Buồn lo dễ làm ta nhớ nhớ quên quên

HỒNG VÂN 26/09/2020 18:09 GMT+7

TTCT - Theo một nghiên cứu công bố hồi tháng 6 vừa qua bởi các nhà khoa học của Trường ĐH College London, Anh, người bi quan trong cuộc sống dễ rơi vào tình trạng nhớ nhớ quên quên (suy giảm nhận thức) khi về già vì não họ tích tụ lượng protein gây bệnh Alzheimer cao hơn, nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ cũng cao hơn.

Ngồi thiền 30 phút mỗi ngày trong hai tuần sẽ tạo ra sự thay đổi đáng kể theo hướng tích cực trong cách suy nghĩ chúng ta. Ảnh: REUTERS
Ngồi thiền 30 phút mỗi ngày trong hai tuần sẽ tạo ra sự thay đổi đáng kể theo hướng tích cực trong cách suy nghĩ chúng ta. Ảnh: REUTERS

Buồn lo có hẹn với Alzheimer

Các nhà khoa học của Trường ĐH College London đã mời hơn 300 người trên 55 tuổi tham gia thí nghiệm. Trong thời gian 2 năm, các tình nguyên viên trả lời những câu hỏi về cách mình thường cảm nhận về sự việc xấu đã xảy ra.

Các câu hỏi tập trung vào những kiểu tư duy mang tính bi quan lặp đi lặp lại phổ biến: dằn vặt về quá khứ, lo lắng về tương lai. Sau đó, nhóm nghiên cứu đánh giá về nhận thức, khả năng tập trung, ngôn ngữ, nhận thức về không gian và sự chú ý của các tình nguyện viên.

113 tình nguyện viên cũng được chụp PET scan não (kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh dựa trên hoạt tính sinh học của tế bào) và đo lượng tau amyloid beta amyloid, hai loại protein gây ra hội chứng Alzheimer ở người lớn tuổi.

Kết quả nghiên cứu đăng trên tạp chí của Hội Alzheimer cho thấy những người thường xuyên có lối suy nghĩ tiêu cực dễ tích tụ tau amyloidbeta amyloid nhiều hơn, do đó bị suy giảm khả năng nhận thức và trí nhớ nhiều hơn so với những người không suy nghĩ tiêu cực.

Trưởng nhóm nghiên cứu, bác sĩ tâm thần học Natalie Marchant, cho biết: “Nhóm nghiên cứu nhận định rằng suy nghĩ tiêu cực lặp đi lặp lại có thể là một yếu tố rủi ro mới đối với bệnh mất trí nhớ vì nó có thể góp phần vào chứng bệnh này theo cách riêng”.

Bác sĩ Isaacson, thành viên Quỹ nghiên cứu về não McKnight, đơn vị tài trợ cho nghiên cứu trên, cho biết: “Nhiều người thuộc diện có nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ không biết về những tác động xấu mà âu lo trực tiếp gây ra với não bộ. Nghiên cứu này thật sự rất quan trọng và nó sẽ thay đổi cách chăm sóc các bệnh nhân có nguy cơ”.

Các nhà nghiên cứu cho rằng các bài tập cho tâm trí như thiền giúp thúc đẩy tư duy tích cực đồng thời giảm suy nghĩ bi quan. Họ sẽ sớm nghiên cứu để xác tín giả thuyết này.

Quẳng gánh lo đi

Một nghiên cứu năm 2019 cho thấy những người nhìn cuộc sống từ góc độ tích cực có cơ hội tránh được nguy cơ tử vong do các loại bệnh tim mạch tốt hơn nhiều so với những người bi quan. Càng tích cực, sự bảo vệ khỏi các cơn đau tim, đột quỵ và các nguyên nhân tử vong khác càng lớn.

Nghiên cứu còn chỉ ra những người lạc quan thường có thói quen hằng ngày có lợi cho sức khỏe. Họ hay tập thể dục hơn, ăn uống lành mạnh hơn, có hệ miễn dịch khỏe hơn, chức năng phổi tốt hơn, ít hoặc không hút thuốc...

Theo bác sĩ tim mạch Alan Rozanski thuộc Trường ĐH Y Icahn tại Mount Sinai (Mỹ): “Ngoài những yếu tố trên, người lạc quan thường có xu hướng nắm bắt và giải quyết vấn đề tốt hơn, họ phán đoán được rắc rối sẽ đến và chủ động tìm cách giải quyết”.

Điều may mắn là chúng ta có thể luyện tập để trở thành người lạc quan. Một ly nước chỉ đầy một nửa, bạn nhìn vào nửa phần đầy hay nửa phần vơi có thể nói lên bạn thuộc trường phái lạc quan hay bi quan.

Các nhà khoa học đã phát triển công cụ giúp chúng ta xác định mình thuộc phe nhìn đời qua lăng kính hồng hay xám, gọi là bài kiểm tra Xu hướng cuộc sống (Life Orientation) với hàng loạt câu hỏi về mức độ đồng ý của chúng ta với những nhận định như: Bạn có tin nếu có chuyện xui rủi xảy ra với mình thì nó tất yếu sẽ đến? Tổng hợp số điểm của mỗi câu hỏi sẽ cho thấy mức độ lạc quan hay bi quan của bạn.

Tuy nhiên, chúng ta có thể tập các bài tập tư duy tích cực mỗi ngày và trở thành một người biết nhìn vào những điều tốt đẹp hơn là săm soi những nốt tàn nhang. Theo gợi ý của các nhà khoa học trên CNN, ngồi thiền 30 phút mỗi ngày trong hai tuần sẽ tạo ra sự thay đổi đáng kể theo hướng tích cực trong cách suy nghĩ chúng ta.

Ngoài ra, bạn có thể áp dụng phương pháp “Best Possible Self”, tạm dịch là “Chân dung tốt nhất của mình”. Theo cách này, mỗi ngày chúng ta hoặc nghĩ thầm hoặc viết vào nhật ký về mình trong tương lai khi đã đạt được mọi mục tiêu và giải quyết xong mọi khó khăn.

Một phương pháp khác là thực hành biết ơn và tri ân. Hãy ghi lại những điều làm bạn cảm thấy biết ơn hoặc những điều khiến bạn vui vẻ trong ngày. Dần dần, việc này sẽ giúp bạn suy nghĩ theo hướng tốt đẹp hơn, não bạn sẽ tập trung vào những cảm xúc tích cực, thay vì những cảm xúc tiêu cực.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận