Để được sống an ninh và an toàn

THIÊN DI 02/03/2013 10:03 GMT+7

TTCT - Một vụ nổ gây cái chết cho 11 người chỉ trong vài tích tắc, chỉ một ngày sau khi báo chí đưa tin UBND TP.HCM tổ chức hội nghị sơ kết cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm đã đặt lại vấn đề làm sao sống an toàn, an ninh này trong tâm não người dân, trước khi đặt lên bàn giấy các quan chức của TP đông gần 10 triệu dân này.

Lực lượng cứu hộ đang dọn dẹp hiện trường vụ nổ gây sập nhà và 11 người chết tại hẻm 384 đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 8, Q.3, TP.HCM - Ảnh: Tự Trung 

Một người dân, ắt hẳn là đang rất băn khoăn, đã gửi một lời đề nghị tới báo chí để nhờ báo phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra giùm một số nhà trên đường Trần Hưng Đạo (phường Cô Giang, quận 1, TP.HCM) mà như người này quan sát thấy “chứa rất nhiều xăng zippo dễ gây hỏa hoạn vì hàng chục ngàn chai xăng zippo đặt cách bếp lửa nấu ăn của nhà này chừng 2m mà thôi. Nếu việc hỏa hoạn xảy ra sẽ gây thiệt hại cực kỳ lớn cho chung cư 301 và các hộ dân bên cạnh”.

Một ngày sau vụ nổ thương tâm tại TP.HCM, chủ tịch UBND TP Hà Nội đã ký công điện yêu cầu các sở ngành thực hiện nghiêm quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu cháy nổ và công cụ hỗ trợ. Những người thảo ra công điện đã nêu rõ: “Công tác phòng chống cháy nổ ở thủ đô luôn được quan tâm, qua đó đã hạn chế được các vụ tai nạn, sự cố cháy nổ nghiêm trọng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên ở một số lĩnh vực, một số địa bàn và doanh nghiệp vẫn còn xảy ra tình trạng mất an toàn, tiềm ẩn cháy nổ gây thiệt hại về người và tài sản”. 

Và công điện đã đề ra giải pháp “yêu cầu Công an TP, Bộ tư lệnh thủ đô, Sở Công thương, Sở Văn hóa - thể thao và du lịch, Sở Thông tin - truyền thông, Sở Giáo dục - đào tạo, Cảnh sát phòng cháy chữa cháy... thực hiện nghiêm chỉ thị quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ”. Đầy đủ địa chỉ các ban ngành có thể liên quan đến cháy nổ, phân công, phân nhiệm rõ ràng!

Ai quản lý ai, cái gì và như thế nào?

Đó là quản lý trong mắt nhà quản lý. Còn trong mắt và tâm não bạn đọc cầu cứu nêu trên, số nhà đó tại đường Trần Hưng Đạo, TP.HCM không phải là một doanh nghiệp có trưng bảng ngành nghề có khả năng gây cháy nổ, theo như cách nhìn và cái nhìn quen thuộc của những nhà quản lý. Càng không chỉ là một căn hộ gia đình theo như cách nhìn và cái nhìn quản lý hộ khẩu, tạm trú, tạm vắng, mà là một kho chứa xăng với hàng chục ngàn chai xăng zippo. Đáng sợ hơn nữa là cách bếp chỉ 2m! 

Có ám ảnh quá hay không bạn đọc kêu cứu này? Chắc là không, nếu nhớ lại rằng ngày 7-4 năm ngoái, một vụ nổ vì sang chiết gas lậu tại một nhà trọ ở Bình Dương, đến một tháng rưỡi sau (21-5) vẫn còn khiến một nạn nhân vô can khác phải thiệt mạng, cướp đi sinh mạng những bảy người! 

Cũng chỉ là một “nhà trọ” bên cạnh những “nhà trọ” khác song cũng như vụ nổ tang tóc ở TP.HCM, đây không phải là những căn nhà ở, sinh hoạt theo nghĩa thông thường, mà là những “kho chứa gas, chứa xăng” có thể nổ tung bất cứ lúc nào! Sau vụ nổ đã là tang thương ở Bình Dương, cách nhìn quản lý cũng không thay đổi khi chỉ nhìn thấy địa chỉ 384/9 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.3, TP.HCM trong góc nhìn quản lý hộ khẩu, tạm trú, tạm vắng: gồm mấy nhân khẩu, thường trú ở đâu, làm gì.

Giữa rừng thông tin về vụ nổ tang tóc ấy, tin của báo Công An Nhân Dân ngày 24-2-2013 khác hẳn với tựa đề: 

“TP.HCM: nổ kho đạo cụ đóng phim, 4 nhà sập, 10 người thiệt mạng” cùng chi tiết: “Theo kết quả điều tra nhanh, căn nhà xảy ra vụ nổ là do ông Lê Minh Phương (58 tuổi) thuê mở Hãng phim truyền hình Lạc Việt. Ông Phương chuyên về khói lửa cho các bộ phim truyền hình nên khu vực phát ra vụ nổ là kho chứa đạo cụ đóng phim”. Cách nhìn của tờ báo chuyên ngành này có khác khi nhìn thấy đây là một kho đạo cụ chứ không chỉ là căn nhà hai tầng một gia đình sinh sống ở đó...

Cái nhìn nào chính xác hơn? Quản lý nhân khẩu, quản lý ngành nghề kinh doanh hay quản lý sâu sát đến tận đặc điểm chi tiết một số cá nhân sau sàng lọc? Nếu ở Bình Dương năm ngoái hay ở TP.HCM năm nay đã nhìn thấy đấy là những kho gas sang chiết “tại gia”, kho đạo cụ, có lẽ đã có thể kiểm tra và giải quyết sao cho không để xảy ra cớ sự. Hi vọng những “kho xăng, kho gas, kho thuốc nổ... tại gia” khác cũng sẽ được nhìn thấy chứ không chỉ những kho mã tấu!

Cũng thế trong lĩnh vực chống tội phạm. Tết vừa qua, người dân đã thở phào được sống yên ổn nhờ vào thành quả trong thực tế của “hai tháng triển khai cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, kết quả bước đầu đã chặn đứng và đẩy lùi các loại tội phạm trên địa bàn TP, triệt phá nhiều băng nhóm tội phạm có tổ chức; điều tra nhanh, khám phá các vụ án gây bức xúc dư luận; kiềm chế và giảm các loại tội phạm cướp, cướp giật, trộm tài sản... 

Trong thời gian từ 15-12-2012 đến 14-2-2013, trên toàn địa bàn TP.HCM đã giảm 115 vụ phạm pháp hình sự (9,68%) so với thời gian liền kề, triệt phá 149 nhóm, bắt 373 đối tượng, trong đó có 10 nhóm với 40 tên cướp tài sản, 56 nhóm với 115 đối tượng cướp giật và 57 nhóm với 148 tên trộm cắp tài sản...”. 

Nhưng chính từ đây nảy sinh câu hỏi: Đến chừng thôi cao điểm tấn công tội phạm, thôi tăng cường cảnh sát cơ động thì sao? Nếu người cảnh sát khu vực vẫn chỉ cần mẫn đếm số nhân khẩu thường trú, tạm trú, tạm vắng... mà không tăng cường, sau khi “lọc xong”, ngắm nghía, nghe ngóng đâu là những bất trắc tiềm năng và dự kiến những tình huống khả dĩ và mạnh dạn lập, đề xuất phương án dự phòng, e rằng sau cao điểm chống tội phạm này sẽ lại phải mở cao điểm khác! 

Người dân kêu với ai?

Tất nhiên, tại khắp nơi trên thế giới, không một lực lượng cảnh sát, công an nào có thể đủ nhân lực mà nhìn và thấy, nghe và nghe thấy hết mọi việc trong mọi ngóc ngách của xã hội. Công an nước nào cũng sử dụng những “tai mắt” trong các giới. Có nước còn tổ chức họp dân phố, dân phòng... Nước nào cũng có những số điện thoại cấp cứu như 911 (ở Mỹ), 17 (cảnh sát cấp cứu ở Pháp), 999 (ở Singapore)... 

Ở Việt Nam cũng có đủ cả, còn có thêm cả thanh tra giao thông bên cạnh cảnh sát giao thông, thanh tra đô thị, thanh tra xây dựng..., song liệu đã có một số điện thoại khả tín để các công dân có thể nói ra những băn khoăn cho sự sống của mình như những số điện thoại kia? Việc tái cơ cấu lại điện thoại cảnh sát cấp cứu sao cho gần gũi và chân thành với dân chúng nhất, ắt hẳn là một việc cần làm.

Việc các công dân, phản ảnh một vụ việc, một tình trạng không vừa ý hay phàn nàn một hàng xóm như thế này, như thế kia là chuyện hết sức bình thường ở mọi nước mà người dân tin rằng cảnh sát là một bộ máy tồn tại do sự đóng thuế của người dân nên phải hoạt động hữu hiệu, đảm bảo sự an sinh của họ. Sự phản ảnh đó căn cứ trên những quyền lợi và nghĩa vụ dân sự mà công dân đó biết và tin là mình được hưởng và đảm nhận, trong đó có quyền lợi trông mong đến các cơ quan công lực khi cần thiết, và được luật pháp đoan chắc rằng các cơ quan công lực sẽ đáp ứng sự trông mong đó. 

Ngược lại, các cơ quan công lực cũng quan niệm sẵn rằng chính khi các công dân viện dẫn đến mình, các cơ quan công lực đứng ra giải quyết sốt sắng, chính là tránh để cho những bất hòa có thể có, vốn mới còn là tranh chấp dân sự, biến thành những xung đột hình sự! Ngay cả trong trường hợp không trực tiếp liên quan, một công dân vẫn có thể gọi điện thoại báo việc một người hàng xóm đánh đập con cái họ, và cảnh sát phải nhanh chóng đến giải quyết! 

Đó chính là phòng ngừa tội phạm, sự cố, thảm họa... từ trong trứng nước. Như ở Singapore, chương trình An toàn và an ninh cộng đồng (CSSP) quy tụ cả cảnh sát lẫn người dân cùng các phong trào quần chúng để cùng nhận ra những vấn để đang tác động đến sự an toàn, an ninh của khu phố và cùng tìm hướng giải quyết. Không phải việc gì cũng đến mức cảnh sát phải ra tay. 

Khi người dân cùng nhận diện ra các mầm mống đe dọa an sinh của họ, họ sẽ tự tương trợ nhau trước, không để những mầm mống ấy “tự do” phát triển. Chương trình CSSP nằm trong sách lược “Tầm nhìn Singapore (thế kỷ) 21”, trong đó một trong những nguyên tắc then chốt là hun đúc một tính công dân chủ động, tích cực (“active citizenship”). Trong nội dung sinh hoạt đó, các công dân lớn bé tham gia chương trình sẽ được hướng dẫn phòng ngừa tội phạm và các nguy cơ mất an toàn như thế nào.

Trước mắt, hãy là một chỗ cho người dân kêu đến!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận