Hãy tỉnh táo mà uống sữa

HỒNG VÂN 12/10/2018 03:10 GMT+7

TTCT - Sữa đương nhiên là tối cần thiết cho trẻ em, nhưng có nhất thiết phải là sữa?

Sữa có nhiều chất dinh dưỡng tốt cho trẻ em, nhưng không phải cứ uống nhiều là tốt. Ảnh: Pinterest

 

Trẻ em có thực sự cần uống sữa để phát triển? Câu hỏi này đã được báo Live Science (Khoa Học Đời Sống) đặt ra với các chuyên gia dinh dưỡng và bác sĩ nhi khoa ở Mỹ. Câu trả lời của Amy Lanou, giáo sư về dinh dưỡng tại Đại học North Carolina ở Asheville, là “không!” nếu trẻ vẫn đảm bảo đủ các dưỡng chất cần thiết từ thực phẩm khác. Theo bà Lanou, đa số trẻ em trên thế giới không còn uống sữa sau khi được cai sữa và vẫn có đủ dinh dưỡng.

Sự ưu việt của sữa

Dĩ nhiên sữa có những ưu điểm vượt trội. Sữa là thực phẩm giàu protein, canxi và vitamin D. Protein có mặt trong nhiều loại thực phẩm nhưng nếu không uống sữa, trẻ khó có đủ canxi và vitamin D. Canxi cần để xương và răng chắc khỏe.

Cơ thể chúng ta liên tục thay thế canxi cũ trong xương bằng canxi mới. Vì thế, nếu không ăn/uống đủ canxi, cơ thể sẽ dùng canxi tích lũy trong xương và từ từ làm cơ thể bị loãng xương. Theo thời gian, xương yếu dần và dễ gãy khi bị chấn thương. Trường hợp thừa canxi do đường ăn uống khá hiếm, nếu thừa canxi có thể gây sỏi thận và một số vấn đề sức khỏe khác.

Vitamin D là vi chất được tổng hợp qua việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, do đó hoạt động ngoài trời là rất quan trọng. Các loại thực phẩm hằng ngày khó cung cấp đủ vitamin D cho cơ thể vì vitamin này chỉ có nhiều trong một số nhóm thực phẩm như cá béo, lòng đỏ trứng và gan bò. Thiếu vitamin D có thể gây ra bệnh còi xương, làm xương bị cong, suy yếu và thường đi kèm với các vấn đề sức khỏe khác như các bệnh về cơ và thần kinh.

Theo bác sĩ nhi Jonathon Maguire tại Bệnh viện St. Michael ở Toronto, sữa là một nguồn giàu protein và calo - quan trọng cho sự phát triển của trẻ em. Hiện nay, suy dinh dưỡng vẫn là một mối đe dọa đối với sức khỏe trẻ em, ngay cả ở các nước phát triển. Trẻ kén ăn có thể khó nạp đủ lượng protein và calo cần cho sự phát triển. Do đó, sữa giàu dinh dưỡng để cung cấp lượng calo đó.

Tuy nhiên, vai trò và tác dụng của sữa có thể đã được lăngxê quá mức, vì canxi trong sữa thực ra có ở nhiều nguồn thực phẩm khác như trong các loại hạt, đậu và rau xanh.

Một nghiên cứu khoa học đăng năm 2013 được công bố trên tạp chí nhi khoa JAMA chỉ ra điều bất ngờ: trẻ em sống ở các quốc gia có lượng tiêu thụ sữa ít hơn có tỉ lệ gãy xương thấp hơn so với những trẻ em sống tại các nước uống nhiều sữa. Tựu trung, quan niệm rằng trẻ em cần nhiều canxi để xương chắc khỏe có thể đã bị thổi phồng, bà Lanou nói. Nhiều nghiên cứu cho rằng những ảnh hưởng đến xương từ việc tập thể dục hoặc các hoạt động thể chất khác mới là yếu tố chính trong sự phát triển xương của trẻ em.

Giáo sư Lanou khuyên các bậc phụ huynh: “Cách tốt nhất để chăm sóc tốt xương của trẻ là để các em đi ra ngoài và chơi”.

Sữa có nhược điểm gì?

Sữa cũng có nhược điểm, mà lớn nhất chính là việc có đến 3/4 dân số thế giới (75% người lớn) mắc “Hội chứng không dung nạp lactose” - hiểu đơn giản là hiện tượng cơ thể không dung nạp đường lactose có trong sữa. Hiện tượng không dung nạp lactose nhẹ thì có các biểu hiện như bị đầy hơi, đau bụng, khó tiêu hoặc tiêu chảy, nặng có thể kèm theo nôn ói, nổi mẩn đỏ.

Canxi có thể ức chế hấp thụ sắt. Nếu chúng ta uống quá nhiều sữa có thể có nguy cơ bị thiếu máu do thiếu sắt, bác sĩ Maguire nói trên tờ Live Science.

Đồ uống chứa nhiều calo cũng có thể gây béo phì. Một nghiên cứu đăng vào tháng 12-2014 trong kho y văn các bệnh ở trẻ em phát hiện trẻ mẫu giáo uống từ 3 ly sữa trở lên mỗi ngày có xu hướng cao lớn hơn, nhưng cũng bị béo phì và thừa cân nhiều hơn. Sữa nguyên kem có hàm lượng chất béo bão hòa cao, có liên quan đến bệnh lý về sức khỏe. Dù vậy, theo một số nghiên cứu, sữa ít chất béo hoặc sữa gầy có thể không phải là giải pháp, vì mọi người lại cảm thấy ít no hơn sau khi uống.

Theo hướng dẫn cho giai đoạn 2015-2020 của Cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ, nên dùng các chế phẩm từ sữa như sữa, sữa chua, phômai nhưng ở dạng ít béo hoặc tách béo và thay bằng sữa đậu nành. Họ cũng khuyên chỉ dưới 10% calorie ăn vào hằng ngày là từ chất béo bão hòa (béo xấu), nhưng bơ và sữa nguyên kem lại chứa khá nhiều chất béo xấu này.

Một vấn đề khác của việc uống sữa là chúng ta không còn bụng ăn những thực phẩm khác tốt cho sức khỏe và điều này đặc biệt đúng với những trẻ kén ăn. “Nếu dinh dưỡng của con bạn có đến ba phần là sữa bò, chúng sẽ ăn các thức ăn lành mạnh khác như rau, đậu và thịt như thế nào?” - Lanou đặt vấn đề. Bà cũng cho rằng lợi ích sức khỏe của việc uống sữa bổ sung hương vị thậm chí còn đáng ngờ hơn.

“Một ly sữa sôcôla ít chất béo 236ml có calo từ đường tương đương một ly nước ngọt Coke hoặc Pepsi cùng dung tích. Đường liên quan với một loạt vấn đề sức khỏe nguy hiểm từ bệnh béo phì, đái tháo đường đến bệnh tim.

Theo các chuyên gia, sữa có thể không phải là một siêu thực phẩm nhưng cung cấp các chất dinh dưỡng có giá trị cho trẻ. Trẻ vẫn nên uống sữa mỗi ngày nhưng bố mẹ không nên ép trẻ phải uống sữa, mà nên quan tâm để trẻ có đủ các dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển đầy đủ là được. Đặc biệt, uống nhiều sữa cũng là không tốt vì các vấn đề sức khỏe liên quan đã nói ở trên.■

Theo khuyến cáo mới nhất của Viện Nhi khoa và Bộ Nông nghiệp Mỹ được tóm tắt vào đầu năm nay đăng trên tờ Healthy Eating.sfgate, lượng sữa trẻ cần theo độ tuổi như sau:

Trẻ 0-12 tháng tuổi:

Không cho trẻ em uống sữa bò tươi, trẻ sơ sinh cần uống sữa mẹ hoặc sữa công thức với lượng 500-700ml sữa mẹ hay sữa công thức mỗi ngày. Trẻ 4-6 tháng tuổi cần 830-1.400ml sữa/ngày, trẻ 6-8 tháng tuổi cần uống 3-5 bữa sữa mỗi ngày và 8-12 tháng cần uống 3-4 bữa sữa mỗi ngày.

Trẻ 1-2 tuổi:

Kể từ sau khi tròn 12 tháng tuổi, trẻ có thể uống sữa bò tươi nguyên kem do trẻ em 1-2 tuổi cần dinh dưỡng nhiều chất béo để phát triển trí não đầy đủ.

Viện Nhi khoa Mỹ khuyến cáo trẻ cần uống khoảng 1 lít sữa mỗi ngày, tương đương 4 cữ sữa. Tuy nhiên, Tổ chức KidsHealth cho rằng 830-1.400ml sữa/ngày hay 3 cữ sữa cũng đủ với trẻ em ở độ tuổi này.

Trẻ 2-8 tuổi:

Bộ Nông nghiệp Mỹ khuyến cáo trẻ 2-3 tuổi cần ít nhất 2 ly các sản phẩm từ sữa mỗi ngày. Trẻ 4-8 tuổi cần ít nhất 2,5 ly các sản phẩm từ sữa mỗi ngày. Các sản phẩm từ sữa có thể là sữa bò, nhưng cũng có thể là sữa đậu nành, phômai, sữa chua.

Trẻ từ 9 tuổi trẻ lên

Trẻ từ 9 tuổi trở lên ăn/uống ít nhất 3 ly sản phẩm từ sữa mỗi ngày. Trẻ em trong độ tuổi trưởng thành cần khoảng 4 ly sản phẩm từ sữa mỗi ngày.

Dĩ nhiên không gì là không thể thay thế được, kể cả sữa. Nếu không uống sữa, trẻ có thể uống/ăn sữa chua, phômai hoặc sữa đậu nành. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, một ly sản phẩm từ sữa tương đương một ly sữa bò, một ly sữa đậu nành, một ly sữa chua hoặc 60 gram phômai.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận