Dựng lại từ những mảnh vỡ

LƯU VĨ LÂN 25/12/2020 22:15 GMT+7

TTCT - Canh Tý 2020 - năm đứng đầu trong lục thập hoa giáp (chu kỳ 60 năm trong âm lịch) với Tý đứng đầu 12 con giáp và Canh đứng đầu 10 thiên can - cũng là năm khởi đầu của những thập kỷ. Lần này là khởi đầu thập kỷ thứ hai của thế kỷ 21.

Kỷ nguyên toàn cầu hóa đã kết thúc? Ảnh: International Banker

Ta vừa nhận ra đây quả là một năm có tính “cột mốc” trong nhiều vấn đề, sẽ định hình nhiều điều của các năm sắp tới, sẽ làm thay đổi nhiều suy nghĩ của ta khi tiến vào tương lai.

Sự thật ư? Sự thật nào?

Suốt năm 2020, chúng ta nghe được một vang vọng ám ảnh gói trong chỉ một từ: “Fact” (dữ kiện, sự thật). Một từ được nhắc đến liên tục trên truyền thông toàn cầu, hàm nghĩa một sự việc đã diễn ra như nó diễn ra, một sự thật.

Trong tương lai, khi đối diện mỗi phán đoán, nỗi ám ảnh “fact” này sẽ luôn buộc chúng ta tự hỏi: Sự thật ư? Sự nào mới là… sự thật ? Có “sự thật” mang tính chân lý cho tất cả mọi người không? Hay chỉ có sự thật của đa số, sự thật của 51%? Sự thật của sức mạnh thì sao? Sự thật phải chăng là đặc quyền của vài phần trăm những người giàu mạnh? Hay “sự thật” là những gì truyền thông nói?

2020 đã làm hiểu biết của không ít người về mọi chuyện liên quan đến “sự thật” lung lay. Giữa những luồng tin tức ào ạt từ mọi hướng, mọi nguồn, mọi nền tảng, từng phút giây, ta bỗng thấy hiện ra những câu hỏi lạ lùng: Có thật có biến đổi khí hậu không? Trái đất có đang nóng lên không? Sử dụng năng lượng hóa thạch có gây ô nhiễm không? 

Kiểu câu hỏi này chỉ mới vài năm trước - khi “fact” chưa bị hoài nghi và “tin tức” (news) chưa như hình với bóng cùng “giả mạo” (fake, để tạo thành từ khóa của năm: tin tức giả mạo, “fakenews”) - có thể xem là ngớ ngẩn thì giờ đã có chỗ đứng “đàng hoàng”. 

Ta thấy hiện lên chân dung vị tổng thống đứng đầu thế giới “văn minh”, ông Donald Trump, người luôn phủ nhận vô số sự thật này và phô bày sự phủ nhận ấy trên tài khoản Twitter hằng ngày.

Cũng chính ông góp phần gây ra nghi ngờ về dịch bệnh COVID-19. Nó có thật không, hay chỉ là “hoax” - một dịch bệnh hoang đường? 

Câu hỏi ấy, lạ lùng thay, vẫn vang lên ngay cả khi quá nhiều người đã chết và những nhà xác không đủ chỗ chứa tử thi, từ Vũ Hán (Trung Quốc) đến Lombardy (Ý), từ Brazil đến Mỹ. Một thảm họa mà WHO và toàn thế giới đều phải rung chuông báo động lại bị chính vị tổng thống đứng đầu đất nước có nền khoa học và y khoa tiên tiến nhất thế giới nghi ngờ. Ông từ chối đeo khẩu trang, chê bai người đeo khẩu trang, vẫn tụ tập mittinh cả trăm ngàn người bất chấp khuyến nghị giãn cách xã hội, cho đến khi chính ông cũng dương tính với virus corona.

Với thế hệ của tôi, những người vốn luôn kinh ngạc về viễn kiến của những người lập quốc Hoa Kỳ, vốn đã minh triết tạo ra một nền dân chủ cân phân các lực lượng, kiểm soát lẫn nhau và dùng yếu tố tôn trọng nhau lẫn tôn trọng sự thật để duy trì nó, thật đau lòng khi phải tự hỏi: Nền dân chủ Mỹ có thật không khi cơ cấu bầu cử - một cơ cấu từng giúp bầu ra 46 đời tổng thống - bị tấn công, bị gieo nghi ngờ, bị phá nát bởi các lời phỉ báng và mất đi thanh danh?

Nỗi hoài nghi lớn dần và lan rộng. Những điều thuộc quá khứ xa và gần bị mang ra cân phân soi xét. Ta thấy mình đứng giữa những luồng thông tin xung đột, ào ạt, hỗn mang, về những cuộc chiến ủy nhiệm, những tiêu chuẩn kép về nhân quyền và bình đẳng, những trừng phạt kinh tế thương mại nhân danh nhân quyền và lợi ích chung…

Chỉ sự không chắc chắn là… chắc chắn

Một năm phong tỏa xã hội vì đại dịch, ở xứ nghèo như ta, ai cũng biết nhiều người lao động “tay làm hàm nhai” rơi vào khó khăn. Ta nhìn thấy những ATM gạo, những bữa ăn cứu đói, những cố gắng giúp đỡ của toàn xã hội theo kiểu “lá lành đùm lá rách”… Ở xứ nghèo, sống trong xóm nghèo, tôi biết rõ hiện thực này… 

Nhưng rồi ta nhận ra quang cảnh ấy xảy ra với cả nước Mỹ - xứ sở của giàu có và tự do, biểu tượng cho giấc mơ đổi đời, hàng đoàn xe hơi xếp hàng dài nhiều cây số, chờ đợi nhiều tiếng đồng hồ chỉ để nhận thức ăn từ thiện từ các mạng lưới bếp ăn từ thiện. 

Feeding America, tổ chức cứu đói lớn nhất của Mỹ, dự báo cuối năm 2020 hơn 50 triệu người Mỹ sẽ rơi vào cảnh “mất an ninh lương thực”, nghĩa là cứ 6 người Mỹ trưởng thành thì 1 người đói và cứ 4 trẻ em Mỹ thì 1 em bị đói - tăng tới gần 50% so với năm 2019.

Lối sống kiểu “ăn bữa nay lo bữa mai” (tiếng Mỹ: “paycheck by paycheck” - tức đi làm, cuối tháng nhận tấm séc lương, rồi ký séc trả các loại tiền chi phí sống trong tháng là hết… lương, lại đi làm và đợi lương), khi toàn nền kinh tế đóng cửa, đã đổ gãy không phương cứu vãn.

Ở một góc nhìn khác, ta thấy cảnh những đoàn người xếp hàng hồi hộp làm thủ tục tại sân bay các chuyến bay đặc biệt “giải cứu” người Việt kẹt ở nước ngoài, thấy đồng bào mình mừng mừng tủi tủi: “Mừng quá được về Việt Nam rồi”. Quê nhà là tất cả, chốn nương thân, chốn trở về. Quả thật: “Nghe nói ở nhà nghèo vẫn tốt, Giang Nam vui thật chẳng bằng về” (Quy hứng - thơ Nguyễn Trung Ngạn).

Rồi là người Sài Gòn bao đời nay, tôi biết ai mà không mơ về khu “downtown” quận 1 lộng lẫy phồn hoa, tấc đất tấc vàng. Thế mà trải nghiệm suốt hơn nửa năm qua, mỗi ngày đi làm xuyên tâm thành phố từ Phú Nhuận qua quận 3, xuyên quận 1 để đến quận 7, tôi giật mình nhận ra: nếu hồi năm 2019 băng qua quận 1 là vấn nạn với xe cộ kẹt suốt các trục ngang Lê Thánh Tôn, Lý Tự Trọng, Lê Lợi…, bịt kín các trục dọc Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Pasteur… giờ thì ngược lại, có những ngày dài ta giống như đi giữa mấy ngày tết, đường sá vắng tanh, cửa hàng đóng kín, Tây Tàu chả thấy đâu… 

Bạn tôi có hai khách sạn, ba nhà hàng nằm ngay cửa Bắc chợ Bến Thành phải đóng cửa suốt năm qua, nhiều khách sạn, cửa hàng vốn là ước mơ của bất kỳ người kinh doanh nào nhiều năm qua nay phải rao bán tháo chạy...

Tất cả những câu chuyện trên đều thể hiện một hiện thực: lịch sử đã đổi dòng, tạo hóa luôn trớ trêu, con tạo xoay vần và không có điều gì mãi chắc chắn. Đời sống con người, vốn vô cùng mong manh, quá khó để tiên liệu, dù là ở một nước nghèo khuất lánh bên bờ Biển Đông hay ở một đại cường. 

Thời thế này, chúng ta chợt nhận ra giấc mơ về sự an toàn tuyệt đối là… giả, đi tìm một sự chắc chắn là… không chắc chắn. Rốt cuộc, chỉ có sự không chắc chắn là… chắc chắn mà thôi.

Cuộc đối đầu toàn cầu và bộ tộc

Từ từng đẹp đẽ nhất của thế hệ chúng ta là “globalization” (toàn cầu hóa), đặc biệt phổ biến ở Việt Nam nhờ cuốn Thế giới phẳng của Thomas Friedman (2005). Nhưng ý niệm đó đang đứng trước thách thức lớn hơn bao giờ hết bởi một từ mới là quả của chính nó: “tribalization” (bộ lạc hóa). 

“Vật cùng tất biến, vật cực tất phản”, cái gì đi đến đỉnh, đi quá ngưỡng sẽ chuyển hóa bản chất. Gom lại quá lớn thì ắt tới lúc phân mảnh. Thiên hà quá bự sẽ “sụp” vào bên trong để tạo ra một lỗ đen bé xíu nóng bỏng…

Thực tế toàn cầu hiện không chỉ là thu về bản sắc quốc gia như nước Anh với Brexit, hay quay lại chủ nghĩa cô lập như lác đác vẫn thấy ở vài quốc gia. Thế giới đang vỡ ra thành các nhóm nhỏ hơn với những quan tâm đặc thù riêng, lối sống riêng, niềm tin riêng, suy nghĩ riêng… rất gần các bộ lạc xa xưa. Những “bộ lạc chính trị, văn hóa, kinh tế, tâm linh…” đang đe dọa kéo tiến hóa chính trị quay lại thời mông muội của nhận thức. 

Trớ trêu thay, cũng chính cung cách thông tin mới đã góp phần tạo ra làn sóng này, qua sự “trợ giúp” và thao túng của các hãng công nghệ lớn. Bạn hãy thử lên YouTube đếm xem có xuể không bao nhiêu “nhà bình luận” chính trị, bao nhiêu “nhà âm mưu thuyết”, bao nhiêu lời kêu gọi, xách động, bao nhiêu quan điểm, bao nhiêu thù hằn, bao nhiêu vu vạ, bao nhiêu khiêu khích… Không cần phải là chính trị gia, nhà nhà người người đều có thể nhảy vào cuộc “bình loạn” hiện nay. 

Chính ở đây sự chia rẽ bắt đầu, vì mỗi nhóm người xuất phát từ trình độ, lối sống, suy nghĩ, lịch sử hình thành, ngôn ngữ… sẽ chỉ nghe theo một vài vị mà họ tôn là bậc thầy.

Trong sự hỗn mang ấy, những lời nhắc nhở về “sự thật” kiểu “Fact First” (Sự thật trước tiên) của CNN, trở nên mờ nhạt, mà tôi nhân đây muốn nhắc lại: Những khi mù mờ, sự thật mang tới sự trong sáng; những khi lo âu, sự thật tạo sự an lòng; những khi nhiễu loạn thông tin, sự thật điều chỉnh; những khi chia rẽ, sự thật tạo sự đoàn kết; những khi khủng hoảng, sự thật là điều tối cần - sự thật trước tiên. 

Hi vọng những trải nghiệm dữ dội vừa qua sẽ tôi luyện được năng lực tiếp nhận và chắt lọc sự thật của chúng ta. Chỉ cần ta đừng quên mình luôn cần tri thức và sự tỉnh táo để giữ được những giá trị phổ quát của việc làm người.■

Cuộc chiến tranh thông tin

Cả thập kỷ qua, ta đã thấy thông tin là một loại vũ khí khủng khiếp để dấy loạn. Vài mẩu tin đưa lên mạng về một người bán rong Tunisia tự thiêu vì bị o ép đã khởi phát hàng loạt cuộc cách mạng Mùa xuân Ả Rập hồi năm 2011 làm cả Trung Đông và Bắc Phi rung chuyển, lật đổ những nhà cai trị mà súng đạn từng không lật đổ nổi ở Libya hay Ai Cập. Ta đồng thời lầm tưởng rằng những cuộc chiến thông tin kiểu ấy chỉ có thể bị lạm dụng ở những nước chậm tiến. Nay, năm 2020 cho ta thấy nước Mỹ - cái nôi của “văn minh thông tin” - đang là chiến trường ác liệt nhất. Tin tức thì giả mạo, đại dịch thì hoang đường, bầu cử thì bị gian lận, “truyền thông là kẻ thù của nhân dân”… chỉ là một vài cuộc chiến thông tin nổi bật đã được Tổng thống Trump phát động từ khi chính thức bước vào Nhà Trắng.

Truyền thông Mỹ - từng là biểu tượng cao quý và chính trực của nghề nghiệp mà tất cả những người làm báo như tôi đều luôn học hỏi - nay lại có không ít hãng tin, tờ báo để mất nguyên tắc chính trực này. Dõi theo tay phù thủy thông tin Roger Ailes, CEO của truyền hình Fox News, đã biến đài này thành một cỗ máy tuyên truyền cánh hữu, vứt bỏ mọi từ ngữ mang tính khách quan kinh điển, ta chua xót hiểu ra câu nói nằm lòng một thuở “Một nửa sự thật không phải là sự thật” đã không còn được tôn trọng.

Phía đối nghịch cũng không khá hơn, suốt 4 năm nhiệm kỳ của ông Trump, CNN - hãng tin từng một thời là số một với tôi - không còn bao nhiêu thời lượng và sự quan tâm thích đáng cho các nhà báo quốc tế từng xông pha vào các “tử địa” của thế giới vì bận lâm trận cho cuộc chiến thông tin ngay trong lòng nước Mỹ. Chưa bao giờ truyền thông Mỹ đậm tính đảng phái, mất đi sự khách quan, lao vào cuộc chiến “một mất một còn”, kiểu chiến tranh “ai thắng ai” như thế. Không còn win-win, không còn sự thật, tôn trọng, hài hòa, chỉ còn một mất một còn hay quyết giành chân lý.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận