Bất đồng và nghi kỵ còn đó

JAKARTA POST 21-7-2011 31/07/2011 00:07 GMT+7

TTCT - Một ký kết mới giữa ASEAN và Trung Quốc cho một giao ước cũ, được gọi là “bản hướng dẫn cho việc thực thi tuyên bố biển Đông”, là kết quả cụ thể của Hội nghị các ngoại trưởng ASEAN (AMM), Hội nghị hậu ngoại trưởng (PMC) và Diễn đàn an ninh ARF. Liệu biển Đông sẽ nhờ đó mà thái bình?

ASEAN - Trung Quốc thông qua hướng dẫn thực thi DOC
Diễn đàn ARF và Biển Đông: Trông chờ diễn biến tích cực

Phóng to
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì gặp gỡ song phương bên lề Diễn đàn ARF tại Bali, Indonesia ngày 22-7 - Ảnh: Reuters

Ngoại trưởng nước chủ nhà Indonesia Marty Natalegawa đã bình luận như sau: “Bản hướng dẫn, nếu nhìn kỹ vào, có thể sẽ chẳng thấy có gì lắm. Tuy nhiên nếu nhìn rộng ra (sẽ thấy) thực tế là, như Ngoại trưởng Clinton đã nói, năm nay khác hẳn năm ngoái, chúng tôi đã có thể làm xong điều đó (bản hướng dẫn).

Tôi nghĩ đó là một khởi đầu tốt... Tôi có thể đoan chắc rằng Indonesia, là chủ tịch ASEAN, có một lộ trình rõ rệt về những gì cần diễn ra từ nay đến tháng 11. Cuộc gặp gỡ tới đó sẽ là thượng đỉnh ASEAN, thượng đỉnh Đông Á...”.

Để cho châu Á - Thái Bình Dương được thái bình

“Bản hướng dẫn mới chỉ cung cấp một hình thức xây dựng niềm tin, chớ đâu đã nhắm đến ngăn ngừa xung đột trong khu vực. Vấn đề còn lại là liệu Trung Quốc và ASEAN có thể thỏa thuận được với nhau về việc khởi sự đàm phán về một quy ước ứng xử (COC), trong đó sẽ xác lập rõ rệt các điều khoản cam kết giữa các bên”

Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì trong cuộc họp với các đồng cấp ở Diễn đàn ARF đã trịnh trọng bắt đầu bài phát biểu (1) bằng những quả quyết rất đóng góp cho cục diện chung: “Tăng trưởng lâu dài của khu vực là do bối cảnh tương đối hòa bình ổn định của mấy thập niên qua, đã đem lại lợi ích cho mọi nước... Không chối cãi là đang có những yếu tố gây bất ổn định trong khu vực, bao gồm tranh chấp lãnh thổ từ quá khứ...

Chúng ta phải giải quyết các khác biệt qua đối thoại và đàm phán, vượt qua các thách thức chung bằng sự hợp tác. Đó là tính đồng thuận của các nước trong khu vực. Trong hơn ba mươi năm qua, Trung Quốc đã đóng góp quan trọng cho hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực này. Trung Quốc sẽ gắn chặt với con đường phát triển hòa bình, đeo đuổi sách lược các bên cùng có lợi...”.

Nghe ông Dương bảo rằng “trong vịnh Aden và duyên hải Somalia, tàu chiến Trung Quốc đã thực hiện từ năm 2008 đến tháng 6 vừa qua 3.953 lượt hộ tống tàu Trung Quốc và nước ngoài”, đợi mãi không thấy ông cho biết đã có bao nhiêu vụ “hải tuần, hải giám” bị Philippines và Việt Nam khiếu nại, và điều đó có phù hợp với tuyên bố biển Đông (DOC) hay không. Ngược lại, ông đã bình thản đi vào kết luận bài diễn văn của mình bằng câu: “Cuối cùng, tôi muốn nhấn mạnh rằng tình hình biển Nam Hải (theo cách gọi của Trung Quốc) nói chung là hòa bình và ổn định”.

Trước cử tọa 26 nước khác tham gia Diễn đàn ARF, ông Dương tái khẳng định chủ quyền của Trung Quốc một cách đơn giản như sau: “Lập trường của Trung Quốc đối với biển Nam Hải được hậu thuẫn bởi chứng cứ lịch sử và pháp lý. “Đường đứt đoạn” chính thức được Chính phủ Trung Quốc loan báo vào năm 1948. Chủ quyền của Trung Quốc, các quyền hạn và yêu sách trên biển Nam Hải đã được thiết lập và phát triển suốt chiều dài lịch sử”.

Giải quyết tranh chấp theo luật pháp quốc tế

Những gì ngoại trưởng Trung Quốc đơn phương quả quyết tất nhiên không được người khác đồng tình. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton trước đó đã nêu vấn đề cơ sở pháp lý của những lý lẽ mà ông Dương đưa ra: “Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên hãy làm sáng tỏ các yêu sách của mình một cách gắn bó với thông lệ luật pháp quốc tế. Các yêu sách về lãnh hải trên biển Đông nên phát xuất từ các chứng cứ yêu sách lãnh thổ chính đáng mà thôi”.

Một số chi tiết của bản hướng dẫn

1. Việc thực thi DOC cần được tiến hành từng bước.

2. Các bên ký kết DOC sẽ tiếp tục thúc đẩy đối thoại và tham khảo.

3. Việc thực thi các hoạt động hay dự án như thế nào sẽ được xác định rõ sau.

4. Việc tham gia các hoạt động hay dự án là trên cơ sở tự nguyện.

5. Các hoạt động tiên khởi... sẽ là các biện pháp xây dựng niềm tin.

6. Quyết định các biện pháp hay hoạt động cụ thể đó phải trên cơ sở đồng thuận giữa các bên liên quan.

Một lần nữa, bà Clinton can gián: “Chúng tôi không chọn phe nào trong các yêu sách lãnh thổ trên biển Đông...(song) Chúng tôi chống lại việc đe dọa hay sử dụng vũ lực bởi bất cứ bên tranh chấp nào... Chúng tôi tin rằng tất cả các bên nên đeo đuổi các yêu sách lãnh thổ của mình cùng các quyền lợi kèm theo trên mặt biển đúng theo luật pháp quốc tế, như đã được phản ảnh trong Công ước về luật biển 1982 (2)”.

Những kêu gọi tuân thủ luật pháp quốc tế như của bà Clinton không hẳn được mọi người tin rằng sẽ trở thành hiện thực. Anthony Kuhn của Đài phát thanh NPR (Mỹ) đã hỏi bà Clinton trong cuộc họp báo với bộ trưởng ngoại giao Indonesia: “Bà đã yêu cầu các bên tranh chấp hãy hậu thuẫn các yêu sách của mình bằng pháp luật quốc tế. Song đây có lẽ là vấn đề lợi ích cốt lõi nhất, vấn đề gai góc nhất...” (3).

Thế là bà Clinton phải trấn an: “Tôi nghĩ rằng tiến bộ chúng ta thấy được năm nay là đối nghịch rõ rệt với cuộc họp năm ngoái... Song tuyên bố mới là bước đầu tiên. Chẳng ai đòi hơn thế được. Đó là bước đầu tiên, song cần phải nhanh chóng được nối tiếp bằng bộ quy ước ứng xử (COC). Điều này cần thật nhiều đối thoại giữa ASEAN và Trung Quốc trong cơ chế hiện đang có. Thế giới còn lại cũng cần gánh vác vào, do lẽ mọi người đều có lợi ích của mình trong việc đảm bảo không cho các tranh chấp đó vượt khỏi tầm kiểm soát...

Chúng tôi nghĩ rằng cùng lúc (các bên liên quan) cùng liên kết xây dựng một quy ước ứng xử, trong khi cộng đồng quốc tế kêu gọi tất cả các bên làm sáng tỏ các yêu sách của mình cả trên đất lẫn trên biển, phù hợp với luật pháp quốc tế...”.

Không riêng ngoại trưởng Mỹ mới được “hỏi han”, Ngoại trưởng Nhật Takeaki Matsumoto bị một phóng viên gửi đến một câu hỏi đầy âu lo: “Trong Diễn đàn ARF, tôi nghe thấy Trung Quốc và ASEAN vẫn mỗi bên một lập trường. Trung Quốc thì muốn giải quyết song phương. Thái độ của Chính phủ Nhật trước vấn đề này như thế nào? Ý kiến của ông như thế nào?”.

Sau chút thận trọng cho phải phép, ông Matsumoto bày tỏ ruột gan: “Tôi không thể bình luận về các lý lẽ của Trung Quốc. Chúng tôi hiểu rằng Trung Quốc và ASEAN đã thỏa thuận bản hướng dẫn. Tôi cũng hiểu một vài nước đã bày tỏ quan điểm của mình rằng sự tự do hàng hải trên biển Đông là một vấn đề quan ngại đối với cộng đồng quốc tế. Thành ra, (cụm từ) “phù hợp với luật pháp quốc tế” có nghĩa là các nước hãy đàm phán với nhau.

Còn (cụm từ) “phù hợp với luật pháp” trong thực tế có nghĩa là lấy trường hợp một quốc gia được cai trị bởi luật pháp, quyền tự do của quốc gia đó cũng sẽ phải tuân thủ những giới hạn... Tôi đã lặp đi lặp lại tại Thượng đỉnh Đông Á và Diễn đàn ARF rằng các hướng dẫn này nên tiến đến một bộ quy ước mang tính cưỡng bách pháp lý và cần thực thi mạnh mẽ các hướng dẫn này” (4).

Có thể thấy mẫu số chung trong phát biểu của ngoại trưởng Mỹ và Nhật: cần phải nhanh chóng xúc tiến.

Đây cũng là ý của Ngoại trưởng Indonesia Natalegawa: “Indonesia ý thức sâu sắc nhu cầu duy trì động lực hiện nay. Bản hướng dẫn mới chỉ được đúc kết có vài ngày, song đó là một diễn biến quan trọng. Tôi không muốn đánh giá thấp mức độ quan trọng của nó. Song đồng thời điều đó cũng nhắc nhở chúng ta rằng cần ra sức hơn nữa để duy trì được động lực này, duy trì tinh thần khẩn trương này”.

Phải chăng tất cả đang sợ để lâu vàng cũng hóa bùn?

__________

(1) Remarks by Foreign Minister Yang Jiechi At the ARF Foreign Ministers' Meeting
(2)
http://www.state.gov/secretary/rm/2011/07/168989.htm
(3) Remarks by Secretary Clinton with Indonesian Foreign Minister Marty Natalegawa After Their Meeting
(4) Remarks by Japanese minister after ARF, other meetings, July 23, Kyodo

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận