Khủng hoảng chi phí sinh hoạt: San sẻ từ chiếc bánh chung

HỒ QUỐC TUẤN 01/04/2022 17:00 GMT+7

TTCT - “Khủng hoảng chi phí sinh hoạt” (cost of living crisis) đã trở thành một thuật ngữ quen thuộc với hầu như mỗi người nào đọc báo hay xem truyền hình, thậm chí là… chơi game ở Anh.

Tôi ngạc nhiên, buồn cười và có chút chua chát khi mà giữa lúc đang xem một đoạn video hướng dẫn chơi game trên YouTube, tôi bị người hướng dẫn xin một phút để quảng cáo cho một thiết bị chơi game mới và anh nhấn mạnh là thiết bị này rất đáng tiền và tiết kiệm trong bối cảnh khủng hoảng chi phí sinh hoạt. 

Ngay cả giới chơi game có thể coi là khá ít quan tâm tới thời cuộc mà cũng tranh thủ dùng từ khóa “thời thượng” như vậy. 

 
 Ảnh: The Atlantic

Giá xăng dầu tăng cao, giờ cả bánh mì, cá cũng tăng giá hơn 10%. Người bình thường họ chỉ chú ý vậy thôi. Còn giới đầu tư thì hiểu là nhiều thứ từ thép, nhôm cho đến phân bón đều tăng giá. Mà những đầu vào đó tăng giá thì sẽ rất nhiều thứ buộc phải tăng theo. 

Theo ước tính của một số tổ chức nghiên cứu ở Anh, chi phí sống của người nghèo dự kiến tăng khoảng 10% trong năm nay, cao hơn gần gấp đôi so với lạm phát chung, ước tính trong khoảng 5-6%. 

Lạm phát là một thứ thuế đánh vào người nghèo nặng hơn người giàu, cho nên ước tính này là không có gì đáng ngạc nhiên.

Và vì lạm phát tăng nhanh, sức mua thực trong nền kinh tế giảm đi. Chẳng hạn, tiền lương bình quân sau khi điều chỉnh cho lạm phát ở Anh giảm với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 2014, mặc dù mức thất nghiệp thấp kỷ lục và tiền lương danh nghĩa tăng cũng khá nhanh. 

Điều này chẳng là gì đáng kể với một người thu nhập cao nhưng sẽ là một cuộc khủng hoảng thật sự với người thu nhập thấp, và chính sách cần giải quyết điều đó.

Một điều thú vị là song song với tình trạng lạm phát cao thì tình hình ngân sách của nhiều nước đều được cải thiện. Với nhiều người, đây là một điều khó hiểu. 

Một người bạn của tôi ở Việt Nam tỏ vẻ bực mình nói là vì sao lạm phát tăng cao như vậy, đời sống dân khó khăn mà báo lại đăng “ngân sách tăng khá” theo thông tin từ Tổng cục Thuế.

Thực tế thì không có gì lạ, vì kinh tế hồi phục, các chỉ số tăng trưởng kinh tế toàn cầu vẫn trong trạng thái khả quan, đã làm cho hoạt động kinh tế diễn ra suôn sẻ hơn và thuế thu được nhiều hơn. 

Và chính bản thân việc lạm phát đẩy giá cả tăng thì cũng giúp một số loại thuế đánh dựa trên giá bán, doanh thu hay giá trị giao dịch đều tăng.

Không chỉ Việt Nam mà ngân sách của Anh cũng “tăng khá” nhờ những yếu tố như vậy. Cụ thể là theo một số tổ chức nghiên cứu ước tính thì ngân sách của Anh sẽ thâm hụt thấp hơn dự kiến gần 30 tỉ bảng. 

Quan trọng là lúc này không nên lấy đó làm thành tích, mà nên nghĩ cách sử dụng cái “khá” lên của ngân sách để bù đắp cho khó khăn của người dân, nhất là người thu nhập thấp - bộ phận bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi lạm phát tăng cao.

Những bước đi ban đầu là Bộ Tài chính sẽ hỗ trợ giúp giảm tiền điện, ga phải trả trong giai đoạn tháng 10-2021 đến tháng 3-2022 cho khoảng 2 triệu hộ gia đình ở Anh, chủ yếu là người về hưu và người thu nhập thấp.

Tuy nhiên, trước bối cảnh từ tháng 4 trở đi thì giá cả vẫn tăng tiếp, chính phủ của ông Boris Jonhson dự kiến phải chi tiêu thêm để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. 

Mặc dù bộ trưởng Tài chính Anh đã từng bày tỏ quan điểm không muốn chi quá mạnh tay nữa, gần đây ông cũng thừa nhận cần phải có một số biện pháp trong khả năng để giúp đỡ người dân vượt qua cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt này.

Theo các nhà phân tích, những lựa chọn của ông kể từ tháng 4 sắp tới có thể bao gồm đẩy mức tăng phúc lợi cho người nghèo cao hơn mức 3,1% dự kiến, cắt giảm thuế VAT, giảm thuế nhà phải nộp hằng năm cho chính quyền địa phương, hoặc tăng mức khởi điểm cần đóng bảo hiểm xã hội lên đáng kể, và trì hoãn kế hoạch tăng mức đóng bảo hiểm xã hội lên thêm 1,25%. 

Nhiều nghị sĩ ở hai chính đảng lớn của Anh đều tạo áp lực phải thực hiện phần lớn các giải pháp này.

Việt Nam có thể tham khảo những chính sách ở trên. Ngân sách hưởng lợi từ kinh tế khôi phục và phần nào từ chính lạm phát thì nên lấy nguồn thu tăng lên đó mà thực hiện một số chính sách hỗ trợ, giảm thuế và giảm chi phí năng lượng cho người dân, nhất là người thu nhập thấp. 

Hơn nữa, cũng nên xem xét lấy nguồn thu từ những tập đoàn xăng dầu của Nhà nước xưa nay được hỗ trợ nhiều về cơ chế mà hỗ trợ thêm cho dân. 

Cho đến nay, người ta vẫn chưa biết các dự án xăng dầu của các tập đoàn này đã đầu tư ở trong hay ngoài nước mang lại lợi ích gì, chỉ thấy có số công bố lỗ mấy nghìn tỉ của nhà máy lọc dầu hàng đầu cả nước. Vì sao càng lọc càng lỗ mà vẫn để đó, để rồi đến giờ cũng không đóng góp gì được để giảm giá xăng dầu?

Bài toán cân đo, đong, đếm, lựa chọn hỗ trợ người dân giữa thời buổi lạm phát mà vẫn phải đảm bảo được mục tiêu ngân sách luôn là khó khăn. Như kể ở trên thì Bộ Tài chính Anh và các nghị sĩ hai chính đảng lớn cũng đang mỗi ngày lên báo cãi nhau. 

Vấn đề cốt lõi là cần đạt được sự hài hòa lợi ích nhất định, vì suy cho cùng thuế muốn đánh được lâu dài thì phải nuôi dưỡng nguồn thu, không thể vắt kiệt sức dân giữa thời giá cả tăng mạnh này được. 

Lãnh đạo các bộ ngành liên quan và những chính trị gia nói chung cũng đều thuộc giai tầng không phải quá lo tới chi phí sinh hoạt hằng ngày, nhưng người dân nghèo thì họ đang ở bờ vực của một cuộc khủng hoảng và cần được giúp ngay. Những người đang làm trách nhiệm chia bánh ngân sách cần nhớ điều đó.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận