Khi ý dân không phải ý trời

HỮU NGHỊ 30/11/2019 23:11 GMT+7

TTCT - Cuối cùng thì người dân Hong Kong cũng đã có thể khẳng định chọn lựa của họ. Cuộc bầu cử các hội đồng quận còn là dịp để nhà cầm quyền địa phương và trung ương có cơ hội nhìn lại đâu là thách thức thực sự.

Cử tri Hong Kong xếp hàng chờ tới lượt bỏ phiếu. -Ảnh: npr.org
Cử tri Hong Kong xếp hàng chờ tới lượt bỏ phiếu. -Ảnh: npr.org

Báo chí nhà nước cả trung ương lẫn địa phương đã có những cái nhìn khác nhau về tình hình mới này. Cổ truyền nhất có lẽ là Đài phát thanh quốc tế Trung Quốc CRI với mẩu tin phát đi ngày 25-11 tựa đề “Kết thúc cuộc bầu cử Hội đồng quận khóa 6 Đặc khu Hong Kong”. 

Mẩu tin dẫn nguồn chính thống: “Theo Tân Hoa xã, cuộc bầu cử Hội đồng quận khóa 6 của Đặc khu hành chính Hong Kong đã diễn ra ngày 24-11, đến trưa 25-11 hoàn thành công việc kiểm phiếu. Theo Ủy ban Quản lý bầu cử tuyên bố, toàn bộ 452 đại biểu của 18 quận đã sản sinh” - trích nguyên văn.

Ý dân

Vậy là tiếng nói của đám đông quần chúng đã rõ. Cũng bản tin trên: “Hội đồng quận là tổ chức khu vực cơ sở của Hong Kong, cung cấp ý kiến về công việc bình thường trong đời sống người dân cho chính quyền đặc khu và tham gia công việc quản lý khu vực. Cuộc bầu cử Hội đồng quận khóa này là cuộc bầu cử phổ thông đầu phiếu đầu tiên tại khu vực Hong Kong kể từ việc sửa đổi Điều lệ dẫn độ đến nay. 

Trong hơn 5 tháng qua, các phần tử bạo lực gây rối loạn Hong Kong câu kết với thế lực bên ngoài, không ngừng gây sự và leo thang hoạt động bạo lực, khiến bầu không khí xã hội và chính trị Hong Kong đối lập, tình cảm xã hội bị xé rách, sự phát triển của kinh tế và dân sinh bị tác động nghiêm trọng”.

Cũng trong ngày 25-11, CRI đưa tiếp một bản tin bình luận tựa đề “Mỹ nhúng tay vào công việc Hong Kong đã chà đạp nghiêm trọng luật pháp quốc tế”, nêu rõ kẻ “chủ mưu”: “Theo Tân Hoa xã, mới đây, Quốc hội Mỹ bất chấp sự phản đối mạnh mẽ nhiều lần của Chính phủ Trung Quốc, thông qua cái gọi là “Dự luật nhân quyền và dân chủ Hong Kong năm 2019””.

Sau khi trích dẫn “Tuyên bố về những nguyên tắc của luật pháp quốc tế” mà Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc năm 1970 đã thông qua, theo đó, “Bất cứ nước nào hoặc nhóm nước nào đều không có quyền can thiệp trực tiếp hoặc gián tiếp vào công việc đối nội và đối ngoại của quốc gia khác với bất kỳ lý do nào”, CRI khẳng định: “Công việc Hong Kong hoàn toàn là công việc nội bộ của Trung Quốc, không cho phép bất cứ thế lực bên ngoài nào can thiệp. Quốc hội Mỹ hoàn toàn không có bất cứ tư cách gì nói này nói nọ về công việc Hong Kong”.

Song, nếu đối chiếu với một số báo trung ương khác, rõ ràng CRI chưa đồng bộ trong nhận định tình hình. Đáng để ý là Hoàn Cầu Thời Báo (Global Times), với bản tin cũng ngày 25-11 chạy tít: “Cử tri Hong Kong đổ xô đến các thùng phiếu” ký tên bốn phóng viên đang có mặt tại thực địa, một sự huy động sức người xứng tầm sự kiện, khác với CRI thận trọng “theo Tân Hoa xã”.

Tờ Hoàn Cầu tường thuật: “Một số lượng kỷ lục cư dân Hong Kong đã đổ về các điểm bỏ phiếu vào chủ nhật để bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử hội đồng quận, khi mà nhiều người được khuyến khích đi bầu trong năm nay sau nhiều tháng biểu tình phản đối biến thành bạo loạn… Khoảng 4 triệu cử tri đã đăng ký, mức cao kỷ lục, dự kiến sẽ bỏ phiếu. Với nhiệt tình cao độ, khoảng nửa giờ trước khi các cuộc bỏ phiếu được mở tại quận To Kwa Wan, cư dân địa phương đã xếp hàng trước điểm bỏ phiếu… 

Tính đến 1h30 chiều, số phiếu bầu đã vượt 1,5 triệu, với tỉ lệ bỏ phiếu là 37%. Con số này đã vượt qua con số trong cuộc bầu cử hội đồng quận trước đó vào năm 2015, theo tường trình của các phương tiện truyền thông địa phương. Đến 9h30 tối, tỉ lệ bỏ phiếu đã đạt 69,04%, cao hơn so với tỉ lệ chung trong năm 2015”.

Về kết quả, Hoàn Cầu cho biết phía thân dân chủ giành được 388 ghế so với 63 của phe “thân chính”, và giành quyền kiểm soát 17/18 hội đồng quận của thành phố. Tờ báo còn đăng một nhận xét thẳng thắn: “Trong khi bên thân dân chủ giành được một chiến thắng lớn trong cuộc bầu cử hội đồng quận Hong Kong năm 2019 hôm chủ nhật, nhóm thân chính và chính quyền Đặc khu hành chính Hong Kong kêu gọi tự nhìn lại bản thân, xem xét kỹ lưỡng các vấn đề xã hội sâu xa, song vẫn cho rằng cuộc bầu cử đã “vướng vào cảm xúc”, và cảm xúc đã bị chính trị hóa cao độ trong bối cảnh bất ổn xã hội đang diễn ra”.

Ý dân là ý trời. Ảnh: elmontonero.pe
Ý dân là ý trời. Ảnh: elmontonero.pe

Sự lắng nghe cần thiết

Hai vế của nhận xét trên rất đáng lưu ý. Trước hết, sau thất bại nặng nề này, phe thân chính hơn bao giờ hết phải tự nhìn lại sâu sắc, tự phê để xem đâu là nguyên nhân của các vấn đề xã hội sâu xa. Đây cũng là thái độ của Đặc khu trưởng Hong Kong Carrie Lam.

Hôm thứ hai, bà tuyên bố chính quyền đặc khu tôn trọng kết quả bầu cử, vốn phản ánh sự không hài lòng của dân chúng với các vấn đề xã hội đã mọc rễ sâu. Bà cũng ngỏ ý rằng chính quyền sẽ lắng nghe ý kiến người dân.

Nếu quả thật ý bà là vậy thì chính quyền Hong Kong cần tự xét lại mình: Đã bao nhiêu lần họ nói “lắng nghe” song thực sự nghe thấy gì từ người dân chưa? Nếu có, thì lắng nghe được cỡ mấy phần? Và nếu chưa, thì bao giờ sẽ lắng nghe?

Cũng có những diễn giải về việc đừng đánh giá quá mức kết quả bầu cử này. Tuy nhiên, những con tính như phe thân chính tuy chỉ giành được chưa đầy 20% số ghế song vẫn có đến 40% số phiếu bầu, còn phe kia giành 80% số ghế tuy chỉ có 60% số phiếu bầu, như lời ông Tang Fei thuộc Hội Nghiên cứu Hong Kong và Macau mà Hoàn Cầu trích đăng, bất quá chỉ là chút dầu cù là xoa vết thương, chớ không giải quyết được các vấn đề xã hội sâu xa nay đã được thừa nhận, mà lời giải nằm ở chỗ lắng nghe người dân thực sự.

Tất nhiên, các cuộc biểu tình phản đối và cuộc bầu cử đều bị tác động bởi cảm xúc, song vẫn là sự thể hiện nguyện vọng quần chúng, theo những cách khác nhau. Nếu chính quyền đã xác quyết những quyết định có sẵn thì đâu gọi là lắng nghe.

Trong bối cảnh đó, bài trong mục Ý kiến của tờ Bưu Điện Hoa Nam (SCMP) đăng ngày 26-11 của Christine Loh, phó giáo sư Đại học Khoa học và kỹ thuật Hong Kong, có vẻ như đặt đề bài cho cả hai phía. Đầu tiên về phía dân Hong Kong: “Người Hong Kong đã giành được cơ hội để mang lại sự thay đổi cho hệ thống chính trị bị rối loạn chức năng của thành phố. Tiếp theo, họ phải đối phó với nỗi sợ hãi hệ thống đại lục thông qua các biện pháp phi bạo lực, như các cuộc thảo luận về “một quốc gia, hai chế độ”. Giành chiến thắng trong một cuộc bầu cử trên làn sóng tình cảm chống chính phủ nói chung là dễ dàng. Làm được việc mới thực sự là khó”.

Tác giả cảnh báo: “Không ai nên cho rằng kết quả này biện minh cho các cuộc biểu tình bạo lực những tháng qua hoặc là sự hậu thuẫn cho việc tiếp tục phá hoại và gây chia rẽ. Bạo lực sẽ không giúp Hong Kong có được những gì mình muốn và có thể làm mất đi cơ hội mang lại sự thay đổi mà tất cả mọi người muốn”.

Quả là đang có những thôi thúc “thừa thắng xông lên” khiến cả hai bên xa rời kim chỉ nam cho một Hong Kong ổn định và bền vững: “Một quốc gia, hai chế độ”. Bên nào cũng đang muốn bạo lực tới cùng, muốn áp đặt ý chí của mình, điều nhiều khả năng sẽ đi tới sự chấm dứt vĩnh viễn của “một quốc gia, hai chế độ”, thay vì nghĩ đến một sự thỏa hiệp đâu đó giữa đường, trong hành trình đi tới.

Có thể làm gì để củng cố “hai chế độ”? Tác giả đề xuất với phe đối lập: “Do lẽ các nhà dân chủ nói rằng họ không phải là những người ủng hộ độc lập, họ nên có chiến lược về cách thức để đạt được cải cách bầu cử ở Hong Kong hòng dẫn đến các chính sách địa phương tốt hơn”.

Sau đó, bài báo khuyến cáo chính quyền: “Thay vì ngồi yên, chính quyền Hong Kong nên suy nghĩ về cách thiết kế và tiến hành đối thoại với người dân Hong Kong về cách họ nhìn nhận “một quốc gia, hai chế độ” như một phần của cải cách bầu cử mà họ mong muốn. 

Cần hình dung ra cuộc đối thoại mở, rộng khắp Hong Kong để thảo luận về thực tế là Bắc Kinh thì muốn nhấn mạnh “một quốc gia”, còn người Hong Kong thì mong bảo vệ “hai chế độ” của mình. Chính quyền Hong Kong và Bắc Kinh nên tìm kiếm một cách tiếp cận mới để thảo luận về vấn đề này”.

Do thừa hiểu hệ thống bầu cử hội đồng thành phố như hiện nay là ngả về chính phủ trung ương, tác giả thẳng thắn nhận xét: “Rốt cuộc, cơ cấu bầu cử hiện tại, được tạo ra sau năm 1997, chưa bao giờ thực sự hiệu quả. Phe thân chính bị mạt sát là “tay sai của Bắc Kinh”, trong khi phe dân chủ biến thành “kẻ phá hoại”. Các cơ quan lập pháp trở nên rối loạn. Các chính trị gia Hong Kong không nên cảm thấy rằng việc đứng lên vì “hai chế độ” đòi hỏi họ phải khước từ “một quốc gia””.

Sự bất mãn đầu tiên của dân chúng, rốt cuộc, không phải vì luật dẫn độ, mà là vì cách thức đề xướng, soạn thảo và thông qua (bất thành) luật đó. Một kiểu lập pháp hoàn toàn khác - từ cơ cấu, tổ chức, nhân sự, tới tư duy, trình tự, thủ tục - so với những gì Hong Kong đã quen thuộc.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận