​Chống tham nhũng kiểu APEC

DANH ĐỨC 17/11/2014 10:11 GMT+7

TTCT - Vụ Bio-Rad (công ty sản xuất thiết bị chẩn đoán y khoa của Mỹ bị cáo buộc hối lộ để bán sản phẩm) đã nổ ra như một quả lựu đạn ở Mỹ ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh APEC Bắc Kinh.

Casino Resort World Sentosa ở đảo Sentosa (Singapore) vắng khách khách đánh bài hạng VIP do ảnh hưởng của chiến dịch chống tham nhũng ở Trung Quốc và kinh tế phát triển chậm lại - Ảnh: Reuters
Casino Resort World Sentosa ở đảo Sentosa (Singapore) vắng khách khách đánh bài hạng VIP do ảnh hưởng của chiến dịch chống tham nhũng ở Trung Quốc và kinh tế phát triển chậm lại - Ảnh: Reuters

Không chỉ thế, “vụ nổ” còn “văng miểng” đến ba nền kinh tế thành viên APEC khác là Nga, Thái Lan và Việt Nam. Vài ý kiến cho rằng sẽ “bó tay thôi, vì có yếu tố nước ngoài”.

Có thể sẽ thôi nghĩ như thế nếu tìm hiểu tin sau đây của đài “Trung Hoa quốc tế” (CRI): Để thúc đẩy sự kết nối, liên lạc và xây dựng năng lực giữa các cơ quan chống tham nhũng và thực thi pháp luật trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thúc đẩy sự hợp tác thiết thực về các mặt chống tham nhũng, hối lộ, rửa tiền và thương mại bất hợp pháp.

Mới đây, mạng lưới chống tham nhũng và thực thi pháp luật của APEC (ACT-NET) (*) đã chính thức đi vào hoạt động.

Nếu minh bạch được các “thủ tục ngay tại cửa khẩu và phía sau cửa khẩu”, thương mại toàn khu vực APEC sẽ tăng 7,5%, tương đương 148 tỉ USD, theo một nghiên cứu năm 2007 của Ngân hàng Thế giới 

10 năm hình thành mạng lưới

Thật ra, ACT đã ra đời từ năm 2005 với một tổ đặc nhiệm gồm các chuyên gia về minh bạch hóa và chống tham nhũng ACT (Anti-Corruption and Transparency Experts’ Task Force) nhằm thực thi ngay “Cam kết Santiago” cùng kế hoạch hành động về “chống tham nhũng và đảm bảo minh bạch” ký kết nhân Hội nghị thượng đỉnh APEC Santiago (Chile) năm 2004.

Cam kết này nêu rõ: Khuyến khích lẫn nhau khước từ không cho các quan chức và cá nhân phạm tội tham nhũng cùng những người khiến họ tham nhũng, cùng tài sản của họ được trú ẩn an toàn; Thúc đẩy khu vực hợp tác trong việc dẫn độ, tương trợ tư pháp, thu hồi và hoàn trả tiền của tham nhũng... (Santiago Commitment to Fight Corruption and Ensure Transparency, Santiago, 21 November 2004).

Đến thượng đỉnh APEC Sydney 2007, ACT hoàn tất bộ “Quy tắc ứng xử chống tham nhũng trong kinh doanh”. Sang đến năm 2011, ACT-NET được thành lập như là một đơn vị hành động nhằm điều phối hoạt động, đặc biệt trong việc hỗ trợ pháp lý, dẫn độ, thực thi pháp luật, đặc biệt là tịch thu và thu hồi tài sản.

ACT-NET mới họp tại Bắc Kinh giữa tháng 8 năm nay để chuẩn bị cho Thượng đỉnh APEC Bắc Kinh tuần này một tuyên bố chống tham nhũng nữa của các lãnh đạo. T

heo giám đốc điều hành Ban thư ký APEC Alan Bollard, tuyên bố này được đề xuất bởi cả Trung Quốc lẫn Mỹ, qua đó chính thức khẳng định ACT-NET như là “một điều cần thiết để chúng ta có thể theo đuổi các vụ việc xuyên biên giới trong toàn APEC, thậm chí đeo bám cho đến khi thu hồi tài sản đã được tẩu tán”.

Một Act-Net để làm gì?

Có thể thấy đây chính là một công cụ chống tham nhũng chung của APEC, cho dù APEC không là một định chế chính thức mang tính chính trị và vì mục đích chính trị, mà chỉ là một diễn đàn của 21 nền kinh tế thành viên với mục đích thúc đẩy tự do thương mại và hợp tác kinh tế với nhau sao cho hiệu quả, như đề xuất của Thủ tướng Úc Bob Hawke tháng 1-1989.

Và để hiệu quả, phải giải quyết vấn nạn “không minh bạch” và “lại quả”, vốn là khác biệt văn hóa giữa các nước phát triển và không ít quốc gia châu Á chưa dứt bỏ được “văn hóa” quan trường và bổng lộc truyền thống. 

Cũng là một nước Đông Á, song Nhật Bản đã hầu như dứt được “lề thói” này từ năm 1974, sau khi thủ tướng Tanaka Kakuei buộc phải từ chức do nhận hối lộ của hãng máy bay Lockheed!

Vụ thống đốc ngân hàng trung ương Yasuo Matsushita từ chức năm 1998 vì việc ăn nhậu với hai chủ ngân hàng và chơi golf miễn phí, trị giá khoảng 34.000 USD, rồi rỉ tai về việc ngân hàng trung ương sắp cho các ngân hàng thương mại vay... nay đã là bài học lịch sử cho quan trường Nhật.

Những vụ như trên ở Nhật là tội tày đình, song ở không ít nền kinh tế khác lại là “chuyện thường ngày ở huyện”!

Làm sao giải quyết “dị biệt văn hóa” đó, nhất là khi APEC bao gồm phần lớn những nền kinh tế phát triển đã quen minh bạch và quên tham nhũng? Đó là lý do ưu tiên chống tham nhũng và minh bạch, thậm chí dễ đạt đến đồng thuận hơn là thương thuyết tháo gỡ thuế quan.

Ưu tiên này càng được nhấn mạnh vào năm 2007, khi một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới về việc thực thi các “Chuẩn mực minh bạch của APEC” cho biết nếu minh bạch được các “thủ tục ngay tại cửa khẩu và phía sau cửa khẩu”, thương mại toàn khu vực sẽ tăng 7,5%, tương đương 148 tỉ USD!

Các “thủ tục ngay tại cửa khẩu và phía sau cửa khẩu” nghĩa là gì? Có lẽ đã đến lúc cần cẩn trọng “nghiên cứu” hơn khi nay đã có ACT-NET.

“Ở sạch” sống lâu

Việc báo chí Trung Quốc không ngớt đưa tin về tài sản và những người tẩu tán tài sản phản ánh việc nước này cũng muốn sớm trở thành một quốc gia phát triển như các nước Âu - Mỹ và Đông Á láng giềng. Thu hẹp khoảng cách phát triển không đơn giản đo bằng các chỉ số kinh tế mà còn bằng các chỉ số khác, trong đó có chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI).

Chỉ số này không chỉ phản ánh mức độ “sạch” nhiều hay ít ở một nước, mà còn cho thấy nhận thức của xã hội đó như thế nào về tham nhũng. Ở các nước quen “sạch”, một chuyến tham quan, hội thảo được bên bán sản phẩm/dịch vụ tài trợ là cấm chỉ; còn ở các nước ít “sạch” thì đó là chuyện vặt bên cạnh chuyện phần trăm lại quả.

Đã qua rồi thời mà ai muốn mua nhà ở Singapore, Mỹ, Canada, Úc thì mua, tha hồ “đầu tư mua nhà, nhận thẻ xanh”. 

Nhật báo Thanh Niên Trung Quốc đánh giá ACT-NET sẽ giúp cảnh báo chính phủ một khi có quan chức tham nhũng nào sắp đào thoát, và giúp bắt lại những ai đã trốn ra nước ngoài, đồng thời cho phép nhà chức trách tịch thu tài sản bất chính của họ (WantChinaTimes 27-8-2014 trích lại).

Ngoài ra, ai mà không nóng mặt khi biết rằng số tài sản này lên đến 130 tỉ USD, theo số liệu năm 2011 của Ngân hàng Nhân dân Trung Hoa, chỉ riêng từ của ăn cắp của các quan chức nhà nước (China Daily 25-8-2014). Nói cách khác, Trung Quốc nay muốn “ở sạch” để sống lâu với thiên hạ cho đáng mặt nền kinh tế nhất nhì thế giới.

Từ đó, nhìn lại vụ Bio-Rad, sẽ thấy vụ nổ văng miểng này ngay trước Hội nghị thượng đỉnh APEC là tình cờ hay không tình cờ. Chuyện công ty Mỹ kia khai nhận với FBI San Francisco là đã hối lộ các đối tác Nga, Thái Lan và Việt Nam không khó hiểu khi Mỹ chưa phải là “sạch” lắm (CPI hạng 18/177 trên bảng xếp hạng CPI 2013, còn các đối tác kia lần lượt hạng 127, 102 và 116).

Có thể đây là một cảnh báo với tất cả các bên liên quan, đều là thành viên APEC, rằng nay đã có ACT-NET nên sẽ “cộng tác tương trợ tư pháp, dẫn độ, thực thi pháp luật...”, nhất là khi nội vụ còn liên quan cả đến dân tình bản xứ vốn là một sức ép rất lớn ở Mỹ. 

Khác với vụ JTC (Công ty tư vấn giao thông của Nhật) và dự án đường sắt vốn chỉ liên quan đến vốn ODA, tức gián tiếp can hệ người dân Nhật đóng thuế, vụ Bio-Rad liên quan đến tiền vốn của các cổ đông hãng này.

Việc các công ty luật Ryan & Maniskas và Faruqi & Faruqi đại diện bảo vệ quyền lợi các cổ đông nay đang kêu gọi họ “nổi sóng” sẽ tạo thành một sức ép nữa, nhất là trong việc thu hồi tài sản, như trong cương lĩnh của ACT-NET.

Thành ra, nếu tận dụng ACT-NET, cái gọi là “yếu tố nước ngoài” sẽ không có gì là “bó tay” cả, thậm chí mở đầu thu hồi tài sản như ở Trung Quốc.

(*) ACT-NET: APEC Network of Anti-Corruption Authorities and Law Enforcement Agencies (tạm dịch: Mạng lưới chung các cơ quan chống tham nhũng và thực thi pháp luật của APEC).

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận