Giáo sư David Dapice: “Có vài điều không ổn mà ta cần chú ý"”    

THANH TUẤN 30/01/2015 20:01 GMT+7

TTCT - “Nếu nhìn vào dự báo tăng trưởng mới nhất của Ngân hàng Thế giới cách đây vài ngày thì chúng ta phải hỏi tại sao trong khi kinh tế thế giới và các nước trong vùng đang tăng tốc mà tốc độ của Việt Nam chững lại?” - giáo sư David Dapice (ĐH Harvard, Hoa Kỳ) nói với TTCT về mối băn khoăn đầu tiên của ông khi ông tới Việt Nam dịp này.


Giáo sư David Dapice - Ảnh: Thanh Tuấn

Ông cho rằng VN tăng trưởng dưới mức tiềm năng của mình so với các nền kinh tế khác?

- Tôi nghĩ đúng là vậy. Kinh tế Ấn Độ sẽ tăng tốc (5,6% lên 6,4%), Philippines cũng tăng (từ 6% lên 6,5%)... riêng VN sẽ tiếp tục ở mức 5,6%.

Trong đồ thị so sánh GDP đầu người theo PPP từ năm 2009-2014, VN ở dưới mức của Ấn Độ.

VN có rất nhiều lợi thế: chỉ cần một tuyến đường tốt (quốc lộ 1) và vài hải cảng là kết nối được toàn bộ hệ thống sản xuất ở VN rồi. Indonesia có hàng ngàn đảo, rất khó khăn về cơ sở hạ tầng, đối mặt rất nhiều vấn đề (Hồi giáo cực đoan, đánh bom ở Jakarta, ly khai...).

Tăng trưởng GDP của VN giai đoạn 1990-2010 so với các nước thì đứng sau Trung Quốc nhưng vẫn khá cao - gần 8%. Indonesia với cuộc khủng hoảng tài chính nên tốc độ của họ chỉ khoảng hơn 4%. Đến giai đoạn 2010-2014, Indonesia đã vươn lên thứ 2, VN và Ấn Độ cùng nhau ở vị trí cuối. Rõ ràng có gì đó sai ở đây.

Nhìn vào tỉ lệ FDI trong ASEAN, đây là điều thật sự khiến tôi lo lắng: tỉ lệ của VN chiếm từ gần 20% tới năm 2013 giảm xuống chỉ còn 7% (con số của Ủy ban Thương mại Liên Hiệp Quốc - UNCTAD). Rõ ràng trong năm năm vừa rồi đã có những thay đổi xấu đi. Tốc độ tăng trưởng của VN chậm lại, tỉ lệ FDI trong ASEAN giảm, chỉ số quản trị của VN cũng giảm.

VN cần cải thiện quản trị, không chỉ trong chuyện giao thông mà cả chuyện tôn trọng pháp luật. Hợp đồng những năm 1990 vẫn còn đơn giản, còn giờ nếu xảy ra tranh cãi thương mại thì VN cần có hệ thống pháp luật hiệu quả hơn.

VN đầu tư khoảng 12% GDP vào hạ tầng, Indonesia đầu tư khoảng 6-7% nhưng chỉ số hạ tầng của VN (3,5) thấp hơn hẳn so với Indonesia (4,5), như vậy VN đầu tư không hiệu quả.

 Không ai nghi ngờ việc VN có rất nhiều tiềm năng để phát triển tốt. Tôi chỉ không đoán định được là nó đi theo hướng nào mà thôi. Đầu những năm 1990, khi mới đến đây, tôi thấy có sự sẵn sàng thử nghiệm nhiều điều mới hơn. Giờ thì có nhiều nhóm lợi ích, họ sợ mất mát, điều đó khiến thay đổi khó khăn hơn

Tại diễn đàn phát triển VN mới đây ở Harvard, ông lo ngại nhiều về việc năng suất lao động của VN bị chững lại?

- Dựa trên con số của IMF thì có thể thấy tốc độ tăng chỉ số năng suất tổng hợp (TFP) trong giai đoạn 2008-2013 của VN quá thấp (0,5%), trong khi tốc độ tăng thông thường nên là 1,5-2,5% (Ấn Độ khoảng 2,1%, Indonesia 1,6%).

Cao 4% như Trung Quốc là khác thường và không chính xác. 0,5% là thấp một cách bất thường. Ngay kể cả kinh tế Mỹ lúc này thì tốc độ tăng năng suất TFP cũng thường ở mức 1,5%. Như vậy một lần nữa có gì đó rất không đúng ở đây mà ta phải chú ý.

Theo ông, đâu là lý do dẫn tới tình trạng này?

- Theo số liệu tôi có thì VN có khoảng 12-13 tỉnh nộp ngân sách, 50 tỉnh còn lại là sống dựa vào xin ngân sách. Các tỉnh “thâm hụt” đó đến Hà Nội để vận động: xin hãy đầu tư vào con đường này, vào cảng kia.

Quá trình đó đơn thuần là chính trị, rất nhiều đề án tồi. Đó là lý do tại sao tỉ lệ đầu tư GDP cho hạ tầng của VN rất cao nhưng chỉ số điểm hạ tầng của VN lại thấp.

Nhưng đó cũng là lý do cần phải có cơ chế thực hiện đầu tư hiệu quả ở các khu vực sống dựa vào xin ngân sách này, trong tất cả lĩnh vực chứ không chỉ ở một, hai mảng cụ thể nào đó. Làm sao để đảm bảo đồng tiền đầu tư sẽ thu lời được nhiều hơn, chỉ bằng cách đó thì mới có hạ tầng tốt hơn mà không phải tốn nhiều tiền như thế.

Hãy chuyển phân bổ ngân sách từ dựa trên các lý do chính trị sang dựa trên các cơ sở kinh tế. Ví dụ, vẫn có thể dành 20% ngân sách đầu tư cho các tỉnh không thật sự hoạt động hiệu quả, nhưng đừng biến phần lớn đầu tư là cho những nơi không hiệu quả.

Về doanh nghiệp, doanh nghiệp nhà nước chiếm khoảng 40% phần vốn đầu tư mà chỉ đóng góp khoảng 30% GDP và 15% số việc làm. Nên hoặc là anh thay đổi cách làm việc của doanh nghiệp nhà nước hoặc nên dành phần vốn đầu tư cho khối tư nhân và FDI, nơi đang hoạt động hiệu quả. Anh để đồng tiền ở chỗ nào mà nó sinh lời và không nên lãng phí nó.

Có giải pháp nào để giải quyết tình trạng này, thưa ông?

- Một điều tôi muốn nhấn mạnh là hiện rất khó thành lập các hiệp hội công nghiệp tư nhân. Đài Loan có chính sách với các nhóm doanh nghiệp (tư nhân) gồm nhiều doanh nghiệp nhỏ và yếu: các anh cứ hình thành một hiệp hội, chúng tôi sẽ đánh thuế ít lên doanh thu và hoàn lại một phần thuế cho các anh.

Nhóm các anh có thể dùng tiền và tự quyết định muốn nghiên cứu thị trường ở nước nào đó, nghiên cứu công nghệ hay đào tạo nhân lực. Hiệp hội sẽ làm công việc mà các công ty nhỏ đó thường khó tự làm được.

Trong thời gian ngắn, VN sẽ không thể nào có các “chaebol” như Hàn Quốc được. Vì vậy, VN sẽ cần phát triển các hiệp hội tư hiệu quả thật sự kiểu vậy. Các hiệp hội đó mới giúp được doanh nghiệp rất nhỏ và yếu hiện nay của VN. Khu vực công nghiệp tư nhân của các bạn giờ hoàn toàn không có dấu ấn, họ thông minh nhưng với điều kiện hiện nay, chiến lược của họ là “cứ nhỏ, giấu mình và không bao giờ nói sự thật”.

Điều nữa là dù tỉ trọng FDI trong ASEAN giảm nhưng VN vẫn nhận được rất nhiều FDI. VN giờ vẫn chưa biết tận dụng điều đó. Khi Mexico được Nissan tới đầu tư xây nhà máy ôtô, họ đi kiếm ngay các nhà cung cấp thiết bị của Nissan tới để đầu tư cùng.

Thế là các nhà cung cấp cấp 2, cấp 3 tới đầu tư và phát triển hệ thống phụ trợ có chiều sâu cho nước này. Rồi các công ty Mexico trở thành nhà cung cấp của các nhà cung cấp kia, đó là cách anh phát triển công nghiệp phụ trợ của mình.

Thu hút các nhà đầu tư FDI rồi tìm cách cung cấp các thiết bị họ cần, học hỏi cách kiểm soát chất lượng, đảm bảo sản xuất đúng thời hạn..., tất cả chỉ có thể học được bằng cách tự làm. VN chỉ nhập nguyên nhiên liệu nên hệ thống ở VN không giữ chân được nhà đầu tư. Nếu có hệ thống sản xuất trình độ cao thì các công ty sẽ khó rời bỏ và cũng dễ hơn cho VN leo lên trên bậc thang giá trị. 

Các bạn cần quan tâm nhiều hơn về tăng tốc kinh tế và học cách để hợp tác tốt hơn giữa các nhóm khác nhau. Có thể dùng TPP để tạo áp lực cho doanh nghiệp nhà nước và thúc đẩy khối tư nhân lớn mạnh thêm.

Nhưng VN cần kiểm soát tình trạng thân hữu, những phe nhóm kiếm được lợi ích, nếu không các doanh nghiệp thông thường rất khó hoạt động được vì rất nhiều nguồn lợi nhuận tiềm năng bị lấy mất.

Bạn từng ở trong giai đoạn bùng nổ bất động sản và giờ đang là giai đoạn “tỉnh say”. Vài năm trước, bất cứ công ty nào tôi gặp dù là dệt may, thực phẩm... thực tế đều đầu tư bất động sản. Tất cả năng lượng, suy nghĩ của họ đều là “làm giàu rất nhanh”, kiếm ít đất rẻ, xây lên thật nhanh rồi bán đi kiếm lời. Mà họ bán cho ai?

Mọi thứ đã qua rồi nhưng hậu quả là nợ xấu, là hệ thống ngân hàng có vấn đề. Các công ty này sẽ cần thời gian để gây dựng lại kỹ năng, nguồn lực cho thế mạnh kinh doanh của mình. Tôi nghĩ đó cũng là nguyên nhân của việc tốc độ tăng chỉ số năng suất TFP của VN lại thấp như vậy.

Trong nghiên cứu mới nhất về VN, ông đề cập chuyện tấm bằng đại học thực tế không mang thêm nhiều giá trị cho sinh viên ra trường. Làm thế nào giải quyết được vấn đề này?

- Ở Penang (Malaysia), khi có rất nhiều nhà đầu tư về điện tử và phát hiện các công ty cạnh tranh nhau để lấy nhân công, chính quyền Penang đã xây dựng cơ sở trường đào tạo nhân lực, thậm chí trả một số tiền lương nhưng yêu cầu các tập đoàn cung cấp tài liệu học, cung cấp giáo viên. Các tập đoàn sẽ quyết định họ cần các kỹ năng gì từ học viên.

Cách làm này đã được áp dụng phần nào ở tỉnh Bình Dương, nơi cũng gặp vấn đề đó. Tôi nghĩ cần có nhiều mô hình như vậy: kết hợp công - tư để đào tạo các kỹ năng mà thị trường cần. Các doanh nghiệp sẽ trả tiền nhiều hơn cho những người có đúng kỹ năng họ cần.

Ngoài đào tạo, nếu có thông tin công khai từ các trường về tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp của họ đi làm ở đâu, mức lương thế nào thì sẽ rất tiện cho các sinh viên mới, giúp họ biết là trường có tốt hay không. Khi đó thì hoặc là trường phải thay đổi hoặc họ sẽ không thể có sinh viên nữa.

Tôi nghĩ điều cần tập trung là mỗi cấp giáo dục đều mang thêm giá trị nào đó cho người học như cách tư duy phân tích, phản biện, biết đặt câu hỏi... Nếu các kỹ năng này được dạy đủ, chúng ta đã có những nhân lực tốt hơn cho ngành dịch vụ.

VN có thể làm gì để tăng hiệu suất ngay lúc này?

- Tôi nghĩ việc lập các hiệp hội công nghiệp hiệu quả là biện pháp dễ lúc này. Cần có những chỗ để các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tìm đến khi cần trợ giúp về marketing, về công nghệ. Thứ nữa, có thể thiết lập các chương trình đào tạo tốt rất nhanh.

Về dài hạn hơn là củng cố lĩnh vực tài chính, công khai nợ xấu, chấp nhận mở ra cho các doanh nghiệp nước ngoài. TPP có thể tạo cú hích về mặt đó. Tạo điều kiện dễ dàng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể vay được tiền. Hiện giờ rất khó cho họ vay tiền.

Đó là những việc tương đối dễ, có thể làm để giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng năng suất cũng như phát triển quy mô và sức mạnh của họ, tạo thêm việc làm.   

Theo ông David Dapice, khối tư nhân của VN ngày càng đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng và tạo việc làm. Khó khăn của họ là thiếu hệ thống các nhà tư bản gắn liền với sự hình thành, phát triển của ngành công nghiệp trong nước; sự nổi lên của chủ nghĩa tư bản thân hữu, thiếu hầu hết ngành công nghiệp phụ trợ (mất hệ thống ở giữa).

Ông đề xuất cải cách: chuyển từ hệ thống nhị nguyên (duy trì sự chi phối của doanh nghiệp nhà nước trong khi tiếp tục mở cửa cho đầu tư FDI và đầu tư vào dân doanh) sang sân chơi bình đẳng, củng cố quyền sở hữu tài sản và các thiết chế thị trường, dùng các cam kết thương mại như TPP để thúc đẩy cải cách. 

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận