Cội nguồn của Made in Germany và điều lý thú từ luật bia tinh khiết

LÊ QUANG 01/07/2019 18:07 GMT+7

TTCT - Phần còn lại của thế giới nhất trí rằng đã hàng Đức thì phải tốt, thậm chí là tốt nhất!

Xe hơi VW chờ xuất khẩu ở Nhà máy VW tại Emden, Đức. Ảnh: Reuters
Xe hơi VW chờ xuất khẩu ở Nhà máy VW tại Emden, Đức. Ảnh: Reuters

Sự kiện ông Donald Trump trở thành tổng thống Mỹ năm 2017 sẽ còn làm thế giới tốn giấy mực dài dài, nhưng có một bí quyết thành công của ông mà ngay từ hôm nay không khó nhận ra: ông chiếm được nhiều cảm tình của cử tri với khẩu hiệu nhai lại của Ronald Reagan: “Khiến nước Mỹ vĩ đại trở lại!”.

Muốn vậy thì kinh tế Mỹ, nhất là xuất khẩu, phải có bước nhảy vọt thực sự, đó có thể sẽ là mấu chốt để ông trụ lại Nhà Trắng thêm nhiệm kỳ nữa. Tất cả phụ thuộc vào một câu thần chú: Made in X.

Giải mã câu thần chú

Con tính của ông Trump khá đơn giản mà hữu hiệu: ông muốn đưa thương hiệu “Made in USA” lên vị trí đầu bảng. Tuy nhiên, niềm tin sắt đá của ông vào chất lượng hàng hóa Mỹ không hẳn song hành với niềm tin tạm ứng của người tiêu dùng, điều đó được chứng tỏ qua một loạt nghiên cứu độc lập trong những năm gần đây.

Statista là cổng online dẫn đến một trong những ngân hàng dữ liệu danh tiếng nhất thế giới. Statista nhận thấy thập kỷ hiện tại đánh dấu kỷ lục về trao đổi hàng hóa quốc tế. Họ cùng Viện nghiên cứu thị trường Dalia Research phỏng vấn 43.000 người tiêu dùng đại diện ở 52 quốc gia, kết quả hôm nay ta có bảng xếp hạng các quốc gia theo tiêu chí “Made in X” (MICI hay Made-in-Country-Index), dự kiến đăng tải công khai từ ngày 27-6-2019.

Phương pháp của Statista là gắn hệ số vào quy mô nhập khẩu của quốc gia được nghiên cứu, tức là câu trả lời của người tiêu dùng Canada sẽ có trọng lượng cao hơn của người Angola chẳng hạn.

Những con số trần trụi trong bảng đó chắc không làm ông Trump hài lòng lắm, vì nó cho thấy đất nước của ông còn phải chật vật nhiều trên con đường tiến tới một nước Mỹ lớn mạnh theo ý ông. Bên cạnh đó, nó củng cố một lần nữa trọng lượng của câu thần chú “Made in X”.

Hoa Kỳ được Statista xếp cùng bậc với một số quốc gia bị tổn hại danh tiếng nhất trong mười hai tháng vừa qua, một phần lớn vì liên quan đến quan điểm tiêu cực của Chính phủ Mỹ về thương mại tự do. Hạng nhất trong bảng xếp hạng này, không có gì ngạc nhiên, là Đức.

Thật trớ trêu, “Made in X” thoạt tiên chỉ để định danh xuất xứ hàng hóa và cũng do người Đức đề đạt. Cuối thế kỷ 19, khi cuộc cách mạng công nghiệp ở Anh đang trên đà thượng phong, người Anh nhập khẩu nhiều hàng hóa từ châu Âu và Đức.

Để cảnh báo người tiêu dùng chưa có kinh nghiệm phân biệt vàng và cám, năm 1887, Nghị viện Anh ra Bộ luật dán nhãn thương phẩm (Merchandise Marks Act) về đánh dấu xuất xứ hàng hóa. Đó cũng là thời kỳ các hãng chế tạo của Đức chưa có thành công vang dội giữa đất Anh, quê hương của công nghiệp và cách mạng công nghiệp.

Các công ty xuất nhập khẩu thống nhất dùng thương hiệu “Made in Germany” như một dấu ấn chất lượng, tránh mua nhầm hàng giả, hàng nhái. Bức tranh đó đã thay đổi với thời gian, với tư duy cách tân, tinh thần phát minh và uy tín bảo đảm nước Đức đã dần dần chiếm vị thế cao và “Made in Germany” (sản xuất tại Đức) được coi là đồng nghĩa với chất lượng cao.

Không phải vô cớ mà nước Đức nhiều thập kỷ liền dẫn đầu thế giới về xuất khẩu (chỉ mất danh hiệu này vào tay Trung Quốc từ năm 2015-2017). Trong năm 2018, Đức trở về vị trí quán quân, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ thặng dư 297 tỉ USD so với số tiền chi cho nhập khẩu. Về mặt này, kinh tế Hoa Kỳ đứng cuối bảng với âm 478 tỉ USD.

Nước Đức nhiều thập kỷ liền dẫn đầu thế giới về xuất khẩu (ảnh: European CEO)

Cơ sở pháp lý

Trên phạm vi quốc tế, không có đồng thuận lớn về thương hiệu “Made in X”. Nhận định ấy có lẽ sẽ làm nhiều người ngạc nhiên, song thực tế “Made in X” không còn là khái niệm chỉ địa phương sản xuất nữa, mà thiên về cảm tính. Ngay ở Đức, không có luật nào bắt hay cho phép hàng hóa dán nhãn “Made in Germany”, đồ nhập khẩu cũng không nhất thiết phải ghi rõ làm ở đâu.

Hiện tại, cơ quan lập pháp của Liên minh châu Âu (EU) đang gấp rút khắc phục tình trạng này. Dự luật về dán nhãn xuất xứ có từ năm 2010, nhưng chưa đạt được đa số! Về mặt này, EU còn quá xông xênh so với nhiều nước khác. Một số nước Nam Mỹ, Hoa Kỳ, Syria, Ukraine còn không công nhận nhãn “Made in EU”!

Nước Đức đành đi một đường riêng để bảo vệ danh tiếng của mình.

Trong những năm còn bị chia cắt, Tây Đức nhiều lần nỗ lực kiện Đông Đức, không cho phép “bên kia” dùng nhãn “Made in Germany”. Vì lý do chính trị, Tòa án Liên bang Đức khuyến cáo nên hạ hỏa và chấp nhận một sự nhầm lẫn nho nhỏ nào đó, khi người nước ngoài không rõ sản phẩm đến từ CHLB Đức hay CHDC Đức. Ngày đó, các nhà sản xuất lẻ tẻ sử dụng “Made in West (hay Western) Germany” (sản xuất ở Tây Đức) và “Made in GDR” (sản xuất ở CHDC Đức).

Vào thời toàn cầu hóa, vấn đề “Made in X” trở nên phức tạp hơn nhiều vì sản xuất ngày càng được quốc tế hóa cao độ, rất khó phân tách bán nguyên liệu, thành phẩm và các chi tiết công nghiệp phụ trợ.

Lấy ví dụ, nhà sản xuất ôtô Volkswagen (VW) đang cùng Toyota và General Motors thống trị thế giới bốn bánh; từ khi ra đời năm 1937, không có doanh nghiệp nào được coi là “Đức” hơn VW, song trong chiếc xe VW hôm nay chỉ có 30-40% là Đức, 60-70% kia, từ ghế ngồi đến dây điện, được cung cấp từ công nghiệp phụ trợ ở các nước chi phí lao động còn rẻ.

Các ông lớn khác như Mercedes hay BMW cũng nhận ra tình cảnh tiến thoái lưỡng nan đó và họ nghĩ ra một thứ nhãn hiệu riêng, vừa ngạo mạn tự tôn mình lại vừa lập lờ về xuất xứ, như “Made by BMW (do BMW sản xuất)”, “Designed and developed in Germany” (thiết kế và phát triển ở Đức), “Made by Mercedes Benz” (do Mercedes Benz sản xuất)... Cũng có thể hiểu một cách khác là địa điểm sản xuất không quan trọng như xưa nữa.

Luật Đức còn nhắm mắt cho phép các sản phẩm được dán nhãn “Made in Germany”, khi 90% được sản xuất ở nước ngoài nhưng đem về Đức lắp ráp và hoàn thiện khâu cuối, vì lúc đó nước Đức sẽ phải chịu trách nhiệm cho chất lượng!

Các nhãn hiệu
Các nhãn hiệu "Made in" uy tín nhất thế giới (theo chỉ số Made-In-Country-Index 2017). Sản phẩm Đức đã trở thành khuôn vàng thước ngọc. Ảnh: Forbes

Chất lượng Đức: Không phải nói nhiều!

Nói đến sản phẩm Đức mà không nhắc đến bia thì áy náy quá.

Mà đã nhắc đến bia thì không thể không nói Luật về bia tinh khiết 1918, với nguồn gốc từ bang Bayern năm 1516.

Người Bayern rất ghét các loại bia từ những bang lân cận, vì ở đó cho thêm đường. Năm 1516, Hiệp hội bia Bayern, lúc đó còn nằm ở Công quốc Bavaria của nhà Wittelsbach, thúc đẩy chính quyền thông qua đạo luật về sự tinh khiết của bia.

Theo đó, trong bia chỉ có nước, lúa mạch, hoa bia (sau này thêm men vi sinh). Dĩ nhiên luật này nhằm bảo vệ các lò bia địa phương và chỉ có hiệu lực trong công quốc. Song, trong quá trình Bayern bắt tay Cộng hòa Weimar rồi sau này tiến tới Cộng đồng kinh tế châu Âu, luật này lan ra khắp nước Đức, kể từ đó các loại bia nước ngoài bị gọi là “bia hóa chất” và không được lưu hành ở Đức.

Cuốn "Luật về bia tinh khiết"

Phải nói thêm, đây là bộ luật lâu đời nhất thế giới về thực phẩm, hay cụ thể hóa cho hợp với thời nay là thực phẩm sạch. Kể cả trong hai Thế chiến và các giai đoạn đói kém, luật này vẫn được người Đức tuân thủ nghiêm túc. Vào mùa hè, người Đức cũng làm một loại bia riêng, thay lúa mạch bằng lúa mì, song phải ghi rõ trên chai và phải uống vào loại cốc riêng!

Nhắc đến Luật về bia tinh khiết cũng để củng cố một ý: người Đức vốn bảo thủ và trung thành với chính mình. Bất kể có luật hay chỉ có lệ, dù dán nhãn “Made in Germany” hay không, người Đức luôn ý thức về sản phẩm do bàn tay mình làm ra. “Made in Germany” nói cho cùng chỉ là một quy định được tự nguyện tuân thủ, nhưng áp lực tâm lý của nó rất mạnh.

Không có một công ty xúc xích nào bên ngoài địa phương Frankfurt dám đưa ra sản phẩm “Xúc xích Frankfurt” dù mọi thành phần đều giống hệt, vì bậc phán xử cuối cùng vẫn là người tiêu dùng.

Xin nêu thêm một ví dụ để minh họa sự khác biệt trong tư duy của công dân một nhà nước pháp quyền với cách suy luận ù xọe phiên phiến ở xứ khác.

Cách đây vài năm có một vụ xung đột, và vì không có luật nên cũng không có chế tài, song rốt cục các bên tranh tụng đều ngoan ngoãn chấp hành: Công ty Bauer GmbH với đại bản doanh ở Stuttgart (Đức) lập công ty con là Bauer Ltd., rồi mở nhà máy sản xuất tại Thái Lan, nay nghĩ nên viết gì lên sản phẩm. Các lựa chọn rất logic như “Bauer, Stuttgart”, “Sản phẩm của Bauer, Stuttgart”, “Sản phẩm của Tập đoàn Bauer, Stuttgart”, “Sản phẩm của Tập đoàn Bauer, Đức”... đều lần lượt bị gạt đi, vì nó gây ảo tưởng là được sản xuất tại Stuttgart hay đâu đó trên đất Đức!

Cuối cùng, người ta chọn phương án “Bauer, Stuttgart, Made in Thailand” (Bauer, Stuttgart, sản xuất ở Thái Lan). Trước đó cũng đã có đề nghị sử dụng nhãn “Designed by Bauer, Stuttgart” (thiết kế bởi Bauer, Stuttgart), song Thái Lan lại bắt buộc phải ghi nước sản xuất.

Bên ngoài biên giới Đức thì “Made in Germany” lại không có số phận sóng gió như vậy. Phần còn lại của thế giới nhất trí rằng đã hàng Đức thì phải tốt, thậm chí là tốt nhất! ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận