Một thế hệ mất mát vì COVID-19

PHAN BẢO 01/11/2021 17:30 GMT+7

TTCT - Cuộc khủng hoảng y tế chưa từng có tiền lệ COVID-19 đã cướp đi cơ hội học tập và phát triển bình thường của hàng trăm triệu trẻ em trên thế giới, và dự báo sẽ để lại nhiều ảnh hưởng không nhỏ đến tương lai của thế hệ này - một “thế hệ mất mát”.

 
 Hai học sinh Ấn Độ. Ảnh: Shutterstock

Nền giáo dục ở nhiều nơi trên thế giới đang lâm vào cảnh “ngàn cân treo sợi tóc” vì hệ quả của đại dịch COVID-19. Liên Hiệp Quốc ước tính, lần đầu tiên trong lịch sử, khoảng 1,5 tỉ trẻ em không được đến trường trong thời gian đại dịch hoành hành, với 1/3 trong số đó không thể tiếp cận với các phương tiện học tập từ xa. Trong khi đó, trẻ em đủ điều kiện học từ xa vẫn phải chịu nhiều thiệt thòi, mất mát vì đại dịch.

Trẻ em nghèo bất lợi nhất

“Chúng ta thừa biết rằng chính những trẻ em nghèo nhất phải chịu thiệt hại nặng nề nhất khi trường học đóng cửa vì COVID-19. Nhưng đáng buồn thay, COVID-19 chỉ là một trong những yếu tố khiến nền giáo dục và cuộc sống của trẻ em hôm nay và ngày mai bị đe dọa” - Gwen Hines, giám đốc điều hành của Tổ chức Cứu trợ trẻ em (Save the Children) Vương quốc Anh, nói với The Guardian.

Trong khi các nước phương Tây tiên tiến đã chuyển đổi sang kỷ nguyên kỹ thuật số một cách tương đối suôn sẻ, các nước đang phát triển gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai học tập kết hợp với kỹ thuật số. Trên thực tế, chẳng có bao nhiêu trong số cha mẹ của hàng trăm triệu trẻ em nghèo khó đủ khả năng mua một chiếc điện thoại thông minh cơ bản cho việc học trực tuyến, chưa kể đến việc thiếu các công cụ nâng cao hơn cần thiết cho việc học như vậy.

Không chỉ gặp trở ngại về trang thiết bị học tập, một nghiên cứu do Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) thực hiện trên 112.000 hộ nghèo ở Indonesia cho thấy 12.000 trẻ em xuất thân từ các gia đình này đã nghỉ học ngay cả trước khi đại dịch xảy ra và cứ mỗi 4 trẻ em đang duy trì việc học thì có đến 3 trẻ đối mặt với ít nhất một yếu tố khiến chúng có nguy cơ phải bỏ học. Các yếu tố đó bao gồm phải làm việc kiếm tiền - điều mà 53% số trẻ em được khảo sát hiện phải đảm đương do cha mẹ bị mất việc trong đại dịch; phải chăm sóc em nhỏ; bị khuyết tật; là nạn nhân của tảo hôn.

Còn ở Philippines, một năm học nữa lại phải khai giảng theo hình thức trực tuyến ngày 13-9 vừa qua, với số học sinh nhập học giảm 2% so với trước đại dịch. Theo một báo cáo gần đây về tác động của COVID-19 đối với trẻ em nghèo ở Philippines, tỉ lệ học sinh bỏ học trung học sẽ tăng mạnh hơn nữa trong năm học này, đặc biệt là ở vùng tự trị Hồi giáo Bangsamoro trên đảo Mindanao - khu vực nghèo nhất của đất nước.

“Đã có [nhiều học sinh] bỏ học và nhiều trường hợp liên quan đến những khó khăn trong việc theo đuổi bài vở... Những đứa trẻ đã bỏ cuộc vì chúng không muốn gặp những khó khăn đó và khiến cha mẹ phải khổ công giúp đỡ chúng. Với một số đứa trẻ lớn hơn, đang học trung học phổ thông, chúng phải giúp kiếm tiền để gia đình có thể tồn tại” - chuyên gia giáo dục UNICEF Tess Felipe nói với The Sydney Morning Herald.

Các tiến bộ bị đảo ngược vì Covid

Dù không bị COVID-19 “tấn công” dữ dội như Indonesia và Philippines nhưng với Campuchia, việc đóng băng chương trình dạy và học trực tiếp ở trường suốt 7 tháng chắc chắn sẽ có những ảnh hưởng lâu dài, theo Prashant Verma - giám đốc quốc gia của Liên minh ChildFund tại Campuchia.

Các trường học bắt đầu mở cửa trở lại ở Phnom Penh và nhiều địa phương vào tháng 9, nhưng Prashant lo ngại 10% đến 12% trẻ em sẽ không quay lại lớp vì các em cảm thấy không thể theo kịp, bởi chỉ một nửa số học sinh được tiếp cận với các bài học trực tuyến trong thời gian học từ xa.

Cách đó khoảng 5.000 cây số, Ấn Độ cũng đang dõi xem tỉ lệ theo học có phục hồi khi trường học dần mở cửa lại sau 18 tháng trời cửa đóng then cài để chống dịch. Nhưng nhiều người có vẻ không mấy lạc quan, bởi giáo dục công vẫn còn khá thiếu thốn ở vùng nông thôn, nơi sinh sống của gần 70% trong số 1,3 tỉ người của Ấn Độ, theo Trung tâm báo chí Pulitzer, một tổ chức báo chí phi lợi nhuận.

Không có gì lạ khi các trường học ở nông thôn thiếu điện và giáo viên phải kiêm nhiệm nhiều vai trò khác ngoài nhiệm vụ giáo dục. Do đó, việc chỉ một phần nhỏ học sinh nông thôn đạt chuẩn quốc gia về đọc hiểu và nhuần nhuyễn các phép toán cơ bản cũng là điều dễ hiểu.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng việc đóng cửa trường học đang xóa bỏ những thành quả giáo dục dù là nhỏ nhất ở Ấn Độ, đặc biệt là khi trẻ em ở các làng không được học tập từ xa. Chỉ 1/3 dân số nông thôn của Ấn Độ có thể truy cập Internet, theo Hiệp hội Internet và di động Ấn Độ.

Ngôi làng Limbgaon, bang Maharashtra phía tây Ấn Độ, nơi Jyoti Patole sinh sống, thuộc 2/3 còn lại. Cô gái 17 tuổi đã phải nghỉ học kể từ khi trường học đóng cửa hồi năm ngoái. Gia cảnh khó khăn, ngày chạy ăn hai bữa còn bở hơi tai, nên tiếp cận Internet là một điều xa xỉ đối với Patole. Giấc mơ trở lại lớp học càng trở nên xa vời khi cha của em mất vì COVID-19 hồi tháng 5. Giờ đây, em sắp cùng mẹ xuống phía nam làm công nhân thu hoạch mía - công việc đòi hỏi em phải gánh những bó mía nặng hơn 22kg gần 16 tiếng mỗi ngày.

Patole cùng hàng triệu trẻ em nông thôn đang trong độ tuổi đi học khác có nguy cơ tạo thành một “thế hệ mất mát” của Ấn Độ - không được học hành đến nơi đến chốn khiến các em rơi vào cuộc sống thiếu thốn và chật vật giống như cha mẹ các em trước đây, thay vì đổi đời bằng con đường học vấn.

Dini (không phải tên thật), nữ sinh trung cấp nghề ở huyện Brebes (tỉnh Central Java, Indonesia), là điển hình của “thế hệ mất mát” do ảnh hưởng COVID. Câu chuyện của nữ sinh 17 tuổi quyết tâm theo đuổi việc học nhưng hết bị cái nghèo đến COVID “quật ngã” được Chris Barrett, phóng viên thường trú tại Đông Nam Á của báo The Sydney Morning Herald (Úc), kể trong bài viết “Bọn trẻ không hề ổn: Trường học đóng cửa khiến cả một thế hệ mất mát” ngày 2-10.

Dini từng nghỉ học vì không có xe máy lẫn 20.000 rupiah (32.000 đồng) để đi lại mỗi ngày từ nhà đến trường và ngược lại. Không bỏ cuộc, Dini đã xoay xở tìm cách để đi học lại, và đậu trung cấp ngành truyền thông đa phương tiện vào năm trước đại dịch. COVID đến, trường học đóng cửa, chuyển sang học từ xa, Dini gặp rào cản mới: không có Internet. Tiếp tục không từ bỏ, Dini dùng chung điện thoại di động với bạn bè để học trực tuyến. Song sau nhiều tháng, tất cả trở nên quá khó khăn và em đã nghỉ học để ở nhà phụ giúp mẹ. Vì xấu hổ, cô bé không nói với giáo viên lý do mình không thể tiếp tục học. 

Học trực tuyến thôi chưa đủ

Mặt khác, đối với những học sinh vẫn đang có thể theo học từ xa, mọi thứ chưa phải đã trọn vẹn. Phóng viên Barrett cho biết virus corona hiện vẫn là một mối đe dọa thực sự ở Indonesia, bởi chưa đến 20% trong số 270 triệu dân số nước này được tiêm chủng đầy đủ. Nhưng điều khiến Bộ trưởng Bộ Giáo dục Indonesia Nadien Makarim lo ngại hơn việc trẻ em nhiễm COVID-19 ở trường chính là tác động lâu dài của việc học từ xa.

Những người ủng hộ trẻ em ở Indonesia cho biết việc học tại nhà có những hạn chế về mặt giao tiếp xã hội ở trường học và dinh dưỡng đối với trẻ em, đặc biệt là những trẻ đến từ các vùng khó khăn. “Trẻ [nhỏ] học hỏi từ việc bắt chước và tiếp thu những kinh nghiệm trực tiếp. Nếu các nhà giáo dục không thể chuyển tải thành công những trải nghiệm trực tiếp sang môi trường học tập ảo, điều đó sẽ để lại ảnh hưởng sâu sắc” - Alexandra Silitonga, một chuyên gia giáo dục người Indonesia, nói với The Sydney Morning Herald.

Tác giả Rammohan Susarla cũng ủng hộ lập luận này. Trong bài viết “Đây là lý do tại sao chúng ta có nguy cơ mất đi một thế hệ học sinh do đại dịch COVID” trên trang Medium ngày 27-6, Susarla nhận xét: “Không chỉ bị gián đoạn việc học, trẻ em và thanh thiếu niên còn có nguy cơ mất đi những tương tác giữa người với người vốn rất cần thiết trong những năm hình thành tính cách và phát triển quan trọng của các em. Các phương pháp sư phạm ảo và các lớp học trực tuyến không thể thay thế những bài học trực tiếp, vô cùng quý giá đối với sự phát triển nhận thức và giúp xây dựng kỹ năng cảm xúc của các em”.

Theo Susarla, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng trẻ em và thanh thiếu niên học thông qua trực giác và một quá trình khám phá chỉ có thể có được khi chúng tương tác với bạn bè cùng trang lứa. Chúng thu thập được những hiểu biết tình cờ từ những thử nghiệm và quá trình thử-và-sai. Đại dịch COVID-19 đã lấy đi khía cạnh quan trọng này của việc giáo dục trẻ em.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận