Chuyện thắng - thua ở Syria

HỮU NGHỊ 03/01/2017 22:01 GMT+7

TTCT - Chiến thắng ở Aleppo của quân Chính phủ Syria, liên minh Thổ Nhĩ Kỳ - Iran - Nga được thành lập... cuộc khủng hoảng Syria đã sang trang.

Cuộc chiến tàn khốc ở Syria đã kéo dài 6 năm-vox.com
Cuộc chiến tàn khốc ở Syria đã kéo dài 6 năm-vox.com


Đài truyền hình Nga RT ngày 24-12-2016 loan tin trong cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo Syria và Nga một ngày sau khi quân Chính phủ Syria giành lại quyền kiểm soát trọn vẹn thành phố Aleppo, “Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã bày tỏ lòng biết ơn đến ông Vladimir Putin và nhân dân Nga vì sự giúp đỡ của họ trong việc giải phóng Aleppo từ bọn khủng bố”.

Theo RT, cuộc điện đàm này “do phía Nga khởi xướng” và rằng “trong cuộc điện đàm, hai bên đã bàn bạc tiến trình chính trị tới đây ở Syria”.

Theo bộ phận báo chí điện Kremlin, nhà lãnh đạo Nga đã tuyên bố: “Nhiệm vụ chính bây giờ là tập trung nỗ lực vào việc thúc đẩy một giải pháp hòa bình, đặc biệt thông qua ký kết thỏa thuận về việc giải quyết toàn diện cuộc khủng hoảng Syria”.

RT cũng cho biết: “Trước đó, hôm thứ sáu (23-12), Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu báo cáo với Tổng thống Putin rằng... chiến dịch đã được tiến hành dựa trên các chỉ thị của tổng thống (và) trong sự hợp tác chặt chẽ với các đối tác Thổ Nhĩ Kỳ và Iran.

Bây giờ, giai đoạn tiếp theo là cứ thế mà làm theo. Theo thiển ý của tôi, chúng ta đã đến gần việc đạt được một thỏa thuận ngừng bắn trên toàn lãnh thổ Syria”.

Biết ơn là phải!

Việc ông Assad cảm ơn ông Putin là tất yếu khi “món nợ” quá lớn. Cũng Đài RT ngày 15-8 từng thuật lại lời Bộ trưởng Shoigu: “Các hành động của Matxcơva sau cuộc tấn công vũ khí hóa học của Syria năm 2013 đã cứu đất nước này khỏi một cuộc tấn công ồ ạt của lực lượng NATO...

Một cuộc tấn công như vậy có thể huy động đến hơn 600 tên lửa hành trình... Điều gì sẽ xảy ra nếu tổng thống chúng ta thất bại trong việc thuyết phục (Chính phủ Syria) và triển khai trên thực tế việc từ bỏ và phá hủy vũ khí hóa học?

624 tên lửa hành trình, như tôi còn nhớ, đã sẵn sàng cho một cuộc tấn công lớn vào Syria trong vòng 24 giờ”.

Nếu những tiết lộ trên của truyền hình Nga RT là thật thì có thể ghi nhận rằng, theo lời Bộ trưởng Shoigu: (1) đã có một cuộc tấn công vũ khí hóa học ở Syria hồi năm 2013; (2) NATO đã định “xử” ông Assad bằng 624 tên lửa hành trình; và (3) may mà Tổng thống Putin đã thuyết phục được ông Assad từ bỏ vũ khí hóa học và chấp nhận phá hủy các vũ khí đó. Nhờ vậy, NATO đã không “xử” ông Assad. Quả là ơn sâu nghĩa nặng!

Khi các ông lớn ngồi lại

Xa hơn một chút nữa, RT ngày 14-9-2013 cho biết: “Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và người đồng cấp Mỹ John Kerry đã loan báo kế hoạch về việc chấm dứt chương trình vũ khí hóa học của Syria, tiếp sau ngày thứ ba của cuộc đàm phán tại Geneva, Thụy Sĩ...

Ông Kerry nhấn mạnh cam kết Mỹ - Nga về việc tiêu hủy hoàn toàn không chỉ kho vũ khí hóa học của Syria, mà cả khả năng sản xuất và tinh lọc...

Damascus phải nộp trong thời hạn một tuần - chứ không phải 30 ngày - bản kiểm kê đầy đủ các vũ khí liên quan bao gồm tên vũ khí, chủng loại và số lượng các thành phần vũ khí hóa học, các loại đạn dược cùng vị trí và hình thức lưu trữ, sản xuất với các cơ sở nghiên cứu và phát triển”.

Từ thỏa thuận trên, có thể thấy một khi hai ông lớn đã đồng ý được với nhau, trăm sự sẽ từ hung hóa kiết. Cuộc đàm phán thành công giữa các ông Lavrov và Kerry ở Geneva, mà RT thuật lại kết quả, dẫn đến cuộc họp ngày 27-9 sau đó của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và nghị quyết 2118 được thông qua tuyệt đối, Trung Quốc và Nga (tất nhiên) cùng bỏ phiếu thuận.

Biên bản cuộc họp tối hôm đó của Hội đồng Bảo an có đoạn: “Hết sức bất bình bởi việc sử dụng vũ khí hóa học vào ngày 21-8-2013 ở một vùng ngoại ô Damascus, theo kết luận của nhóm điều tra Liên Hiệp Quốc...

Hội đồng Bảo an tối nay phê chuẩn việc loại trừ nhanh chóng chương trình vũ khí hóa học của Syria, cùng việc thanh tra bắt đầu vào ngày 1-10 tới và nhất trí sẽ áp đặt các biện pháp nghiêm trị trong trường hợp (nghị quyết này) không được tuân thủ.

Hội đồng Bảo an nhất trí thông qua nghị quyết 2118... yêu cầu thực hiện đầy đủ quyết định ngày 27-9 của Tổ chức Giải trừ vũ khí hóa học (OPCW), đặc biệt về việc phá hủy nhanh chóng và có kiểm chứng các vũ khí hóa học của Syria”.

Biên bản cuộc họp có ghi chép phát biểu của Bộ trưởng ngoại giao Nga Lavrov rằng nghị quyết này đúng với thỏa thuận Nga - Mỹ và rằng Chính phủ Syria đã cho thấy sẵn sàng cộng tác, và điều này chính là điều kiện tiên quyết dẫn đến thành công.

Quả thật chính quyền Assad đã tuân thủ nghị quyết. Bản tin ngày 13-8-2014 OPCW xác nhận: “Toàn bộ 581 tấn tiền chất hóa học của khí sarin, được đưa ra khỏi Cộng hòa Ả Rập Syria và chuyển lên tàu Cape Ray của Mỹ vào đầu tháng 7 này, đã được tiêu hủy bằng công nghệ trung hòa trên tàu khi tàu di chuyển trong vùng biển quốc tế ở Địa Trung Hải”.

Khi các ông lớn ngoảnh mặt

Cho đến giờ phút đó, cờ hoàn toàn trong tay Mỹ, Nga không phản bác gì, trái lại phải đồng thuận dù muốn bảo vệ ông Assad đến cùng.

Song đến đây bàn cờ bỗng chuyển sang cục diện khác. Một bên dứt khoát buộc ông Assad phải ra đi và tài trợ các phe đối lập nổi dậy vũ trang “Quân đội Syria tự do” nhằm lật đổ chính quyền Assad. Bên kia quyết liệt bảo vệ ông này và xem mọi phe đối lập nay nổi dậy là “khủng bố”.

Trên bề nổi, cuộc khủng hoảng Syria là một cuộc nội chiến giữa phe chính phủ bị xem là gây “tội ác chiến tranh” với chính dân Syria và phe nổi dậy. Trong cuộc đọ sức, xuất hiện cái gọi là khủng bố IS (tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng).

Từ đó, bên cạnh cuộc nội chiến Syria còn một cuộc chiến khác, mà mục tiêu “chính danh” là khủng bố IS. Lưỡng đầu thọ địch, lực lượng Chính phủ Syria có lúc hoàn toàn thất thế trước IS và các phe nổi dậy. Nhưng bất ngờ xảy ra ngày 30-9-2015 khi không quân Nga can thiệp, theo yêu cầu của ông Assad.

Về mặt pháp lý, ông này đã được “bạch hóa” vụ vũ khí hóa học từ năm 2014 sau khi đã giao nộp đầy đủ và còn được “chính thức hóa” bằng cuộc bầu cử tổng thống ngày 3-6-2014. Về mặt hình thức, đây là một cuộc bầu cử “đàng hoàng” với các ứng viên đối lập.

Chỉ có điều ứng cử viên Hassan al-Nouri được 4,3% số phiếu, Maher Hajjar, một ứng viên khác 3,2%, trong khi ông Assad được “tín nhiệm” 88,7%! Cũng có cả các quan sát viên quốc tế (Bolivia, Brazil, Cuba, Ecuador, Ấn Độ, Iran, Iraq, Nicaragua, Nga, Nam Phi...), cũng có tuyên bố của nhóm quan sát viên, một quan chức Iran, xác nhận “đây là một cuộc bầu cử tự do, thẳng thắn và công khai”, mặc cho EU và Mỹ có tẩy chay và bêu riếu rằng đó chỉ là một trò hề!

Có thể thấy sự đụng độ giữa các “ông lớn” đang chuyển biến theo hai kịch bản: Âu - Mỹ vẫn theo kiểu “dân chủ kinh điển”, liệt ông Assad vào hàng ngũ độc tài đáng bị lật đổ, hay phải ra đi nếu không muốn theo chân những Saddam Hussein và Muammar Gaddafi, trong khi phía Nga theo kịch bản “dân chủ đầy đủ đấy nhé!” mà chính ông Putin cũng đã và đang “vận dụng” với kế sách tổng thống - thủ tướng - rồi tổng thống trở lại, hoàn toàn hợp pháp, hợp hiến (Hiến pháp Nga 1993 quy định một cá nhân không thể giữ chức tổng thống quá hai nhiệm kỳ liên tục).

Đã được chính danh, ông Assad lật lại thế cờ khi lên tiếng yêu cầu Nga giúp đỡ quân sự chống khủng bố. Thế là vào ngày 30-9-2015, không quân Nga ào ạt không kích chống “khủng bố các loại”, từ IS đến những tay súng mà Mỹ gọi là “đối lập ôn hòa”, kèm theo sau đó là hàng loạt tên lửa thị uy bắn đi từ biển Đen!

Hai ngày trước khi khởi đầu can thiệp, ông Putin ra trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đọc diễn văn: “Chúng tôi nghĩ thật là sai lầm lớn lao khi từ khước cộng tác với Chính phủ Syria cùng quân lực nước này, vốn đang oanh liệt chiến đấu đối đầu chủ nghĩa khủng bố.

Chúng ta phải thừa nhận rằng không ai ngoại trừ quân lực của Tổng thống Assad và dân quân người Kurd là đang thật sự chống IS cùng các tổ chức khủng bố khác ở Syria”. Quyết đoán và mạnh tay, ông Putin ghi điểm liên tục trước một ông Obama chủ trương “nửa vời”, ngay cả việc tiếp tế vũ khí cho các phe nổi dậy cũng “từng bước”, nhất định không cho quân đội Mỹ “thò giày bốt” vào Syria!

Thượng đỉnh Matxcơva và Đại liên minh

Nhật báo Tehran Times ngày 25-12 hồ hởi chạy tựa bài xã luận như trên. Không hồ hởi sao được khi nay Iran chính thức có vai trò ở Syria: “Một giải pháp lâu dài chỉ có thể thông qua liên minh Thổ Nhĩ Kỳ - Iran - Nga.

Liên minh ba bên này sẽ thiết lập một lực lượng đáng kể trong khu vực, sẽ mang lại một giải pháp dứt khoát, có hiệu quả, hợp lý cho Syria và sẽ đảm bảo sự toàn vẹn lãnh thổ của Syria, thậm chí của cả Thổ Nhĩ Kỳ”.

Tehran Times giải thích: “Hội nghị thượng đỉnh ba bên của các bộ trưởng ngoại giao ba nước hôm 20-12 là biểu hiện của ước nguyện quan trọng trên. Trong tuyên bố chung đưa ra sau cuộc họp, các bên đã đi tới quyết định về các vấn đề cơ bản như việc tuyên bố một lệnh ngừng bắn ở Syria trên toàn bộ đất nước, việc bắt đầu đàm phán hòa bình giữa chính phủ với lực lượng đối kháng và việc bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ cho Syria.

Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là những người bảo lãnh cho việc thực hiện tuyên bố này”. Trong bối cảnh một liên ninh tay ba đang ra đời đó, vụ ám sát đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ có thể là một âm mưu nhằm chia rẽ Nga với Thổ Nhĩ Kỳ, như phân tích của ông Putin. Song dẫu sao thì Thổ Nhĩ Kỳ nay cũng “có phần” trong một giải pháp tương lai của Syria.

Coi như Mỹ nay bị gạt ra khỏi bàn cờ Syria và hơn thế nữa! Chả trách mà cây bút chính trị mấy mươi năm qua của tờ Washington Post Charles Cohen hôm 26-12 viết đầy chán chường: “Người Nga cố sức để muốn làm gì thì làm. Sao Mỹ lại không như thế?

Câu trả lời luôn là rõ ràng với tôi: Obama chẳng thiết tha gì lắm. Đằng sau những lý do được cho là có sức thuyết phục về việc hành động ít ỏi ở Syria là cả một sự lạnh lùng cảm xúc: Đây không phải là cuộc chiến của Obama!”.

Thắng, thua là chuyện của các vị “tổng tư lệnh quân đội”, nhưng mà “nhất tướng công thành, vạn cốt khô!”. Rốt cuộc mọi tai họa sẽ đổ lên đầu những “vạn cốt khô” đó, cả ở Syria, lẫn những “xác chết biết đi” đang lăn lóc từ Thổ Nhĩ Kỳ đến cùng khắp châu Âu!■

Ưu thế áp đảo trên chiến trường

Ngày 12-10-2016, Hội đồng Liên bang (Thượng viện Nga) đã phê duyệt hiệp định triển khai vô thời hạn lực lượng quân sự ở Syria, thường trực đóng ở căn cứ không quân Hmeymim và căn cứ hải quân Tartous, tiếp nối việc Duma quốc gia (hạ viện) phê chuẩn hiệp định này.

Hiện nay không quân Nga đang duy trì ở sân bay Hmeymim khoảng 30 máy bay chiến đấu đa năng Su-35, Su-30SM, máy bay ném bom Su-24, Su-34, máy bay trinh sát điện tử Il-20 cùng vài chục trực thăng tấn công Mi-28N, Ka-52 và trực thăng đa năng Mi-35, Mi-8/Mi-17.

Nga cũng đã đạt được thỏa thuận với Syria về việc nâng trạm hậu cần - kỹ thuật hải quân ở cảng Tartous thuộc tỉnh Latakia thành một căn cứ hải quân tác chiến.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận