​Để tiếng cười đừng thách thức số phận...

21/01/2015 07:01 GMT+7

Khó có thể nói gì hơn tâm trạng hụt hẫng và hoang mang trong những ngày này, thảm họa lớn vừa xảy ra không chỉ với nước Pháp, không chỉ với những người viết, không chỉ với những ai quan tâm đến cuộc sống thanh bình.

Titanic là tạp chí hài hước Đức, họ đoàn kết với Charlie Hebdo nhưng không đăng lại biếm họa của Charlie. Trong số ra ngày 11-1 còn tỏ rõ chính kiến “Tôi không là Charlie” - Titanic 

Những tờ báo Đức không in lại Charlie Hebdo

Như rất nhiều người xung quanh, phản xạ bộc phát đầu tiên của tôi là muốn góp ngay một tiếng nói vào đám đông “Je suis Charlie”, “Tôi là Charlie”.

Chắc chắn không ai không phẫn nộ trước hành vi man rợ của những sát thủ cuồng tín đã dập tắt sinh mạng của 17 người vô tội. Suốt mấy ngày dài tôi không thể tập trung làm việc gì khác, thậm chí còn không mở Facebook để trút bầu tâm sự như thường khi. Vì tôi biết chắc việc đầu tiên sẽ là đăng lại một bức biếm họa của Charlie Hebdo nhạo báng nhà tiên tri Mohammed.

Nhưng tôi không làm thế. Và tôi chia sẻ quan điểm của không ít người. 

Tờ New York Times và Daily Telegraph cho biết họ đã tranh cãi nảy lửa để đi đến quyết định không đăng lại các tranh biếm họa của Charlie Hebdo, dù biết trước sẽ bị nhiều độc giả chê hèn. Rất nhiều báo Đức, như tôi dạo qua các sạp báo và trang mạng để kiểm chứng, cũng theo quan điểm đó.

Dĩ nhiên mỗi tờ báo có lý do riêng của họ, nhưng quan niệm của tôi rất đơn giản: Loài người từ khi biết sử dụng cung tên giáo mác để săn bắn thời ăn lông ở lỗ, chưa một ngày nào không gây chiến tranh ở nơi nào đó trên trái đất.

Tôi sống đủ lâu ở Đức để thấm thía nỗi sợ hãi của người dân trước nguy cơ súng đạn. Người Đức đã khép lại chương sử bi thảm của họ năm 1945. Sau bao năm đối đầu, hai nhà nước Đức đã đạp đổ bức tường ngăn cách để thành một dân tộc thống nhất.

Bạn có thể hỏi bất kỳ ai ở đây cũng được nghe niềm tự hào rằng nước Đức từ năm 1945 đến nay toàn được sống trong hòa bình. Nước Đức cũng bãi bỏ nghĩa vụ quân sự từ mấy năm nay. Tôi tin là ai cũng có trách nhiệm chăm chút cuộc sống bình an từng tốn bao xương máu để đạt được.

Tôi không biết tiếng Pháp, nên chưa bao giờ cầm một tờ Charlie trên tay. Nhưng sau những gì tìm hiểu được thì tôi tin Charlie Hebdo sẽ khó phát hành ở Đức, cho dù tôi yêu mọi thể loại khôi hài thông minh - xin phép nhấn mạnh tính từ “thông minh”, tức tiếng cười phải đi kèm với trách nhiệm xã hội.

Còn nhớ vụ tờ Jyllands Posten của Đan Mạch hồi năm 2005 đăng tranh biếm họa Mohammed khiến họa sĩ bị những kẻ quá khích dọa giết. Charlie Hebdo đăng lại tranh đó và bổ sung các biếm họa khác về đạo Hồi. Năm 2008, Charlie đả kích chuyến thăm Pháp của giáo hoàng bằng cách xuyên tạc lời Jesus.

Xin khẳng định tôi không toan biện hộ dù chỉ phần nào hành vi của những kẻ giết người hôm thứ tư, song tôi tự cho phép suy nghĩ tìm một lời giải thích - liệu người ta có nên thách thức số phận đến mức ấy, và thế giới phương Tây có tự do một cách phổ quát như đôi lúc chính ta vẫn tin?

Những cái chết không bẻ gãy ngòi bút

Là bởi như tác giả Teju Cole trong bài “Những thi thể không ai than khóc” đăng trên New Yorker ngày 9-1 thì dù mức độ và cách thức thể hiện tình đoàn kết với các nạn nhân ở Paris rất đáng khuyến khích, nhưng cũng cho thấy xã hội phương Tây rất dễ tập trung vào chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan như kẻ thù thật sự hay là duy nhất.

Sự tập trung này - theo ông - khiến phương Tây ít để ý đến những chém giết tàn bạo khác trên khắp thế giới: nạn bắt cóc và sát hại ở Mexico, Israel sát hại hàng trăm trẻ em (và hơn chục nhà báo) ở Gaza hồi năm ngoái, những thảm sát tương tàn ở Cộng hòa Trung Phi.

Teju Cole viết: “Có thể chúng ta không đủ sức quan tâm tới mọi bạo tàn trên mọi nẻo thế giới, nhưng ít nhất chúng ta nên dừng lại để nghĩ coi quan niệm chính thống rất dễ dàng quyết định những cái chết vì bạo lực nào có ý nghĩa và đáng được tưởng nhớ hơn những cái chết khác”.

Ông khẳng định bên cạnh việc chia sẻ đau buồn với nước Pháp, cũng cần nhận ra rằng “có rất nhiều bạo lực từ phe “chúng ta” vẫn đang tiếp tục mà không hề được để ý. Tháng này sẽ rất nhiều “thanh niên trẻ trong độ tuổi quân sự” và rất nhiều người khác, bất kể có trẻ hay có phải thanh niên hay không, sẽ bị sát hại bởi các vụ ném bom bằng máy bay không người lái của Mỹ ở Pakistan và các nơi khác.

Những vụ ném bom trong quá khứ cho thấy rất nhiều nạn nhân là vô tội. Những người viết như chúng ta không coi cây bút của mình bị bẻ gãy bởi những sát hại như vậy. Nhưng thái độ không chất vấn, không đau buồn giống như cuộc thảm sát ở Paris, chính là mối đe dọa rõ ràng và hiện hữu đối với sự tự do chung của chúng ta” (1).

Tôi nghĩ, có lẽ “Ngày thứ tư đen tối” của nước Pháp đã khiến không ít nhà báo nhìn lại công việc của chính mình. Glenn Greewald - luật sư, nhà báo nổi tiếng sau vụ Edward Snowden - cũng là một trong số đó.

Ông kể đã từng viết về những người Hồi giáo bị cầm tù nhiều năm ở Mỹ chỉ vì những tội như dịch và đưa các video bị coi là “cực đoan” lên Internet, viết các bài nghiên cứu để bảo vệ các nhóm Palestine hay chỉ trích mạnh đối với Israel. Ông cũng biết vô số trường hợp mất việc hoặc hoàn toàn sụp đổ sự nghiệp chỉ vì bày tỏ quan điểm chống Israel hay Do Thái giáo.

Nhà báo này cũng tiết lộ: “Chúng tôi từng định nhờ họa sĩ vẽ châm biếm Do Thái giáo như cách tạp chí Charlie Hebdo làm với đạo Hồi. Nhưng ý tưởng đó ngay lập tức bị bỏ vì thực tế là không họa sĩ chính thống nào ở phương Tây dám vẽ tranh chống Do Thái, kể cả là cho mục đích châm biếm. Vì làm vậy là đồng nghĩa hủy hoại ngay lập tức và vĩnh viễn sự nghiệp của họ - ít nhất là vậy. Nhưng những bình luận hay tranh vẽ chống Hồi giáo thì lại rất đơn giản với báo chí phương Tây”.

Ông kết luận trong bài viết đăng trên The Intercept ngày 9-1: “Điều này chỉ để nhấn một điểm: có đủ ý tưởng và quan điểm bị đè nén ở phương Tây. Cho nên, dù rất hiểu sự hi sinh của các nhà báo dũng cảm Charlie Hebdo cho quyền được bày tỏ chính kiến, nhưng tôi cũng muốn dẫn lại lời của Gleen Greewald, một nhà báo có lẽ đủ từng trải và dũng cảm trong cuộc đấu tranh cho tự do ngôn luận của mình: “Bảo vệ quyền tự do ngôn luận thì luôn dễ dàng khi bạn thích nội dung của những ý tưởng đang bị nhắm tấn công, hay không phải là một phần của (hoặc rất không thích) nhóm bị phỉ báng” (2).

Bức xúc cũ, bức xúc mới

Nhiều trang Facebook đã dẫn lại lời được cho là của Voltaire, đại ý: “Tôi có thể không đồng ý với bạn, nhưng tôi sẽ đấu tranh đến chết cho quyền được nói của bạn”. Nhưng nói như thế nào?

Cây bút sắc sảo David Brooks đã viết một bài đanh thép trên New York Times số 8-1-2015 dưới tít”Tôi không là Charlie Hebdo.” Ông nhận xét không thể trúng hơn: “Ai muốn được chú ý lắng nghe, phải qua cách hành xử của mình để đạt được điều đó”.

David Brooks dẫn chứng: “Người Mỹ có thể khen ngợi Charlie Hebdo có đủ dũng khí khi đăng tranh đả kích nhà tiên tri Mohammed, nhưng khi Ayaan Hirsi Ali (nữ nghị sĩ thuộc Đảng Tự do và dân chủ nhân dân Hà Lan, nhà nữ quyền và vô thần, nổi tiếng chỉ trích Hồi giáo kịch liệt - LTG) được mời đến một trường đại học Hoa Kỳ thì nhiều người gọi điện đề nghị không cho bà đăng đàn” (3).

Nhà báo Meike Buettner trên trang www.theeuropean.de ngày 9-1-2015 cũng tâm sự: “Tôi là một trong những người kiếm sống bằng ý kiến của mình. Miếng ăn hằng ngày của tôi cũng là đại diện cho các giá trị, dĩ nhiên không nhất thiết phải đồng nhất với các giá trị khác. Vậy về lý thuyết, tôi cũng có thể trở thành nạn nhân của những kẻ mang chính kiến khác tôi... May mắn thay, chưa kẻ nào xuất hiện và bắn chết tôi, hi vọng điều đó sẽ không xảy ra trong tương lai”.

Tuy vậy, bà “không đồng cảm nổi với đám đông đột nhiên tuyên bố họ là Charlie Hebdo”. Bà viết: “Những tờ tương tự, như Titanic, Mad, Raketa... (nổi tiếng công kích tôn giáo quá khích - LTG) không hợp quan điểm của tôi. Có thể Tim Wolff, tổng biên tập tờ Titanic, có lý khi ông thổ lộ trên ntv.de: “Hài hước tạo ra khoảng cách với những sự kiện bức xúc, cho phép ta nói trực tiếp đến sự bức xúc một cách không trực tiếp và qua đó khống chế nỗi sợ”. Nhưng trong mắt tôi, không phải vì thế mà người ta có quyền tạo ra sự kiện bức xúc mới. Tiếu lâm có thể buồn cười mà không làm tổn hại đến cảm xúc của người khác... Nhà báo này khẳng định bà phản đối mọi hình thức bạo lực, nhưng đồng thời bà cũng bày tỏ mình “không là Charlie”, vì “Tôi là Meike Buettner”.

Lê Quang (Cologne, Đức)

BẢN CHẤT CỦA DÂN CHỦ

(Trích bài viết của cựu thủ tướng Đan Mạch Anders Fogh Rasmussen) (*)

Năm 2005 khi tôi làm thủ tướng Đan Mạch, báo Jyllands Posten đã gây tranh cãi quốc tế vì đăng 12 họa hình đấng tiên tri Mohammed. Một số người Hồi giáo ở Đan Mạch và quốc tế đã buộc Jyllands Posten tội báng bổ...

Đã có lời kêu gọi trả đũa tờ báo, chống lại chính phủ của tôi và chống lại lợi ích quốc tế của Đan Mạch.

Phản ứng của chúng tôi dựa trên nguyên tắc rằng tự do ngôn luận là một trong những trụ cột của nền dân chủ... Mọi công dân có quyền nói điều mình muốn, tin điều mình muốn, chỉ trích hay nhạo báng những gì mình muốn - bằng cách viết, vẽ hay bất cứ hình thức biểu hiện ôn hòa nào. Mọi công dân cũng đều có quyền không đồng ý với người khác và biểu hiện sự bất đồng đó bằng phương cách hợp pháp, hòa bình.

... Chắc chắn tự do ngôn luận là quyền cần được sử dụng khôn ngoan và trách nhiệm. Nhưng chúng tôi tin rằng sẽ không khôn ngoan hoặc có trách nhiệm khi cố hạn chế nó, và con đường đúng đắn nhất để phản ứng lại sự xúc phạm là trình bày sự phản biện, không phải một cuộc tấn công khủng bố. Trong các xã hội dân chủ, bạn luôn có thể đưa vụ việc ra tòa.

Nguyên tắc đó đã đưa chúng tôi vượt qua cuộc khủng hoảng năm 2005...

Mặc cho sự ghê tởm và giận dữ mà chúng ta cảm nhận trước cuộc tấn công Charlie Hebdo, chúng ta phải giữ vững nguyên tắc đó bởi hạn chế tự do ý kiến sẽ làm suy yếu xã hội chúng ta...

... Trong những ngày qua một số biên tập viên cho rằng phản ứng đúng đắn cho vụ thảm sát Charlie Hebdo là tái xuất bản các biếm họa của tạp chí. Một số người khác quyết định không. Có người chỉ trích hành động của Charlie Hebdo.

Các biên tập viên có quyền đưa ra các quyết định và thể hiện nó theo cách họ cho là thích hợp. Đó là bản chất của dân chủ. Ngày mà những quyết định như thế được đưa ra vì sợ trả thù chính là ngày tự do của chúng ta kết thúc.

 

(*): www.project-syndicate.org/commentary/charlie-hebdo-freedom-speech-by-anders-fogh-rasmussen-2015-01

 

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận