Có “hộ chiếu vắcxin”, cần phải cách ly không ?

NHƯ BÌNH 31/03/2021 18:00 GMT+7

TTCT - Với “hộ chiếu vắcxin”, không chỉ doanh nghiệp đón du khách quốc tế đến VN (inbound) mà cả doanh nghiệp đưa khách Việt đi du lịch nước ngoài (outbound) cũng sẽ có cơ hội hồi sinh sớm hơn.

Du khách nước ngoài tham quan TP.HCM. Ảnh: QUANG ĐỊNH

 

Chọn lọc nguồn khách và điểm đến

Ông Rajit Sukumaran, giám đốc điều hành IHG Hotels & Resorts khu vực Đông Nam Á và Hàn Quốc, cho biết đang có một cuộc chạy nước rút giữa các quốc gia để mở cửa biên giới an toàn, trong đó có bàn việc thừa nhận “hộ chiếu vắcxin” của những công dân các nước này. 

Đại diện IHG, đơn vị đang vận hành 13 khách sạn và resort với khoảng hơn 3.700 phòng tại VN, nói ở Trung Quốc việc đi lại đã trở lại rất nhanh và mạnh mẽ sau khi tình hình dịch được kiểm soát. Singapore cũng đang tạo được niềm tin nhờ chương trình tiêm vắcxin được triển khai nhanh chóng. Quốc gia này đang làm việc với Úc và Hồng Kông để có thể mở cửa biên giới trở lại. 

Hai hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài lớn ở VN là Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ (Amcham) và Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (Eurocham) đang thúc giục Chính phủ VN xem xét một chương trình “cách ly mềm” với những người nước ngoài đã hoàn tất chương trình tiêm chủng vắcxin COVID-19 trước khi vào VN.

Bà Mary Tarnowka, giám đốc điều hành Amcham tại VN, cho biết chương trình “Cho phép mở lại an toàn cho du lịch và đi lại quốc tế”, mà cộng đồng doanh nghiệp Mỹ đề xuất, mong muốn Chính phủ VN rút ngắn thời gian cách ly, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài, các chuyên gia kỹ thuật đã tiêm vắcxin nhập cảnh. 

Những người này vào VN ngắn ngày để xem xét cơ hội đầu tư, ký kết hợp đồng, giao dịch… nên quy định cách ly 14 ngày sẽ là cản trở lớn. 

“Thừa nhận “hộ chiếu vắcxin” bằng cách xem xét một chương trình thí điểm cho phép giảm hoặc miễn bắt buộc cách ly cho những cá nhân đã được tiêm chủng đúng cách, được xác nhận âm tính trước khi lên máy bay sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc tái hòa nhập, mở cửa du lịch và phục hồi kinh tế của VN”, bà Mary Tarnowka nói.

Ông Nicolas Audier, chủ tịch Hiệp hội Eurocham tại VN, cho rằng các quốc gia trên thế giới đang xúc tiến nhanh việc tiêm vắcxin cho người dân, trong số những người đã hoàn thành hai liều vắcxin theo quy định có không ít người muốn vào VN. “Một số nước bắt đầu thừa nhận “hộ chiếu vắcxin”, trong khi vào VN họ vẫn cách ly 14 ngày. 

Doanh nhân, người lao động quốc tế có đặc trưng di chuyển nhiều, thời gian làm việc rất ngắn, nếu phải cách ly họ sẽ ngần ngại đến. Nếu tận dụng cơ hội kiểm soát dịch tốt, nền kinh tế VN dễ dàng bật dậy hơn so với các nước trong khu vực”, Ông Nicolas Audier nói.

Chuyên đưa khách Pháp vào thị trường VN, ông Nguyễn Ngọc Toản, giám đốc Images Travel, nói: Khi dịch chưa được kiểm soát, doanh nghiệp vẫn nhận các booking trước 6 tháng của các vị khách quốc tế. Đến nay đã có booking của tháng 10, nếu VN vẫn chưa mở cửa thì các booking này cứ tự động dời sang quý tiếp theo.

 “Du khách Âu thường lên kế hoạch du lịch trước khá sớm, từ 12 tháng trước. Nếu VN chưa mở cửa ngay thì Chính phủ cần có thông điệp, lộ trình về việc mở cửa để khách quốc tế có kế hoạch và để doanh nghiệp trong nước chuẩn bị nguồn lực, nhân lực đón khách trở lại”.

Tuy nhiên theo ông Toản, VN có thể đón khách doanh nhân, các đoàn khách chuyên gia trước, theo từng nhóm nhỏ. Khi lập được quy trình an toàn thì mới áp dụng cho những đoàn du khách lớn. Ngoài ra, VN nên mở cửa đón khách quốc tế đến các địa điểm du lịch cụ thể, các chương trình tour cũng phải hạn chế di chuyển qua nhiều địa phương. 

Chỉ cần sơ suất nhỏ, dịch bùng phát không chỉ ảnh hưởng đến ngành du lịch mà nhiều ngành khác, dễ dẫn đến sụp đổ những thành quả chống dịch lớn thời gian qua.

Ông Phan Đình Huê, giám đốc Công ty du lịch Vòng Tròn Việt, thì cho rằng hiệp hội du lịch cần chọn những điểm đến thực sự an toàn để đưa du khách đến và có nhiều biện pháp hỗ trợ du khách như hỗ trợ thủ tục để khách được cấp “hộ chiếu vắcxin”, nhận giấy xác nhận âm tính COVID-19 trước khi lên máy bay. Các điểm đến nên ưu tiên những nơi tách biệt, riêng tư như Phú Quốc, Côn Đảo hay các đảo ở Nha Trang…

Du khách nước ngoài tham quan TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

 

Cơ hội cho người Việt đi nước ngoài

Kỳ vọng vào tác động của chính sách “hộ chiếu vắcxin” đến thị trường đưa khách đi nước ngoài, bà Cao Thị Tuyết Lan, giám đốc Công ty du lịch Viettours, cho biết mỗi năm có từ 9-10 triệu người Việt đi du lịch nước ngoài để học tập, khám chữa bệnh, thăm người thân…

Ngay trong dịch, nhu cầu chính đáng này vẫn rất cao, do đó chính sách “hộ chiếu vắcxin” mà VN đang xem xét nếu được áp dụng sẽ giải quyết được câu chuyện hai chiều đón và đưa khách.

Hiện một số quốc gia khác cũng dành những chính sách riêng cho công dân VN nhập cảnh. Chẳng hạn, Singapore đã đánh giá nguy cơ ca nhiễm “nhập khẩu” từ VN là thấp nên mở cửa cho người VN nhập cảnh với điều kiện có giấy xét nghiệm âm tính và tự cách ly tại nhà 7 ngày.

“Việc áp dụng “hộ chiếu vắcxin” cũng như xây dựng hợp tác giữa các nước để tạo thuận lợi cho đi lại cho công dân” - ông Hoàng Hữu Lộc, chủ tịch Chi hội Lữ hành TP.HCM thuộc Hiệp hội Du lịch TP.HCM nói.

Thận trọng hơn, đại diện Sở Du lịch TP.HCM, địa phương từng đón hơn 50% lượng khách quốc tế của cả nước, cho rằng cần có sự chuẩn bị để mở cửa an toàn.

“Khi dịch xảy ra, sở cùng cơ quan chức năng đã ba lần ban hành bộ tiêu chí an toàn cho các doanh nghiệp du lịch, cơ sở lưu trú và nhà hàng… Một số đối tác nước ngoài phân vân liệu doanh nghiệp tại VN có chứng nhận an toàn COVID-19 để đón khách quốc tế trở lại. Việc này chúng tôi sẽ xem xét thời gian tới” - ông Nguyễn Việt Anh, trưởng Phòng lữ hành thuộc Sở Du lịch TP.HCM, nói.

Theo các doanh nghiệp, Chính phủ cần triển khai có lộ trình cho phép người dân ở những nơi mở cửa đón khách du lịch quốc tế cần được tiêm vắcxin để tạo miễn dịch cộng đồng ở các điểm đến. Nếu chưa có điều kiện tiêm cho tất cả thì ưu tiên những người phục vụ trong ngành du lịch. 

Các doanh nghiệp du lịch hiện nay nóng lòng được tiêm vắcxin bằng cách xã hội hóa chi phí và sẵn sàng cùng chia sẻ kinh phí với Chính phủ để đưa vắcxin về VN.

“Để đảm bảo an toàn thì người dân VN phải tiêm chủng trước. Chỉ cần Chính phủ cho cơ chế và Bộ Y tế hướng dẫn cách thức, các doanh nghiệp sẵn sàng” - ông Trần Văn Long, tổng giám đốc Công ty du lịch Việt, đề xuất. ■

Làm nhưng còn băn khoăn

Tính đến ngày 23-3, hơn 36.000 người VN được tiêm vắcxin và con số này sẽ tăng lên khi dự kiến đến tháng 5 tới có thêm 5 triệu liều vắcxin. Tuy nhiên, việc dùng “hộ chiếu vắcxin” đối với người nhập cảnh vào VN ra sao còn là điều băn khoăn với nhiều cơ quan chức năng. Ông Đặng Quang Tấn, cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết đang thu thập thông tin về cách thức thực hiện “hộ chiếu vắcxin” của các nước và đợi khuyến cáo chung của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). 

Theo ông Tấn, có hai vấn đề cần đặt ra: chỉ 60 - 90% người được tiêm đủ 2 mũi vắcxin ngừa COVID-19 được bảo vệ, như vậy vẫn còn 10 - 40% (tùy loại vắcxin) không có miễn dịch và có thể mang mầm bệnh. Bên cạnh đó, cũng chưa biết thời gian bảo vệ của vắcxin là bao lâu.

Một chuyên gia công nghệ thông tin cho rằng, do đặc thù bảo vệ nhân thân người được tiêm ngừa, một số nước quy định không được kiểm tra trực tuyến thông tin người đã tiêm ngừa COVID-19 hay chưa. Mặt khác, rất khó kiểm tra các giấy tờ chứng nhận đã được tiêm vắcxin là thật hay giả.

“Để kiểm soát tình trạng giả “hộ chiếu vắcxin”, người đã tiêm vắcxin ngừa COVID-19 ở nước ngoài có nhu cầu nhập cảnh VN có thể gửi chứng nhận tiêm chủng cùng hồ sơ xin visa đến cơ quan đại diện VN ở nước ngoài. Các ngành chức năng sẽ xem xét để thực hiện việc này” - chuyên gia của Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) cho biết.

Chia sẻ với TTCT về cách thức triển khai “hộ chiếu vắcxin”, giám đốc Bệnh viện Phổi trung ương Nguyễn Viết Nhung nói bên cạnh chứng nhận đã tiêm vắcxin, khách nhập cảnh đến sân bay VN có thể được lấy mẫu xét nghiệm để đảm bảo an toàn với nhóm 10 - 40% đã tiêm ngừa nhưng chưa có hiệu quả miễn dịch.

“Tôi nghĩ không nên áp dụng cách rút ngắn thời gian cách ly với người tiêm vắcxin, vì rút ngắn vẫn là phải cách ly và như vậy thì có ai vào. Nếu lấy mẫu xét nghiệm ở sân bay và trả ngay cho khách trong vòng một vài giờ, tôi nghĩ thiết bị xét nghiệm hiện nay hoàn toàn có thể. Có thể sớm thí điểm ở một khu vực nào đó trước khi nhân rộng”, ông Nhung đề xuất.

Đối với người đã tiêm vắcxin ở VN, ông Trần Quý Tường - cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) - cho rằng người VN đã tiêm chủng sẽ được cập nhật vào hồ sơ sức khỏe cá nhân và được cấp kèm giấy chứng nhận có dán nhãn QR-code để liên thông chứng nhận khi ra nước ngoài. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, dự kiến tháng 4 tới hạ tầng công nghệ thông tin sẽ hoàn tất để có thể áp dụng loại “hộ chiếu vắcxin”.

LAN ANH

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận