Nhãn mác và xuất xứ hàng hóa: Đến Mỹ cũng điên đầu!

CHIÊU VĂN 02/07/2019 02:07 GMT+7

Trong nhiều thứ chịu tác động của toàn cầu hóa, lĩnh vực hàng hóa sản xuất chế tạo có lẽ có mức độ hội nhập sâu rộng nhất. Ngày nay, khó mà tìm được một món hàng xuất - nhập khẩu nào mà từ khâu nguyên liệu, rồi trải qua những chế tạo, lắp ráp, kho vận, tiếp thị, bán hàng... chỉ ở quốc gia duy nhất.

Ảnh: Fortune
Ảnh: Fortune

Trên hành trình sản phẩm đó, những nhãn mác như “Made in the USA” (sản xuất ở Mỹ), “chế tạo ở Mỹ”, “lắp ráp ở Mỹ”, “xuất xứ Mỹ”... trở nên càng rối rắm và khó định vị rõ ràng, dẫn tới một hệ quả gần như tất yếu: việc cố tình dán sai nhãn mác để gây hiểu lầm cho người tiêu dùng trở nên ngày càng tinh vi, phổ biến và khó trừng phạt.

Không dễ xác định

Với tư cách là siêu cường thế giới về kinh tế và công nghệ, tấm mác “Made in the USA” không chỉ đơn thuần nói lên xuất xứ hàng hóa. Với nhiều người Mỹ, nó “gợi lên lòng yêu nước, hàm chứa lời cam kết chất lượng không cần nói ra và cả ngụ ý chính trị về sự bảo đảm công ăn việc làm cho người lao động Mỹ”, theo trang web chuyên về đầu tư Investopedia.

Tiêu chuẩn để được dán nhãn “Made in the USA” của Ủy ban Thương mại liên bang (FTC) là một tài liệu tỉ mẩn dài tới 40 trang với tựa đề “Tuân thủ tiêu chuẩn Made in the USA”.

Theo đó, ngoại trừ ngành xe hơi, dệt may, các sản phẩm len và lông thú, ở Mỹ hiện không có luật yêu cầu nhà sản xuất phải công bố tỉ phần hàm lượng sản phẩm được sản xuất nội địa. Những công ty không công bố điều đó phải tuân theo tiêu chuẩn do FTC áp để được dán nhãn “Made in the USA”, về cơ bản yêu cầu “tất cả các thành phần cấu thành quan trọng và quá trình lắp ráp cuối cùng để trở thành sản phẩm phải có nguồn gốc ở Mỹ”.

Đi kèm đó là những hướng dẫn tỉ mỉ với ví dụ là lò nướng chạy gas. Nếu núm vặn chỉnh nhiệt, vốn chỉ là một phần cấu thành nhỏ của chiếc lò, là hàng nhập khẩu từ Mexico thì sản phẩm vẫn có thể được dán nhãn “Made in the USA”. Trong khi đó, một chiếc đèn bàn có đế là đồ nhập khẩu thì không được tính là sản xuất trong nước. Việc đánh giá tiêu chuẩn này cũng bao gồm tính toán chi phí chế tạo sản phẩm, chi phí nguyên vật liệu và sức lao động.

Các sản phẩm không đáp ứng những yêu cầu đó có thể lựa chọn quảng bá tỉ lệ phần trăm nội địa của họ, hoặc có thể ghi “lắp ráp tại Mỹ” hay “sản xuất ở Mỹ từ linh kiện nội địa và nhập khẩu”. Nhưng ngay cả như vậy cũng không dễ.

Để có quyền nhận là “lắp ráp tại Mỹ”, bộ quy chuẩn yêu cầu món đồ “phải thay đổi đáng kể” sau quá trình lắp ráp. Những món sản xuất ở nước ngoài, nhập khẩu rồi chỉ “gắn ốc vít” ở Mỹ về cơ bản sẽ không đủ tiêu chuẩn nhận là “lắp ráp tại Mỹ”.

Tất nhiên, không pháp luật nào theo nổi đời sống, nhất là ở một lĩnh vực thiên hình vạn trạng như sản xuất chế tạo. Pháp luật chồng chéo càng khiến mọi chuyện thêm bối rối. Lấy ví dụ, Chính phủ Mỹ có tiêu chuẩn hoàn toàn khác với hàng hóa họ mua.

Theo Đạo luật mua hàng Mỹ, một sản phẩm cụ thể phải “có hơn 50% phần cấu thành được sản xuất ở Mỹ để được chính phủ coi là “Made in the USA” khi mua sắm”. Đó là chưa nói tới vấn đề chế tài.

“Made in the USA”, chế tạo tại Trung Quốc!

Hồi tháng 4-2019, các hãng sản xuất chế tạo ở Mỹ, trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung ngày càng gay cấn và hi vọng tận dụng lập trường cứng rắn của Tổng thống Mỹ Donald Trump với Trung Quốc, đã kêu gọi chính giới nước này phải có hành động mạnh tay hơn chống lại các công ty dán nhãn “Made in the USA” giả mạo trên sản phẩm của họ.

Theo Washington Post, Liên minh các hãng sản xuất chế tạo Mỹ (AAM) đã có văn bản đề nghị FTC bắt các công ty dán nhãn sai trái trả tiền bồi thường, hay ít ra là công khai thừa nhận hành vi gian dối với lần đầu họ bị kết luận dán nhãn sai các sản phẩm là sản xuất ở Mỹ. Từ trước tới nay, lỗi này được xử lý khá nhẹ tay ở Mỹ: FTC chỉ ấn định các khoản phạt hoặc buộc những công ty vi phạm trả tiền dàn xếp sau lần vi phạm thứ hai.

“Tổng thống đang nói rất nhiều về “Made in America” và ngành sản xuất chế tạo - chủ tịch AAM Scott Paul nói - Có lẽ đã tới lúc FTC mạnh tay hơn trong việc thực thi pháp luật về vấn đề này”. Trong 3 vụ lớn hồi tháng 9-2018 với 3 công ty Mỹ - một sản xuất balô kiểu quân đội, một làm bóng khúc côn cầu và một hãng bán lẻ thảm, FTC đã buộc các công ty này chấm dứt ngay việc tiếp thị các sản phẩm của họ là sản xuất ở Mỹ, nhưng không công ty nào bị phạt tiền.

Các vụ phạt tiền diễn ra khá hiếm hoi. Năm 2006, Stanley Works ở Connecticut, giờ đổi tên là Stanley Black & Decker Inc., bị phạt 205.000 USD; năm 2016, một công ty keo dán phải trả khoản dàn xếp 220.000 USD vì dán nhãn sai.

Stanley Works ở Connecticut, giờ đổi tên là Stanley Black & Decker Inc., từng bị phạt 205.000 USD; năm 2016 vì quảng cáo sai trái là sản xuất tại Mỹ. (Ảnh: CT Post)

Mới đây nhất, tháng 4-2019, FTC tuyên bố họ đạt được thỏa thuận dàn xếp với Công ty iSpring Water Systems về việc công ty này vi phạm nhãn hiệu “Made in the USA”. iSpring và hai công ty con đồng ý trả 110.000 USD tiền phạt dân sự, nhận trách nhiệm, thay đổi nhãn dán trên sản phẩm cũng như thông báo đầy đủ với từng khách hàng bị ảnh hưởng.

Năm 2017, FTC cáo buộc iSpring quảng cáo sai trái rằng hệ thống lọc nước của họ là “chế tạo ở Mỹ (“Built in USA”) và “tự hào chế tạo ở Mỹ (“Proudly Built in the USA”), trong khi thực ra họ nhập toàn bộ sản phẩm hoặc phần lớn thiết bị từ nước ngoài.

Giới luật học phân tích vụ này khác biệt ở chỗ đây là một trong những vụ hiếm hoi doanh nghiệp vi phạm nhận trách nhiệm và có thể phản ánh sự thay đổi quan điểm ở FTC trong tương lai: mạnh tay hơn với việc dán nhãn mác sai lạc.

“Người tiêu dùng lẽ ra phải có thể tin tưởng tuyên bố của một công ty rằng các sản phẩm của họ được sản xuất ở Hoa Kỳ. Công ty này phải trả giá vì chà đạp lòng tin đó và vi phạm quy định của FTC” - Andrew Smith, giám đốc Cục Bảo vệ người tiêu dùng của FTC, nói trong một thông báo đăng trên trang chủ của tổ chức này.

Dán nhãn sản phẩm sai là một vấn đề nhức nhối kéo dài với các nhà sản xuất Mỹ, vốn coi dòng chữ “Made in the USA” là lợi thế cạnh tranh và niềm tự hào của họ. Hầu hết sản phẩm dán nhãn sai có xuất xứ Trung Quốc.

Theo giới phân tích, sự thay đổi chính sách của FTC - mạnh tay ngay từ lần vi phạm đầu tiên, nếu xảy ra - sẽ có tác động rất lớn lên ngành sản xuất chế tạo. Theo yêu cầu của FTC, các sản phẩm phải được sản xuất gần như toàn bộ ở Mỹ nếu muốn được dán nhãn “Made in the USA”, “Made in America” hay thậm chí là dùng cờ Mỹ trên bao bì, nhưng tới nay các biện pháp chế tài vi phạm của cơ quan độc lập với người đứng đầu do tổng thống Mỹ bổ nhiệm này còn hạn chế.

Tiền về tay ai?

Khiến vấn đề thêm phức tạp, một phân tích của Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ ở San Francisco công bố tháng 1-2019 cho thấy trung bình tới 56% số tiền mà người tiêu dùng Mỹ bỏ ra cho một sản phẩm dán nhãn “Made in China” (sản xuất tại Trung Quốc) thực ra là vào tay người lao động và các công ty Mỹ.

Các quy định và pháp luật xuất xứ hàng hóa là cực kỳ phức tạp nhưng về cơ bản, trong khi nhiều hàng hóa “Made in China” được lắp ráp ở các nhà máy Trung Quốc thì các cấu kiện, thiết kế, việc tiếp thị và phân phối trong đó có thể là ở bất cứ đâu, bao gồm rất thường xuyên là từ Mỹ.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ và các công ty Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc một phần vì chi phí sản xuất rất thấp nhờ quy mô, tạo ra lợi nhuận bán lẻ cao hơn. Thêm nữa, xét tổng thể, Mỹ nhập khẩu khoảng 11% tổng số hàng hóa của nước này và con số đó gần như không đổi trong một thập kỷ rưỡi qua, bất chấp sự vươn lên của Trung Quốc.

Báo cáo trên nói thị phần hàng nhập khẩu của Trung Quốc vào Mỹ tăng lên là nhờ cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu khác, chẳng hạn như từ Nhật Bản, chứ không phải với nhà sản xuất trong nước.

Chính Trung Quốc cũng không hài lòng với sự xếp đặt này, bởi lẽ các công đoạn có biên lợi nhuận cao nhất ngày nay thường không phải là khâu sản xuất, lắp ráp, gia công, mà là thiết kế, tiếp thị, bán hàng.

Đại kế hoạch "Trung Quốc chế tạo 2025" (Made in China 2025) được đặt ra với tham vọng "rửa mặt" cho hàng sản xuất tại Trung Quốc vốn luôn bị nhìn nhận là chất lượng thấp (Ảnh: PBS)

Hệ quả là trong khi Trung Quốc đã là “công xưởng của thế giới”, các thương hiệu hàng hóa chế tạo của nước này hầu như không được kể tên trên thị trường bên ngoài Trung Quốc. Đại kế hoạch “Trung Quốc chế tạo 2025” (Made in China 2025) mà chính quyền Bắc Kinh đã vạch ra và đeo đuổi từ năm 2015 có mục tiêu quan trọng chính là để thay đổi hình ảnh hàng Trung Quốc là hàng chất lượng thấp sản xuất ở một quốc gia không có danh tiếng tốt, đến mức phải đứng tên thương hiệu của các quốc gia khác thì mới bán được.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận