"Năm trăm anh em" đâu rồi?

KHIÊM ĐỖ 16/01/2021 22:00 GMT+7

TTCT - Ông Trump đã thất cử, nhưng vẫn kịp gây ra hỗn loạn cho nước Mỹ trong những ngày cuối cùng, và chưa chắc ai đã làm gì nổi ông, dù không ít người cũng đang bắt đầu quay lưng…

Nhắc lại chuyện cái ao

Buổi họp vào lúc 1 giờ trưa ngày 7-1-2001, tức 20 năm trước, thực ra chỉ là một nghi lễ, diễn ra đều đặn mỗi 4 năm sau cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ. Trong buổi họp, do phó tổng thống đương nhiệm đồng thời là chủ tịch Thượng viện chủ tọa, lưỡng viện Hoa Kỳ điểm danh kết quả của các đại cử tri đoàn 50 tiểu bang. 

Tổng thống Mỹ được bầu bởi cử tri đoàn này, chứ không phải bởi phiếu phổ thông. Theo truyền thống, bầu cử diễn ra vào ngày thứ ba đầu tháng 11. Các tiểu bang xác nhận cử tri của bang mình và gửi họ đến thủ đô. 

Tại đây, thủ tục cuối cùng là điểm danh và đăng ký phiếu của từng tiểu bang. Tổng thống là người chiếm đa số và sẽ nhậm chức vào ngày 20-1.

Ông Bush (trái) và ông Gore đã có thể phân thắng bại một cách đàng hoàng lịch sự. Ảnh: AP

Bầu cử tổng thống năm 2000 không phải là một cuộc bầu cử bình thường. Nó gặp một số trục trặc khiến một số nước bị coi là kém phát triển hơn Hoa Kỳ về bầu cử tại châu Phi, châu Á hay Nam Mỹ được dịp cười nhạo trả thù. Ứng viên được nhiều phiếu phổ thông nhất (51 triệu phiếu) là ông Al Gore. 

Kém ông Gore 500.000 phiếu, ông George W. Bush (con) lại thắng cử với 271 phiếu đại cử tri, ông Gore chỉ có 266. Tiểu bang quyết định cuộc bầu cử là Florida với 25 đại cử tri. Nếu thắng bang “chông chênh” này thì ông Gore thắng chắc. Trong đêm kịch tính, các đài đoán nhanh nhẩu là ông Bush hơn 100.000 phiếu. 

Ông Gore lịch sự nhận thua ngay. Gần sáng, lúc kết quả từ các khu vực nhiều cử tri Dân chủ được đếm, ông Gore té ra chỉ còn kém có 2.000 phiếu. Ông bèn xin rút lại lời chúc mừng đối thủ. Ngày 8-11, kết quả là ông Bush thắng Florida, chênh lệch chỉ 300 phiếu.

Số phiếu đó là đường tơ kẽ tóc, nên phải đếm lại theo luật định. Sau khi đếm lại phiếu tại 4 hạt ngày 26-11 thì kết quả là ông Gore thua 537 phiếu tại Florida, tức 0,009% và thất cử tổng thống! Ông bèn kiện lên tòa tiểu bang, lên đến Tối cao Pháp viện Florida, xin đếm lại toàn bang. 

Ngày 12-12, Tối cao Pháp viện Liên bang bác quyết định đếm lại với tỉ lệ phiếu 5-4. Nhờ 1 phiếu của Tối cao Pháp viện đó, ông Bush được xác nhận là thắng cử.

Trở lại trưa ngày 7-1 tại tòa nhà Quốc hội, khi xướng danh kết quả bang Florida thì có khoảng 20 đại biểu Hạ viện, phần lớn thuộc nhóm đại biểu da đen Đảng Dân chủ, chống đối. Họ lùm xùm gây chuyện trong 20 phút và đại biểu Maxine Waters (Dân chủ, bang California) đòi biểu quyết trong các nghị sĩ, phớt lờ phiếu đại cử tri, dù theo quy tắc là phải có một thượng nghị sĩ ủng hộ - phe chống đối không có thượng nghị sĩ nào. 

Bà Waters hét lớn: “Không cần biết!”. Chủ tọa buổi họp, phó tổng thống đương chức, thật trớ trêu, chính là ông Gore. Ông ôn tồn bảo: “Chuyện gì cũng phải có nguyên tắc” và yêu cầu tiếp tục đếm phiếu đại cử tri. Nhóm đại biểu phản đối bỏ phòng họp đi ra. Ông Gore vẫn điềm nhiên làm công việc chủ tọa và trước 3 giờ chiều, ông kết thúc bằng cách chúc mừng tân tổng thống Bush, người đã đánh bại ông. Thật là một bài học “mẫu nghi thiên hạ” về dân chủ.

Mùa mưa lần này

Nhưng hỡi ôi, so với ngày 6-1-2021 vừa rồi thì chuyện 20 năm trước đã quá xa vời. Lần này, ông Joe Biden hơn ông Donald Trump tới 7 triệu phiếu phổ thông, phiếu cử tri đoàn cũng hơn 74 phiếu (306 - 232). 

Các luật sư của ông Trump cũng đã kiện cáo đến phát chán: 61 lần và thua 60 lần, 2 lần bị Tối cao Pháp viện bác đơn (9 thẩm phán ở đó có 6 người do tổng thống Cộng hòa bổ nhiệm, bao gồm 3 người dưới thời ông Trump).

Hi vọng “cuối cùng” của tổng thống thất cử là buổi họp ngày 6-1. Ở Quốc hội, ông có khoảng một tá thượng nghị sĩ và trên 100 đại biểu Hạ viện ủng hộ. Dĩ nhiên, họ có đòi quyền biểu quyết cũng chỉ là dây dưa thêm lắm chuyện chứ không đủ đa số để ngăn chặn kết quả. 

Ảnh: NBC News

Người chủ tọa là Phó tổng thống Mike Pence, giờ phải làm gì? Theo ông Trump thì ông Pence chỉ cần can đảm đổ quách kết quả xuống cống, rồi giật nước cho chảy ra dòng Potomac là xong, là có thể điềm nhiên tuyên bố ông Trump và chính ông thắng cử. Nhưng ông Pence chột dạ và thông báo trước là mình sẽ không làm chuyện đó, vì hình như Hiến pháp không cho phép.

Ông Trump bèn khích bác mươi ngàn người biểu tình và họ dễ dàng tràn vào tòa nhà Quốc hội. Cuộc họp bị gián đoạn, ông Pence bỏ trốn với gia đình vì một số kẻ bạo động đòi tìm ông treo cổ vì tội phản chúa. Xô xát khiến 5 người thiệt mạng, bao gồm một cảnh sát bị đánh chết và một người biểu tình bị bắn tử thương. 

Thế giới xúc động vì tình cảnh như trong phim hư cấu của Hollywood hay cảnh tượng ở một đất nước thất bại hỗn loạn nào đấy, chứ không phải Hoa Kỳ. Các bộ trưởng trong chính phủ Trump liên tiếp từ chức để phản đối. Một số đồng minh thân thiết, như thượng nghị sĩ Lindsey Graham hay cựu thống đốc Chris Christie, bắt đầu xa lánh ông Trump, khiến ông phải lên án hành động do chính ông trước đây chủ trương và thầm vỗ về. 

Chuyện này gây bất bình trong thành phần phò chúa nay bị ông bỏ rơi. Nhưng đó là số phận của mọi người từng cộng tác với ông Trump từ trước tới giờ, từ tướng lãnh, bộ trưởng đến phó tổng thống, chứ sá gì một đám dân đen cực đoan tiên phong.

Tính từ vụ bạo loạn, ông Trump sẽ còn khoảng 2 tuần lễ tại chức cho đến ngày 20-1 và cho biết là sẽ không hiện diện trong lễ bàn giao. Đây phải chăng là tín hiệu cho quần chúng của ông để vào ngày hôm đó đến thủ đô dấy loạn lần nữa?

Trump vẫn là Trump muôn đời muôn kiếp

Thời gian còn lại, ông Trump có thể làm gì?

Chuyện ban hành thiết quân luật là khó vì lẽ Hoa Kỳ không phải Thái Lan. Ngay cả kế hoạch (nếu có) tràn vào lưỡng viện bắt các dân biểu và ông Pence làm con tin để hoãn việc tuyên bố chính thức kết quả cũng không khả thi. Hoa Kỳ không phải Nicaragua. Tổng thống là tổng tư lệnh quân lực, nhưng ông ra lệnh thì phải có người thi hành. 

Thí dụ việc sử dụng vũ khí nguyên tử, phải hỏi ý kiến cố vấn an ninh quốc gia, bộ trưởng quốc phòng, tổng tham mưu trưởng, và tư lệnh lực lượng chiến lược, chứ không phải đơn giản kêu đại tá tùy viên mở cặp ra để anh bấm mật mã tiêu diệt Iran. 

Nói thêm, tin hành lang cho biết một số quan chức nội các còn gắng gượng ở lại, bao gồm Cố vấn an ninh Robert O’Brien, không phải vì “cúc cung tận tụy, đến chết mới thôi” gì đâu, mà chẳng qua là để có người canh giữ và cản không cho ông Trump làm càn trong phút 90 này!

Đội ngũ ủng hộ ông Trump còn rất đông đảo và nhiệt tình. Ảnh: The Guardian

Điều dễ nhất và duy nhất mà ông Trump còn làm được trong giờ chót là ân xá trước cho gia đình và bản thân ông. Chuyện này cũng rắc rối về luật pháp, nhưng ngay cả thủ thuật từ chức trước khi mãn nhiệm vài giờ để được Phó tổng thống Pence lên thay và ân xá nay cũng khó khả thi hơn. 

Tính tới giờ, một tuần sau khi ông Pence bị lùng đuổi trong tòa nhà Quốc hội, ông vẫn chưa nói chuyện hay gặp lại sếp mình.

Thậm chí là ngược lại, từ giờ đến 20-1, phe Dân chủ và những người chống ông Trump còn có nhiều chiêu thức “giậu đổ bìm leo” nữa. Thứ ba 12-1, Hạ viện yêu cầu ông Pence áp dụng tu chính án 25 để truất phế tổng thống (quá bán nội các bỏ phiếu xác nhận tổng thống mất tư cách). Thứ tư 13-1, Hạ viện tiến hành luận tội tổng thống. Chuyện này nhanh thôi vì đã có đa số thuận sẵn phía Dân chủ và ông Trump trở thành tổng thống duy nhất trong lịch sử bị luận tội hai lần. 

Tuy nhiên để kết án ông thì sẽ lôi thôi hơn, phải đưa lên Thượng viện. Sớm nhất cũng phải 20-1, tức đã là ngày bàn giao. Nhưng đây không chỉ là võ mèo. Ngay cả khi ông Trump đã nghỉ, việc ông bị kết án qua phương thức luận tội vẫn để lại nhiều hậu quả, tương đương “cách chức cựu tổng thống”: tước mọi bổng lộc dành cho các tổng thống về hưu (lương hơn 200.000 đôla/năm, đội bảo vệ và giúp việc riêng, bảo hiểm y tế…), và quan trọng hơn, cấm ra tranh cử mọi chức vụ liên bang.

Chính quyền Biden lại không có ý để tâm chuyện này, vì còn bao nhiêu chuyện phải giải quyết cấp bách như dịch bệnh, đi kèm là các hậu quả y tế và kinh tế. Nhắc lại, tân Tổng thống Biden đã 36 năm làm thượng nghị sĩ. Ông là kiểu chính trị gia nhà nghề cả đời cười ruồi thương thuyết cò cưa thêm bớt đạo luật này, sắc lệnh nọ, hoàn toàn trái ngược với ông Trump. Ông chủ trương quên quá khứ.

Nhưng dù không thắng, ông Trump vẫn còn nắm ít nhất 50 triệu cử tri Hoa Kỳ là những người tin là ông bị chèn ép và mất nhiệm kỳ nhì vì bầu cử gian lận. Với thành phần cốt cán này, ảnh hưởng của ông Trump vẫn là khủng trong Đảng Cộng hòa, điều giải thích dù ông có làm xằng cỡ nào, vẫn có cả trăm đại biểu Hạ viện ủng hộ - năm 2022, họ sẽ lại phải tranh cử. Phần thượng nghị sĩ Cộng hòa phải ra tranh cử trong hai năm tới, có 20 mạng bấp bênh. Hai năm là đến đít rồi, và nếu ông Trump bực, ông có thể hại đời họ như trở bàn tay!■

Donald Trump: sàn diễn và cuộc đời

Bài viết đầu trong tập “Thần thoại” (1954) của nhà ký hiệu học người Pháp Roland Barthes là “Thế giới nơi đô vật”. Trong đó, tác giả phân tích môn thể thao tên là “Catch” hồi thập niên 50 ở Pháp. Ta có thể dùng nó để giải thích hiện tượng Trump tại Hoa Kỳ. Ông Trump tham gia và đầu tư tổ chức bộ môn này từ thập niên 80. 

Ông từng được hội Đô vật giải trí thế giới (WWE) vinh danh vào năm 2013, ba năm trước khi đắc cử tổng thống Mỹ! Đô vật giải trí là môn thể thao rất được bình dân ưa chuộng và mang về bộn bạc. Các lực sĩ thường nhảy sang truyền hình, điện ảnh, có người vào cả chính trường thành công.

Phải nhắc, sô tivi “The Apprentice” (Người tập sự) làm nên tên tuổi của Trump và mang về cho ông 427 triệu đôla, trong khi đầu tư bất động sản và sòng bài thì lỗ chỏng gọng. Mảng giải trí truyền hình không xa mảng đô vật là mấy, và là giàn phóng sự nghiệp chính trị của ông Trump với quần chúng, biến ông thành siêu sao - cả yêu lẫn ghét đều đậm đà. 

Có thể ví ông như một lực sĩ đô vật thiện ác rành mạch và hiển nhiên đến mức lố bịch hay lố bịch đến mức hiển nhiên, tùy quan điểm. Yêu và ghét nhân vật cũng thế, tức thời và cực kỳ, không thể thuộc vào phạm trù lý trí. Barthes viết trong kết luận: “Trên sàn đấu và ngay trong tận cùng của sự xấu xa tự nguyện, các đô vật vẫn là thượng đế, bởi vì họ, trong một vài khoảnh khắc, là chìa khóa mở ra thiên nhiên, là cử chỉ thuần khiết cách biệt điều thiện khỏi điều ác và cho thấy hình ảnh của một công lý mà ta rốt cuộc có thể thấu hiểu”.

Đây là điều mà một chính trị gia chuyên nghiệp “đi họp hay ngáp” như ông Biden không thể nào có được. Dù thất cử, bị luận tội, lên án, thì trong thời gian tới, ông Trump vẫn còn một võ đài và một quần chúng say đắm ông như thật, ngay cả khi phần còn lại đều biết sân khấu của ông đều là giả mạo.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận