Một lằn ranh đã bị vượt qua

TIM KENNEDY (TỪ WASHINGTON, DC) 18/01/2021 01:00 GMT+7

TTCT - Tôi không nghĩ tôi là người ngây thơ về nước Mỹ hay về những thời khắc đen tối trong lịch sử nước mình. Nhưng tôi không thể ngờ những biến cố như thế này, và tôi không dám chắc sắp tới sẽ còn gì nữa đây.

Điện Capitol thất thủ. Ảnh: The National

Ngày Donald Trump chính thức nhậm chức tổng thống Hoa Kỳ 20-1-2017, tôi còn nhớ có đọc được tin tức về một đất nước xa xôi mà tôi hầu như chẳng biết gì về nó. Gambia, quốc gia nhỏ bé ở Tây Phi, đang chìm trong khủng hoảng. Tổng thống nước đó không chịu rời nhiệm sở sau khi đã thất cử dưới tay đảng đối lập. 

Mọi nỗ lực chính trị đã thất bại. Sẽ không thể có sự chuyển giao quyền lực êm thấm. Rốt cuộc họ phải đưa quân đội từ các tỉnh lân cận vào thủ đô để buộc vị tổng thống thất cử rời nhiệm sở. Ông ta từ chức đúng ngày 21-1, hai ngày sau khi quân đội vào thủ đô - rồi ngay lập tức bỏ ra nước ngoài.

Tôi thấy được an ủi phần nào trong lễ nhậm chức năm 2017 của Trump bởi biết rằng Hoa Kỳ không phải là Gambia. Cuộc bầu cử năm 2016 đầy cay đắng và chia rẽ, và nhiều người Mỹ (bao gồm cá nhân tôi) thấy tức giận với kết quả cuối cùng. Nhưng hệ thống các định chế, truyền thống, và quy tắc của đất nước chúng tôi vẫn là bất khả xâm phạm. Cuộc chuyển giao quyền lực diễn ra trong hòa bình.

Bốn năm và một nhiệm kỳ tổng thống sau, Hoa Kỳ đang chìm trong cuộc khủng hoảng chính trị giống với Gambia hơn bất kỳ giấc mơ lạ lùng nhất nào của tôi. Trump đã không chịu chấp nhận thất bại trong cuộc bầu cử tháng 11, đeo đuổi những tuyên bố vô căn cứ về gian lận bầu cử trên diện rộng ở các tòa án tiểu bang và liên bang. Mọi vụ kiện tụng đều thất bại - vì không hề có bằng chứng.

Nhưng rất nhiều người tin ở những lời dối trá của Trump. Và hôm thứ tư, 6-1, một đám đông hỗn loạn tràn vào tòa nhà Capitol, nơi Quốc hội sẽ họp để chính thức xác nhận kết quả bầu cử - biến cố do chính tổng thống kích động trong một cuộc vận động của ông ngay trước đó. 

“Ta không bao giờ có thể lấy lại đất nước này nếu yếu đuối”, ông nói. “Các bạn phải cho thấy sức mạnh của mình, và các bạn phải mạnh mẽ”. Giới lãnh đạo cấp cao trong nước, gồm Phó tổng thống Mike Pence, đã buộc phải ẩn nấp đằng sau những cánh cửa khóa chặt khi đám đông cuồng nộ và phá phách tràn vào tòa nhà. Cảnh sát bị tấn công không thương tiếc. Một video công bố hôm chủ nhật cho thấy những kẻ bạo động sử dụng lá cờ Mỹ để đánh một cảnh sát ngã xuống đất.

Ít nhất một cảnh sát thiệt mạng vì thương tích trong cuộc bạo động. Bên phía phe bạo động, ít nhất bốn người chết trong cuộc vây hãm tòa nhà Capitol. Và khi những đoạn video cùng nhiều thông tin khác tiếp tục được công bố, ngày càng rõ ràng là mọi chuyện đã có thể tồi tệ hơn rất nhiều. Hôm chủ nhật, lần đầu tiên tôi được xem một video quay bên ngoài điện Capitol chiếu cảnh những kẻ bạo động hét vang, “Treo cổ Mike Pence lên!”.

Tôi viết những dòng này vào thứ hai, năm ngày sau cuộc tấn công, và tôi vẫn thấy mình khó nói nên lời. Tôi thật sự không tin nổi mọi chuyện có thể tồi tệ thế này. Tôi không nghĩ tôi là người ngây thơ về nước Mỹ hay về những thời khắc đen tối trong lịch sử nước mình. Nhưng tôi không thể ngờ những biến cố như thế này, và tôi không dám chắc sắp tới sẽ còn gì nữa đây.

Tôi có mặt ở Washington, DC, vào ngày 6-1. Tôi sống ở đây, cách Điện Capitol và nơi xảy ra những hỗn loạn vài dặm. Sống ở DC có thể đã tạo cho tôi cảm giác an toàn giả tạo. Tôi nhận được những tin nhắn “ở yên trong nhà, bảo trọng nhé!” đầu tiên từ gia đình và bạn bè lúc khoảng 2h30 chiều hôm đó. 

Tới khoảng 3h chiều, thị trưởng đã ra lệnh giới nghiêm từ 6h tối tới 6h sáng hôm sau trên toàn thành phố. Khoảng 4h chiều, tôi rời căn hộ nhà mình để đi mua nhu yếu phẩm cho tối hôm đó. Các cửa hàng đông nghẹt người. Ai cũng dán mắt vào điện thoại, đọc và xem tin tức. Nhiều người đã bật khóc.

Sự bất an của ngày hôm đó là điều khiến tôi bực dọc nhất - và bây giờ vẫn khiến tôi bực dọc. Tất cả những chuyện này rồi sẽ kết thúc thế nào đây? May mắn là bạo lực cho tới giờ không lan rộng ở Washington. Lệnh giới nghiêm chỉ kéo dài một đêm. 

Nhưng cuối tuần tới thì sao? Đã bắt đầu có tin về những cuộc biểu tình lớn được lên kế hoạch ở DC bắt đầu từ 16 và 17-1, đó là chưa kể lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Joe Biden vào ngày 20-1. Tôi thấy sợ hãi - không phải cho bản thân, mà vì nguy cơ cuộc khủng hoảng này có thể leo thang.

Tôi có cảm giác một lằn ranh đã bị vượt qua. Biden sẽ nhậm chức tổng thống, điều đó thì tôi chắc chắn. Nhưng còn cuộc bầu cử tiếp theo thì sao? Liệu việc từ chối nhận thua, rồi đấu đá tới cùng khi kết quả bầu cử không như ý mình có trở thành điều bình thường mới trong tương lai? Liệu di sản lâu dài của Trump có phải là sự chấm dứt truyền thống chuyển giao quyền lực hòa bình ở Mỹ?

Ở đây có một sự mỉa mai đen tối. Sự khinh thị của Trump với những nước nghèo và kém ổn định hơn Mỹ là điều ai cũng biết. Nổi tiếng nhất, ông từng mạt sát Haiti và các nước châu Phi trong một cuộc gặp ở Nhà Trắng với các thượng nghị sĩ năm 2018. 

Nhưng giờ chúng tôi, sau chỉ bốn năm dưới thời Trump, đang phải chịu đựng một nhà lãnh đạo không chịu chấp nhận thất bại chính trị và quyết tâm gieo rắc càng nhiều hủy diệt càng tốt trong những ngày làm tổng thống cuối cùng. Bốn năm trước, khi đọc về cuộc khủng hoảng ở Gambia trong ngày Trump nhậm chức, tôi đã nghĩ, “Chà, ít ra thì chuyện đó không thể xảy ra ở đây”. 

Còn hôm nay, tôi đang nghĩ, “Ít ra thì các tiểu bang xung quanh thủ đô không cần đưa quân đội vào để buộc tổng thống từ nhiệm”. Nhưng thật lòng mà nói, tôi nghĩ ngay cả điều đó cũng không còn chắc chắn nữa.■

HẢI MINH dịch

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận