“Một kẻ khủng bố không thể là người Hồi giáo”

ANDREA BACKHAUS 
 22/11/2015 18:11 GMT+7

TTCT - Lo ngại bị vơ đũa cả nắm, người Hồi giáo phản đối các vụ tấn công ở Paris. Nhưng một số bực mình vì buộc phải tỏ thái độ đó, như phản ánh của nhật báo Zeit (Đức) số 15-11-2015.

Thiếu nữ Hồi giáo ở Torino (Ý) bày tỏ tình đoàn kết với các nạn nhân ở Paris -AFP
Thiếu nữ Hồi giáo ở Torino (Ý) bày tỏ tình đoàn kết với các nạn nhân ở Paris -AFP

Thông điệp từ cộng đồng Ả Rập

Những người Hồi giáo từ khắp các nước phản ứng trong niềm xúc động sâu sắc và với những lời quyết liệt. Các nguyên thủ quốc gia, từ Morocco đến Bahrain, gửi lời phân ưu đến Pháp.

Chúng tôi cực lực phản đối hành động khủng bố ghê tởm này” - vua Salman của Saudi Arabia đang tham dự hội nghị thượng đỉnh G-20 tuyên bố. Vua Abdullah của Jordan cũng gửi “lời chia buồn sâu sắc” với Pháp. 

Hành động hủy hoại sự ổn định và an ninh của Pháp này đi ngược tất cả các giá trị nhân bản và đạo đức” - Ngoại trưởng Qatar Khalid al-Attiyah nói. Còn hoàng thân Kuweit Sabah al-Sabah nhấn mạnh đây là tội ác chống lại “mọi lời dạy trong đức tin thiêng liêng”.

Tổng thống Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất Khalifa bin Zayed al-Nahyan lên án vụ tấn công là “tội ác man rợ”, và đất nước của ông sẽ làm tất cả để tiêu diệt “chủ nghĩa khủng bố ở bất kỳ hình thức nào”. 

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Hussein Dschaberi nói ở Tehran: “Bọn khủng bố đó không phải người Hồi giáo, chúng không có gì liên quan đến các tiêu chí và giá trị của đạo Hồi”.

Nhiều nhà thần học danh tiếng cũng khẳng định tín ngưỡng của họ không có chỗ cho khủng bố và bạo lực. Một tuyên bố của Hội đồng học giả tôn giáo tối cao, tổ chức tín ngưỡng quan trọng nhất ở Saudi Arabia, có viết: Nhân danh “lập trường đạo lý chung”, phải hủy diệt chủ nghĩa khủng bố.

Truyền hình quốc gia Ai Cập trích lời Ahmad al-Tayyeb, hiệu trưởng Đại học Al-Azhar Cairo: “Đã đến lúc thế giới phải hợp nhất để tiêu diệt bầy quỷ dữ của chủ nghĩa khủng bố”.

Chủ tịch Diễn đàn Hồi giáo Munich MFI, ông Benjamin Idriz, thấy cộng đồng Hồi giáo bị thách thức đã kêu gọi: “Khi có người viện dẫn tên Thượng đế trong hành vi ấy thì những người Hồi giáo chúng ta hãy hét lên: Đừng bao giờ lôi kéo Thượng đế từ bi, Nhà tiên tri của Người hay tín ngưỡng đạo Hồi của chúng tôi vào tội ác của các người!”.

Lo ngại không khí thù nghịch lan rộng

Trước nguy cơ có kẻ “té nước theo mưa”, đẩy cao làn sóng thù nghịch với người Hồi giáo, chủ tịch cộng đồng Thổ Nhĩ Kỳ ở Đức Gökay Sofuoglu nói với nhật báo Stuttgarter Zeitung: “Những thế lực đó lúc này sẽ to tiếng hơn”. Ông kêu gọi các hội đoàn Hồi giáo tỏ rõ lập trường chống bạo lực.

Những gì ông nói, thực tế đã xảy ra. Tín đồ Hồi giáo toàn thế giới không chỉ tẩy chay vụ thảm sát ở Paris mà còn lên án tất cả hành vi bạo lực nhân danh tôn giáo của cái tự phong là Nhà nước Hồi giáo (IS). Qua đó họ cũng muốn tự vệ trước quan điểm cào bằng, khả dĩ đẩy họ vào thế đồng trách nhiệm cho những tội ác diễn ra.

Họ tái phát động một chiến dịch truyền thông mà các thanh niên Hồi giáo ở Anh từng khởi xướng vào mùa thu năm ngoái: “Not in my name” (Đừng nhân danh tôi). Vào thời điểm đó IS đã chiếm nhiều vùng ở Iraq và Syria, chúng tung lên Internet một đoạn video chiếu cảnh chặt đầu nhân viên hỗ trợ phát triển David Haines người Anh. Haines là nạn nhân thứ ba sau James Foley và Steven Sotloff mà cảnh hành hình được IS phát tán lên mạng.

Nhiều người Hồi giáo cảm thấy bị kỳ thị

Những người Hồi giáo trẻ thuộc Tổ chức Active Change Foundation London không chấp nhận IS giết người nhân danh đức tin của họ. Họ giương cao những bức ảnh lớn với dòng chữ “Not in my name” và giải thích trong một video vì sao IS không được phép đại diện cho tín ngưỡng và người theo đạo Hồi: “Vì chúng giết người vô tội”, “Vì những gì chúng làm là vô nhân đạo”, hay “Vì chúng lạm dụng trái tim và tâm hồn”.

Sau Paris, các đoạn video và hình ảnh lại được chia sẻ mạnh mẽ trên Twitter và Facebook. Hàng ngàn ý kiến dưới chủ đề #NotInMyName và #MuslimsAreNotTerrorists nối nhau lên mạng. Một tấm hình bốn đứa trẻ cầm mảnh giấy viết “Gaza đoàn kết với Paris”. Nhiều người trích kinh Koran: “Ai giết một người vô tội sẽ giết cả loài người!”.

Một ý kiến được chia sẻ nhiều trên Twitter: “Một người Hồi giáo không thể là kẻ khủng bố, và một kẻ khủng bố không thể là người Hồi giáo”.

Tuy nhiên, nhiều người Hồi giáo lại thấy bất bình vì như đã bao lần, họ bị trông đợi sẽ phản đối chủ nghĩa khủng bố. Một khi người Hồi giáo nói chung phải giải thích là họ chống lại bạo lực của một số kẻ cuồng tín cực đoan, thì đó cũng là một kiểu kỳ thị! Một người dùng bình luận trên Twitter: “Buồn thay khi người Hồi giáo cảm thấy áp lực phải phản đối các vụ tấn công”. Thậm chí nhiều người chủ động từ chối phát biểu ý kiến.

Ví dụ như Hatice Ince trong blog của mình: “Tôi không ủng hộ khủng bố, nhưng phải coi là điều dĩ nhiên khi tôi không ủng hộ. Thật kỳ quái khi tôi liên tục phải phản đối những gì mà bọn quỷ dữ có cùng tôn giáo, cùng màu tóc hay cùng màu da đã làm”.■

Lê Quang lược dịch

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận