Campuchia: 30 năm nhìn lại

DANH ĐỨC 13/12/2021 18:00 GMT+7

TTCT - Thứ năm 14-11-1991, Hoàng thân Sihanouk hồi loan từ Bắc Kinh, cùng theo ông có hoàng tử Ranariddh. Chủ nhật 5-12-2021 vừa rồi, hoàng tử hồi hương từ Paris trong một quan tài, sau nhiều năm dài xa xứ. Cũng tuần rồi, Thủ tướng Hun Sen giới thiệu con trai cả là ứng viên thủ tướng thay ông. Trong 30 năm qua, Campuchia thay đổi chính thể, triều đại, nền kinh tế, song có một thứ không thay đổi: quan hệ với Trung Quốc.

9h sáng thứ hai 6-12-2021, báo Khmer Times hoan hỉ đăng tin: “Đại sứ Trung Quốc tại Campuchia Vương Văn Thiên cho biết dự kiến Campuchia sẽ sản xuất vắc xin Covid-19 vào năm tới”. Số là ông đại sứ sáng đầu tuần ấy dự lễ khánh thành một con đường ở tỉnh Prey Veng, nhân tiện báo tin tốt lành đó.

Ân điển 

Đại sứ Vương không chỉ dự lễ khánh thành mà là đồng chủ sự cùng Thủ tướng Hun Sen, Khmer Times nêu rõ. 


Ông Hun Sen (phải) và đại sứ Trung Quốc Vương Văn Thiên. Ảnh: AFP

 


Quốc lộ 11 này, mới hoàn tất sau chỉ 40 tháng (trước tiến độ 4 tháng), dài 96,48km, nối hai tỉnh Prey Veng và Tboung Khmum, mặt đường rộng 9 - 11m, phủ nhựa nóng, chấm dứt tình trạng đường đất từ “trước chiến tranh” bước qua “tình trạng hiện đại”. 

Đó âu cũng là đặc điểm chung của đường sá Campuchia, chủ yếu khai sinh từ thời Tây và đã “vũ như cẩn” suốt thời chiến, bắt đầu từ 1970 khi ông hoàng Sihanouk bị Lon Nol lật đổ. 

Cho tới Hiệp định Paris tháng 10-1991, các con đường lớn nhỏ vẫn cứ hình hài cổ lỗ lại thêm phần hư hại. Chính vì thế, các dự án đường sá, cầu cống từ vốn vay của Trung Quốc, khách quan mà nói đối với Phnom Penh, chính là những “cơn mưa giải hạn”. 

Trở lại với quốc lộ 11 ở trên, dự án trị giá 94 triệu USD này do hai nhà thầu: Tổng công ty Cầu đường Trung Quốc (CRBC) và Công ty Xây dựng Quảng Châu - Vạn An thực hiện từ vốn vay Trung Quốc và vốn đối ứng từ ngân sách Campuchia.

Đó chỉ là một trong rất nhiều con đường do Trung Quốc cho vay vốn và xây dựng ở Campuchia. Năm 2008, trong một vòng cung khắp Campuchia, tôi từng thấy những công trường làm đường đầu tiên về hướng Preah Vihear, nơi có ngôi đền lúc đó ầm ĩ tranh chấp với Thái Lan. 

Năm đó, con đường hơn 200km từ Siem Reap còn có những đoạn dài hoang sơ kiểu trước chiến tranh. Việc làm đường mới lúc đó hối hả do chiến sự đang đe dọa khu vực đền Preah Vihear mà đường tiếp tế còn quá hiểm trở. 

Những nhu cầu khẩn thiết như vậy càng làm nổi bật ý nghĩa của những con đường vay vốn Trung Quốc ở Campuchia và sự cảm kích của Phnom Penh.

Cứ thế, danh sách các công trình Trung Quốc ở Campuchia ngày một dài: hơn 3.000km đường cùng 8 cây cầu lớn trị giá hơn 3 tỉ USD tín dụng, Bộ trưởng Công chánh và vận tải Sun Chanthol tổng kết tại Diễn đàn quốc tế lần thứ 11 về đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở vào hôm 2-12-2021; rồi cao tốc Phnom Penh - Sihanoukville trị giá trên 2 tỉ USD, cũng do CRBC đảm trách. 

Không phải do quá “sổ sách” mà Bộ trưởng Sun Chanthol nêu rõ chi tiết 8 cây cầu lớn dài tổng cộng hơn 8km, theo Khmer Times. Ở xứ sông rạch chằng chịt Campuchia, những cây cầu đó là vô cùng hệ trọng.

Tất nhiên, còn có Nhật Bản, Hàn Quốc, Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)… cũng hỗ trợ phát triển hạ tầng cho Campuchia. 

Năm 2020, theo WB, Campuchia đã ký vay các nước và các định chế này 2,02 tỉ USD, so với chỉ 1,28 tỉ USD năm 2019. 

Song Trung Quốc vẫn là chủ nợ chính thức lớn nhất, với tổng dư nợ 3,9 tỉ USD, tương đương 44,2% tổng nợ, báo cáo của WB với tựa đề “Cập nhật kinh tế Campuchia: Con đường dẫn tới khôi phục” (viết tắt là CEU) cho biết.

CEU nhận định về chọn lựa của Phnom Penh: “Những năm gần đây, Campuchia ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc cho cả các khoản vay khu vực công và dòng vốn FDI”, rồi so sánh với Việt Nam: “Khác với Campuchia, Việt Nam có nguồn tài chính đa dạng. Chủ nợ lớn nhất của Việt Nam là WB, chiếm 31,9% tổng nợ nước ngoài của chính phủ trung ương, với khoảng 15,2 tỉ USD. Chủ nợ lớn thứ nhì của Việt Nam là từ nguồn song phương, Nhật Bản, chiếm 30,4% tổng nợ nước ngoài… với 14,5 tỉ USD. Tiếp theo là ADB chiếm 17,4%” (trang 36).

Song đó là quan điểm của WB, chớ không phải của Chính phủ Campuchia. Tại buổi lễ hôm thứ hai 6-12, ông Hun Sen đã nhân dịp công bố thêm 3 dự án làm cầu đường lớn nữa và đều do Trung Quốc cho vay. Bộ trưởng Sun Chantol làm rõ: 

“Đảm bảo nguồn vốn cho phát triển hạ tầng luôn là thách thức lớn với hầu hết các nước đang phát triển. Do đó, các sáng kiến và định chế như “Vành đai con đường“, “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21” và Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á đóng một vai trò quan trọng”.

Những hãng xây dựng của cả hai nước đồng thời rất hoan hỉ trước những quyết định như việc Chính phủ Campuchia vừa phân loại lại hơn 1.600ha hồ tự nhiên ở Thbong Khmum thành đất sử dụng đa mục đích, nay sẽ mọc lên nhà cửa, đường sá, trung tâm thương mại, resort, villa… thay vì cứ là một cái hồ phơi mình cùng tuế nguyệt và chẳng đem lại lợi lộc gì ngoài sự trong lành.

Đầu tư trực tiếp

Các dự án hạ tầng rầm rộ đó dọn đường để doanh nghiệp Trung Quốc dẫn đầu làn sóng đầu tư FDI vào Campuchia. 


Ông Hun Sen và con trai Hun Manet. Ảnh: Sputnik

 


Báo cáo “Xu hướng FDI” của cơ quan phụ trách đầu tư Chính phủ Campuchia tổng kết: Trong tổng số vốn FDI được phê duyệt giai đoạn 1994 - 2019, phần lớn nhất là từ Trung Quốc (21,81%), trải từ cơ sở hạ tầng cho tới khai thác tài nguyên và du lịch. 

Nước thứ hai là Hàn Quốc kém rất xa (6,16%), còn Việt Nam đứng hạng 8 (2,31%).

Tuy nhiên, báo cáo CEU của WB cập nhật tháng 6-2021 nêu rõ những vướng mắc trong đầu tư và phát triển của Campuchia: 

“Sản xuất xuất khẩu của Campuchia vẫn phụ thuộc nhiều vào ngành công nghiệp may mặc, mà trong nhiều thập niên phần lớn chỉ tham gia “cắt - ráp may - hoàn chỉnh”, phần giá trị gia tăng thấp nhất trong toàn bộ chuỗi giá trị” (trang 21). 

Sự thất thế đó thể hiện qua tiền công cho người lao động, được cơ quan phụ trách đầu tư Campuchia ghi nhận qua biểu đồ lương hằng tháng tính đến tháng 1-2021. Theo đó, lương tối thiểu theo luật chỉ là 55 USD, lương của lao động phổ thông là 101 USD, trong khi lương kỹ sư trung cấp là 363 USD, quản lý trung cấp 416 USD.

Khoảng 5,7 tỉ USD quần áo và giày dép đã được xuất khẩu vào năm ngoái, chiếm khoảng 95% tổng kim ngạch xuất khẩu từ Campuchia. 

Trong số 15 triệu dân, ngành công nghiệp may mặc sử dụng khoảng nửa triệu lao động, chủ yếu là phụ nữ. Tuy nhiên, 90% chủ và 80% quản lý trong các xưởng may không phải là người Campuchia.

CEU lại so sánh với láng giềng Việt Nam và ghi nhận sự khác biệt rõ rệt: “Ngược lại, Việt Nam đã có thể nhanh chóng đa dạng hóa cơ sở sản xuất xuất khẩu, và quan trọng hơn, đã dịch chuyển thành công đến hàng điện tử xuất khẩu vốn có giá trị gia tăng cao”. 

Mặt khác, cũng theo CEU: “Trong khi Trung Quốc tiếp tục chiếm đến khoảng một nửa tổng dòng vốn FDI vào Campuchia thì FDI của Trung Quốc chỉ chiếm 11% tổng vốn FDI vào Việt Nam”. 

Hai điểm khác biệt này ắt hẳn từ những chọn lựa, cân nhắc “thiết thân” của những người lãnh đạo quốc gia.

Cùng điểm xuất phát như nhau, song hai nước láng giềng này đã có những chọn lựa khác nhau. Báo cáo CEU ghi nhận Campuchia và Việt Nam đều là thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và ASEAN, cùng duy trì các chính sách thương mại tương đối cởi mở. 

Tuy nhiên, Việt Nam đã thành công trong việc nâng cao hiệu quả, thể hiện qua vị trí cao tương đối trên bảng xếp hạng cởi mở kinh doanh: Năm 2020, Việt Nam xếp hạng 70 và Campuchia hạng 144 (trên 190 quốc gia) trong Báo cáo Môi trường kinh doanh 2020 (Doing Business 2020).

30 năm không suy suyển

Tin hoàng tử Ranariddh qua đời khá đột ngột tại Paris tuần rồi là một khó khăn thêm nữa cho phe đối lập ở Campuchia, vốn được công nhận bởi hiến pháp, để có được một chỗ đứng trên chính trường nước này. 

Những kỳ vọng mà Hoàng thân Sihanouk tạo ra từ cuộc họp báo quốc tế “khổng lồ” vào chiều thứ năm 14-11-1991 trong Hoàng cung Campuchia ở Phnom Penh cùng hình ảnh oai vệ của hoàng tử Ranariddh, tổng tham mưu trưởng kiêm tổng tư lệnh Quân đội quốc gia Sihanouk, mặc quân phục may đo, chân mang giày trận “đặc biệt” màu nâu (một màu giày trận hiếm thấy), đứng hầu sau lưng phụ thân, nay không còn dịp trở thành thực tế.

Lịch sử đã nhiều lần sang trang ở Campuchia tính từ ngày 18-3-1970, khi Sihanouk bị Lon Nol lật đổ và đưa đất nước ra khỏi chế độ quân chủ, đồng thời bước vào cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhì; rồi tới Khmer Đỏ và nạn diệt chủng… 

Chuyến bay từ Bắc Kinh về lại Phnom Penh trên một chiếc Boeing 707 của Air China, có Thủ tướng Hun Sen sang đón và hộ giá, đáp xuống sân bay Pochentong cuối buổi sáng với những hứa hẹn “hồi loan”.

Hai năm sau, năm 1993 Sihanouk lại trở thành quốc vương Campuchia và con trai ông, thái tử Norodom Ranariddh, làm thủ tướng. Theo Hiến pháp Campuchia ngày 21-9-1993, quốc vương chỉ “trị vì nhưng không cai trị”. 

Do bệnh tật, ông phải tới lui Bắc Kinh nhiều lần để chạy chữa. Đến tháng 1-2004, ông tự sang Bình Nhưỡng sống lưu vong rồi sau đó qua Bắc Kinh. 

Đến ngày 7-10 cùng năm, ông nại lý do sức khỏe kém, tự tuyên bố thoái vị, dù Hiến pháp Campuchia 1993 không dự trù chuyện thoái vị mà “buộc” ông tại vị cho tới mãn đời: “Quốc vương Campuchia trị vì mà không cai trị. Nhà vua là quốc trưởng suốt đời. Con người của nhà vua là bất khả xâm phạm”.

Tất nhiên chẳng ai chạm đến long thể, song chuyện ông chỉ trị vì mà không cai trị chính là chạm đến “long mạch” dòng tộc Norodom. 

Quý tử của ông, Ranariddh, từng giữ chức thủ tướng thứ nhất của Campuchia từ năm 1993 đến 1997 - ông Hun Sen làm thủ tướng thứ nhì - và sau đó là chủ tịch Quốc hội Campuchia từ năm 1998 đến năm 2006, cuối cùng cũng mấy lần bay sang Pháp rồi lưu vong luôn.

Văn bằng tiến sĩ luật khoa cùng mấy năm dạy luật tại Đại học Aix-en-Provence (Pháp) của ông đã không “sánh nổi” tính thực tiễn và tài chính trị của ông Hun Sen. Tờ Le Monde 29-11-2021, khi loan tin ông Ranariddh qua đời, đã thuật lại rằng ông hay nói: “Lịch sử sẽ nói về tôi như một thủ tướng bị lật đổ”.

Thật vậy, ông đã bị lật đổ sau biến cố ngày 5-7-1997 tại tỉnh Kampong Speu, khi các binh sĩ do đại tướng Ke Kim Yan chỉ huy bao vây doanh trại của các binh sĩ thân Ranariddh do đại tướng Nhek Bun Chhay chỉ huy. 

Cùng lúc đó, lực lượng quân cảnh tiến vào nhà của tướng Chao Sambath - một lãnh đạo cấp cao của Funcinpec, và yêu cầu binh lính thân Funcinpec hạ vũ khí. Tướng Nhek Bun Chhay ra lệnh nổ súng tấn công phe tướng Ke Kim Yan, gây nhiều tổn thất cho cả hai bên. 

Ông Hun Sen khi đó đang nghỉ mát đã về nước. Phe thân Hun Sen nhanh chóng làm chủ thủ đô Phnom Penh. Phe thân Ranariddh liên minh với Khmer Đỏ tại miền bắc Campuchia tiếp tục chống trả cho đến tháng 9-1997 mới chấm dứt.

Ông Ranariddh thua, chẳng qua do xã hội mà ông muốn tranh chấp với ông Hun Sen không phải xã hội mà ông đã quen sống từ nhỏ. 

Đó là xã hội mà tờ Khmer Times 27-10-2021, trong bài xã luận “Sự biến đổi xã hội của Campuchia, 30 năm sau Hiệp định hòa bình Paris”, mô tả như sau: 

“Nhiều người lớn tuổi vốn đã chứng kiến tới 5 hệ thống chính trị và ý thức hệ khác nhau trong suốt cuộc đời họ và hầu hết quá trình chuyển tiếp chính trị luôn bao gồm sự đổ máu. Campuchia là trường đại học thực nghiệm về hệ tư tưởng chính trị, dưới những hình thức cứng rắn nhất và tàn ác nhất”.

Cũng trong bối cảnh Funcinpec nay như “mất đầu”, cho dù chưa bao giờ đảng này đe dọa gì được ông Hun Sen, Thủ tướng Campuchia ra mặt tuyên bố ủng hộ việc con trai cả của mình, đại tướng Hun Manet (sinh 1977), trở thành lãnh đạo đất nước thông qua bầu cử. 

Ông Hun Manet đã được chuẩn bị từ trai tráng bằng cách gửi vào học tại Học viện quân sự West Point danh tiếng của Mỹ từ năm 1995. Đây là một chọn lựa “đầu tư” rất “nhìn xa trông rộng”: người sẽ kế vị ông Hun Sen là một trong những người Campuchia đầu tiên “hiểu biết” Mỹ cùng kinh tế thị trường “căn cơ” nhất.

Không chỉ tốt nghiệp võ bị West Point, ông Hun Manet còn đậu MA (thạc sĩ) kinh tế Đại học New York và PhD (tiến sĩ) kinh tế Đại học Bristol (Anh). 

Có vẻ như sinh viên Hun Manet đủ “tỉ mỉ” để soạn một luận án vi mô có tựa đề: “Điều gì quyết định sự phân bố quy mô công ty và hội nhập cơ cấu? Một nghiên cứu liên quận hạt”.

Khả năng ông Hun Manet thắng lợi hầu như lên đến 100%. Dự kiến người dân Campuchia sẽ lại bầu cử vào năm 2023. Trong cuộc bầu cử năm 2018, đảng của ông Hun Sen đã giành tất cả ghế trong quốc hội sau khi Tòa án tối cao giải tán đảng đối lập Cứu nguy dân tộc Campuchia trước đó một năm. 

30 năm sau ngày kết thúc chiến tranh, Campuchia cũng đã đạt những tiến bộ nhất định, và nhìn cả sự nghiệp chính trị của ông Hun Sen, năng lực tiên liệu là một đặc điểm nổi bật. Với cậu con cả Hun Manet, ông sẽ thể hiện năng lực đó lần cuối cùng trước khi “thiện nhượng”.■

Ông Ranariddh không chỉ có một “kẻ thù” là ông Hun Sen, bởi cả trong nội bộ ông cũng rất phức tạp. 


 
 Cựu hoàng Sihanouk và con trai Ranariddh nay đều đã ra người thiên cổ. Ảnh: Wikimedia

 


Mới hôm 27-9 năm nay, ông Ranariddh còn quyết định loại bỏ 3 quan chức cấp cao của Đảng Funcinpec đã theo ông suốt mấy mươi năm qua, trong đó có 2 phó chủ tịch, vì họ khăng khăng muốn hợp nhất với Đảng Thống nhất quốc gia Khmer (KNUP), Khmer Times 28-8 đưa tin.

Đấu đá luôn là thuộc tính của những đảng phái mà thủ lĩnh thiếu bản lĩnh. Để phản pháo, một trong ba nhân vật bị khai trừ khỏi Funcinpec, phó tổng thư ký Phann Sithy, tố ngược bà Ranariddh đang chiếm đoạt con dấu của đảng và con dấu chữ ký của ông Sithy. 

Nay ông Ranariddh đã ra người thiên cổ. Ông Hun Sen thì đã quyết định 8-12 là ngày quốc tang cho cố chủ tịch Đảng Funcinpec theo bảo hoàng và cựu thủ tướng thứ nhất, hoàng tử Norodom Ranariddh, để bày tỏ lòng thành kính vì những đóng góp cho đất nước của ông.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận