Giảm sốc khi đứt chuỗi cung ứng thực phẩm

HỒNG VÂN 24/07/2021 18:00 GMT+7

TTCT - Tình trạng khan hiếm thực phẩm khi TP.HCM giãn cách xã hội đã diễn ra ở một số nơi vào những ngày đầu thực hiện quy định. Vì vậy, việc có thể tự túc một phần thực phẩm là vấn đề đang được đặt ra cấp bách.

Giàn bầu trĩu quả của chị Bùi Thương. Ảnh: NVCC

 Bà Ngô Thị Hạnh, 56 tuổi, ở Q.Bình Tân (TP.HCM), cho biết nếu không kể giai đoạn đầu sau khi đất nước thống nhất, hầu như ai cũng khó khăn, vừa thiếu ăn vừa khổ thì hai ngày 7 và 8-7, trước lúc thực hiện chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ để phòng dịch COVID-19, là lần đầu tiên trong đời bà chứng kiến thực phẩm mỗi ngày một giá, người bán “chảnh” nhưng người mua đành “ngậm bồ hòn”.

Tự túc một phần thực phẩm

Tình trạng hoảng loạn đi mua sắm tích trữ, các kệ hàng trống rỗng, rau xanh tăng giá gấp 3 - 5 trước ngày thực hiện chỉ thị 16 trong bối cảnh nhiều chợ đầu mối, chợ truyền thống bị đóng cửa do liên quan ca COVID-19 cho thấy một thành phố lớn dễ tổn thương trước cú sốc đứt gãy chuỗi cung ứng thực phẩm. 

Ngày 11-7, người viết đi mua thực phẩm tại một siêu thị mini ở quận Bình Thạnh nhưng siêu thị này không còn một cọng rau. 

Hai siêu thị mini khác thì có đến 3 hàng người xếp hàng chờ bên ngoài, không đợi được tôi đành về. Trên mạng xã hội, kẻ thì khoe thực phẩm đã đầy đủ trở lại, người than vẫn thiếu, nhất là rau xanh. Ai cũng đúng vì nguồn hàng mỗi nơi mỗi khác.

Ít sốc với giá rau có lẽ là những người không phải đi mua mặt hàng này nhờ tự túc được. Trên sân thượng nhà chị Bùi Thương, ở quận Bình Tân, là một vườn rau xanh đa dạng với hơn chục loại gồm cà chua, xà lách, súp lơ, ớt chuông, cải bó xôi và các loại rau gia vị. 

Những loại này mỗi lần hái được cả rổ, ngoài cho người thân, chị Thương xay nhuyễn, đóng gói, cho vào ngăn đá để ăn dần. Thương cho biết khu vườn hiện nay “dư rau ăn cho ba người”. Chị Phạm Lâm Thảo, ở huyện Bình Chánh, cũng thu hoạch đều đều dưa leo, bầu, mướp, cà tím, ớt... từ mảnh vườn trên sân thuợng và mảnh đất trống bên hông nhà. 

Trong mùa dịch, khi các shipper đến giao hàng, chị tặng bữa thì trái mướp, bịch ớt, hôm thì cà, bầu, dưa... để chia sẻ với mọi người. Ngoài việc tự túc một phần thực phẩm, những nông dân ở đô thị xem việc thức khuya, dậy sớm tỉa lá, bắt sâu còn là niềm vui mỗi ngày.

Mặc dù thực phẩm và nhu yếu phẩm không bị hạn chế bởi các biện pháp chống dịch COVID-19, trên thực tế không chỉ ở TP.HCM mà các thành phố lớn trên thế giới cũng bị sự gián đoạn trong cung cấp thực phẩm và xảy ra tình trạng mua sắm hoảng loạn khi dịch gia tăng hoặc khi có tin đồn về sự khan hiếm.

Nông trại trên nhà chọc trời

Singapore, quốc gia nhập khẩu đến 90% thực phẩm ở châu Á, đang có động lực để ủng hộ tăng cường sản xuất thực phẩm nội địa, nâng cao “nội lực” như một bước phòng bị không thừa trước biến đổi khí hậu - đe dọa làm giảm năng suất cây trồng toàn cầu, căng thẳng thương mại ảnh hưởng tới nhập khẩu và dịch COVID-19. 

Năm 2019, trước cả khi thế giới biết đến COVID-19, họ đặt chiến lược “30 - 30” với ý nghĩa tự sản xuất thực phẩm cho 30% dân số vào năm 2030. Theo đó, mục tiêu tự cung cấp trứng, cá và rau lần lượt là 33%, 15% và 10%.

Các số liệu của năm 2017 cho thấy đảo quốc này đã tự đáp ứng được 27% trứng (500 triệu quả) 10% cá (5.900 tấn) và 13% rau (11.800 tấn).

Singapore đã thay đổi tư duy, ứng dụng công nghệ để hiện thực hóa mục tiêu 30 - 30, dù chuyện có đến đích hay không nằm ở tương lai. Với những mảng xanh đô thị, họ chuyển sang trồng cây đa mục đích để vừa có màu xanh làm đẹp cảnh quan lại vừa có thực phẩm. 

Thiếu đất nhưng có nhiều mái nhà thì đưa vườn rau lên cao, làm vườn thẳng đứng. Các khu vườn trên sân thượng sử dụng công nghệ thủy canh - phương pháp trồng cây không cần đất, hệ thống có các cảm biến giám sát các điều kiện độ ẩm, lượng phân, ánh sáng để cây phát triển tốt mà không cần thuốc trừ sâu. 

Công ty Edible Garden City ở Singapore đã thiết kế xây dựng hơn 260 khu vườn cho các nhà hàng, khách sạn, trường học, trụ sở văn phòng, nhà riêng... từ năm 2012 đến nay theo kiểu này.

Chăm sóc vườn rau trên mái nhà ở trung tâm mua sắm Raffles City, Singapore. -Ảnh: phys.org

 Với kiểu canh tác mới, cộng đồng những nhà nông đô thị, canh tác không cần đất hình thành. Các khu vườn ở đô thị trở thành nơi giao lưu, trao đổi kinh nghiệm về nông nghiệp, là trung tâm đào tạo về nông nghiệp và giáo dục truyền thông đến thế hệ trẻ, là nơi kết nối người dân đến tham quan kết hợp mua sắm.

Ông William Chen - giám đốc Chương trình thực phẩm, khoa học và công nghệ thuộc Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) - đánh giá: việc phát triển các khu vườn, thậm chí trang trại ở thành phố là “phương thức để giảm thiểu cú sốc do chuỗi cung ứng đổ vỡ” và là một “lựa chọn sáng giá”.

Hong Kong - nơi nổi tiếng là đất chật người đông, phải nhập đến 90% thực phẩm từ bên ngoài, chủ yếu từ Trung Quốc đại lục - cũng nhìn thấy giải pháp cho việc tăng cường “nội lực” bằng việc trồng rau trên mái nhà. 

7 triệu mét vuông diện tích tầng mái có thể trồng trọt ở Hong Kong đã biến thành những mảnh vườn cho thu hoạch. Vẫn còn hơn 6 triệu mét vuông tầng mái có thể chuyển đổi công năng. 

Theo những người tâm huyết về vườn đô thị ở phương Tây, canh tác trong thành phố có thể là giải pháp hiệu quả để cải thiện an ninh lương thực, nhất là cho người nghèo đô thị, khi xảy ra khủng hoảng vì họ thiếu tiền và thiếu các nguồn tài nguyên tự nhiên để chống lại tình trạng thiếu lương thực. 

Nông nghiệp trong thành phố có thể giảm sốc cho nhiều hộ gia đình, địa phương khi chuỗi cung ứng lương thực bị gián đoạn. Xa hơn, khi thực phẩm trồng trong các thành phố nhiều thì hoàn toàn có thể giảm bớt nhu cầu vận chuyển gà, trứng... từ các địa phương khác đến, giảm ô nhiễm môi trường.

Chống sốc thực phẩm

Đại dịch COVID-19 chỉ ra các lỗ hổng trong liên kết liên quan giữa sinh kế, lương thực và phân phối. Vô số nhà cung cấp trên khắp thế giới không thể bán được rau, sữa... khi các chợ đóng cửa, giảm nhân viên hoặc giảm thời gian phục vụ, dẫn đến lãng phí lương thực.

Nhiều thực phẩm tươi bị bỏ trên đồng, cho gia súc ăn vì không thể chở đi nơi khác bán do hậu quả của các biện pháp kiểm soát sự lây lan của virus.

Tăng sức đề kháng với những cú sốc trong tương lai đòi hỏi một loạt các biện pháp: củng cố những mắt xích yếu trong chuỗi cung ứng, chính sách mang tính nâng đỡ, tạo điều kiện đến sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng và nâng cao năng lực, chuẩn bị sẵn sàng đối phó lần nữa với khủng hoảng. 

Chuỗi cung ứng gồm nhiều khâu: có mạnh có yếu, từ thành thị đến nông thôn, gồm cả chính thức và phi chính thức. Chẳng hạn, chợ đầu mối, nơi tập kết hàng hóa từ các địa phương, cần hiện đại hóa ra sao về hạ tầng, dịch vụ, quản lý.

Đóng cửa chợ, như đã xảy ra ở TP.HCM, đã khiến giao dịch giữa nông dân, thương lái và nhà phân phối bị gián đoạn nguồn cung cấp cho các chợ lẻ và người tiêu dùng. 

Hệ quả là nguồn cung lương thực giảm trong ngắn hạn làm giá cả tăng, ảnh hưởng đến sinh kế của nhiều nông dân, gây mất thu nhập và tạo ra những căng thẳng lớn về thực phẩm. Vậy hiện đại hóa, đảm bảo an toàn cho chợ đầu mối hoạt động là điều cần hướng đến.

Ngược lại, để tránh cho chợ đầu mối lâm vào cảnh ngóng hàng, nghiên cứu của nhóm Michael Gomez và các cộng sự về chuỗi cung ứng thực phẩm ở Mỹ từ năm 2012 - 2015, đăng trên tạp chí Nature ngày 7-7-2021, cho thấy đa dạng hóa chuỗi cung ứng thực phẩm sẽ tăng khả năng chống đỡ của thành phố trước các cú sốc về thực phẩm từ mức độ nhẹ đến trung bình lên tới 15%. 

Thay vì mua hàng một chỗ và đề phòng nơi ấy xảy ra cháy rừng, hạn hán, lũ lụt thì luôn phải bỏ trứng vào nhiều giỏ, thậm chí biết cần bỏ lúc nào. Nơi nào sản xuất mặt hàng gì xảy ra hạn hán vào mùa nào, tần suất cháy rừng lớn, nhỏ, lũ lụt bao lâu một lần... đều phải được tính toán.

Trên thực tế, chính sách tốt mang lại nhiều lợi ích và liên quan đến rất nhiều lĩnh vực. Tại tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, các huyện đạt mục tiêu sản xuất thực phẩm được thuởng, tạo ra tinh thần thi đua sản xuất, gián tiếp đảm bảo sự thành công của mục tiêu tự cường lương thực.

 Cho vay, bảo lãnh khoản vay, giải cứu nông sản, giảm thất thoát, lãng phí cũng là những chính sách phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới. Tuy nhiên chỉ chính sách tốt thôi chưa đủ mà công tác phối hợp thực hiện, từ trung ương đến địa phương, giữa địa phương này với địa phương khác, cũng quan trọng không kém. 

Dù có nhiều bằng chứng các địa phương hỗ trợ lẫn nhau rất tốt để chuỗi cung ứng trơn tru trong dịch COVID-19 thì từ châu Á đến châu Phi, có không ít ví dụ về việc trung ương và địa phương vênh nhau giữa chỉ đạo và triển khai. ■

Trong tương lai, có thể sẽ có những khủng hoảng khác ghê gớm không kém gì COVID-19. Những bài học từ đại dịch này không thể bị lãng phí, cần được đúc kết thành kinh nghiệm để ứng dụng trong tương lai. 

Khi đó, chúng ta có thể có phương án tăng cường năng lực chống chịu cho thành phố, đảm bảo các đô thị lớn có nội lực để tránh và giảm sốc khi gặp sự cố về chuỗi cung ứng.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận