Khủng bố ở Istanbul: Thủ phạm và động cơ?

DANH ĐỨC 05/07/2016 05:07 GMT+7

TTCT - Thêm một vụ tấn công khủng bố liên hoàn đẫm máu nữa vừa làm rung chuyển Istanbul - thành phố lớn nhất Thổ Nhĩ Kỳ - trong bối cảnh tình hình khu vực và cuộc chiến chống lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đang lâm vào bế tắc.

IS không thể là kẻ tình nghi duy nhất của vụ tấn công Istanbul, một “ngã tư quốc tế” giữa hai bờ Á - Âu


36 người thiệt mạng, 147 người bị thương trong ba vụ khủng bố đồng loạt ở sân bay quốc tế Atatürk ngày 28-6. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yıldırım cho rằng “các dấu hiệu đầu tiên cho thấy IS đứng đằng sau vụ xả súng AK rồi giựt chốt nổ bom tự sát máu lạnh này”.

Tuy nhiên, tấn công có xếp đặt, liên hoàn và mang màu sắc “thánh chiến Hồi giáo” kiểu này e rằng không chỉ là “độc quyền” của IS.

Tính bài bản của vụ tấn công, ở cổng vào nhà ga quốc tế, quốc nội và bãi đậu xe, cũng cho thấy đây lại là một hành động khủng bố được lên kế hoạch trước, rất có tổ chức, tuy không gây tiếng vang lớn như vụ ở Paris, song cũng sánh ngang vụ ở Brussels hôm 22-3 khiến 33 người chết, 340 người bị thương, được cho là do IS chủ mưu.

Nếu đúng IS đã ra tay trong vụ tấn công mới nhất, có vẻ như tổ chức này đã và đang có thể “làm luật” ở Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt là ở các thủ phủ Istanbul và Ankara. Tháng 10-2015, vụ nổ ở nhà ga trung tâm thủ đô Ankara khiến 103 người chết, hơn 500 người bị thương.

Tháng 12 sau đó, sân bay Sabiha Gökçen ở Istanbul thậm chí còn bị tấn công bằng súng cối. Ngày 20-3 vừa rồi, bom nổ trên phố đi bộ Istiklal đông nườm nượp ở Istanbul khiến 3 người Israel và 1 người Iran thiệt mạng. Tất cả đều được quy cho IS.

Các vụ tấn công khủng bố trên thật ra chỉ là một vế của cuộc chiến giữa Thổ Nhĩ Kỳ và IS. Trang trt.net ngày 10-5 thống kê là tính đến thời điểm đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giam 463 phần tử IS trong lãnh thổ nước này, tiêu diệt 1.172 phần tử khác tại Syria và Iraq.

Chỉ trong bốn tháng đầu năm 2016, 863 kẻ tình nghi đã bị tạm giam, 199 trong số này sau đó bị kết án. Tới ngày 5-5-2016, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã tổ chức 2.144 cuộc tấn công vào các vị trí của IS tại Syria, tiêu diệt 807 tay súng IS. Ở Iraq, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã tiêu diệt 365 phần tử IS.

Các thông tin trên được Thông tấn xã Anadolu loan đi và được TRT đăng lại, nhằm đi đến kết luận: “Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên tích cực của liên quân quốc tế chống IS gồm 62 nước do Mỹ đứng đầu”.

Gần như mỗi ngày, báo chí Thổ Nhĩ Kỳ đều có tin về chiến sự và các chiến công của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ trước IS, bao gồm cả ngày 28-6 đau buồn ở Istanbul. “Ít nhất 19 phần tử ISIL (tức IS) bị tiêu diệt trong các cuộc không kích của Thổ Nhĩ Kỳ và liên quân”, một tờ báo Thổ Nhĩ Kỳ loan tin sáng hôm đó.

Nhưng câu hỏi đặt ra là nếu quả thật Thổ Nhĩ Kỳ chống IS quyết liệt như thế để đến nỗi bị trả đũa một cách tàn bạo nhắm vào thường dân, thì tại sao vẫn có dư luận nhất mực cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ dung túng, thậm chí “làm ăn” với IS?

Có hai câu trả lời khả dĩ: (1) hoặc “chống IS”, đặc biệt là ở hang ổ Syria của tổ chức này chỉ là bức bình phong cho ý định can thiệp vào nội tình Syria; (2) hoặc ngược lại, dư luận kia không đúng, chỉ là để “gây nhiễu”, nhằm che đậy một sự can thiệp khác cũng vào Syria.

Vụ tấn công khủng bố ở sân bay Istanbul nổ ra đúng vào ngày Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ hồ hởi loan báo “bình thường hóa quan hệ với Nga đã bắt đầu”. Ankara cho biết sẽ xem xét bồi thường cho gia đình phi công Nga nếu nhận được yêu cầu.

Trước đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã gửi thư “xin lỗi” Tổng thống Nga Vladimir Putin nhân quốc khánh Nga. Tuy nhiên, về phía Nga có vẻ thông điệp “bình thường hóa” chưa được chấp nhận hoàn toàn. Cũng trong ngày 28-6, Đài RT đăng một xã luận trên trang web của họ với tiêu đề: “Đã quá trễ để Erdogan sửa chữa chính sách tai hại”.

Thổ Nhĩ Kỳ có vẻ đang “gây thù chuốc oán” hơi nhiều, đó là còn chưa kể 15 triệu người Kurd đang đòi tự trị và ly khai ở vùng giáp ranh Thổ Nhĩ Kỳ - Iraq - Syria, với cuộc chiến chống Ankara kéo dài suốt từ năm 1984 khiến 40.000 người thiệt mạng. Thành ra, IS không thể là kẻ tình nghi duy nhất của vụ tấn công Istanbul, một “ngã tư quốc tế” giữa hai bờ Á - Âu!■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận