Bài học cao su

Một thời khắp các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên ầm ầm chặt rừng để trồng cao su. Loài cây cho ra những hạt mủ từng được ví là “vàng trắng” này giúp nhiều địa phương đổi thay bộ mặt, nhưng cái giá phải trả cũng không hề nhỏ.

Sau những trận bão, giấc mơ vàng trắng từ cây cao su tại Quảng Bình đã dần tắt. Chỉ trong 7 năm, tổng diện tích trồng cao su của tỉnh này đã giảm từ hơn 18.000ha xuống gần một nửa, chuyển qua những cây trồng khác mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Câu chuyện y hệt cũng diễn ra tại tỉnh Quảng Nam.

Bố Trạch là huyện có diện tích trồng cao su lớn của tỉnh Quảng Bình, nơi chính quyền huyện đã có chủ trương không mở rộng thêm diện tích hiện có, đồng thời tập trung rà soát các diện tích cao su kém hiệu quả để chuyển đổi. Theo thống kê, Bố Trạch hiện còn hơn 7.000ha cao su, giảm gần 20% so với năm 2015.

Ông Trần Văn Khế, 60 tuổi, trú xã Phú Định, huyện Bố Trạch, là người thấm thía nhất sự mong manh của giấc mơ vàng trắng. Năm 2010, ông đầu tư gần 1 tỉ đồng để trồng 7ha cao su. Đến 2013, trận bão số 10 quét qua đã bẻ gãy quá nửa số cao su chỉ còn hơn một năm nữa là thu hoạch được. Ông thất thểu đi ra vườn cao su. Nhưng bão qua, ông lại gồng lên bỏ thêm 200 triệu khôi phục vườn cao su, tiếp tục nuôi hi vọng. Lứa cao su này vừa lên được thêm 4 năm, những cây sót lại từ năm 2010 vừa khai thác được hơn một năm, bão lại đến vào năm 2017. Vườn cao su của ông thêm một lần tan nát. Lần này ông không còn đủ lực để vực dậy vườn cao su nữa. Hiện ông chỉ giữ hơn 1ha còn sót lại sau hai trận bão. Diện tích còn lại, ông chuyển qua trồng dưa hấu và ổi. “Nghe tivi thông báo bão số 8 và số 9 sắp tới. Không biết hơn 1ha còn lại có giữ nổi không. Nếu gãy luôn thì tui chỉ còn nước vứt hết, chuyển toàn bộ qua trồng cây ăn quả” - ông Khế nói.

Vườn cao su của ông Trần Quyền, thôn Lưu Hiền Hòa, xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế gãy 80% trong cơn bão số 5. Ông trồng và thu hoạch 17 năm nay. Thiệt hại 500-600 triệu đồng (ảnh chụp ngày 21-9-2020). Ảnh: Nguyễn Đắc Thành

Ông Mai Văn Minh, giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Bình, cho biết giảm diện tích trồng cao su là chủ trương chung của toàn tỉnh. “Loại cây này dần dần không còn phù hợp với thời tiết ở địa phương nên cần chuyển qua loại cây khác hiệu quả hơn”, ông Minh nói.

Tại Quảng Trị, xã Vĩnh Thạch thuộc huyện Vĩnh Linh là một trong những địa phương ven biển trồng nhiều cao su nhất tỉnh. Xã hiện có gần 400ha đều đang cho thu hoạch. Theo đại diện UBND xã, những năm gần đây diện tích cao su giảm khoảng 10ha mỗi năm do cây hay bị gãy đổ khi có gió bão, giá mủ cao su xuống thấp. Người dân chuyển các diện tích đấy sang trồng cây ngắn ngày. Ông Lê Ngọc Khương (ở xã Vĩnh Thạch) đang khai thác 2ha cao su 6 năm tuổi. Vườn cao su của ông có những mảng đất trống, một số cây vẫn xiêu vẹo - dấu ấn của trận bão nhớ đời năm 2017. Ông nói mấy năm nay cũng đang tính tìm cây trồng khác, nhưng tiếc công tiếc của đầu tư nên gắng thêm chút thời gian để thu hồi vốn. Ông tính toán: 2ha cao su này, ông đã bỏ gần 300 triệu đồng đầu tư từ khi mới trồng đến khi cho thu hoạch, từ khi thu hoạch được đến nay, giá cao su xuống rất thấp, có khi chạm đáy chỉ còn hơn 10.000 đồng/kg, nên ông không còn mặn mà nữa. “Mới vài tháng nay giá mủ cao su khoảng 25.000 đồng/kg, tức mỗi tháng mới kiếm được 5-7 triệu đồng, trừ công thuê cạo mủ. Phải mất mấy năm nữa mới thu hồi được vốn đầu tư”, ông Khương chua chát.

Ông Hồ Xuân Hòe, giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị, cho biết hiện tại toàn tỉnh có trên 19.000ha, trong đó diện tích cho khai thác hơn 12.000ha và tỉnh vẫn giữ ổn định mức tổng diện tích trồng cao su. Ông Hòe cũng cho biết những trận bão hằng năm đã làm gãy đổ hàng ngàn hecta cao su trong tỉnh. “Cao su rất nhạy cảm với gió. Gió cấp 5-6, lá cao su sẽ héo và rách; cấp 8 trở lên cây bắt đầu bị bẻ cành, gãy ngọn, trên cấp 10 toàn bộ cây ngã đổ không phục hồi được. Trồng cao su ở Quảng Trị thực sự là một “canh bạc” với trời, vì bão tố liên tục xảy ra hằng năm”, ông Hòe nói.

Tác nhân gây mất rừng lớn nhất

Nhìn lại tình trạng phát triển cao su ở miền Trung hiện giờ, không thể không nhắc bài học nay đã thành “sự đã rồi” ở các tỉnh Tây Nguyên, đặc biệt là giai đoạn từ 2007 - 2011. Khi các dự án cao su được vẽ ra ở đây thì cũng là lúc những cánh rừng già được hợp thức hóa thành “rừng nghèo” để chặt phá, đốn bỏ và thay thế bằng cao su.

Đại biểu Quốc hội Đinh Duy Vượt (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai) ví chiến dịch chặt bỏ rừng để trồng cao su ở Tây Nguyên một giai đoạn là “chiến dịch tàn phá rừng có giấy phép lớn nhất trong lịch sử!”. Giai đoạn 2007 - 2011, các tỉnh Tây Nguyên cho phép các doanh nghiệp khảo sát, lập 273 dự án trồng cao su với tổng diện tích 117.220ha, nhưng phần lớn là đất rừng tự nhiên với diện tích lên tới 92.669ha (chiếm 79%). Giai đoạn 2005 - 2012, bình quân mỗi năm Tây Nguyên mất đi gần 26.000ha rừng, trong đó mất rừng do chuyển đổi trồng cao su chiếm tới 46,7%.

Trên cơ sở quy hoạch phát triển cao su của các tỉnh, tháng 7-2009, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định 750 quy hoạch phát triển cao su đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020. Khu vực Tây Nguyên được quy hoạch từ 124.900ha cao su vào năm 2007 tăng lên 190.000ha vào năm 2010 và 290.000ha vào năm 2015.

Thương lái thu mua cây cao su gãy đổ sau bão số 5. Ảnh: Nguyễn Đắc Thành

Đơn cử tại Gia Lai, có dự án chuyển đổi 50.000ha rừng nghèo sang trồng cây cao su. Tỉnh đã tiến hành hai đợt chuyển rừng sang trồng cao su, giao khoảng 35.000ha đất rừng nghèo cho 16 doanh nghiệp để thực hiện 44 dự án trồng cao su (trong đó đất có rừng hơn 29.000ha). Năm 2018, Gia Lai tổ chức đánh giá kết quả thực hiện việc chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su, kết quả thật bẽ bàng: cả tỉnh có 25.000ha cao su được trồng theo dự án, nhưng tới gần một nửa (hơn 12.000ha) bị chết và kém phát triển. Tất nhiên, mục tiêu và kỳ vọng coi như phá sản.

Ông Đinh Duy Vượt mang chuyện phát triển cây cao su ở Tây Nguyên ra nghị trường năm 2017, nói dự án trồng cao su là “chiến dịch triệt hạ rừng” lớn nhất trong lịch sử, cộng với phát triển nóng về thủy điện trong vùng tạo ra hiệu ứng kích thích, thậm chí kích động ồ ạt xâm hại rừng, lấn chiếm đất rừng xảy ra dưới nhiều hình thức, khiến nhiều nơi cơ bản không còn rừng hoặc rừng nghèo, rừng bị rỗng ruột. Hệ quả tất yếu là nhiều động, thực vật quý hiếm gần như tuyệt chủng. Mất rừng, rừng kém chất lượng cũng có thể là nguyên nhân quan trọng khiến thiên tai khốc liệt hơn, gây hậu quả nặng nề hơn. Trong bối cảnh hiệu quả kinh tế từ cây cao su không được như kỳ vọng, có thể nói lợi ích ngắn hạn đã không bù đắp được cho những thiệt hại dài hạn.

Ông Vượt đặt câu hỏi với các nhà khoa học: cần xem xét diện tích cây cao su, diện tích rừng trồng là rừng sản xuất có được tính vào độ che phủ bền vững hay không? Ông cho rằng cách đánh giá độ che phủ rừng hiện chưa thực sự bền vững, trồng rừng phải đúng bản chất khoa học của rừng, tức không chỉ có độ che phủ, mà còn là hồ chứa và điều tiết nước tự nhiên khổng lồ, thực sự vì sự sống bền vững.

Ông Vượt cũng không quên nói về chuyện các tỉnh Tây Nguyên đang rộ lên phong trào xin chuyển đổi đất trồng cây cao su kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả hoặc mô hình chăn nuôi gia súc. So với mục đích ban đầu, như vậy là đã đi quá xa. Ông đề cập đến trách nhiệm của những nhà khoa học tham gia đánh giá tác động môi trường của các dự án chuyển đổi đất rừng sang trồng cây cao su này.

Nói về việc phải làm thế nào khi hàng ngàn hecta rừng bị tàn phá mà không đem đến hiệu quả kinh tế, ông Vượt khẳng định: “Tôi đề xuất phải kiên quyết thu hồi đất các dự án chuyển đổi rừng nghèo kiệt sang trồng cây cao su không hiệu quả, không đúng mục đích để trả lại cho Nhà nước phục vụ trồng rừng”. Trong khi đợi những động thái sửa sai cần thiết, những vệt rừng già từng dày đặc ở Tây Nguyên đã bị san phẳng, nhiều nơi chỉ còn lại màu xanh nhợt nhạt, đơn điệu của cây cao su.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận