​Đổi mới 2.0 và cú thúc của TPP 

TTCT - Các cải cách kinh tế ở Việt Nam thường đi theo từng bước, mỗi bước lại gắn liền với một quyết định chính sách hay thỏa thuận kinh tế lớn nào đó.

Đầu tiên là Đổi mới, quá trình tư duy lại chính sách đối nội mà mở cửa nền kinh tế theo hướng thị trường, và ở mức độ ít hơn là thương mại và đầu tư quốc tế. Làn sóng thỏa thuận thứ hai là với ASEAN, thỏa thuận song phương BTA với Mỹ và cuối cùng là WTO, mở cánh cửa xả cho các đầu tư quốc tế vào Việt Nam. Làn sóng thứ ba có thể - và nên là - Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). Thành tích quan trọng nhất của TPP sẽ là cú hích mạnh để tiến tới một nền kinh tế hiện đại. Việt Nam không còn hấp dẫn vì lao động rẻ hay làm lao động lắp ráp nữa.

Ảnh: Wiki Secret

 

Về mặt phần mềm (chính sách) mà nói, TPP có thể giúp Việt Nam thực hiện Đổi mới 2.0, nghĩa là chuyển từ mô hình phát triển tận dụng vốn và máy móc của nước ngoài để sản xuất hàng hóa giá rẻ sang nền kinh tế có vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị, làm ra sản phẩm tốt hơn với công nhân trình độ cao, được trả lương tốt và tỉ lệ nội địa hóa cao. Đổi mới 2.0 về cơ bản có nghĩa là chuyển sang hiệu suất làm việc cao hơn.

Những phê phán mô hình phát triển của Việt Nam thường nói cải cách hay bị kìm hãm bởi quyền lực của các tập đoàn nhà nước với rất nhiều mối quan hệ - và giờ là các tập đoàn gia đình với rất nhiều tiền và cũng nhiều quan hệ. Nhưng sự thật thì ở nước nào trên thế giới, những người và tập đoàn có nhiều quan hệ đều ảnh hưởng lớn - điều đó không phải là đặc thù riêng của Việt Nam. Chính phủ chỉ cần học các bài học đúng từ những mô hình đúng.

Có thể là chưa hoàn hảo nhưng TPP có thể so sánh như các chương trình về điều chỉnh cấu trúc (SAP) của Ngân hàng Thế giới. SAP là chương trình thường được dùng cho các nước đang phát triển gặp khó khăn tài chính và cần xin các gói giúp đỡ từ Ngân hàng Thế giới để tiếp tục hoạt động hay dùng để ngăn chặn các nhóm lobby lợi ích vốn có gốc rễ sâu và thường ngăn cản cải cách, cản trở đất nước phát triển.

Rất nhiều nước đã chấp nhận SAP để loại bỏ các nhóm thân hữu - lực lượng có thể đẩy họ tới cuộc khủng hoảng tiếp theo. Một số nước như Hàn Quốc đã dùng SAP để tiến hành các cải cách cần thiết, dù rằng không phải các cải cách này đều được lòng giới đại gia vốn đang được lợi từ hiện trạng. Các nước này đã thoát được con đường dẫn tới lụn bại và cải cách thành công nền kinh tế.

Ở Việt Nam, một loạt vấn đề kinh tế tồn tại đều được các lãnh đạo nhận thức nhưng khó sửa chữa vì các khó khăn nội tại. Những cản trở chính bao gồm: hiệu suất lao động và hiệu suất đầu tư thấp, dẫn tới lạm phát; phần lớn nguồn vốn đầu tư đều đổ dồn cho doanh nghiệp nhà nước vốn ít hiệu quả, kém về năng suất hơn cả khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh và doanh nghiệp nước ngoài; phụ thuộc quá nhiều vào việc xuất khẩu tài nguyên; chất lượng nguồn nhân lực thấp. TPP có tiềm năng thúc đẩy nền kinh tế đi đúng hướng nếu chặn được tình trạng ưu đãi thái quá doanh nghiệp nhà nước và buộc các nhà xuất khẩu phải lấy nguyên phụ liệu từ các nước TPP.

Rõ ràng, Việt Nam không thể chuyển sang dùng vải trong nước chỉ sau một đêm, và Việt Nam cũng không thể ngay lập tức đóng cửa khối doanh nghiệp nhà nước. Cần phải đàm phán giai đoạn chuyển giao, nhưng giai đoạn đó phải vừa ngắn vừa khả thi chứ không nên càng lâu càng tốt. Vấn đề của đàm phán hiện nay là còn quá nhiều yếu tố chưa rõ ràng. Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ không thể có được tất cả những gì như mình muốn lúc ban đầu. Điều họ cần hiểu là mục tiêu Chính phủ tham gia TPP là gì: không phải để giảm thêm vài phần trăm thuế đối với hàng dệt may mà là để đưa nền kinh tế theo một định hướng mới, hướng tới hiệu suất cao hơn, sáng tạo hơn, nền kinh tế chú trọng đầu tư nhiều hơn vào nhân lực với đầu tàu là các doanh nhân Việt và các nhà đầu tư nước ngoài thay vì là các nhân vật với nhiều quan hệ chính trị.

* MRTJ Asia Consultants, học giả tại ĐH American University, Mỹ

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận