Ngoại giao đa phương và cân bằng

H.MINH 05/12/2021 18:35 GMT+7

TTCT - Gần như ngay khi Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính rời Nhật Bản, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức nước này, chuyên cơ chở Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã hạ cánh xuống Geneva, Thụy Sĩ vào sáng 26-11, mở đầu một vòng ngoại giao quan trọng khác.

Giống như nhiều lĩnh vực khác, công tác ngoại giao cũng gặp nhiều trở ngại trong năm 2021 vừa qua vì đại dịch COVID-19, nhưng càng về cuối năm, hoạt động đối ngoại của VN lại càng tấp nập.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trong chuyến thăm Thụy Sĩ. Ảnh: VNA

 

Tại sao là Thụy Sĩ?

Thụy Sĩ là nước đầu tiên ngoài các bạn bè truyền thống được chọn cho một chuyến thăm cấp nguyên thủ của VN - hai nước trước đó là Lào và Cuba, không kể chuyến tham dự Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc vào hạ tuần tháng 9 và một số hội nghị trực tuyến đa phương khác. 

Lựa chọn này tất nhiên có những ý nghĩa thực tế của nó, như cam kết của hai phía về việc sớm hoàn tất hiệp định thương mại tự do giữa VN với khối Hiệp hội Thương mại tự do châu Âu (EFTA, gồm 4 nước thành viên Thụy Sĩ, Iceland, Na Uy và Liechtenstein), việc Thụy Sĩ quyết định tiếp tục ưu tiên cung cấp 70 triệu franc Thụy Sĩ (76 triệu đôla) vốn ODA cho Việt Nam giai đoạn 2021 - 2024, và nhiều hoạt động khác với các tổ chức Liên Hiệp Quốc có trụ sở ở quốc gia này.

Tuy nhiên, việc ông Nguyễn Xuân Phúc bắt đầu chuyến thăm ở Thụy Sĩ, trước khi đi Nga, cũng có thể mang ý nghĩa biểu tượng. 

Thụy Sĩ là một quốc gia trung lập lâu đời. Cuộc chiến tranh cuối cùng của họ là 500 năm trước. 200 năm trước, vị thế trung lập của họ được xác lập bằng Hiệp ước Paris và trong cả 2 cuộc thế chiến tàn phá châu Âu lẫn thế giới tan hoang, Thụy Sĩ vẫn duy trì được nền độc lập và hòa bình của mình.

Ngoài chính sách ngoại giao khôn khéo, Thụy Sĩ “giống như một con chó chihuahua tự vệ trước một bầy pit bull”, báo Time ví von. 

Ví dụ trong Thế chiến II, một lý do quan trọng khiến Đức Quốc xã không động tới Thụy Sĩ, ngoài việc nước này chẳng có tài nguyên hay vị trí chiến lược gì đáng kể, là việc các viên tướng của Hitler không dám.

“Một chọi một thì Thụy Sĩ có lẽ đang sở hữu quân đội mạnh thứ hai châu Âu hiện giờ (có quân số 600.000 người)”, báo Thụy Sĩ Volksrecht viết hồi thời Thế chiến II. 

Tức muốn trung lập thì phải mạnh. Nền trung lập kiểu Thụy Sĩ, do đó, có thể là cảm hứng cho nhiều nước đã hoặc đang có nguy cơ mắc kẹt trong những mưu toan xưng hùng xưng bá của các siêu cường.

Bạn bè cũ

Ở Nga, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra Tuyên bố chung về tầm nhìn quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam - Liên bang Nga đến năm 2030, trong đó Nga ủng hộ lập trường của Việt Nam về giải quyết tranh chấp tại Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước LHQ về Luật biển 1982 (UNCLOS), Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC), và sớm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên tại Biển Đông (COC).

Một thỏa thuận quan trọng khác, theo Hãng tin Nga Tass ngày 30-11, là vấn đề “nội địa hóa việc sản xuất vắc xin Sputnik V” ở Việt Nam. 

Tass dẫn lời Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Nga Sergey Katyrin nói việc triển khai kỹ thuật cho dự án này có thể bắt đầu “ngay trong quý 1-2022”, thông qua hợp tác giữa Tập đoàn T&T (Việt Nam), Tập đoàn Binnopharm (Nga) và đơn vị vận hành Khu công nghiệp Việt - Nga ở Quảng Ninh, Deep C Russia.

“Triển khai kỹ thuật với dự án này, cùng các khoản đầu tư ước tính 60 - 70 triệu đôla, có thể bắt đầu ngay từ quý 1-2022. Nếu đúng như vậy thì việc sản xuất vắc xin đầy đủ và hoàn chỉnh có thể được tổ chức từ quý 1-2023”, ông Katyrin nói. “Dự kiến cơ sở này sẽ sản xuất ra 40 triệu liều vắc xin (mỗi liều 2 mũi) mỗi năm”.

Vắc xin COVID-19 cũng là một mặt trận ngoại giao nổi bật của Việt Nam trong năm đại dịch vừa qua. Tất cả các nước lớn trên thế giới, bao gồm 5 nước thành viên Hội đồng Bảo an LHQ, đều đã hỗ trợ vắc xin đáng kể cho Việt Nam dưới nhiều dạng khác nhau. 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận