Họ đang phải ăn mì gói nhiều hơn và tiêu hết tiền tiết kiệm

VŨ THỦY - HÀ QUÂN 14/04/2022 02:00 GMT+7

TTCT - Các cuộc đàm phán tăng lương chưa bao giờ là dễ dàng và phiên họp đầu tiên của Hội đồng Tiền lương quốc gia về đàm phán lương tối thiểu vùng vào hôm 28-3 cũng vậy. Năm nay, vấn đề càng khó khăn hơn khi cả doanh nghiệp và người lao động đều cùng chịu những tổn thất lớn sau đại dịch COVID-19. Tổng Liên đoàn Lao động VN kiên định đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ 1-7-2022 mà không đợi đến 1-1-2023 theo thông lệ. Tất nhiên, đại diện khu vực doanh nghiệp phản đối điều này. Đã hai năm lương tối thiểu "giậm chân tạo chỗ" trong khi đây là mức sàn thấp nhất và có ý nghĩa bảo vệ người yếu thế, cũng là căn cứ để thương lượng tiền lương trên thực tế. Sức chịu đựng của người lao động sau hai năm đại dịch đã tới ngưỡng và lạm phát cũng đã tác động tới họ trực diện. Ngày 12-4, Hội đồng Tiền lương quốc gia họp phiên thứ 2, thống nhất đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng 6% từ 1-7-2022 để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Giá cả liên tục tăng khiến đời sống của người lao động ngày càng khó khăn hơn. Trong ảnh: Gia đình anh Lâm Thi Dũng (quê Ninh Thuận) trong một phòng trọ tại quận 12, TP.HCM. Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

 

Lần điều chỉnh gần nhất đã là từ  năm 2020, mức lương tối thiểu là 4,42 triệu đồng (vùng I), 3,92 triệu đồng (vùng II), 3,42 triệu đồng (vùng III). 

Theo Viện Công nhân và công đoàn (Tổng liên đoàn Lao động VN), lương tối thiểu cần tăng 10% so với mức hiện tại để “trả nợ” cho khoảng thời gian không điều chỉnh.

Cần phải điều chỉnh ngay

Ông Mai Đức Chính - nguyên phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động VN, phó chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia giai đoạn 2013 - 2018 - cho biết đây là lần thứ hai lương tối thiểu tiếp tục “nợ” mức sống tối thiểu.

Điều 91 Bộ luật lao động 2012 quy định tiền lương tối thiểu phải đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của người lao động (NLĐ) và gia đình họ. “Đáng lẽ luật có hiệu lực từ 1-5-2013 phải thi hành ngay. 

Nhưng lúc đó nếu áp dụng ngay thì doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn do khoảng cách giữa tiền lương tối thiểu với mức lương tối thiểu để đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu là khoảng 30%. Do đó, Chính phủ đề ra lộ trình để thực hiện điều 91.

Nhiều năm tiếp theo, lương tối thiểu vẫn chưa tiệm cận mức sống tối thiểu”, ông Chính nói về bối cảnh năm 2013 - năm đầu tiên Hội đồng Tiền lương quốc gia được thành lập và họp điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2014.

Theo Tổng liên đoàn Lao động VN, năm 2013 mức lương tối thiểu vùng I là 2,35 triệu đồng, chỉ đáp ứng 70% mức sống tối thiểu. Năm 2018, lương tối thiểu điều chỉnh lên 3.980.000 đồng (vùng I), 3.530.000 đồng (vùng II), 3.090.000 đồng (vùng III).

“Tận 5 năm sau khi điều 91 của Bộ luật lao động có hiệu lực thì việc điều chỉnh lương tối thiểu mới cơ bản tiệm cận với mức sống tối thiểu”, ông Chính nhận định.

TS Vũ Minh Tiến, viện trưởng Viện Công nhân và công đoàn, cho rằng không thể tiếp tục kéo dài tình trạng “nợ” tăng lương tối thiểu. Lý do là các căn cứ dùng làm cơ sở để tăng lương tối thiểu đều tăng: chỉ số giá tiêu dùng (CPI), tốc độ tăng trưởng kinh tế GDP, tăng năng suất lao động…, đặc biệt là chỉ số CPI dự báo sẽ tăng cao trong năm 2022.

Tăng trưởng kinh tế năm 2020 là 2,91%, năm 2021 là 2,58%. Tăng năng suất lao động đạt khoảng 5%/năm trong hai năm qua. Đến nay, khả năng chi trả của doanh nghiệp chuyển biến tích cực. 

“Những tăng trưởng đó có đóng góp rất lớn của NLĐ. Đại dịch ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp, nhưng nếu doanh nghiệp khó khăn 10 thì NLĐ khó 20. Công nhân tháng nào không tăng ca là không có tiền để trả tiền thuê trọ, một tuần nghỉ ốm chăm con là túng quẫn ngay... Do đó, xét về mặt pháp lý và cả về đạo lý thì việc tăng lương tối thiểu là không được chậm trễ nữa, với mức thỏa đáng là 10%”, ông Tiến nói.

Mặt khác, bởi Chính phủ đã triển khai rất nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch thì NLĐ cũng cần có được sự hỗ trợ và chia sẻ công bằng.

“Việc chậm trễ tăng lương tối thiểu sẽ gây ra nhiều hệ lụy, bộc phát những bất ổn trong quan hệ lao động giữa NLĐ và doanh nghiệp. Cần tăng lương tối thiểu thích đáng để bù đắp thời gian qua”, ông Tiến đề nghị.

Chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình, giám đốc điều hành Economica Vietnam, cũng nhìn nhận mức lương tối thiểu đang rất thấp so với nhu cầu chi tiêu của NLĐ. Tồn tại trong hai năm dịch bệnh điêu đứng, lương tối thiểu không được điều chỉnh trong khi chi phí tiêu dùng liên tục tăng, NLĐ đang chịu rất nhiều thiệt thòi. 

Trong số các chi phí cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp gồm cơ sở hạ tầng, vốn, máy móc thiết bị và chi phí lao động, hiện nay các chi phí khác đều tăng. “Vậy tại sao lại dồn hết khó khăn vào NLĐ? NLĐ có thể chia sẻ trong một số thời điểm nhưng không thể gánh khó khăn đó mãi”, ông Bình nói.

Nếu gắn việc tăng lương tối thiểu với tăng năng suất lao động thì số liệu của Tổng cục Thống kê đã chứng thực: năng suất lao động đã tăng từ 4,8% đến hơn 5% trong hai năm qua. 

“NLĐ là yếu tố vô cùng quan trọng của doanh nghiệp và nền kinh tế, do vậy cần phải có sự đầu tư cho họ. Tăng thu nhập để bảo đảm đời sống cho NLĐ vừa có ý nghĩa nhân văn, vừa có ý nghĩa về mặt kinh tế học. Đầu tư vào NLĐ để họ tái tạo sức lao động cũng là cách tăng năng suất lao động”, ông nói.

Bao nhiêu calori là đúng ?

Lương tối thiểu vùng là mức thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp thỏa thuận, trả lương cho NLĐ. Ông Mai Đức Chính cho biết mức lương tối thiểu do Hội đồng Tiền lương quốc gia xác định dựa trên tới 7 yếu tố: tương quan giữa mức lương tối thiểu và mức lương trên thị trường; mức sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ; chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế; khả năng chi trả của doanh nghiệp; quan hệ cung cầu lao động; việc làm và thất nghiệp; năng suất lao động.

“Mức sống tối thiểu là căn cứ rất quan trọng để xác định mức lương tối thiểu. Tuy nhiên, các bên tham gia Hội đồng Tiền lương quốc gia lại đưa ra những con số khác nhau. Tổng Liên đoàn Lao động VN đưa ra nhu cầu calo dựa trên số liệu của Viện Dinh dưỡng là 2.300 - 2.500 calo/ngày, nhưng phía đại diện doanh nghiệp chỉ đưa ra 2.000 calo.

Tổng liên đoàn Lao động VN xác định chi phí nuôi con là 70% thu nhập của một NLĐ thì đại diện phía doanh nghiệp chỉ đưa ra tỉ lệ 50%... Điều đó dẫn đến việc mức lương tối thiểu do Tổng liên đoàn Lao động VN và phía đại diện doanh nghiệp đưa ra luôn chênh lệch”, ông Chính nói.

Vì thế, có những đề xuất và góc tham chiếu khác. Chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình cho rằng việc xác định mức sống tối thiểu nên dựa vào nhiều điều tra khác nhau. Ngoài khảo sát của đại diện NLĐ và đại diện doanh nghiệp thì cần có nghiên cứu của các tổ chức độc lập khác. 

“Nhiều nguồn tham khảo, đánh giá và có cơ chế tính toán, cân bằng giữa các các bên để đưa ra con số phù hợp. Bởi mức sống tối thiểu là căn cứ quan trọng không chỉ xác định mức tăng lương tối thiểu mà còn cho nhiều chính sách an sinh khác nữa”, ông Bình nêu.

Giá cả liên tục tăng khiến đời sống của người lao động ngày càng khó khăn hơn. Ảnh: VŨ THUỶ

 

Tại sao lại cần tăng ngay từ 1-7?

Ông Lê Đình Quảng, phó trưởng Ban chính sách pháp luật Tổng liên đoàn Lao động VN, từ 2016 - 2020, Tổng liên đoàn Lao động nói rằng sự cảm thông đối với khu vực doanh nghiệp là đã có, thể hiện qua sự trì hoãn điều chỉnh lương tối thiểu vùng suốt 2 năm qua, với cân nhắc về thực tế khó khăn của doanh nghiệp sau hai năm đại dịch. 

Nhưng ông bảo lưu quan điểm cần tăng sớm: “Hiện nay chúng ta cần xem xét lại vì nhiều yếu tố trong số 7 yếu tố làm căn cứ, điều chỉnh mức lương tối thiểu đã thay đổi, buộc phải đề xuất điều chỉnh mức lương tối thiểu. Doanh nghiệp khó khăn nhưng NLĐ cũng đã chạm đến giới hạn chịu đựng”.

Các chỉ số thay đổi lớn gồm mức sống tối thiểu của NLĐ, chỉ số giá tiêu dùng, quan hệ cung - cầu lao động… "Dịch COVID-19 càng gây khó khăn thì càng phải tăng mức lương tối thiểu để hỗ trợ NLĐ. Nhiều người lao động hiện nay muốn làm thêm giờ vì tiền lương làm đúng giờ không đủ sống" - ông Quảng nhận định.

 Thêm nữa, qua 2 năm không tăng mức lương tối thiểu vùng, quan hệ lao động trở nên bất ổn. Những tháng đầu năm 2022, nhiều cuộc ngừng việc tập thể lớn xảy ra mà chủ yếu đòi tăng lương vì lâu nay doanh nghiệp thường điều chỉnh tiền lương dựa vào Nhà nước điều chỉnh mức lương tối thiểu. 

“Tăng lương tối thiểu giúp doanh nghiệp phát triển. Vì khi NLĐ có mức lương thỏa đáng thì họ sẽ gắn bó, cống hiến và doanh nghiệp có điều kiện phát triển tốt hơn”, ông Quảng nói và dẫn ra khuyến nghị của các chuyên gia độc lập: kinh nghiệm thế giới khi tăng lương tối thiểu tác động có lợi nhiều hơn cho doanh nghiệp. 

Và nhất là khi quan điểm của Đảng và Nhà nước đã rất rõ ràng: không sử dụng lao động giá rẻ, đánh đổi mục tiêu phát triển bằng cuộc sống của NLĐ. Như tiền thuê nhà đang xác định mức 194.000 đồng/công nhân, ông Quảng cho rằng “hoàn toàn không phù hợp với thực tiễn”. 

Và việc tính toán lại mức sống tối thiểu để Hội đồng Tiền lương quốc gia làm căn cứ thương lượng là cấp bách vào lúc này.

Họ đã phải ăn mì gói nhiều hơn

Theo khảo sát của Viện Công nhân và công đoàn năm 2021, tại 8 tỉnh thành và một số công đoàn ngành, tổng công ty, đến quý 3-2021 thu nhập bình quân tháng của NLĐ là 5,2 triệu đồng, giảm 877.000 so với quý trước và giảm 603.000 so với cùng kỳ năm 2020. 

Do đó, trên 56% NLĐ phải tiết kiệm triệt để các khoản chi tiêu để trang trải cuộc sống, 32,5% NLĐ phải sử dụng tiền tiết kiệm của gia đình và cá nhân, gần 26% phải vay mượn người thân hoặc ngân hàng, còn lại phải vay lãi suất cao từ tín dụng đen và bán sổ bảo hiểm.

Để tiết kiệm, khoảng 50% NLĐ đã phải giảm ăn thịt, cá, trứng; gần 40% NLĐ phải ăn mì tôm nhiều hơn; khoảng 24% bị giảm bữa, gộp bữa… Đặc biệt, 17,7% NLĐ rơi vào tình trạng thiếu lương thực, thực phẩm.

Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động VN Nguyễn Đình Khang cho biết, năm 2020 và 2021, lương tối thiểu của NLĐ không tăng trong khi chỉ số giá tiêu dùng tăng dẫn đến thu nhập thực tế của NLĐ giảm khoảng 10% so với năm 2019.

Đó là một tình thế dồn ứ của nhiều khó khăn: NLĐ phải tiết kiệm triệt để các khoản chi tiêu, phải dùng đến khoản tiền tích lũy ít ỏi để đương đầu với những khó khăn, thiếu thốn của cuộc sống hàng ngày; chưa hết những lo lắng, bất an, sợ hãi trước nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh khi phải sống trong những khu nhà trọ chật chội, không đảm bảo điều kiện sống, an ninh, an toàn, phòng, chống dịch; lo lắng về việc học hành, chăm sóc con cái; lo lắng về nhiều khoản chi phí phát sinh như khám chữa bệnh, xét nghiệm, phòng dịch cho cá nhân, gia đình… 

Và như vậy, tăng lương tối thiểu vùng thậm chí còn chưa đủ. Ông Khang đề nghị Hội đồng Tiền lương quốc gia đề xuất Chính phủ có giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định giá cả các mặt hàng thiết yếu tác động trực tiếp đến NLĐ.

Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại VN, việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu thường xuyên sẽ tạo môi trường thuận lợi để doanh nghiệp lên kế hoạch và phát triển. Cơ quan này cảnh báo, nếu điều chỉnh tiền lương tối thiểu bị trì hoãn trong vài năm thì việc tăng mức lương tối thiểu một cách đột ngột và đáng kể có thể khiến doanh nghiệp khó khăn.

 Công ước về xác lập tiền lương tối thiểu số 131 của ILO nêu rõ: Hội đồng tiền lương quốc gia có thể xác lập các điều khoản để thay đổi cơ chế xác lập tiền lương tối thiểu với điều kiện tham vấn đầy đủ với các tổ chức đại diện NLĐ và người sử dụng lao động. 

Với tình hình hiện nay, ILO khuyến cáo việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu cần đảm bảo cân bằng và diễn ra với sự tham gia đầy đủ của các tổ chức đại diện của NLĐ và người sử dụng lao động. Trong đó, đối thoại là quan trọng nhất để giảm thiểu những hiểu nhầm và căng thẳng, từ đó củng cố quan hệ lao động hài hòa và ổn định xã hội. 

Đề xuất tăng lương tối thiểu từ 1-7-2022

Tổng liên đoàn Lao động VN đã đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1-7-2022 nhưng mức tăng cụ thể chưa được tiết lộ. Từ ngày 1-4-2022, Bộ LĐ-TB&XH bắt đầu khảo sát về lao động, tiền lương và mức sống của NLĐ tại 18 tỉnh thành như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Bắc Giang, Bắc Ninh… để có cơ sở cho việc điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng vào năm 2023.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận