EU cần chung sức

HỮU NGHỊ 12/09/2015 16:09 GMT+7

TTCT- Có những cái chết để người khác được sống. Cái chết tức tưởi của cậu bé Aylan Kurdi tuần trước đã “đánh thức” các chính phủ châu Âu về cuộc khủng hoảng người tị nạn và di cư. Thế nhưng “tai trời” này sẽ chỉ chấm dứt một khi “ách nước” được giải quyết.

Cái chết của bé Aylan Kurdi qua góc nhìn của họa sĩ châu Âu -Ruben L. Oppenheimer
Cái chết của bé Aylan Kurdi qua góc nhìn của họa sĩ châu Âu -Ruben L. Oppenheimer

Bức tường rào dây kẽm gai cao 4m, dài 175km mà Hungary xây hôm 29-8 cho thấy chính phủ nước này đã “chịu không thấu” làn sóng tị nạn và di cư: chỉ riêng trong ngày thứ tư 26-8 đã có 3.000 người di cư tràn qua biên giới Hungary - Serbia, gấp khoảng 10 lần so với hồi đầu năm. Từ tháng 1 năm nay đã có khoảng 140.000 người tràn qua biên giới, một con số quá lớn so với tổng dân số Hungary là 10 triệu dân.

Vấn đề càng thêm phức tạp do lẽ Serbia không phải là thành phần của Liên minh châu Âu (EU) nên EU càng bó tay. Chính phủ Serbia phân bua: “Serbia đâu có chịu trách nhiệm gây ra làn sóng di cư này. Chúng tôi cũng chỉ là một nước trung chuyển mà thôi”.

Di cư đến đây là để ở lại!

Hungary (gia nhập EU từ năm 2004) chịu sự dằn hắt của EU do vụ bức tường và những “lình xình” trên các chuyến xe lửa đến Áo tuần trước. Hungary giải thích chẳng qua họ là một trong những nước “cửa khẩu” nên phải áp dụng đúng luật lệ là kiểm tra xem hành khách có visa Schengen để có thể di chuyển trong châu Âu hay không!

Mặt khác, quy định Dublin về nhập cư của EU cũng đã quy định: (1) người di cư phải ở yên tại nước EU đầu tiên mà họ đặt chân tới trong khi chờ đợi kết quả đơn xin tị nạn của họ; và (2) người di cư di chuyển đến các nước EU khác có thể bị trả về nước đầu tiên mà họ đặt chân tới khi bước vào khối EU.

Thế nhưng việc Hungary gắt gao đối với người di cư vốn không có giấy tờ hợp lệ đã bị EU trách móc là “không đúng với tinh thần châu Âu”, dù trong thực tế ai cũng thấy rằng “Hungary đã trở thành cánh cổng ưa chuộng đối với những người di cư băng qua khu vực Balkans, chạy trốn chiến tranh hay cảnh nghèo khó ở Trung Đông, châu Phi hay châu Á (nhật báo Thụy Sĩ Romandie, 31-8).

Hôm chủ nhật vừa qua, Đảng Xã hội Thụy Sĩ còn dọa sẽ cắt trợ cấp “gắn bó đoàn kết” dành cho Hungary, đồng thời đòi cấm Thủ tướng Viktor Orban nhập cảnh Thụy Sĩ (Le Temps 6-9)!

Vấn đề cơ bản ở chỗ EU chưa có một quyết sách chung hợp lý. Đây là điều mà báo cáo viên đặc biệt về quyền con người của người di cư của Liên Hiệp Quốc François Crépeau cảnh báo: “Chúng ta đừng tự huyễn hoặc rằng những gì mà EU cùng các nước thành viên đang làm là hiệu quả.

Di cư đến đây là để ở lại... (Thành ra) Dựng hàng rào, xịt hơi cay hay các hình thức bạo lực khác chống lại người di cư và xin tị nạn, giam giữ, không cho các tiện nghi tối thiểu như chỗ trú, lương thực và nước, mở miệng đe dọa hay bài bác hận thù... sẽ không chấm dứt việc người di cư tìm cách đến châu Âu... Hãy cung cấp cho người di cư và người xin tị nạn những kênh chính thức để đến và ở lại châu Âu” (Prague Post, 25-8).

Sau khi hình ảnh bé trai Aylan Kurdi chết đuối tạo nên làn sóng thức tỉnh lương tâm, Cao ủy Liên Hiệp Quốc đặc trách người tị nạn (HCR) António Guterres lên tiếng hôm 4-9: “Hơn 300.000 người đã liều mạng vượt Địa Trung Hải trong năm nay. Hơn 2.600 người đã không sống sót... EU không thể tiếp tục ứng phó với cuộc khủng hoảng này bằng cách tiếp cận từng phần hoặc lần hồi.

Không quốc gia nào có thể một mình làm điều đó và không nước nào có thể từ chối tham gia... Cách duy nhất cho EU và tất cả các nước thành viên là thực hiện một chiến lược chung giải quyết vấn đề này dựa trên trách nhiệm, đoàn kết và niềm tin”.

Sau một kỳ cuối tuần “lịch sử” với gần 20.000 người di cư tràn vào nước Đức, Thủ tướng Angela Merkel loan báo sẽ chi 6 tỉ euro... Tổng thống Pháp loan báo sẽ tiếp nhận 24.000 người tị nạn trong hai năm tới, Chính phủ Anh sẽ tiếp nhận khoảng 20.000 người tị nạn Syria... Tất cả hứa hẹn này thật ra nhằm đáp ứng các yêu cầu của HCR hôm 4-9: “Ước tính ban đầu cho thấy cần tăng số cơ hội tái định cư lên đến 200.000 chỗ”.

Thế nhưng vấn đề đặt ra cho các nước EU không chỉ là tiếp cư, mà là nhận tái định cư. Theo François Crépeau, EU cần “mở cửa các thị trường lao động hợp quy bằng việc cấp visa một cách thông thoáng hơn cho phép người ta đến tìm việc, song cũng khuyến khích người ta hồi hương nếu không tìm được việc làm mong muốn”.

Song viễn tượng “di cư đến là để ở lại” không hẳn được đồng cảm. Khi nổ ra vụ người di cư từ Pháp tràn vào Anh, hai bộ trưởng Anh Theresa May và Philip Hammond đã lên tiếng trách rằng “đại đa số người di cư châu Phi là vì “lý do kinh tế” và rằng họ sẽ sớm làm sụp đổ nền văn minh châu Âu” (The Guardian 10-8).

Cho dù vì lý do gì chăng nữa, việc tiếp nhận người di cư lại là một nghĩa vụ được Công ước Geneva 1949 (được bổ sung bởi các phụ lục năm 1977) tuyên định.

Cảnh sát Hungary áp giải một nhóm người di dân đang đi bộ trên đường ôtô đến Budapest ngày 7-9 -Reuters
Cảnh sát Hungary áp giải một nhóm người di dân đang đi bộ trên đường ôtô đến Budapest ngày 7-9 -Reuters

Dập tắt các “đám cháy”?

Các biện pháp trên mới chỉ là “chữa cháy”, trong khi các “đám cháy” vẫn đang bùng nổ và được “châm dầu”. Một trong những luồng tị nạn đang rộ lên là từ Syria, nơi từ mấy năm qua đã dấy lên đầu tiên là cuộc nội chiến giữa quân chính phủ Assad và các phe nổi dậy, sau đó được cộng thêm bởi cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo (IS) mà nay biến Syria thành một vùng chém giết tự do đối với IS và một vùng không kích tự do cho không quân Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và tới đây là cả Pháp, như Tổng thống Hollande đã loan báo hôm thứ hai 7-9.

Chừng nào chiến sự chưa chấm dứt ở Syria, chừng đó còn có những người Syria phải bỏ xứ mà đi. Tiếc thay, lời giải cho “đám cháy” Syria lại vẫn trong tay hai ngoại trưởng Mỹ và Nga, mà cuộc gặp cuối tuần qua vẫn không dẫn đến một giải pháp nào.

Bên cạnh đó là tình trạng cai trị kém ở một số nước châu Phi khiến người dân nghèo đói thèm khát một sự đổi đời ở “thiên đường châu Âu”. Chuyện mong đổi đời này lại chính là một nguyên nhân khiến một phần dư luận không tán thành việc tiếp nhận người di cư, cho dù các thảm kịch trên biển cứ liên tục xảy ra.■

Người di cư tại điểm tập trung ở làng Roszke, Hungary, ngày 7-9                  -Reuters
Người di cư tại điểm tập trung ở làng Roszke, Hungary, ngày 7-9 -Reuters

Nhiều người trong chúng ta đã mất phương hướng

Ngay từ mùa hè đầu tiên trong điện Vatican, Giáo hoàng Franciscus đã bày tỏ sự quan tâm đến những người di cư và tị nạn. Mùa hè năm 2013, thay vì đi nghỉ mát, ông đã đến đảo Lampedusa - nơi người di cư đang tạm trú một khi đến được Ý.

Ông đã ném một vòng hoa tưởng niệm những người đã thiệt mạng trên Địa Trung Hải. Ông đã chào hỏi khoảng 50 người di cư, trong đó có nhiều người Hồi giáo. Ông đã cầm cây trượng giáo hoàng cùng sử dụng chén thánh mà một nghệ nhân giáo xứ Lampedusa đã làm cho ông từ gỗ của các con thuyền vượt biển.

Và ông đã phát biểu trong bài giảng: “Những người di cư chết trên biển, trên những con thuyền biến thành con đường dẫn đến cái chết thay vì dẫn đến hi vọng. Cách đây mấy tuần, khi hay tin dữ, đầu óc tôi cứ quay quắt, như một cái gai cắm trong tim...

Rất nhiều người trong chúng ta, có cả tôi nữa, đã mất phương hướng. Chúng ta không còn quan tâm đến thế giới chúng ta đang sống nữa. Chúng ta không còn khả năng chăm sóc lẫn nhau. Và khi sự mất phương hướng này mang chiều kích thế giới, nhân loại đứng trước những thảm kịch như đã chứng kiến” (eglise.catholique.fr., 8-7-2013).

Ở Ý, nơi rất chịu ảnh hưởng giáo huấn bác ái của nhà thờ La Mã, đã có những tranh cãi giữa giáo hội Ý cùng một vài đảng chính trị. Thủ lĩnh Liên đoàn phương Bắc Matteo Salvini, một đảng thu được 6% ý định bỏ phiếu năm ngoái và mới hôm 19-8 được đến 16% ý định bỏ phiếu, đã chỉ trích tại sao phải tiếp nhận người di cư mà bỏ mặc 10 triệu người Ý nghèo.

Ông này thách đố: “Giáo hoàng hãy đón nhận người di cư vào điện Vatican đi!” (La Croix 25-8-2015). Tâm lý này, người viết bài đã cảm nhận được vào tháng 5 năm nay qua tiếp xúc với một số cư dân làng Spino d’Adda (miền bắc nước Ý) khi nghe họ nói: “Bác ái thì phước đức. Song bác ái nhiều quá thì gây hại”!

Nhật báo Công giáo Avvenire trả lời Liên đoàn phương Bắc bằng một hồ sơ cho thấy nhà thờ đã tiếp nhận 15.000 người di cư đột xuất, còn tổ chức xã hội Công giáo Caritas hỗ trợ 10.000 người tị nạn.

Trong kinh nguyện trưa chủ nhật 6-9, Giáo hoàng Franciscus loan báo điện Vatican sẽ tiếp nhận hai gia đình người tị nạn chiến tranh hay nạn đói, và yêu cầu “mỗi giáo xứ, mỗi dòng tu, mỗi tu viện, mỗi thánh địa ở châu Âu hãy tiếp nhận một gia đình, bắt đầu từ chính giáo phận Rome của tôi”.

H.N.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận