EU tỉnh giấc

DANH ĐỨC 25/09/2020 23:09 GMT+7

TTCT - Cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến hôm 14-9 giữa các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc đã được dư luận châu Âu tóm tắt bằng những câu xoay quanh tính từ “ngờ nghệch”. Tỉ như tựa đề: “Châu Âu vẫn còn quá ngây ngô trong tương quan lực lượng với Trung Quốc” của tờ Huffington Post 14-9. EU đã ngây ngô từ bao giờ, như thế nào, đến đâu, và đã thức tỉnh chưa?

Quan hệ EU - Trung Quốc đang bước vào giai đoạn nhiều thử thách. Ảnh: scmp.com
Quan hệ EU - Trung Quốc đang bước vào giai đoạn nhiều thử thách. Ảnh: scmp.com

Bài xã luận cùng ngày của tờ Le Monde tái khẳng định nhận xét chua chát trên: “Châu Âu nay phải trả giá cho sự ngây ngô trước Bắc Kinh”. Tờ báo hàng đầu của Pháp giải thích “không son phấn”: “Nhóm 27 nước [tức EU, sau khi Anh đã Brexit] lâu nay mù quáng thèm khát một thị trường khổng lồ, giờ phải rũ bỏ những thỏa hiệp dễ dãi không đi kèm với những điều kiện đủ khắt khe. 

Từ giờ châu Âu muốn chấm dứt tình trạng cạnh tranh bất chính của một đối tác mà châu Âu đã ngộ ra rằng cần phải đề cao cảnh giác, và nay sẵn sàng nói ra điều đó”.

Sự thức tỉnh cần thiết

Một trong ba lãnh đạo EU tham gia đối thoại trực tuyến với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là Chủ tịch Hội đồng EU Charles Michel đã không nhập đề lung khởi hay khuôn sáo, mà thẳng thắn bày tỏ lập trường ngay sau khi chào hỏi, âu cũng là một kiểu “đập bàn đập ghế”: “Châu Âu phải là một nhân vật chính trong cuộc chơi, chứ không phải là sân chơi.

Cuộc gặp hôm nay thể hiện một bước tiến xa hơn trên con đường dẫn đến mối quan hệ cân bằng hơn với Trung Quốc”. Tái cân bằng tức là sửa sai. Ý này đã được tờ Le Monde mượn để đặt tựa cho một bài xã luận khác: “EU - Trung Quốc: Sự tái cân bằng cần thiết”.

Tại sao ông Michel lại phải nói EU “không phải là một sân chơi”? Đó là do Trung Quốc cứ đang coi đấy là một nơi diễn tuồng, “muốn giở dơi giở chuột” (hay “dở dơi dở chuột”) tùy thích.

“Chúng tôi muốn có một mối quan hệ với Trung Quốc dựa trên sự có đi có lại, trách nhiệm và sự công bằng cơ bản… Một mối quan hệ tôn trọng các cam kết hỗ tương, tạo ra những kết quả cụ thể cho hai bên… và cũng tích cực cho thế giới” - chủ tịch EU đặt lại điều kiện.

Ý sau cùng là một nhấn mạnh mới trong lập trường chung của EU trước Trung Quốc, như qua phát biểu sau của ông Michel: “Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc kiềm chế mọi hành vi đơn phương ở Biển Đông, tôn trọng luật pháp quốc tế và tránh leo thang căng thẳng”.

Nếu như Thông cáo chung hội nghị thượng đỉnh EU - Trung Quốc tháng 4-2019 nêu: “Trung Quốc và EU kêu gọi tất cả các bên liên quan tham gia vào đối thoại để giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình và kiềm chế các hành động có thể làm gia tăng căng thẳng”, thì nay vấn đề Biển Đông đã được nêu rất là đích danh và cụ thể.

Tờ Libération 22-6 ghi nhận một trong những ấm ức lớn nhất của EU: “Về mặt kinh tế, hội nghị thượng đỉnh đã không cho phép hai cường quốc, như họ đã đồng ý vào năm ngoái, nhất trí được các quy tắc nhằm bảo vệ các khoản đầu tư ở mỗi vùng lãnh thổ trước tháng 12.

Tuần rồi, Ủy ban châu Âu đã trình bày sách trắng sau khi phát hiện ra “ngày càng nhiều trường hợp các khoản tài trợ nước ngoài dường như tạo điều kiện cho việc mua lại các công ty của EU””.

Vấn đề khúc mắc ở đây là EU, vốn là một nền kinh tế thị trường thâm niên và tuyệt đối tôn trọng quyền tự do kinh doanh, không chơi trò bí mật tài trợ các vụ đầu tư nước ngoài đi kèm mục tiêu mở rộng ảnh hưởng chính trị, song Trung Quốc vẫn cứ như thế trong cuộc thâu tóm các doanh nghiệp EU.

Những bất đồng này dẫn tới việc hai bên không cùng họp báo chung sau hội nghị. Đại sứ Trung Quốc tại EU Zhang Ming (Trương Minh) thản nhiên giải thích tại sao hai bên không đi đến một thỏa hiệp bảo vệ đầu tư: “Vốn tư bản rất nhạy cảm và lỏng lẻo. Trong trường hợp gió đổi chiều, dòng vốn sẽ bỏ phiếu bằng chân”; ẩn ý ở đây là một lời đe dọa: EU còn làm khó dễ, Trung Quốc có thể chấm dứt dòng tiền đầu tư.

Giờ phút sự thật

Nói cho ngay, thế giới bên ngoài nước Mỹ mấy năm qua đã bị cuốn vào cơn lốc “chủ nghĩa đa phương” mới, từ Matxcơva, Bắc Kinh, đến Berlin, Brussels, như một đối trọng cho chủ nghĩa đơn phương của Hoa Kỳ.

Không dưới một lần các lãnh đạo EU và Trung Quốc đã thuyết phục lẫn nhau và thuyết phục cả bàn dân thiên hạ về chủ nghĩa đa phương nhân các chuyến thăm viếng và làm việc.

Thậm chí tại Đại sảnh đường Nhân dân hôm 6-11-2019, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron còn nức nở khen, trong dư vị của rượu vang và thịt bò Pháp nay được triển lãm ở Thượng Hải: “Những thành tựu của chuyến thăm cấp nhà nước này và việc thực hiện lộ trình của chúng ta là có thật, đáng kể, và chúng ta đã thực hiện lộ trình này trong gần 2 năm. Tôi có thể nói rằng, ở đây, những tiến bộ thực sự mang tính cấu trúc”. Được bán rượu và thịt bò cho thị trường 1,4 tỉ dân đang rủng rỉnh xu hào, không vui sao được?

Một đầu tàu khác của châu Âu - Đức - cũng từng hoan hỉ không kém. Chỉ ví dụ đơn cử tập đoàn xe hơi Volkswagen là đủ thấy. Năm 2004, tập đoàn này mới bán được hơn 500.000 chiếc xe ở Trung Quốc, vậy mà tới năm 2019 con số đã là 3,1 triệu, mức tăng hơn 600% chỉ trong 15 năm.

Xét theo doanh số, Volkswagen là hãng xe hơi có thị phần lớn nhất ở Trung Quốc, với 14,6%, và đây cũng là thị trường tăng trưởng nhanh nhất của hãng này. Không có gì lạ khi Đức - và cả EU - từng phải hết sức o bế quan hệ với Trung Quốc.

Bên cạnh chuyện buôn bán, ở cuộc gặp cuối năm 2019 kể trên, ông Macron còn thấy nơi ông Tập một đối tác chiến lược không chỉ cho Pháp mà cho cả EU.

Ông kể rằng nhân chuyến thăm của ông Tập Cận Bình tới Paris vào tháng 3-2019, ông đã mời Thủ tướng Đức Angela Merkel và Chủ tịch EU Jean-Claude Juncker cùng dự họp để bàn về quan hệ EU - Trung Quốc của thế kỷ 21: “Chúng tôi đã mở đường cho một sự hợp tác mới, một khuôn khổ mới…, và tôi hi vọng rằng một trong những điểm đến vào năm tới sẽ là hội nghị thượng đỉnh Leipzig giữa EU và Trung Quốc ở cấp nguyên thủ quốc gia và chính phủ”.

Thượng đỉnh Leipzig mà ông Macron bảo “năm tới sẽ mở” chính là hội nghị trực tuyến tuần rồi trong bầu không khí khác hẳn kỳ vọng năm ngoái!

Sự đổi khác này đã thể hiện cụ thể trong câu kết phần phát biểu của bà Von der Leyen - thay ông Juncker từ tháng 12-2019 - trong họp báo sau hội nghị, đặc biệt là câu cuối: “Điều quan trọng nữa là tiếp tục tìm hiểu nguồn gốc của đại dịch.

Do đó, chúng tôi đã tuyên bố rõ ràng rằng nhất thiết phải trao cho WHO [Tổ chức Y tế thế giới] mọi cơ hội để việc nghiên cứu nguồn gốc của COVID-19 được thành công”. Tại sao bà Von der Leyen lại nêu ra vấn đề “nguồn gốc đại dịch” trong thượng đỉnh với Trung Quốc, chứ không phải với ai khác? Hỏi cũng đã là trả lời.

Và không chỉ mỗi chuyện nguồn gốc COVID, còn nhiều chuyện khác mà chủ tịch Ủy ban EU trong họp báo sau hội nghị trực tuyến đã nêu ra, ví dụ: “Chúng tôi đã chứng kiến các cuộc tấn công mạng vào các bệnh viện và trung tâm máy tính. Tương tự, chúng tôi đã chứng kiến tình trạng gây nhiễu và làm nhiễm độc thông tin. Chúng tôi đã bày tỏ rõ ràng là điều này không thể dung thứ”.

Tất nhiên, không phải 27 nước EU cùng toàn tâm toàn ý như thế. Song, sự thay đổi thái độ của khối này là có thật, cả chính thức lẫn ngấm ngầm, và nếu Trung Quốc quả muốn “cầu thị” thì đây là cơ hội.■

Theo một cuộc thăm dò của Hội đồng Quan hệ đối ngoại châu Âu với toàn khối EU công bố vào đầu tháng 9, chỉ 7% người châu Âu được hỏi tin rằng Trung Quốc là một đồng minh hữu ích trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, trong khi đến 62% nhìn nhận nước này dưới lăng kính tiêu cực.

Cuộc chiến Twitter

Trong quan hệ với phương Tây, các nhà ngoại giao và đại diện của Trung Quốc cũng đang rất tích cực sử dụng Twitter để thúc đẩy quyết liệt các thông điệp bảo vệ lợi ích quốc gia của Trung Quốc.

Một phân tích của báo Mỹ The New York Times đăng ngày 8-6-2020 cho thấy rất nhiều tài khoản Twitter kiểu này hoạt động một chiều, cho thấy có khả năng đã có sự định hướng từ nhà nước.

Theo đó, trong khoảng 4.600 tài khoản Twitter đăng lại các bài của những đại sứ hay tin tức từ báo chí nhà nước Trung Quốc trong một tuần lễ, 1/6 đăng với mật độ cực dày, dù bản thân tài khoản đấy không có nhiều người theo dõi - “không khác gì những chiếc loa phóng thanh, chứ không phải là nền tảng chia sẻ”, The New York Times bình luận. 1/7 các tài khoản cũng không đăng gì ngoài đăng lại các bài thúc đẩy quan điểm bảo vệ lợi ích Trung Quốc và 1/3 được lập trong 3 tháng gần nhất trước phân tích.

Trung Quốc thậm chí cũng không giấu giếm chuyện này. Bà Hoa Xuân Oánh, vụ trưởng Vụ Thông tin đối ngoại của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, viết trên tạp chí chuyên ngành của Đảng Cộng sản Trung Quốc “Bành phái” (Khí thế mạnh mẽ, thơ Tô Thức: “Thử thân tùy tạo vật, nhất diệp vũ bành phái”, nghĩa là: “Tấm thân xoay theo con tạo, như chiếc lá quay cuồng trên sóng vỗ ầm ầm”) tháng 12-2019 rằng Trung Quốc phải tìm được tiếng nói về các vấn đề quốc tế tương xứng với sức mạnh kinh tế của nước này.

“Chúng ta đã tiến gần hơn tới trung tâm của sân khấu thế giới hơn bao giờ hết, nhưng vẫn chưa giật được chiếc micro hoàn toàn vào tay mình”, bà Hoa viết. Tài khoản Twitter của bà tính tới ngày 23-9-2020 có hơn 643.000 tài khoản theo dõi.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận