Chờ đợi từ một điều luật

TÂM LỤA 12/12/2015 22:12 GMT+7

TTCT- Có lẽ rất hiếm một bộ luật gốc đồ sộ và khô khan nào sau khi được thông qua lại nhận được phản ứng tức thì từ xã hội như Bộ luật dân sự (sửa đổi). Ngay sau khi Quốc hội thông qua bộ luật này, không khí vui mừng, hạnh phúc ngập tràn khắp nơi, từ trên mạng xã hội ra đến ngoài đời thực. Nhiều khẩu hiệu, avatar “Cảm ơn Quốc hội”, “Chúc mừng Quốc hội”, “Thời khắc của người chuyển giới” đã được giương cao...

Cộng đồng LGBT tại Hà Nội xuống đường ăn mừng sau khi quyền chuyển đổi giới tính đã được Quốc hội thừa nhận (ảnh chụp tối 24-11-2015)-Nguyễn Khánh
Cộng đồng LGBT tại Hà Nội xuống đường ăn mừng sau khi quyền chuyển đổi giới tính đã được Quốc hội thừa nhận (ảnh chụp tối 24-11-2015)-Nguyễn Khánh

Tối hôm ấy, tại ba miền đất nước, không chỉ người chuyển giới mà cả cộng đồng LGBT đã xuống đường ăn mừng, trao nhau những nụ cười, những cái ôm hạnh phúc, bất chấp cái lạnh mùa đông Hà Nội hay cơn mưa đêm ở Sài Gòn...

Đó là những khoảnh khắc quan trọng để chúng ta hiểu rằng mọi cố gắng để đừng bỏ sót quyền của bất cứ nhóm người yếu thế nào sẽ tạo nên một làn sóng hạnh phúc, yêu thương và lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội” - anh Huỳnh Minh Thảo, giám đốc truyền thông của Trung tâm ICS - Tổ chức bảo vệ và thúc đẩy quyền của người LGBT tại Việt Nam, nói.

Điều tưởng không thể đã trở nên có thể

Điều 37 Bộ luật dân sự (sửa đổi) quy định: “Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của bộ luật này và luật khác có liên quan”.

Tôi hạnh phúc đến nỗi khóc không ra khóc, cười không ra cười, chỉ biết cùng bạn bè nhảy tưng tưng. Từ nay những người chuyển giới như tôi đã được Nhà nước công nhận, chúng tôi đã được coi như một con người” - chia sẻ của cô gái chuyển giới từ nam sang nữ Lê Ánh Phong (28 tuổi) đã khiến nhiều người xúc động.

Những ai từng biết Phong cũng như khao khát của cộng đồng người chuyển giới sẽ hiểu rằng vì sao Phong có cảm giác “tái sinh” sau khi được Nhà nước thừa nhận.

Vượt qua nhiều mặc cảm, tự ti và phản đối của gia đình, năm 2013 Phong quyết định sang Thái Lan phẫu thuật. Tuy nhiên những vướng mắc vẫn tiếp diễn khi Phong trở về Việt Nam trong hình dạng của một cô gái nhưng tên và giới tính trên giấy tờ vẫn là nam.

Đi đâu, làm gì Phong cũng bị hỏi vặn vẹo, gây khó dễ. “Em vẫn nghĩ mình sẽ sống với giấy tờ này cho đến hết cuộc đời. Nhưng ngay sau khi các quy định mới này có hiệu lực, em sẽ đến ủy ban để đổi tên, đổi giới tính. Em có thể kết hôn với người con trai mà mình yêu” - Phong vui mừng chia sẻ.

Có điều kiện tài chính để sang Thái Lan chuyển giới như Phong là mơ ước của hàng ngàn người chuyển giới tại Việt Nam. Trong một thời gian dài, người chuyển giới thường bị kỳ thị, khó tìm việc làm trong khi khao khát được sống với chính mình luôn thôi thúc.

Vòng tròn luẩn quẩn ấy diễn ra với hầu hết những người chuyển giới mà chúng tôi đã gặp. Để được sống đúng giới tính mong muốn, nhiều người đã sử dụng nhiều loại thuốc tây trôi nổi mà không có bất cứ sự thăm khám, chỉ định nào của bác sĩ. Họ cũng liều lĩnh dùng hormone, tiêm silicon tùy tiện... Cát Thy (cô gái chuyển giới từ nam sang nữ khá nổi tiếng ở TP.HCM) đã bơm silicon vào khắp cơ thể để có một nhân dạng nữ mềm mại.

PGS.TS Phạm Quỳnh Phương, một chuyên gia về người chuyển giới, cho biết cách đây ba năm, khi bà và các đồng nghiệp làm một nghiên cứu về cuộc sống, việc làm của người chuyển giới, kết quả chung đều rất bi đát. Nhiều người chuyển giới đã không đợi được, họ đã chết vì sử dụng hormone, các loại thuốc trôi nổi để được sống đúng bản dạng giới mong muốn.

Tôi đã nghĩ rằng họ không bao giờ có lối thoát. Họ gặp rất nhiều rủi ro. Vì vậy, điều 37 Bộ luật dân sự mới đã mang đến một sự thay đổi lớn cho cộng đồng này. Họ có thể được chuyển giới an toàn ở Việt Nam, có thể mang tên và giới tính như họ mong muốn...” - bà chia sẻ.

Hành trình không mệt mỏi

Để điều 37 được hiện diện trong Bộ luật dân sự, cả một quá trình vận động, đấu tranh không mệt mỏi của Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (iSEE) và Tổ chức ICS đã được tiến hành. Anh Lương Thế Huy, giám đốc Chương trình quyền LGBT (iSEE), cho biết sau khi Luật hôn nhân gia đình được thông qua (tháng 6-2014), anh gác lại mọi thứ và cố gắng hướng sự quan tâm của cộng đồng sang các nội dung có liên quan đến quyền của người chuyển giới được quy định tại Bộ luật dân sự (sửa đổi).

Mong luật không bỏ sót bất cứ ai

“Chúng tôi đang cố gắng thúc đẩy cho quá trình soạn thảo các văn bản dưới luật để tất cả mọi người đều được hưởng lợi một cách đầy đủ, tránh bị bỏ sót như hiện tại. Vì điều 37 vẫn đang được hiểu là chỉ dành cho những cá nhân đã tiến hành phẫu thuật chuyển đổi giới tính hoàn toàn, trong khi nhu cầu của các bạn chuyển giới thì rất rộng (có người muốn chuyển đổi toàn bộ cơ thể, có người chỉ muốn thực hiện một phần, người khác lại chỉ muốn tiêm thuốc, hoặc thậm chí là không làm gì cả vì đó là cơ thể của họ và họ được quyền quyết định sẽ làm gì với nó)”.

Nguyễn Thiện Trí Phong (trợ lý dự án mảng người chuyển giới của ICS)

Hàng trăm cuộc vận động, hàng chục cuộc đối thoại với ban soạn thảo, tổ biên tập của dự thảo bộ luật với cộng đồng LGBT do iSEE, ICS kết nối được diễn ra. Từng từ ngữ trong điều luật được điều chỉnh sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đều được anh cập nhật cho cộng đồng hiểu.

Ngày 24-11, khi nghị trường thông qua Bộ luật dân sự, nhiều bạn trẻ chia sẻ trên Facebook của Trung tâm ICS: “Trước đó em cứ nghĩ luật pháp là thứ khô khan không thuộc phạm trù của cá nhân. Giờ em đã hiểu được ý nghĩa lớn lao của nó với cuộc đời mình, thấy mình đã chạm tới quyền được tự do sống, quyền được sống một cuộc sống bình thường như bao người...”.

Cộng đồng LGBT vẫn đang chờ đợi các quy định cụ thể hơn của luật pháp để điều 37 được thực thi trọn vẹn trong đời sống thực. Sẽ cần đến một luật về chuyển đổi giới tính được ban hành để cụ thể hóa các khái niệm, thời điểm, trình tự thủ tục, văn bản hướng dẫn thi hành.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã cho biết tháng 7-2017 Quốc hội khóa XIV sẽ họp bàn về chương trình xây dựng pháp luật. Bộ Tư pháp sẽ đề xuất xây dựng luật về chuyển đổi giới tính. Với mục tiêu sẽ không để quyền này bị treo, chúng tôi sẽ phải tiếp tục chương trình vận động” - anh Huy khẳng định.

Bên cạnh việc xây dựng các quy định của luật, anh Lương Thế Huy cho rằng Việt Nam cần các cơ sở y tế đủ khả năng tiến hành phẫu thuật chuyển giới. Bên cạnh đó là hệ thống hộ tịch cần có những quy định thuận lợi khi người chuyển giới có nhu cầu đổi lại giới tính và cấp lại giấy tờ.■

 

Hạnh phúc vì được thừa nhận

“Những năm tháng không được thừa nhận, phải sống trong sự kỳ thị và định kiến nặng nề của xã hội, nhiều người trong cộng đồng người chuyển giới đã bị chính gia đình mình bỏ mặc, bị xa lánh và bạo hành tại trường học dẫn đến không đủ năng lực, học vấn để có được những công việc tốt trong xã hội.

Họ phải mưu sinh bằng nhiều ngành nghề nguy hiểm, khó nhọc, có khi còn trái pháp luật khiến xã hội ngày qua ngày lại càng có thêm những định kiến nặng nề... Những năm tháng đó đã qua, hiện tại với quyết định của Quốc hội, người chuyển giới Việt Nam sẽ có thêm nhiều cơ hội mới. Những người đã chuyển giới sẽ được thay đổi thông tin họ tên, giới tính trong hộ tịch và được hưởng các quyền nhân thân theo đúng giới tính mới.

Sự thừa nhận này cũng là cơ hội mở ra những cánh cửa về nhận thức cho toàn xã hội vốn dĩ từ lâu vẫn còn đóng kín. Các gia đình sẽ có thêm thông tin mới về người chuyển giới thông qua truyền thông...

Nhà trường sẽ mạnh dạn hơn trong việc chia sẻ với các học sinh những kiến thức chuyên sâu về giới, về bản dạng giới... Các cơ quan, doanh nghiệp sẽ có thêm cơ sở để hiểu và tuyển dụng những nhân lực là người chuyển giới, vốn cũng là những người có khả năng lao động và cũng mong muốn được đánh giá công bằng như bất kỳ ai...

Chúng tôi muốn thay mặt cộng đồng LGBT và người chuyển giới nói riêng, gửi lời cảm ơn và chúc mừng đến các đại biểu Quốc hội, ban soạn thảo, các cơ quan ban ngành liên quan đã nghiên cứu và xây dựng nên một bộ luật ý nghĩa và có giá trị tác động sâu sắc đến đời sống của hơn 300.000 người chuyển giới.

Chúng tôi cũng cảm ơn những nhà nghiên cứu, những nhà tư tưởng, những nhà hoạt động vì quyền của cộng đồng LGBT, những ngôi sao và người ảnh hưởng đã dùng tất cả năng lực, tâm huyết và sức lao động không mệt mỏi của mình cho tiến trình kỳ diệu này được diễn ra thuận lợi... Lời cảm ơn quan trọng nhất chúng tôi muốn dành cho tất cả người chuyển giới Việt Nam, những người đã thật sự dũng cảm, dám bước qua tất cả mọi rào cản, trở ngại để cất lên tiếng nói của mình trong tất cả những buổi họp quan trọng, từ đời sống đến nghị trường... trong suốt nhiều năm để cùng nhau thúc đẩy cho quyền của mình được thực thi”.

Anh Huỳnh Minh Thảo (giám đốc truyền thông của Trung tâm ICS)

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận