Hội An: Sức ép giữa bảo tồn và phát triển

THÁI BÁ DŨNG 08/05/2018 18:05 GMT+7

TTCT - Gần đây, nhiều du khách khi tới TP Hội An (Quảng Nam) ít nhiều than phiền về chất lượng dịch vụ, giá cả bát nháo, tình trạng “chặt chém” gia tăng, sự ồn ào ở các khu phố cổ vốn tĩnh mịch... Chưa kể việc xây dựng các khối nhà bêtông lớn đã lấn át hình ảnh phố cổ.

Dự án Gami Hội An đang thi công gây nhiều lo ngại cho không gian, môi trường cảnh quan phố cổ. 
Ảnh: T.B.D.
Dự án Gami Hội An đang thi công gây nhiều lo ngại cho không gian, môi trường cảnh quan phố cổ. Ảnh: T.B.D.

Một trong những dự án gây nhiều bức xúc là dự án xây dựng công viên văn hóa chủ đề Ấn tượng Hội An đặt trên cồn Gami, áp sát phố cổ tại P.Cẩm Nam, TP Hội An. Dự án khởi nguồn từ năm 2004 với tên gọi ban đầu là “làng du lịch sinh thái Gami Hội An”. Theo ý tưởng của chủ đầu tư, cồn Gami sẽ được xây các homestay tầm thấp, công viên cảnh quan kết hợp các dịch vụ phục vụ du khách.

Nhưng sau khi được UBND tỉnh Quảng Nam chấp thuận chủ trương, chủ đầu tư liên tục gửi văn bản xin điều chỉnh dự án theo hướng nâng cốt nền đất trên vùng dự án, gia tăng mật độ các công trình xây dựng, đặc biệt đề xuất xây dựng các khối tòa nhà bêtông trên cồn nổi cao hơn giấy phép ban đầu.

Trong các văn bản phản biện ý định điều chỉnh dự án này, UBND TP Hội An lấy quy chế riêng của phố cổ ra để viện dẫn. Cụ thể, quy chế quản lý phố cổ quy định tất cả các công trình xây dựng trong khu vực này không được vượt quá chiều cao đã được ấn định, không xây dựng các hạng mục gây tác động tới cảnh quan chung.

Trước sự cương quyết của UBND TP Hội An, năm 2015 UBND tỉnh Quảng Nam đã thu hồi dự án làng du lịch sinh thái Gami, trả quỹ đất về cho Hội An quản lý. Nhưng năm 2016, dự án đã được cấp lại với tên gọi “công viên văn hóa chủ đề Ấn tượng Hội An”. Điều đáng lo, dự án được UBND tỉnh Quảng Nam cấp mới này có nhiều chỉ tiêu “thoáng” hơn giấy phép ban đầu, chủ đầu tư đã nâng cao cốt nền, xây dựng các khối nhà bêtông đồ sộ ngay trên cồn nổi làm choán không gian chung, đặc biệt có hạng mục xây cao tới 16,5m, vượt 3m so với quy chế riêng của TP Hội An.

Chuyện về dự án Gami là một trong những điển hình về sự mâu thuẫn, dùng dằng giữa ý chí của UBND tỉnh Quảng Nam với quy chế quản lý phố cổ của Hội An. Dự án công viên văn hóa chủ đề Ấn tượng Hội An đã vi phạm nhiều quy chế vốn được Hội An duy trì từ lâu, khiến chính quyền TP Hội An khá lúng túng để giải quyết sau khi có phản ứng của dư luận, báo chí.

Không chỉ dự án Gami, câu chuyện nhức nhối tại Hội An những năm gần đây là sự lúng túng trong việc cấp phép hoạt động các khách sạn, khu lưu trú và các homestay. Quy chế phố cổ có nhiều ràng buộc về đối tượng, chủ thể cũng như quy mô khi đầu tư các homestay như gia chủ phải là người Hội An, các homestay phải tuân thủ các quy định như có trách nhiệm hướng dẫn du khách tìm hiểu văn hóa đời sống người dân bản địa...

Tuy nhiên, có quá nhiều chủ đầu tư homestay là người từ các tỉnh khác đến, họ lách luật bằng cách đăng ký hộ khẩu thường trú và làm công dân của Hội An để rồi hoàn thiện các hồ sơ thủ tục mở các homestay. Ông Nguyễn Văn Sơn, phó chủ tịch UBND TP Hội An, cho biết cơ quan quản lý nhà nước rất đau đầu về vấn đề này.

Không ít các chủ nhà hàng, cơ sở kinh doanh dù không phải là người Hội An nhưng đã “lách” quy chế riêng để đứng tên sở hữu các cơ sở lưu trú. Điều này ít nhiều làm hình ảnh của đời sống, không gian Hội An bị ảnh hưởng, du khách tỏ ra thất vọng khi tới lưu trú các homestay theo kiểu hướng đến mục đích kinh doanh thu lợi nhuận hơn là cơ hội trải nghiệm đời sống Hội An.

Nhiều du khách và người dân sống lâu đời tại Hội An than phiền rằng Hội An giờ đây đang bộc lộ quá nhiều vấn đề nằm vượt ngoài tầm quản lý của chính quyền, thậm chí nhiều vấn đề chính quyền phải thừa nhận “lực bất tòng tâm”.

Đó là tình trạng “chặt chém” khách du lịch, quán bar được cấp phép tràn lan, phổ biến ở các tuyến phố đi bộ tại vùng lõi phố cổ như Nguyễn Phúc Chu, Nguyễn Thái Học..., trở thành các tụ điểm ăn chơi huyên náo về đêm. Nhìn nhận lại thực trạng này, lãnh đạo UBND TP Hội An cho rằng lý do lớn nhất đó là lượng du khách đã gia tăng gấp 2-3 lần so với trước đây, còn bộ máy quản lý vẫn không thay đổi về quy mô, số lượng con người. Trong khi những công cụ pháp lý mang tính chất riêng biệt đang tỏ ra kém hiệu quả thì sức ép này lại càng lớn khiến chính quyền hết sức loay hoay.

“Tôi cam kết rằng tất cả lãnh đạo TP Hội An đều yêu mến TP, muốn làm những gì tốt đẹp nhất cho TP này để phố cổ trọn vẹn hình ảnh trong lòng du khách nhưng hiện nay có nhiều thứ rất khó. Chúng tôi lắm lúc cũng đuối bởi không thể đi giải quyết từng sự vụ mà cần một sự điều chỉnh lớn hơn ở tầm cao, đó là cơ chế đặc thù, quy chế đặc thù.

Dù Hội An là TP nhưng thực chất bộ máy điều hành công việc hiện nay chỉ khoảng 100 cán bộ thuộc các phòng ban, bộ máy hành chính ngang cấp huyện trong khi khối lượng công việc quá lớn. Chúng tôi rất cần một “cây gậy” có sức mạnh pháp lý lớn hơn, từ đó mới hi vọng điều chỉnh lại được toàn bộ để đưa phố cổ đi vào một quy củ mới” - ông Nguyễn Văn Sơn nói.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận