Bầu cử Mỹ: Phó Tổng thống làm gì?

NGUYỄN VŨ 22/08/2020 23:08 GMT+7

TTCT - Thomas Marshall là phó tổng thống Mỹ (1913 - 1921) dưới thời Woodrow Wilson, nhưng có lẽ người ta biết đến ông nhiều hơn nhờ một câu tự trào dí dỏm: “Có hai anh em nhà nọ. Một người bỏ chạy ra biển khơi, người kia được bầu làm phó tổng thống. Thế là từ đó không ai nghe tin tức gì về cả hai người này nữa”.

Bà Kamala Harris sẽ không chỉ là một người phó bình thường cho ông Biden? Ảnh: The Ringer
Bà Kamala Harris sẽ không chỉ là một người phó bình thường cho ông Biden? Ảnh: The Ringer

Có thể ông Marshall nói quá, nhưng thực tế trong lịch sử nước Mỹ, trong khi hoạt động, tuyên bố của tổng thống chiếm lĩnh mặt báo hầu như hằng ngày, thì ít ai nghe nói về vị phó cùng nhiệm kỳ.

Từng rất mờ nhạt

Theo một bài viết mang tính giải thích trên tờ National Geographic, thoạt tiên những nhà lập quốc Mỹ thậm chí không quy định chức danh phó tổng thống; trong trường hợp có gì xảy ra cho tổng thống thì chủ tịch thượng nghị viện sẽ lên thay.

Họ lập ra hệ thống đại cử tri đoàn nhưng lại lo đại cử tri các tiểu bang chỉ bầu cho ứng viên đại diện bang mình, đẩy chuyện bầu cử vào bế tắc. Thế là họ mới nghĩ ra một quy định buộc các đại cử tri phải bỏ phiếu bầu chọn hai người, trong đó ít nhất có một người từ bang khác. Cộng lại, ai nhiều phiếu hơn làm tổng thống, người kia sẽ làm phó.

Với suy nghĩ như thế, Hiến pháp Mỹ đã trao rất ít quyền hạn cho chức phó tổng thống: làm chủ tịch danh nghĩa của thượng viện, đóng vai trò lá phiếu phá vỡ thế bế tắc khi hai bên tranh cãi đang cân bằng, chủ tọa các phiên tòa luận tội và giám sát việc kiểm phiếu của các đại cử tri.

Hệ thống này nhanh chóng sụp đổ vì khả năng tổng thống và phó tổng thống là người của hai đảng khác nhau, thậm chí đối chọi nhau, dẫn tới vị phó sẽ tìm mọi cách chống lại sếp mình. Lúc đó, khái niệm liên danh tranh cử mới được giới thiệu, nhưng cũng rơi vào bế tắc năm 1801 khi hai ứng viên Thomas Jefferson và Aaron Burr đạt số phiếu đại cử tri bằng nhau và không ai nhường ai, vì trên nguyên tắc các đại cử tri bỏ phiếu chọn tổng thống, chứ không chọn phó tổng thống.

Cuối cùng, Hạ viện Mỹ phải bỏ phiếu 35 lần mới chọn được Jefferson làm tổng thống. Quốc hội Mỹ phải thông qua tu chính án 12 để giải quyết bằng cách để đại cử tri chọn trực tiếp ai được họ bầu làm tổng thống và ai làm phó.

Suốt thế kỷ 19, phó tổng thống chỉ quan trọng khi tranh cử, chứ sau khi đắc cử có vai trò rất mờ nhạt, chuyện kế nhiệm khi tổng thống bất ngờ qua đời cũng không được làm rõ theo một quy trình luật hóa. Phải đến thế kỷ 20, Tổng thống Franklin D. Roosevelt mới là người đầu tiên mời người phó của mình dự họp nội các, chuyện trước đây chưa từng có! Roosevelt có lẽ cũng là người củng cố nhiều nhất cho quyền lực phó tổng thống, dù theo cách chẳng vui vẻ gì: ông đột ngột qua đời khi bắt đầu nhiệm kỳ thứ 4 mới được vài tháng vào đầu năm 1945.

Người phó của ông Harry Truman cũng là mới toanh. “Tôi có cảm giác mặt trăng, các vì sao và mọi hành tinh rơi xuống đầu tôi”, Truman sau này kể. Roosevelt đang là người hùng Thế chiến II, gần như là một vị “cha già dân tộc” của nước Mỹ. Truman thì nhiều người thậm chí còn chưa biết tên, nhưng giờ ông sẽ phải giải quyết những chuyện “dời non lấp biển” như phân định thế giới hậu thế chiến, sử dụng vũ khí nguyên tử, chuẩn bị cho chiến tranh lạnh, tái thiết châu Âu…

Năm 1963, Tổng thống John F. Kennedy bị ám sát, Phó tổng thống Lyndon B. Johnson lên thay. Cho đến lúc đó vẫn chưa có quy trình cử ai làm phó tổng thống thay thế, nên vị trí của Johnson để trống trong nhiều tháng. Quốc hội Mỹ phải thông qua tu chính án 25 để quy định rõ thủ tục tìm người làm phó tổng thống khi vị phó đương nhiệm lên chức (tổng thống đề cử, quốc hội thông qua).

Tu chính án này cũng nói rõ nếu tổng thống không thể thực thi nhiệm vụ, dù ngắn hạn hay vĩnh viễn thì phó tổng thống sẽ trở thành tổng thống. Quy định như thế là để áp dụng trong trường hợp tổng thống ốm nặng hay hôn mê…

Ngày nay, ứng viên phó tổng thống thường được chọn để bổ sung những phẩm chất hay mối quan hệ mà ứng cử viên tổng thống còn thiếu. Các phó tổng thống thường ghi dấu ấn bằng chính sách do họ tự khởi xướng như Al Gore, phó tổng thống thời Bill Clinton, người ủng hộ bảo vệ môi trường.

Cho đến trước kỳ bầu cử năm nay, mới hai phụ nữ được chọn làm ứng viên phó tổng thống: bà Geraldine Ferraro (Đảng Dân chủ) năm 1984 và bà Sarah Palin (Đảng Cộng hòa) năm 2008, song cả hai đều thất cử. Trong 244 năm lịch sử nước Mỹ, có 14 phó tổng thống lên làm tổng thống, dù do tổng thống đương nhiệm qua đời, từ chức hay nhờ tranh cử.

Năm nay sẽ khác?

Ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ đua tranh với Tổng thống đương nhiệm Donald Trump năm nay là Joe Biden, đã 77 tuổi. Nếu đắc cử, ông sẽ trở thành tổng thống lớn tuổi nhất nước Mỹ và kết thúc nhiệm kỳ đầu tiên, ông sẽ tròn 81 tuổi. Đó là lý do nhiều người dự đoán Biden, nếu đắc cử, sẽ chỉ làm một nhiệm kỳ, như chính ông từng phát biểu là mình muốn làm “cầu nối” cho các thế hệ.

Cũng vì thế, nhiều người cho rằng khi ông chọn người liên danh tranh cử, Biden không chỉ tìm một người phó, mà sẽ là một đồng-tổng thống (co-president). Do đó, ông phải tìm được người cùng chia sẻ gánh nặng điều hành nước Mỹ vào giai đoạn khó khăn chồng chất vừa qua, đồng thời sẵn sàng thay ông trong tình huống xấu nhất.

Trong bốn nhân vật Biden đưa vào vòng chung kết, thượng nghị sĩ Elizabeth Warren nổi trội hơn hết, nhưng năm nay bà đã 71 tuổi, khó thể coi là “thế hệ kế cận”. Đó là lý do ông Biden chấm bà Kamala Harris, 55 tuổi, người có thể trở thành phó tổng thống nữ, da màu đầu tiên của nước Mỹ.

Ngoài tuổi tác, việc chọn phó tổng thống của Đảng Dân chủ năm nay còn có hai lý do: nữ quyền và chủng tộc. Vòng chung kết nói trên của ông Biden cũng toàn nhân vật nữ: ngoài hai bà Harris và Warren là thống đốc bang Michigan Gretchen Whitmer và cựu cố vấn an ninh quốc gia Susan Rice.

Thêm vào đó, sau biến cố George Floyd, cả nước Mỹ sôi sục phong trào người da màu đòi quyền bình đẳng; một ứng cử viên da màu sẽ “phải đạo chính trị” hơn. Nhưng đồng thời, người này cũng phải có khả năng xoa dịu nỗi lo của người Mỹ nói chung, không muốn thấy cảnh bạo loạn, cướp phá, hôi của nữa.

Bà Harris đáp ứng kỳ vọng này vì bà nổi tiếng là một công tố viên nghiêm khắc, khắc tinh của tội phạm ở tiểu bang California. Bà có mẹ là người Ấn Độ và cha người Jamaica, từng làm bộ trưởng tư pháp bang California nhiều năm trước khi trở thành nữ thượng nghị sĩ da đen thứ nhì và gốc Nam Á đầu tiên của nước Mỹ vào năm 2016.

Một bài viết miêu tả chân dung ông Biden trên tờ Financial Times, dù rất ủng hộ ông, cũng phải thừa nhận ông từng nhiều lần “lỡ lời” không ai ngăn kịp. Có lần ông bảo một thượng nghị sĩ bang Missouri phải ngồi xe lăn: “Đứng lên đi ông Chuck, cho mọi người chiêm ngưỡng ông nào!”. Thậm chí ngôn ngữ tiếng Anh đời mới đã có ngay từ từ “Bidenism” để chỉ việc nói huyên thuyên không đầu không đuôi, kiểu tuổi già lú lẫn.

Trong chiến dịch tái cử năm 2012, đội ngũ của ông Barack Obama từng phải tìm cách “cách ly” ông Biden, không cho tiếp xúc nhiều với báo chí hay công chúng. Mới rồi, ông lại phải xin lỗi sau khi lỡ lời nói: “Ai không bầu cho tôi thì không phải người da đen (!)”.

Vì thế, nhiều nhà phân tích cho rằng bà Harris còn là gương mặt trình ra cho công chúng của phe Dân chủ khi tranh cử bước vào giai đoạn nước rút mấy tháng tới, nhất là khi đại dịch COVID-19 hạn chế nhiều hoạt động tranh cử bình thường. Nếu đắc cử, ở tuổi 77, ông Biden khó lòng hoạt động ở cường độ cao, điều gần như luôn là bắt buộc với chiếc ghế người quyền lực nhất hành tinh. Khi đó, bà Harris sẽ là đồng-tổng thống như dự kiến.

Cũng có lo ngại là bà Harris không phải kiểu người chỉ chấp nhận làm “cascadeur”. Hồi sơ cử của phe Dân chủ, bà cũng đã bỉ bai ông Biden không tiếc lời. Theo tờ The New York Times, những người thân cận của Biden lo rằng nếu đắc cử, bà Harris sẽ không hết lòng vì ông. Nhưng có một điều chắc chắn: nếu đắc cử, bà Harris sẽ còn thay đổi vai trò phó tổng thống mạnh mẽ hơn nữa.■

Cuộc chiến Kamala Harris trên Wikipedia

Ngoài đời, bà Harris đuợc chọn làm ứng viên phó tổng thống chưa bao lâu thì trên mạng, “từ điển bách khoa nhân dân” Wikipedia đã diễn ra trận chiến biên tập thông tin về bà.

Theo tờ Atlantic, đầu tiên, một người dùng vào từ mục Kamala Harris trên Wikipedia đổi tên bà từ “Kamala” thành “Cuntala” (“cunt” tiếng Anh là từ tục tĩu chỉ bộ phận sinh dục nữ). Chỉ 2 phút sau, một biên tập viên phát hiện ra và đổi trở lại, đồng thời khóa tài khoản người kia. Nhưng cũng trong 2 phút đó, bộ máy tìm kiếm của Google đã kịp quét mấy lượt, nên lúc đó những ai tìm kiếm thông tin về “ứng viên phó tổng thống” thì đều được cung cấp thông tin của trang Wikipedia, thường là một trong những trang xuất hiện đầu tiên khi tìm bằng Google.

Tình hình nóng tới mức một quản trị viên Wikipedia quyết định tạm khóa chức năng biên tập từ mục “Kamala Harris” và mở phần tranh luận nội dung cần được biên tập cho riêng các biên tập viên. Ngay lập tức tranh luận nổ ra: bà Kamala Harris có phải người Mỹ gốc Phi không?

Có người hỏi tại sao lại gọi một người có gốc Nam Á (mẹ bà Harris là người Ấn Độ) là người Mỹ gốc Phi? Nói như vậy coi chừng xúc phạm đến người Mỹ gốc Ấn. Một người khác cãi lại, bà Harris tự nhận mình là người Mỹ gốc Phi. Một người khác viết, bà chính là người Mỹ gốc Á vì Ấn Độ thuộc… châu Á. Còn không, Jamaica, quê cha của bà, cũng thuộc Bắc Mỹ, chứ đâu phải châu Phi. Một số người đề nghị ghi rõ bà là người Mỹ gốc Jamaica - Ấn Độ.

Wikipedia hoạt động theo cơ chế đồng thuận. Dù tranh cãi gay gắt, các biên tập viên cấp cao cuối cùng đồng thuận ghi bà Kamala Harris là “người Mỹ gốc Phi” (African American) và “người Mỹ gốc Nam Á” (South Asian American). Cho đến nay, đó vẫn là thông tin chính thức từ Wikipedia. Trong vòng 24 giờ, từ mục về bà trên Wikipedia đã trải qua 295 lần biên tập và trang tranh luận ghi nhận hơn 19.000 từ cãi nhau. Dù sao đây vẫn là nguồn tham khảo quan trọng: trong hai ngày có gần 8,6 triệu lượt người vào xem từ mục này.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận