoạch định chính sách và lãnh đạo kỹ nghệ thảo luận các vấn đề quốc phòng, an ninh, công nghệ và thúc đẩy thương mại tự do.

Để chứng tỏ “nói là làm”, Bộ trưởng Quốc phòng Wallace loan báo hai tàu tuần dương HMS Tamar và HMS Spey nay sẽ được triển khai thường trực tại Ấn Độ - Thái Bình Dương nhằm hỗ trợ an ninh hàng hải khu vực. 

Việc Anh quốc bố trí thường trực hai tàu tuần duyên 2.000 tấn “mới ra lò” trong năm nay, thậm chí chiếc HMS Spey mới nhập biên chế hải quân Anh tháng 6 vừa qua, là sự khẳng định rằng nước Anh đến để ở lại chớ không chỉ đến, ghé chút rồi đi. 

Sự hiện diện thường trực của cặp tàu tuần dương Anh là minh họa sống cho quan niệm mới của nước Anh, mà theo lời ông Wallace, là coi khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương là sinh tử với các lợi ích chiến lược của mình, theo gov.uk 23-7.

Tất nhiên, hai tuần duyên hạm HMS Tamar và HMS Spey chỉ là những “con muỗi” so với hải quân Trung Quốc, cụ thể là hạm đội Nam Hải. 

Song, đây là khởi đầu cho trở lại của nước Anh sau khi đã gần như rút hoàn toàn khỏi khu vực họ có nhiều truyền thống này với việc rời khỏi Hong Kong năm 1997. Global Times 21-7 đã ngay lập tức có một bài xã luận cảnh cáo rằng chuyến đi của hải quân Anh đe dọa Trung Quốc về mặt chính trị nhiều hơn là quân sự. 

Tờ báo mượn lời một nhà nghiên cứu tên Song để chỉ trích Anh quốc “muốn thể hiện sự hiện diện của mình ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và tham gia vào một hạm đội chung trong khu vực do Mỹ dẫn đầu”.

Theo nhà nghiên cứu này, trong khi bản thân các chiến hạm không tạo ra được sức nặng thực tế đáng kể, ảnh hưởng chính trị của vụ này là mối đe dọa lớn hơn, do lẽ các nước phương Tây khác như Úc và Canada cũng có thể nối gót và thành lập một hạm đội chung thường trực trên các vùng biển Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Thông điệp ở Hà Nội

Ở chặng cuối. Bộ trưởng Wallace đến Hà Nội hội kiến Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang, cùng bàn bạc về việc mở rộng sự gắn bó giữa hai nước. 

Ông cũng dành thời giờ để nói chuyện tại Học viện Ngoại giao chiều 24-7. Ông kể lại rằng sau tiếp xúc đầu tiên của ông với các đồng nhiệm Việt Nam qua gặp trực tuyến tháng 12-2020, ông cảm thấy hai bên có rất nhiều điểm chung có thể chia sẻ với nhau, đáng kể nhất là hiểu biết chung về tầm quan trọng của sự tuân thủ luật pháp, đặc biệt là tôn trọng luật biển và tự do hàng hải.

Theo ông, hòa bình và thịnh vượng mà khu vực đã được hưởng trong những thập niên qua hiện đang bị đe dọa, từ các tranh chấp lãnh thổ chưa được giải quyết cho đến các cuộc tấn công mạng quy mô lớn, từ các quốc gia o ép láng giềng đến các mối đe dọa phi nhà nước như tội phạm có tổ chức và khủng bố, chưa kể biến đổi khí hậu, di cư và nhiều áp lực khác về an ninh.

Vì vậy, ông nhấn mạnh: “Không có nghi ngờ gì trong việc nền an ninh của các bạn chính là nền an ninh của chúng tôi”. 

Ông cho biết nước Anh đang hiện đại hóa các khả năng quốc phòng với 24 tỉ bảng Anh cho 4 năm tới. Ông nói ông đến Hà Nội để bàn về an ninh hàng hải cùng các lợi ích trên biển, từ đánh cá tới lưu thông hàng hải theo UNCLOS, mà nước Anh cam kết bảo vệ.

Ông cũng cho thấy Anh theo dõi sát các vấn đề hết sức cụ thể của Việt Nam: “Chúng tôi đã thấy các tàu cá Việt Nam bị đâm hoặc thậm chí bị đánh chìm, và các tàu Trung Quốc tụ tập xung quanh bãi đá ngầm Ba Đầu (Whitsun) ở Trường Sa, đe dọa sự ổn định của khu vực và phá hoại pháp quyền..." 

"Chúng ta hãy nói rõ đó không chỉ là vấn đề khu vực, thậm chí không chỉ là vấn đề hàng hải. Nếu các điều khoản của một điều ước quốc tế có giá trị như luật pháp, với chữ ký của 168 bên, lại có thể bị thay đổi tùy thích, thì đó không chỉ là cuộc tấn công vào một điều khoản hoặc điều ước cụ thể, mà còn là tấn công vào hệ thống quốc tế”. 

Nước Pháp Thái Bình Dương

Thứ bảy tuần rồi 24-7, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã thăm quần đảo Polynesia thuộc Pháp ở nam Thái Bình Dương, một khu vực biển và đảo có diện tích rộng gần bằng cả châu Âu, gồm 118 hòn đảo lớn nhỏ quy tụ thành 5 nhóm quần đảo, nhằm nhắc nhở rằng nước Pháp lâu nay cũng hiện diện ở khu vực này.

Hiện tại, khoảng 7.000 binh sĩ, 15 tàu chiến và 40 máy bay Pháp đã được triển khai ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, nơi Pháp có 1,6 triệu dân và 9 triệu km2 vùng đặc quyền kinh tế. 

Toàn bộ lực lượng này đặt dưới quyền của 5 bộ chỉ huy khu vực, trong khi Paris duy trì một mạng lưới gồm 18 tùy viên quốc phòng trong các cơ quan đại diện ngoại giao của mình.

Tuy số lượng binh lính được triển khai không tăng trong hai năm qua, song các cuộc tập trận, sứ mệnh và trao đổi ngoại giao đã tăng lên rõ rệt, theo Bộ Quốc phòng. 

Đặc biệt năm nay, từ ngày 11 đến 16-5, Nhật Bản, Pháp và Mỹ đã lần đầu tiên tổ chức tại Nhật Bản một cuộc tập trận đổ bộ quy mô lớn thử nghiệm cho kịch bản tái chiếm một hòn đảo, theo Le Monde 14-5.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận