Cơ hội để doanh nghiệp nhìn lại

THS HUỲNH KIM TƯỚC 28/08/2011 00:08 GMT+7

TTCT - Danh sách cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm năm 2011 được Thủ tướng Chính phủ ban hành tháng 8 này đã công bố tên của gần 1.200 cơ sở tiêu thụ năng lượng nhiều nhất VN. Các cơ sở này sẽ phải thực thi trách nhiệm trước pháp luật về việc tiết giảm sử dụng năng lượng hợp lý ra sao?

Cần nói rằng để có được danh sách này, Văn phòng chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (Bộ Công thương) khi phối hợp các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, các trung tâm tiết kiệm năng lượng... để điều tra, tổng hợp đã cơ bản dựa vào số liệu do Tập đoàn Điện lực VN (EVN) cung cấp. Tức là, về cơ bản, danh sách này được tính toán dựa trên mức tính 6 triệu kWh/năm quy đổi 1.000 tấn dầu (TOE) theo định nghĩa doanh nghiệp trọng điểm và 500 TOE đối với tòa nhà công sở.

Đây mới là danh sách “ban đầu”, chưa thể bao quát hết được số nhà máy có sử dụng điện và nhiên liệu, các công ty vận tải chưa khai báo... và nó sẽ phải tiếp tục được cập nhật hằng năm. Đây sẽ là thách thức với cơ quan quản lý nhà nước khi phải nắm được chính xác tiêu thụ năng lượng của các doanh nghiệp nếu không có sự hợp tác thiện chí của cơ sở.

Vì sao cần có danh sách này?

Một số cơ sở đứng đầu danh sách (trong lĩnh vực hoạt động của mình) về năng lượng tiêu thụ (quy đổi TOE):

* Nhà máy nhiệt điện Phú Mỹ: 3.062.445

* Nhà máy Ximăng Cà Mau 2: 771.175

* Công ty ximăng Holcim VN: 130.993

* Công ty CP Thép - Thép Việt: 42.355

* Công ty Thép Miền Nam: 48.496

* Công ty Pou Yuen VN (giày da): 28.237

Xét về mặt quản lý, Nhà nước không thể quản lý hàng trăm ngàn cơ sở sử dụng năng lượng trên khắp cả nước, mà chỉ có thể tập trung quản lý nhóm đối tượng đang sử dụng từ 70-80% tiêu thụ năng lượng toàn quốc. Các cơ sở trọng điểm (tiêu thụ trên 1.000 TOE/năm) chính là nhóm tiêu thụ 70-80% này. Do vậy, mục tiêu của việc xác lập danh sách này là điểm tên cụ thể cơ sở nào phải chịu trách nhiệm trước luật về công tác tiết kiệm năng lượng.

Các cơ sở này có trách nhiệm gì?

Theo Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, các doanh nghiệp này có ba trách nhiệm: lập báo cáo kiểm toán năng lượng không quá ba năm/lần, phải có hệ thống quản lý năng lượng trong cơ sở và phải có người quản lý năng lượng. Trên cơ sở báo cáo kiểm toán, cơ sở sẽ xây dựng lộ trình thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng.

Tuy nhiên, để làm được điều này còn rất nhiều vấn đề cần bàn. Không phải cơ sở nào vào thời điểm này cũng hiểu đầy đủ về trách nhiệm của mình (và ngay cả Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả), thậm chí không phải cơ sở nào cũng biết mình là “cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm”. Do vậy, không dễ để các cơ sở này hiểu đầy đủ trách nhiệm thực hiện kiểm toán năng lượng, xây dựng hệ thống quản lý năng lượng và bổ nhiệm người quản lý năng lượng.

Kinh nghiệm của các nước khi triển khai tiết kiệm năng lượng cho nhóm cơ sở này đều khởi sự từ truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng, hướng đến mục tiêu hai giai đoạn: chuyển đổi nhận thức cơ sở từ “không quan tâm” đến “cần thiết thực hiện tiết kiệm năng lượng”, bước hai là hành động thực hiện giải pháp. Mục đích cuối cùng là giúp các cơ sở hiểu rằng: tiết kiệm năng lượng trước hết là điều có lợi cho chính họ chứ không phải làm chỉ vì trách nhiệm trước pháp luật.

Quản lý và giám sát có dễ?

Nhưng ai sẽ giúp các cơ sở này tư vấn kiểm toán năng lượng, thiết lập hệ thống quản lý năng lượng và chất lượng tư vấn, ai sẽ giám sát?

Do đây là một lĩnh vực còn khá mới, đội ngũ tư vấn có khả năng lập báo cáo kiểm toán năng lượng, tư vấn thiết lập một hệ thống quản lý năng lượng ở VN rất ít ỏi. Gần đây, xuất hiện thêm một số công ty kiểm toán nước ngoài. Từ khi có luật về tiết kiệm năng lượng, hoạt động tiết kiệm năng lượng có sự quan tâm nhiều hơn, đã tạo động lực cho việc hình thành thêm nhiều nhóm kiểm toán năng lượng.

Bộ Công thương đã ban hành thông tư hướng dẫn việc kiểm toán năng lượng và điều kiện hành nghề kiểm toán năng lượng. Và nếu chiếu theo quy định này về yêu cầu đội ngũ kỹ thuật, tài chính của một đơn vị hành nghề kiểm toán năng lượng thì cả VN có không quá hai đơn vị có thể thực thi.

Do vậy, bước tiếp theo của việc ban hành danh sách này chính là việc Bộ Công thương cần làm: ra những hướng dẫn, quy định việc thực hiện kiểm toán năng lượng, điều kiện được phép làm kiểm toán. Về quản lý, giám sát các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm này cũng vậy, cần có sự phân cấp quản lý giữa trung ương với các tập đoàn, địa phương để làm rõ ai sẽ quản lý cơ sở nào.

Xét dưới góc độ thực hiện giải pháp tiết kiệm năng lượng của cơ sở với kỳ vọng năng lượng cắt giảm, vấn đề đặt ra là xác định mức độ thực hiện cắt giảm năng lượng và lộ trình thực hiện. Đây chính là phần trách nhiệm quản lý, giám sát của Nhà nước với cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm. Nếu việc kiểm soát này không tốt thì dù có “điểm mặt chỉ tên” trong danh sách, doanh nghiệp có thực thi giải pháp cũng chưa thể nói các giải pháp ấy đủ để tiết giảm năng lượng theo mong muốn của Nhà nước. Chẳng hạn, một nhà máy thép thay vài chục bóng đèn thì có phải đã thực hiện mục tiêu tiết kiệm năng lượng?

Mục tiêu cuối cùng của sự quản lý là thúc đẩy cơ sở đầu tư giải pháp tiết kiệm năng lượng. Để làm được việc này, cơ sở cần có kinh phí và thông tin công nghệ... Do vậy, song song việc xây dựng công cụ áp đặt doanh nghiệp trọng điểm thực thi giải pháp tiết kiệm năng lượng, Nhà nước cũng cần sớm cụ thể hóa các chính sách hỗ trợ cho các cơ sở thực hiện giải pháp tiết kiệm năng lượng.

Trước đây, hai bộ Công thương và Tài chính đã có hướng dẫn chung về hỗ trợ kinh phí cho kiểm toán năng lượng (không quá 50 triệu đồng) và tư vấn hệ thống quản lý năng lượng (không quá 70 triệu đồng). Mức hỗ trợ này đến nay đã lạc hậu. Một số nguồn kinh phí nhằm hỗ trợ đầu tư như DANIDA, JICA, IFC... chắc chắn cũng chưa đủ để phục vụ cho tương lai, khi các cơ sở trọng điểm triển khai giải pháp cắt giảm năng lượng tiêu thụ, vì vậy cần nghiên cứu cải tiến quy trình và thể chế của các nguồn vốn này.

Trong điều kiện các doanh nghiệp “đói vốn” như hiện nay, rất cần phát triển các chính sách tài chính hiệu quả cho nhóm đối tượng này.

Bản chất của giải pháp tiết kiệm năng lượng là cải tiến, nâng cấp, đổi mới công nghệ..., không chỉ giảm chi phí sản xuất mà còn đem lại nhiều lợi ích khác như giảm ô nhiễm môi trường, tăng chất lượng sản phẩm, hình ảnh công ty... Do vậy, nó phụ thuộc vào góc nhìn của lãnh đạo về vấn đề này: thực hiện không phải để đối phó với các quy định nhà nước mà trước hết, đó chính là cơ hội để doanh nghiệp tự đánh giá lại, gắn kết trách nhiệm trước pháp luật với cơ hội trong chiến lược kinh doanh và trưởng thành của chính mình.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận