Những bài học từ cuộc đại chiến

DANH ĐỨC 16/11/2018 22:11 GMT+7

TTCT - 84 nhà lãnh đạo quốc gia, chính phủ và tổ chức quốc tế đã tề tựu dưới Khải Hoàn Môn ở Paris để tưởng nhớ 10 triệu hương hồn binh sĩ và 8 triệu thường dân, đều là nạn nhân của cuộc đại chiến đầu tiên trên thế giới - Thế chiến I (1914-1918).

Lính tập An Nam trên đường phố châu Âu trong Thế chiến I (ảnh chụp năm 1917). Ảnh: Wikipedia
Lính tập An Nam trên đường phố châu Âu trong Thế chiến I (ảnh chụp năm 1917). Ảnh: Wikipedia

 

Một số nhà lãnh đạo đã có những phát biểu đầy xúc động tại diễn đàn về hòa bình ngay sau đó. Song, liệu tất cả đã thực lòng?

Ngừng “chia phe đánh nhau”

Không chỉ ở nước Pháp mới tưởng niệm mà còn ở Anh, Bỉ, Ba Lan… và nhiều nơi khác từng hứng chịu cuộc chiến tranh giữa hai thế lực đang xưng hùng xưng bá lúc đó ở châu Âu.

Sự “chia phe đánh nhau” này xuất phát từ sự bất cân bằng giữa một bên đang làm chủ thuộc địa và thị trường (Anh có đến 34 triệu km2 thuộc địa, Pháp gần 13 triệu km­) và bên kia ganh tị muốn mở rộng thuộc địa và chia lại thị trường thế giới, chủ yếu là Đức, một nước có nền công nghiệp phát triển nhưng thuộc địa “chỉ” khoảng 2,9 triệu km2 vào năm 1914.

Tranh chấp đầu tiên diễn ra vào cuối thế kỷ thứ 19, khi Anh và Pháp đã thôn tính gần hết châu Phi; song Đức lại muốn nhảy vào. Hội nghị Berlin 1885 ấn định các nguyên tắc đầu tiên chia chác châu Phi, song cũng không ngăn được vụ tranh giành Đông Phi, sự biến Fashoda năm 1898 giữa Anh và Pháp, hay sự biến Agadir tranh giành Morocco giữa Đức và Pháp năm 1911.

Năm đó, khi Đức phái một tàu chiến đến vùng lãnh thổ vốn thuộc Pháp này, chiến tranh suýt nữa đã nổ ra. May mắn mà sau đó hai bên đã đi tới một thỏa thuận: Đức thôi đòi nhảy vào Morocco, song bù lại Cameroon thuộc Đức được tăng thêm 272.000km2.

Bên cạnh Đức, đế quốc Áo - Hung và đế quốc Ottoman (sau Thế chiến I đều tan rã) muốn tranh giành ảnh hưởng trong khu vực Trung Âu, Balkan và Caucasus nên hợp lực cùng Đức. Ngược lại, Anh và Pháp càng liên kết với nhau, nhất là sau cuộc khủng hoảng Agadir.

Sự “chia phe đánh nhau” này nổ ra ngay sau vụ ám sát thái tử Áo - Hung, đại công tước Franz Ferdinand, tại Sarajevo, dẫn đến việc Áo - Hung tuyên chiến với Serbia, mà Serbia thì được Nga - vốn trong liên minh với Anh - Pháp - che chở.

Bỉ bị Đức xâm chiếm, bèn cầu cứu Pháp và Anh. Thế là chiến tranh bùng nổ, Nhật Bản gia nhập phe Đồng minh Anh - Pháp vào tháng 8-1914, Ý tháng 4-1915, Romania tháng 8-1916 và Hoa Kỳ vào tháng 4-1917.

Ở phía bên kia, Đức và Áo - Hung (còn gọi là phe Các cường quốc trung tâm, vì những nước này ở trung tâm châu Âu), được Bulgaria chia lửa ngay vào tháng 10-1914 và đế chế Ottoman vào năm sau. Hơn 70 triệu quân nhân ra trận, trong số đó có 60 triệu người Âu châu. Thế chiến I chỉ kết thúc trên đất Pháp sau 4 năm, 3 tháng, 14 ngày đẫm máu.

100 năm sau, “chia phe đánh nhau” vẫn còn tiếp diễn dưới hình thức chiến tranh lạnh mà nay đang là “tập 2” sau “tập 1” kết thúc năm 1991.

Tất nhiên, tình hình “chia phe đánh nhau” vào cuối năm 2018 này hoàn toàn khác trước, không chỉ khác với Thế chiến I hay II, mà cả với cuộc chiến tranh lạnh tập 1. Hai đại kình địch “sống mái” cách đây 100 năm nay lại là cặp đầu tàu của một châu Âu hợp nhất gọi là Liên minh châu Âu (EU) và có thể là của một quân đội châu Âu tương lai, nếu NATO tan rã và nếu EU đủ hợp lực để dựng lên đội quân này.

Hai nhà lãnh đạo Đức và Pháp là Thủ tướng Angela Merkel và Tổng thống Emmanuel Macron đã cùng nhau bước lên toa xe lửa “lịch sử” đậu ở bìa rừng Compiègne mà vào ngày 11-11-1918, phái bộ dân sự đại diện cho nước Đức do Matthias Erzberger dẫn đầu đã ký kết thỏa hiệp đình chiến với thống chế Pháp Ferdinand Foch.

Năm ngày trước kỷ niệm 100 năm đình chiến, sáng 5-11, ông Macron đã tuyên bố trong cuộc phỏng vấn độc quyền dành cho Nikos Aliagas trên Đài phát thanh châu Âu 1 (Europe 1): “Chúng ta sẽ không bảo vệ được người châu Âu (chúng ta), nếu như chúng ta không quyết định có một đội quân châu Âu thực sự.

Đối mặt với Nga, đang ở ngay biên giới chúng ta và đã cho thấy có thể đe dọa…, chúng ta phải có một châu Âu tự bảo vệ được mình hơn nữa, không phụ thuộc duy nhất vào Hoa Kỳ, và theo một cách có chủ quyền hơn… Chúng ta phải tự bảo vệ trước Trung Quốc, Nga và cả Hoa Kỳ nữa”.

Tất nhiên, phát biểu này nằm trong cả luận thuyết về việc xây dựng một châu Âu mới, không chỉ tự bảo vệ được về mặt quân sự, mà còn bảo vệ được người lao động, an ninh năng lượng, tăng trưởng kinh tế cùng các thách thức và đe dọa khác.

Song, không hẳn mọi người đều cùng “nghe hiểu” trên cùng một “lỗ tai”. Bằng cớ là Tổng thống Mỹ Donald Trump, đứng ở vị trí lãnh đạo một trong ba “đối tượng” được ông Macron nêu danh, đã chỉ nhớ đến vế “quân đội châu Âu”, để rồi nộ khí xung thiên ngay khi tới Paris bằng mẩu tin Twitter: “Tổng thống Macron vừa gợi ý châu Âu (nên) xây dựng quân đội riêng của mình để tự bảo vệ chống lại Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nga. Thiệt là xúc phạm quá đi!”.

Tuy nhiên, một “đối tượng” khác trong “bộ ba” được ông Macron nhắc đến là Tổng thống Nga Vladimir Putin, người đã và đang lãnh đạo nước Nga thâm niên hơn cả ba lãnh đạo Đức, Mỹ, Pháp cộng lại (18 năm cho ông Putin so với 17 năm tổng cộng của bà Merkel, các ông Trump và Macron), lại tỏ ra… vô cùng hoan hỉ trước tin này.

Trong một phỏng vấn ngoài trời ở giữa Paris sau lễ tưởng niệm 100 năm đình chiến, độc quyền cho truyền hình Nga Russia Today, ông Putin đã cho thấy “gừng càng già càng cay” là như thế nào trong chính trị: “Nói chung, châu Âu là một tập hợp kinh tế mạnh mẽ, một liên minh kinh tế mạnh mẽ, và khá là tự nhiên khi các nước này muốn độc lập và có chủ quyền trong lĩnh vực an ninh và quốc phòng… Đứng từ quan điểm tăng cường tính đa cực cho thế giới, đó là một diễn trình tích cực”.

Ông Putin không vui sao được. Nếu như ông Trump càng “điên” lên vì ông Macron mà tách Hoa Kỳ ra khỏi NATO, như đã từng ra khỏi một lô ký kết khác từ Thỏa thuận khí hậu Paris đến Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương và mới đây là Hiệp ước vũ khí hạt nhân tầm trung (INF), cùng các định chế quốc tế khác như UNESCO, tòa hình sự quốc tế…

Có thể thấy qua tất cả các phát biểu đó sự tồn tại không chối cãi của tâm lý “chia phe đánh nhau” sót lại từ hơn trăm năm trước. Tình trạng “chia phe” này thể hiện rõ qua thông cáo chung giữa Tổng thống Macron, Thủ tướng Merkel và Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko công bố ngay hôm lễ tưởng niệm tại Paris.

Tuyên bố chung nêu rõ: “Tổng thống Pháp và thủ tướng Đức, các nhà trung gian của khuôn khổ đàm phán Normandy, đã chỉ ra rằng các cuộc bầu cử bất hợp pháp và không chính đáng ở một số lãnh thổ của vùng Donetsk và Luhansk - được tổ chức vào chủ nhật 11-11 này, bất chấp cộng đồng quốc tế đã nhiều lần kêu gọi hủy bỏ - mâu thuẫn với tinh thần của các thỏa thuận Minsk, cũng như với tuyên bố có chữ ký của bốn người đứng đầu nhà nước và chính phủ của khuôn khổ đàm phán Normandy tháng 2-2015 nhằm góp phần vào gói các biện pháp thực hiện thỏa thuận Minsk…”.

Làm thế nào lại chọn đúng ngày kỷ niệm 100 năm đình chiến để tổ chức các cuộc bầu cử ly khai ở miền đông Ukraine? Khoan nói tới đúng - sai, riêng việc chọn lựa ngày tháng này đã là một sự coi thường cái giá máu quá đắt của Thế chiến I.

Lãnh đạo các nước dự lễ tưởng niệm 100 năm kết thúc Thế chiến I ở Paris. Ảnh: time.com
Lãnh đạo các nước dự lễ tưởng niệm 100 năm kết thúc Thế chiến I ở Paris. Ảnh: time.com

 

Đặt dân tộc lên trên hết đã lỗi thời?

Đó chính là một bài học lớn từ Thế chiến I. Hình như ở khu vực Donetsk và Luhansk đang tràn ngập chủ nghĩa dân tộc kiểu đó, khiến người ta quên rằng chính phong trào dân tộc chủ nghĩa người Serbia đã hình thành nên hội kín “Bàn tay đen” mà Gavrilo Princip, sát thủ ám toán thái tử Franz Ferdinand, là một thành viên sốt sắng.

Hơn 100 năm trước, phong trào dân tộc chủ nghĩa người Serbia với ý muốn hợp nhất Serbia với các quốc gia tộc người Slave - vốn nằm trong đế quốc Áo - Hung - đã dẫn đến Thế chiến I. 100 năm sau, chủ nghĩa dân tộc đang lan rộng qua hình bóng các đảng cực hữu và có nguy cơ ngóc đầu trở lại khắp châu Âu.

Cho dù ông Macron, do nói dài, nói đủ chuyện, mà “hố to” khi phát biểu về một “quân đội châu Âu”, đến nỗi thứ bảy tuần rồi, Phủ tổng thống Pháp đã phải “nói lại” rằng: “Ông (Macron) không hề nói phải thành lập một quân đội để chống Hoa Kỳ”, thì cũng có lúc ông nói đúng, như khi nói về sự khác biệt giữa lòng yêu nước và chủ nghĩa dân tộc.

Xin dẫn lại diễn văn ở Khải Hoàn Môn: “Lòng yêu nước đối lập hoàn toàn với chủ nghĩa dân tộc. Chủ nghĩa dân tộc là phản lại lòng yêu nước… Khi nói rằng “lợi ích của chúng tôi trước hết, và mặc kệ mọi người” chính là xóa bỏ điều quý giá nhất đối với một quốc gia, điều làm cho quốc gia sống còn: những giá trị đạo đức của mình”.

Thủ tướng Đức Merkel hòa giọng trong diễn đàn vì hòa bình chiều hôm đó: “Hòa bình chúng ta có ngày hôm nay, đôi khi cứ như là tự nhiên mà có. (Nhưng) nền hòa bình này không tự nhiên mà có, chúng ta đã phải chiến đấu để mà có…

Thật đáng lo rằng chúng ta lại một lần nữa sống với sự hiện diện của chủ nghĩa dân tộc mù quáng, rằng chúng ta bắt đầu hành động như thể chúng ta có thể đơn giản bỏ qua những cam kết chung của chúng ta. Chúng ta có thể thấy rõ rằng hợp tác quốc tế của chúng ta một lần nữa bị đặt vấn đề”.

Làn sóng “dân tộc chủ nghĩa” mà cả bà Merkel và ông Macron lo ngại đang lan rộng cùng khắp châu Âu, và từng chính quyền một đang rơi vào tay các đảng cực hữu. Tối hôm đó, ở thủ đô Ba Lan, mấy trăm ngàn người đã xuống đường, dẫn đầu bởi các tổ chức cực hữu, mừng 100 năm Ba Lan độc lập, hơn là mừng đình chiến.■

Lính tập bỏ mình cho mẫu quốc Pháp

Thời đó, Pháp là một đế quốc thuộc địa toàn cầu, vì thế, trong diễn văn tưởng niệm, Tổng thống Pháp Macron đã bày tỏ sự tưởng nhớ đến “những thanh niên từ tất cả các tỉnh và hải ngoại, những thanh niên từ châu Phi, Thái Bình Dương, châu Mỹ và châu Á đã chết trong những làng mạc mà họ thậm chí còn không biết tên, xa gia đình của họ”. Sử sách ghi chép trong Thế chiến I, có đến 49.000 người Đông Dương, không kể số lính thợ (ouvriers spécialisés), phải sang châu Âu tham chiến cho nước Pháp, trong đó khoảng 1.600 người thiệt mạng vì mẫu quốc Pháp, không phải là do tình nguyện. Tiếc rằng trong phần tưởng niệm do học sinh các nước tuyên đọc về các tử sĩ đất nước họ, dù có một cô gái Trung Hoa, song không có một hậu duệ nào của những người “Đông Dương” bỏ mình cho nước Pháp.

Cách đây đúng 10 năm, cũng vào dịp 11-11, 90 năm ngày đình chiến kết thúc Thế chiến I, tôi có đến viếng đền tưởng niệm các binh sĩ Đông Dương ở rừng Vincennes (ngoại ô Paris), thắp một nén nhang. Ngôi đền, đối diện với một đài tưởng niệm chạm dòng chữ nổi “Aux Indochinois chrétiens morts pour la France” (Tưởng nhớ những người Đông Dương Thiên Chúa giáo đã chết cho nước Pháp). Thoạt kỳ thủy, đây là ngôi đình mà tỉnh Thủ Dầu Một đã hiến để làm “ngôi nhà Nam kỳ” ở Triển lãm thuộc địa (Đấu xảo) Marseille năm 1906. Sau Thế chiến I, Chính phủ Pháp mua lại ngôi đình này. Đến năm 1920, vua Khải Định ban sắc hiến ngôi đình này cho hương hồn tử sĩ vì nước Pháp mà bỏ mình. Đầu những năm 1980, ngôi đền này bị cháy. Sau đó, người ta xây lại một ngôi đền khác nhỏ hơn, là ngôi đền nhỏ bé hiện tại.

Phân biệt “chủ nghĩa dân tộc” và “chủ nghĩa yêu nước”

Ngay từ năm 1945, văn hào Anh George Orwell đã phân biệt rất rạch ròi hai khái niệm này trong tiểu luận nổi tiếng của ông - “Những ghi chú về chủ nghĩa dân tộc”: “Khi nói tới chủ nghĩa dân tộc, ý tôi trước hết là thói quen giả định rằng có thể phân loại con người như côn trùng và những tập hợp người hàng triệu hay hàng chục triệu cá thể có thể được dán nhãn một cách đầy tự tin là “tốt” hay “xấu”. Nhưng thứ đến - và điều này quan trọng hơn rất nhiều - ý tôi là thói quen tự động gắn cá nhân mình với một dân tộc duy nhất, đặt dân tộc đó ra ngoài định đoạt tốt xấu và không công nhận bổn phận nào khác ngoài bổn phận thúc đẩy lợi ích dân tộc. Đừng nhầm lẫn chủ nghĩa dân tộc với chủ nghĩa yêu nước… Khi nói “chủ nghĩa yêu nước”, ý tôi là sự yêu mến với một nơi chốn và một lối sống cụ thể, điều mà ta có thể tin là tốt đẹp nhất thế giới, nhưng ta không hề mong muốn áp đặt điều đó lên người khác… Chủ nghĩa dân tộc, trong khi đó, là không tách rời khát khao quyền lực. Mục đích vĩnh cửu của một người dân tộc chủ nghĩa là giành thêm quyền lực và danh vọng, không phải cho chính anh ta, mà cho dân tộc mà anh ta đã lựa chọn để gắn bó cá nhân tính của anh ta với nó”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận