Đánh thức lý trí?

DANH ĐỨC 10/11/2015 18:11 GMT+7

TTCT - Rốt cuộc khu trục hạm USS Lassen đã vào khu vực 12 hải lý quanh bãi đá Su Bi sáng thứ ba 27-10 trong êm thắm và ra đi trong bình an. Cả ở Bắc Kinh lẫn ở Washington, các cuộc họp báo ở bộ ngoại giao hai nước đã không diễn ra trong bầu không khí căng thẳng hay với ngôn từ đe dọa.

Tàu khu trục USS Lassen thực hiện tự do hàng hải ở Biển Đông -EPA
Tàu khu trục USS Lassen thực hiện tự do hàng hải ở Biển Đông -EPA

Chừng mực, nhẹ nhàng?

Trong tình hình mà dư luận thường tình cho là dầu sôi lửa bỏng ngay sau khi chiếc USS Lassen vào khu vực bãi đá Su Bi, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng đã chủ trì cuộc họp báo hôm đó một cách điềm tĩnh.

Ở câu hỏi đầu tiên, khi được yêu cầu bình luận vụ này, người phát ngôn Lục Khảng trả lời: “Các cơ quan liên quan của phía Trung Quốc giám sát, theo dõi và cảnh báo các tàu chiến Hoa Kỳ... Nhân đây, phía Trung Quốc bày tỏ sự không hài lòng và phản đối mạnh mẽ”.

Phát biểu tiếp theo của người phát ngôn này lại là một phân trần chứ không phải một răn đe: “Việc xây dựng đó không nhắm hay tác động bất cứ nước nào, và sẽ không gây bất cứ tác động nào đến quyền tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông mà mọi quốc gia đều có quyền chiếu theo luật pháp quốc tế”.

Muốn hay không muốn, Bắc Kinh cũng không thể phủ định rằng việc tàu Mỹ đi vào đó là đúng theo Công ước Luật biển UNCLOS: đảo nhân tạo, cơ sở và công trình kiến trúc ở Trường Sa mà Trung Quốc vừa xây xong không có quy chế hải đảo, không có lãnh hải 12 hải lý. Càng không thể phản ứng bằng vũ lực được khi chiếc USS Lassen đi qua một cách vô hại, không có động thái gây hấn gì cụ thể.

Tất nhiên, người phát ngôn Lục Khảng cũng đưa ra phản kháng mạnh mẽ quen thuộc: “... (Trung Quốc) kiên quyết chống lại sự phương hại đến chủ quyền và lợi ích an ninh của Trung Quốc gây ra bởi bất cứ nước nào dưới chiêu bài tự do hàng hải và tự do bay ngang qua... Phía Trung Quốc sẽ kiên quyết đáp ứng với bất kỳ hành động khiêu khích có chủ ý của bất cứ nước nào”.

Làm căng một chút, rồi nhắc lại: “Chúng tôi sẽ theo dõi chặt chẽ những gì đang xảy ra ở các vùng biển và không phận có liên quan và thực hiện tất cả các biện pháp khi cần thiết”. Chỉ “theo dõi chặt chẽ” thôi và sẽ “phản ứng khác nữa khi cần thiết” là thông điệp của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, từ ông Bộ trưởng Vương Nghị đến người phát ngôn Lục Khảng sau “sự cố tàu USS Lassen” ngày 27-10!

Có vẻ như thông điệp “phản kháng để mà phản kháng” của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã được “nghe rõ, trả lời” bởi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby trong cuộc họp báo sau đó cùng ngày.

Ông này đã tỏ ra rất chừng mực: “... Ước muốn của Ngoại trưởng (Kerry) là quan hệ của chúng tôi với Trung Quốc sẽ tiếp tục sâu sắc... Không có gì thay đổi trong chính sách hay lập trường của chúng tôi về những tranh chấp trên Biển Đông. Chúng tôi không đứng về bất cứ bên tranh chấp nào.

Chúng tôi chỉ bày tỏ quan điểm về việc o ép, rằng các tranh chấp đó không nên được giải quyết bằng các hành động xâm lấn hay o ép hoặc bằng bất cứ vũ lực nào. Chúng tôi muốn các tranh chấp được giải quyết qua các quy định quốc tế và phù hợp với luật lệ quốc tế, không thay đổi gì cả”.

Đến phiên thông điệp của người phát ngôn Kirby được “nghe rõ”. Cuộc họp báo hôm sau ở Bộ Ngoại giao Trung Quốc bắt đầu bằng một câu hỏi về đáp ứng của Trung Quốc trước các cuộc động đất ở Afghanistan và Pakistan hôm thứ hai 26-10, một câu hỏi trễ những hai ngày so với thời sự!

Câu hỏi thứ nhì mới đến vụ tàu USS Lassen. Thứ tự các câu hỏi/đáp đó cho thấy tình hình đang được làm dịu ở Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Tương tự, cuộc họp báo cùng ngày song diễn ra sau đó gần nửa ngày (do chênh lệch múi giờ) ở Bộ Ngoại giao Mỹ cũng không đặt vụ này làm trọng tâm.

Các câu hỏi về vụ này chỉ được đặt ra sau một loạt hỏi đáp về các vấn đề Nepal, Syria, IS, Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan, Afghanistan,Venezuela, hòa bình Trung Đông! Và một lần nữa, người phát ngôn Kirby nhắc lại rằng: “Một con tàu qua vùng biển quốc tế trong bất kỳ cách nào không hề là một hành động khiêu khích và nó không nên được xem như là một hành động khiêu khích”.

Sự “nhẹ nhàng” ở các cuộc họp báo ở hai bộ ngoại giao Trung Quốc và Mỹ phản ánh thực tế là hai bên đều hiểu rõ Công ước Luật biển và không thể làm càn với nhau. Sự tự kiềm chế này còn được thể hiện qua tờ South China Morning Post ngày 29-10 phát hành tại Hong Kong với bình luận của TS Tiết Lực thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc:

“Việc tuần tra của tàu Mỹ USS Lassen không vi phạm luật pháp quốc tế”. Bình luận này của TS Tiết Lực trên tờ Bưu Điện Hoa Nam (SCMP) còn nhằm cân bằng với những hò hét quen thuộc trên các trang mạng quân sự của nước này...

Lịch sử vẫn luôn diễn biến theo một trong hai tình huống: hoặc đi tới chiến tranh nếu như vẫn cuồng vọng, hoặc thức tỉnh dừng lại tìm một hướng khác cho giấc mơ phát triển của mình

Tòa trọng tài thường trực ấn định công lý

Thật trùng hợp, chỉ hai ngày sau vụ USS Lassen, tức thứ năm 29-10, Tòa trọng tài thường trực đã đưa ra phán quyết về đơn kiện của Philippines - mà có thật là trùng hợp không, khi ngày tòa này dự định ra phán quyết đã được công bố cả năm nay, đủ để chọn ngày giờ cho chiếc USS Lassen xuất hiện?

Thông cáo của Tòa trọng tài thường trực cho biết tòa đã nhất trí (tức tất cả năm thẩm phán của tòa đều đồng ý 5/5) rằng tòa chỉ tập trung vào câu hỏi liệu tòa có thẩm quyền xem xét các yêu cầu của Philippines và liệu các yêu cầu này có thể chấp nhận được hay không, và tòa đã tuyên định rằng (1) cả Philippines lẫn Trung Quốc đều là những bên tham gia Công ước (Luật biển) và đều bị ràng buộc bởi các điều khoản liên quan đến việc giải quyết các tranh chấp.

Tòa cũng tuyên rằng (2) quyết định của Trung Quốc không tham gia tố tụng không dẫn đến việc tòa không có thẩm quyền, (3) đồng thời quyết định của Philippines đơn phương khởi động tố tụng trọng tài không hề là một sự lạm dụng các thủ tục giải quyết các tranh chấp của Công ước - nôm na mà nói, việc Philippines kiện là hợp pháp.

(4) Tòa cũng đã bác luận cứ của Trung Quốc theo đó tòa không có thẩm quyền thụ lý, đồng thời tòa tuyên rằng tòa đủ khả năng xác định tòa có thẩm quyền thụ lý. (5) Tòa tuyên sẽ mở phiên khác xét đến nội dung bảy điểm mà phía Philippines nêu ra.

Đặc biệt tòa đã bác lập luận của Trung Quốc cho rằng theo Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC), chỉ giải quyết các tranh chấp bằng đàm phán trực tiếp giữa Trung Quốc và từng nước liên quan mà thôi, chứ không bằng bất cứ một phương cách nào khác.

Vấn đề ở chỗ Trung Quốc đã diễn dịch “từng chữ” một vế của điều 4 trong DOC để từ đó bác bỏ mọi đề nghị đàm phán đa phương (mà Trung Quốc gọi là “quốc tế hóa” vấn đề Biển Đông), hay viện dẫn đến tòa án quốc tế.

Được biết, điều 4 này nguyên văn như sau: “Các bên liên quan chịu trách nhiệm giải quyết các tranh chấp về lãnh thổ và về quyền thực thi luật pháp bằng các phương tiện hòa bình mà không viện đến sự đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, thông qua các cuộc tham vấn thân thiện và những cuộc đàm phán bởi các quốc gia có chủ quyền có liên quan trực tiếp, phù hợp với những nguyên tắc được thừa nhận phổ quát của luật pháp quốc tế, kể cả Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982”.

Và tuyên định ngày 29-10-2015 của Tòa trọng tài thường trực về vấn đề này là: “Tòa bác bỏ luận cứ trình bày trong văn kiện lập trường của Trung Quốc theo đó tuyên bố năm 2002 giữa Trung Quốc và ASEAN về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông (tức DOC) vụ tranh chấp giữa các bên chính là một thỏa thuận giải quyết những tranh chấp liên quan đến Biển Đông độc nhất bằng con đường đàm phán mà thôi”.

Ngược lại, tòa tuyên rằng: “Tuyên bố giữa Trung Quốc và ASEAN chỉ là một thỏa thuận chính trị mà thôi, không có chức năng cưỡng bách về mặt pháp lý, do đó không liên quan gì đến các quy định của Công ước Luật biển dành ưu tiên cho việc giải quyết tranh chấp bằng bất cứ phương tiện nào do các bên chọn lựa”. 

Qua tuyên định như trên về DOC, tòa giải thích đã tháo gỡ những trói buộc hay tự trói buộc nhân danh (điều 4) DOC.

Tòa đã nêu trường hợp cụ thể của Philippines để giải thích cho các nước khác tự cởi trói: “Cũng thế, các thỏa thuận khác cùng tuyên bố chung giữa Trung Quốc và Philippines không cấm Philippines sở cậy đến Công ước để giải quyết tranh chấp của mình với Trung Quốc”.

Tất nhiên, Bắc Kinh phủ định phán quyết này của Tòa trọng tài thường trực, một phản ứng không thể khác hơn.

Song, như tòa đã tuyên, tòa sẽ vẫn thực thi thẩm quyền của mình bằng cách xét nội dung đơn kiện của Philippines. Ít nhất cũng đã có thể thấy tinh thần luật pháp được thể hiện, trái với những lo ngại rằng tòa có thể bị o ép.

Cộng cả vụ tàu USS Lassen yên tĩnh “đi qua không gây hại”, có thể hi vọng rằng đây sẽ là sự đánh thức lý trí và ý thức luật pháp. Lịch sử vẫn luôn diễn biến theo một trong hai tình huống: hoặc đi tới chiến tranh nếu như vẫn cuồng vọng, hoặc thức tỉnh dừng lại tìm một hướng khác cho giấc mơ phát triển của mình.■

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận