Kiểm định độc lập: Những viên gạch nền hữu dụng

HẢI MINH 13/08/2013 03:08 GMT+7

TTCT - Sự tham gia của các tổ chức xã hội về khảo sát và công bố kết quả khảo sát, thử nghiệm chất lượng hàng hóa, dịch vụ được thực tế ở nhiều quốc gia cho thấy tính hiệu quả và công bằng của hoạt động kiểm định độc lập.

Những tranh cãi và hậu quả tai hại của các sản phẩm kém chất lượng nguy hiểm cho người tiêu dùng được ngăn chặn từ gốc rễ, thay vì để mọi chuyện vỡ lở rồi mới tìm cách giải quyết.

Phóng to
Những yêu cầu kiểm định độc lập an toàn và chất lượng được đặt ra rất nghiêm khắc, nhất là đối với thực phẩm và đồ chơi trẻ em - Ảnh: brandid.com

Bạn muốn biết một món nữ trang có phải là đồ thật? Giá trị một bất động sản là bao nhiêu? Xếp hạng các trường đại học ở trong nước và quốc tế? Một bức tranh có thật sự là của một họa sĩ nổi tiếng hay chỉ là bản sao chép? Loại văcxin đang được sử dụng hiện giờ có an toàn không? Loại thực phẩm bạn ăn hằng ngày có bị nhiễm độc? Chứng khoán của một công ty có đáng để đầu tư từ báo cáo kiểm toán của họ?...

Gần như mọi hoạt động trong đời sống kinh tế - xã hội đều cần tới các tổ chức kiểm định độc lập, tiếc thay vai trò của họ vẫn rất mờ nhạt ở Việt Nam.

Vừa độc lập vừa bắt buộc

Một tổ chức kiểm định độc lập hay kiểm định của bên thứ ba là đơn vị đứng ra tổ chức các kiểm tra đối chiếu với các sản phẩm, thiết bị, vật liệu, phần mềm... theo những yêu cầu được nhất trí trước. Tính độc lập của tổ chức không nhất thiết là phản ánh cơ quan chủ quản hay hình thức hoạt động, chỉ đơn giản là tổ chức kiểm định không có các lợi ích liên quan tới kết quả kiểm định sau cùng để đảm bảo có thể đưa ra những kết quả công bằng và khách quan.

Từ đánh giá tín nhiệm tín dụng của các quốc gia, xếp hạng các trang web, các trường đại học, định giá công ty, thực hiện kiểm toán, các phòng thí nghiệm đánh giá chất lượng vật liệu xây dựng cho tới xem xét một món cổ vật có phải là thật hay không, tất cả đều là hoạt động kiểm định độc lập. Tuy nhiên, trong khi có những kiểm định theo yêu cầu thì một số kiểm định độc lập khác là bắt buộc.

Chẳng hạn, luật liên bang Mỹ quy định mọi sản phẩm dành cho trẻ em, đồ chơi, đồ ăn hay quần áo... đều phải được một bên thứ ba kiểm định độc lập. Cụ thể, bên thứ ba này là hàng loạt phòng thí nghiệm đặt ở những công ty, trường đại học, cơ quan nhà nước... khắp nước Mỹ đã được sự chứng nhận của Ủy ban Bảo vệ người tiêu dùng Hoa Kỳ (CPSC).

Có thể nói các cơ quan kiểm định độc lập là những viên gạch nền tảng không thể thiếu của một hệ thống xã hội dân chủ đầy đủ. Đó là một thể chế ràng buộc lẫn nhau hết sức tinh vi và phức tạp. Hãy lấy CPSC, một trong những tổ chức có chức năng kiểm định lớn và quan trọng nhất của nền kinh tế Mỹ, làm ví dụ. CPSC không chỉ độc lập trong kiểm định mà còn độc lập về tổ chức. Cơ quan này được thành lập năm 1972 theo đạo luật sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng, báo cáo trực tiếp với tổng thống và Quốc hội Hoa Kỳ chứ không thuộc bất cứ bộ, ban, ngành nào của chính quyền liên bang.

Sự ràng buộc là rất chặt chẽ: CPSC phải chịu trách nhiệm trước hết về danh tiếng của họ như một tổ chức đáng tin cậy của người tiêu dùng Mỹ từ cây kim sợi chỉ cho tới những món hàng đắt tiền nhất (theo trang chủ của CPSC, những vụ tử vong, thương tật và hủy hoại tài sản liên quan tới các sự cố sản phẩm tiêu dùng khiến nước Mỹ mỗi năm mất 1.000 tỉ USD).

Sau đó, các quan chức CPSC phải chịu trách nhiệm trước sếp của họ, quốc hội và tổng thống. Quốc hội và tổng thống phải chịu trách nhiệm trước những cử tri bầu ra họ, để đảm bảo CPSC hoạt động đúng chức năng và làm hết trách nhiệm. Ngân sách hoạt động của CPSC năm 2014 (dự kiến) là 136,4 triệu USD.

Chẳng hạn, với các sản phẩm dành cho trẻ em đã và sắp tung ra thị trường, luật Mỹ quy định rõ ràng về yêu cầu kiểm định độc lập an toàn và chất lượng, được thực hiện qua các phòng thí nghiệm có chứng nhận của CPSC. Có tất cả bốn yêu cầu kiểm định: kiểm định ban đầu, kiểm định từng phần, kiểm định thay đổi vật liệu (nếu nhà sản xuất quyết định thay đổi vật liệu) và kiểm định định kỳ.

Sự chặt chẽ này bảo đảm để sót tối thiểu những sản phẩm gây nguy hại sức khỏe trẻ em xuất hiện trên thị trường, tức là phòng vệ từ xa, thay vì phát hiện và trừng phạt các nhà sản xuất nhưng vẫn không thể thay đổi những thiệt hại mà các sản phẩm đã gây ra.

Những tranh cãi và hậu quả tai hại của các sản phẩm kém chất lượng nguy hiểm cho người tiêu dùng nhờ đó được ngăn chặn từ gốc rễ, thay vì để mọi chuyện vỡ lở rồi mới tìm cách giải quyết.

Phóng to
Một khuyến cáo của CPSC về sử dụng sản phẩm đồ chơi trong bồn tắm cho trẻ em - Ảnh: wikimedia.org

Chấp nhận từ đầu

Một tổ chức kiểm định độc lập có thể hợp tác với chính quyền hoặc các trường đại học, hay một phòng thí nghiệm, viện nghiên cứu độc lập. Họ độc lập vì không dính líu tới quyền lợi của nhà sản xuất hay người tiêu dùng các sản phẩm được đưa ra kiểm định, không thiên lệch do lợi ích thương mại, hoặc ít ra cũng phải cho thấy là mình như thế.

Kiểm định độc lập giúp xác minh những yêu cầu về các đặc tính, sự tuân thủ pháp luật, phẩm chất theo quy định... của hàng hóa, dịch vụ; hoặc để so sánh các hàng hóa, dịch vụ (mà bảng xếp hạng các trường đại học là một ví dụ); hoặc để đảm bảo hàng hóa, dịch vụ đáp ứng được các tiêu chuẩn khoa học, kỹ thuật...

Tất cả quá trình diễn ra với sự chấp nhận từ đầu của các bên liên quan.

Ai nên đo đếm điện?

Một trong những tranh luận mới nhất liên quan vấn đề kiểm định độc lập hay không là từ tình trạng tiền điện tăng ở nhiều nơi sau khi chuyển sang dùng điện kế điện tử (ĐKĐT). Bị trả thêm rất nhiều tiền điện không làm người tiêu dùng bức xúc bằng thực tế kiểm định ĐKĐT để có kết luận rõ ràng. Bởi từ lắp điện kế, tháo điện kế đi kiểm định, chọn đơn vị kiểm định... đều do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) độc diễn.

Theo viện sĩ, giáo sư Trần Đình Long - phó chủ tịch Hội Điện lực VN, tại nhiều nước, vấn đề liên quan đến điện kế do cơ quan điều tiết điện lực quản lý.

“Hiện nay do EVN có sẵn bộ máy nên ta giao cho họ làm và chi phí cho bộ máy này tính cả vào tiền bán điện. Nhưng trước mắt, trong bối cảnh thị trường điện đang phát triển ở VN hiện nay, có thể tách bộ phận đo lường ra, vẫn trong ngành điện nhưng phải độc lập với đơn vị bán điện, như kiểu mô hình Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia. Nó nên là đơn vị đo lường riêng, không có lợi ích chung giữa đo đếm và mua bán” - ông Long đề xuất.

Ông Đặng Huy Cường, cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương), cũng cho biết: “Sẽ cân nhắc việc thành lập cơ quan độc lập đo đếm điện”. Đối với đề xuất “tách bộ phận đo lường, chất lượng ra khỏi EVN, sang Sở Công thương hoặc ít nhất là thành lập đơn vị độc lập trong EVN” của Hội Điện lực, ông Cường cho rằng cơ quan quản lý nhà nước không nên làm việc đo đếm điện. Chỉ khi các bên có khiếu nại thì mới đứng ra giải quyết, hoặc đi kiểm tra, giám sát.

“Hiện tại, theo tôi, việc tách hay không tách đơn vị đo đếm ra khỏi EVN chưa quan trọng bằng việc có làm đúng quy định của pháp luật về đo lường không. Khi họ làm đúng rồi thì tại sao chúng ta phải thay đổi? Nên đề xuất trên chúng tôi cần phải xem xét kỹ”.

Đó là quyền đương nhiên

Trao đổi với TTCT về tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng như thế nào, ông Ngô Bách Phong - chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng TP.HCM - nhấn mạnh quyền “độc lập khảo sát, thử nghiệm; công bố kết quả khảo sát, thử nghiệm chất lượng hàng hóa, dịch vụ do mình thực hiện; thông tin, cảnh báo cho người tiêu dùng về hàng hóa, dịch vụ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thông tin, cảnh báo của mình; kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng” đã được ghi rõ trong Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (điểm d, khoản 1, điều 28).

“Tôi cho rằng không chỉ luật pháp cho phép mà nên có thêm những biện pháp khuyến khích cần thiết để các tổ chức xã hội có điều kiện thực hiện chức trách của mình, cộng đồng trách nhiệm cùng các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện tốt nhất trách nhiệm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và những nhà sản xuất chân chính trên các lĩnh vực khác nhau. Đồng thời cách làm này cũng sẽ đảm bảo vai trò phản biện độc lập của các tổ chức xã hội trong yêu cầu đóng góp vào xây dựng xã hội lành mạnh, an toàn” - ông Phong nói thêm.

Một trong những hạn chế khiến các tổ chức xã hội chưa phát huy mạnh mẽ vai trò phản biện độc lập này là do chưa có các điều kiện hỗ trợ, đặc biệt là khó khăn về tài chính.

Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM đang chuẩn bị trình UBND TP đề án tổ chức khảo sát, lấy mẫu các loại hàng hóa, dịch vụ ở TP, trong đó sẽ nêu rõ cơ chế phối hợp và công bố thông tin.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận