Nhật Bản và Đông Nam Á: Lắng nghe và thích ứng

DANH ĐỨC 07/05/2022 17:00 GMT+7

TTCT - Đông Nam Á vẫn là một ẩn số khi mà trong thâm sâu các nước này có nhãn quan, mục đích, nhu cầu nhiều khi rất khác biệt, đúng như khẩu hiệu của khối ASEAN: “Đoàn kết trong đa dạng”. Chính vì thế, chuyến thăm ba nước ASEAN của Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida vào đầu tháng 5, giữa cuộc khủng hoảng toàn cầu cấp bách hiện nay, càng làm nổi bật một trong những đặc tính của Tokyo là luôn biết lắng nghe và thích ứng.

Có thể nghĩ rằng lắng nghe là điều ông Kishida đã làm rất tốt trong vòng công du ba nước Indonesia, Việt Nam và Thái Lan. 

Tờ Nikkei Asia 6-10-2021 từng giựt tít sau khi ông lên làm Thủ tướng: “Lãnh đạo bằng cách lắng nghe”, rồi mô tả về ông như sau: “Kishida nổi tiếng với phong thái thụ động. “Người ta nói rằng tôi là một diễn giả nhàm chán, nhưng sức mạnh của tôi nằm ở khả năng lắng nghe. Tôi là nhà lãnh đạo mà thời đại này yêu cầu”, ông nói trong một bài phát biểu tranh cử vào tháng 9. Được biết, ông Kishida còn cô đọng phong cách này trong quyển sách Tầm nhìn của Kishida, trong đó ông nhắc lại rằng một nhà lãnh đạo thực sự cần có năng lực và sẵn sàng lắng nghe tiếng nói của người dân”. 

 
 Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính và người đồng cấp Nhật Bản Fumio Kishida. Ảnh: Nguyễn Khánh

Trên thực tế, ông đã không chỉ lắng nghe người dân Nhật, mà cả các đối tác nước ngoài trong thời gian giữ chức bộ trưởng ngoại giao, rồi giờ là thủ tướng.

Thành công và có ý nghĩa

Thai PBS World của Thái Lan hôm thứ ba 3-5 đã nhận xét về chuyến đi của ông Kishida bằng một lời khen nức nở: “Chuyến thăm đúng thời điểm của ông đến Indonesia, Việt Nam và Thái Lan đã thành công và có ý nghĩa. Nhật Bản tỏ ra có khả năng điều chỉnh thích ứng chính sách đối ngoại của mình để xem xét các lợi ích của khu vực... Điều này khác xa so với lập trường cứng rắn chưa từng có của ông..., như được thể hiện khi ông gặp gỡ các đồng sự trong nhóm G7”.

Theo Thai PBS World, ông Kishida hiểu rất rõ tình cảm chung của khu vực Đông Nam Á. Điều này thể hiện qua các chính sách, tuyên bố và bình luận chính thức ông đưa ra trong chuyến thăm. Thông điệp trọng tâm của ông rất rõ ràng: Nhật Bản, với tư cách là đồng minh mạnh mẽ của Mỹ, đang giúp G7 nhận thêm hậu thuẫn trong cuộc khủng hoảng Ukraine, bằng cách chứng tỏ rằng cường quốc kinh tế lớn thứ ba thế giới không bằng mọi cách gây sức ép với ASEAN.

Trên thực tế, Nhật Bản rất đồng tình với quan điểm của ASEAN về các nguyên tắc dựa trên luật lệ quốc tế và về tầm quan trọng của hỗ trợ nhân đạo. Ở cả ba nước, ông Kishida nhắc lại quan điểm của Nhật Bản về Ukraine, lưu ý rằng không một khu vực nào chấp nhận các hành vi xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ bằng sự đe dọa hoặc sử dụng vũ lực.

Hơn nữa, Nhật Bản sẽ không chấp nhận bất kỳ hành động đơn phương nào làm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực. Tường thuật của Japan Times 1-5 phản ánh nhận xét trên: “Hôm chủ nhật, Thủ tướng Fumio Kishida và người đồng cấp Việt Nam Phạm Minh Chính đã nhất trí về tầm quan trọng của việc tôn trọng chủ quyền của các quốc gia, đồng thời cảnh báo không sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt khi cuộc chiến ở Ukraine vẫn tiếp diễn... Ông Kishida nói: Chúng tôi khẳng định rằng các nước phải tuân thủ nguyên tắc tôn trọng độc lập và chủ quyền của các quốc gia... Ở bất kỳ khu vực nào, việc thay đổi hiện trạng bằng vũ lực là không thể chấp nhận được”.

Tờ Phnom Penh Post 1-5 cũng nhìn nhận mục đích này của ông Kishida: “Là thành viên châu Á duy nhất trong nhóm G7, Nhật Bản hy vọng sẽ đóng vai trò cầu nối giữa ASEAN và G7, vốn đã thống nhất về các lệnh trừng phạt chống lại Nga... Ông Kishida dự kiến sẽ tìm kiếm sự hiểu biết từ các nhà lãnh đạo Đông Nam Á về việc gia tăng áp lực với Nga. Ông Kishida nói trong cuộc họp với [Tổng thống Indonesia] Jokowi và các quan chức khác: “Chúng tôi đang đối mặt nhiều thách thức, bao gồm các tình huống ở Ukraine, Biển Đông và Nam Trung Quốc và Triều Tiên, nên việc duy trì và củng cố trật tự quốc tế tự do và cởi mở, dựa trên pháp quyền ngày càng trở nên quan trọng””.

Có thể xác minh các ghi chép trên qua bản tin “Cuộc gặp thượng đỉnh Nhật - Việt” của Bộ Ngoại giao Nhật hôm 1-5. Tất nhiên, Thủ tướng Nhật nói ý ông, Thủ tướng Việt Nam nói ý mình, song cuối cùng ông Kishida đã cho thấy ông thực sự “lắng nghe” như thế nào:

“Mục 3. (1) Tình hình tại Ukraine. Thủ tướng Kishida tuyên bố hành động gây hấn của Nga với Ukraine là vi phạm rõ ràng luật pháp quốc tế và không phù hợp với Hiến chương LHQ và Hiến chương ASEAN. Ông cũng tuyên bố rằng không thể dung thứ cho bất kỳ sự thay đổi hiện trạng đơn phương nào bằng vũ lực ở bất kỳ khu vực nào. Đáp lại, Thủ tướng Phạm Minh Chính giải thích lập trường yêu chuộng hòa bình của Việt Nam về tình hình Ukraine”. Những yêu cầu “ngừng bắn ngay lập tức và hỗ trợ nhân đạo” cũng đã được hai bên nhất trí.

Thật ra, thế giới và khu vực còn có những âu lo khác, nên hai ông Kishida và Phạm Minh Chính đã bước qua nhiều đề tài nữa: các vấn đề hợp tác song phương và của khu vực, trong đó nổi bật là vấn đề Biển Đông vốn gắn với Việt Nam nhất. Bản tin của Bộ Ngoại giao Nhật tóm tắt tiếp: “(2)... Thủ tướng Kishida bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ của ông với bất kỳ nỗ lực đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông, chia sẻ quan điểm rằng việc tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS) năm 1982 là không thể thiếu với hòa bình và ổn định của Biển Đông. Hai nhà lãnh đạo khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp giải quyết vấn đề Triều Tiên, bao gồm cả vấn đề hạt nhân, tên lửa và các vụ bắt cóc. Hai bên cũng trao đổi về tình hình Myanmar và khẳng định hợp tác chặt chẽ để thực hiện Đồng thuận 5 điểm, trong đó có hỗ trợ nhân đạo”.

Câu nói đến quan điểm và thái độ của ông Kishida về vấn đề Biển Đông rõ ràng là cụ thể hơn về các vấn đề khác, cũng như mang nặng dấu ấn cá nhân của ông Thủ tướng bằng tính từ sở hữu “his strong opposition to...” (sự phản đối mạnh mẽ của ông với...). Cho đến nay, thường thấy các phản đối tương tự nhân danh một nhà nước hay khối nước hơn là mang tính cá nhân nhà lãnh đạo. Có thể thấy ông Kishida đã nỗ lực “lắng nghe” như thế nào.

Hợp tác an ninh và hơn thế

Có thể tin rằng ông Kishida thấu hiểu các vấn đề của Việt Nam từ chục năm trước, khi ông bắt đầu giữ chức bộ trưởng Ngoại giao vào năm 2012. Năm 2016, Bộ trưởng Ngoại giao Kishida đã cùng Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh thỏa thuận làm sâu sắc hơn hợp tác an ninh hàng hải vào lúc Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa Biển Đông. Bộ trưởng Kishida lần đó đã đoan chắc rằng Nhật Bản sẽ cung cấp cho Việt Nam thêm tàu đã qua sử dụng để làm tàu tuần tra, ngoài 6 tàu đã được cung cấp trước đó (Japan Times 6-5-2016).

9 năm sau khi khởi sự “hồ sơ Việt Nam” với chức bộ trưởng Ngoại giao, ông Kishida, nay trong vai trò Thủ tướng, lại tiếp tục lời hứa an ninh cho Việt Nam, lần này với Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Tokyo hôm 24-11-2021. Nhật báo Asahi 25-11-2021 tóm tắt cuộc gặp ấy: “Các nhà lãnh đạo Nhật Bản và Việt Nam hôm thứ tư bày tỏ quan ngại nghiêm trọng về tình hình ở Biển Đông và bất kỳ hành động đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng, đồng thời nhất trí hợp tác để duy trì các tuyến đường biển tự do và rộng mở khi căng thẳng leo thang trong khu vực do Trung Quốc trỗi dậy”.

Gần nửa năm sau, lần này tại Hà Nội, ông Kishida lại nhắc tới sự hợp tác an ninh trong mục 3, khoản (4) bản tin của Bộ Ngoại giao Nhật Bản: “Thủ tướng Kishida nêu rõ Nhật Bản sẽ tăng cường hợp tác quốc phòng thông qua hỗ trợ nâng cao năng lực cho quân đội Việt Nam trong lĩnh vực an ninh mạng và hợp tác nâng cao năng lực an ninh và an toàn hàng hải. Đáp lại, Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn sự hỗ trợ của Nhật Bản và kỳ vọng tiếp tục hợp tác trong các lĩnh vực này”.

Được biết, trước đó hôm 12-9-2021 tại Hà Nội, hai Bộ Quốc phòng Việt Nam và Nhật Bản đã ký kết thỏa thuận chuyển giao quốc phòng mở ra khả năng Nhật Bản cung cấp thiết bị và công nghệ quốc phòng cho Việt Nam. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi cho biết thỏa thuận này nâng quan hệ đối tác quốc phòng của hai bên “lên một tầm cao mới”. Ông cũng cho biết Nhật Bản và Việt Nam có kế hoạch làm sâu sắc hơn mối quan hệ quốc phòng thông qua các cuộc tập trận chung đa quốc gia và các biện pháp khác.

Ông Kishi còn nói chi tiết của việc chuyển giao các thiết bị cụ thể, bao gồm cả tàu hải quân, sẽ được thảo luận trong các cuộc đàm phán tiếp theo (AP 12-9-2021). Được biết, Việt Nam là quốc gia thứ 11 mà Nhật Bản ký kết một thỏa thuận chuyển giao công nghệ và thiết bị quốc phòng như vậy.

Mới đây nhất, ngày 3-5 khi thăm Thái Lan, nước cuối cùng trong loạt công du Đông Nam Á, Thủ tướng Kishida cũng đã ký với Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha thỏa thuận cho phép chuyển giao công nghệ và thiết bị quốc phòng. Hai bên còn nhất trí hợp tác chặt chẽ trong việc mở rộng hỗ trợ nhân đạo cho Ukraine. Ngoài Việt Nam và Thái Lan, Nhật Bản đã có những thỏa thuận tương tự với các nước thành viên ASEAN khác, bao gồm Philippines, Malaysia và Indonesia (Mainichi 2-5). Tất nhiên, hợp tác này tùy nhu cầu mỗi nước. Indonesia là một thí dụ: nước này đang quan tâm đến các khinh hạm 30FFM tàng hình, đa nhiệm, mà dự kiến 4 chiếc sẽ được đóng tại Nhật Bản, và 4 chiếc ở Indonesia.

Hợp tác với Nhật không chỉ là an ninh, quốc phòng, mà là kinh tế, xã hội và riêng trong hai năm qua, là chống dịch COVID-19. Mỗi nước một nhu cầu. Tỉ như Việt Nam lần này muốn hợp tác với Nhật Bản trong thương mại quốc tế. Điều đó được thể hiện qua mục 3, điểm (3) bản tin của Bộ Ngoại giao Nhật về hai hiệp định thương mại lớn của khu vực mà Nhật Bản đều là thành viên: CPTPP và RCEP.

Về hợp tác kinh tế song phương: “Thủ tướng Kishida tuyên bố Nhật Bản sẽ đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực đa dạng hóa chuỗi cung ứng, chuyển đổi kỹ thuật số và đổi mới công nghệ. Đáp lại, Thủ tướng Phạm Minh Chính cam kết cải thiện môi trường đầu tư và kỳ vọng các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ tiếp tục đầu tư vào Việt Nam”.■

Ông Kishida đã lắng nghe các đối tác, và các đối tác cũng đã lắng nghe ông, để rồi các bên đi tới những điểm chung, sâu sắc tới đâu tùy... người đối diện. Vòng công du ba nước Indonesia, Việt Nam, Thái Lan là cần thiết trong bối cảnh mới hậu COVID-19 và chiến tranh Ukraine. Chớ thiệt ra, ông Kishida đã “chào sân” chủ tịch ASEAN từ tháng 3 với chuyến thăm Campuchia hôm 20 và 21-3. Một chuyến đi mà theo tờ The Diplomat 21-3, ông Hun Sen đã đề nghị phía Nhật Bản xem xét một hiệp định thương mại tự do, nhập khẩu thêm các nông sản của Campuchia, và khuyến khích các công ty Nhật Bản - bao gồm Panasonic, Toshiba, Mitsubishi và Yamaha - đặt nhà máy tại đây. The Diplomat cho rằng đây là những yêu cầu khiêm tốn với một quốc gia đang cần các giải pháp thay thế sự đầu tư từ Trung Quốc, và nền kinh tế của quốc gia này, giống như những nơi khác, đã bị đại dịch tàn phá. Phnom Penh cũng cần cải thiện vị thế của mình với Washington.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận