Những hình thái mới của thương mại điện tử

NAM MINH 01/03/2021 21:00 GMT+7

TTCT - COVID khiến hoạt động mua sắm online gia tăng đột biến. Các doanh nghiệp thương mại điện tử đã có một năm thắng lớn. Dự báo thị trường này năm nay sẽ tiếp tục bùng nổ khi ngày càng nhiều các nhà đầu tư lớn và start-up công nghệ tham gia, hướng tới tạo dựng hệ sinh thái sống động.

Trong năm COVID 2020, vẫn có một số ngành lội ngược dòng thành công. Tiêu biểu là lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT) với kết quả hoạt động rất tích cực so với mặt bằng chung, đồng thời còn thu hút được một lượng lớn từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước, các start-up công nghệ tham gia với mong muốn thúc đẩy ngành lên một tầm cao mới.

Năm bùng nổ

Theo Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, TMĐT Việt Nam tiếp tục tăng trưởng ấn tượng trong năm 2020 với mức tăng 18% (đạt giá trị 11,8 tỉ USD), tương ứng chiếm khoảng 5,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Theo thống kê của Hãng nghiên cứu We Are Social, các mặt hàng được giao dịch nhiều nhất trên kênh online hoạt động tại VN trong năm qua là dịch vụ du lịch (3,18 tỉ USD), thời trang - làm đẹp (1,44 tỉ USD), thiết bị điện tử (1,57 tỉ USD), thực phẩm và đồ dùng cá nhân (1,02 tỉ USD), nội thất và đồ dùng gia đình (1,09 tỉ USD).

Chi tiêu thương mại điện tử theo hạng mục ở VN. Nguồn: We Are Social

Để cạnh tranh về người dùng, các công ty TMĐT tích cực triển khai thêm dịch vụ gia tăng trong năm qua. Điển hình như Bách Hóa Xanh tung ra dịch vụ “Đi chợ giùm bạn”, Saigon Co.op giới thiệu ứng dụng bán hàng trên app, Shopee VN giới thiệu tính năng Shopee Feed cho phép các gian hàng giới thiệu sản phẩm của mình nhằm thu hút người mua thông qua hình ảnh và video.

Hãng nghiên cứu GlobalData dự báo doanh số TMĐT tại VN dự kiến sẽ tăng với tốc độ tăng trưởng kép 18,8% từ năm 2020 đến năm 2024 để đạt quy mô 26,1 tỉ USD vào năm 2024. 

“COVID-19 đã dẫn đến sự thay đổi trong xu hướng mua hàng của người tiêu dùng tại VN. Thay vì trực tiếp đến các cửa hàng, siêu thị hay trung tâm mua sắm, người tiêu dùng giờ đây đã ưu tiên việc sử dụng các ứng dụng trực tuyến. Khả năng tiếp cận của các ứng dụng này trong đại dịch COVID-19 không chỉ làm tăng doanh số bán hàng trực tuyến mà còn dẫn đến sự chuyển dịch về xu hướng của cả một thị trường” - Kartik Challa, chuyên gia phân tích tại GlobalData, nhận xét.

Bên cạnh đó, đang xuất hiện xu thế ngày càng nhiều doanh nghiệp tìm kiếm các cơ hội thông qua các trang TMĐT xuyên biên giới như Amazon, Alibaba (mô hình B2B). 

Theo dữ liệu dựa trên số lượng người bán từ báo cáo của Alibaba.com, VN đang đứng vị trí thứ tư trong danh sách 10 quốc gia tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu trên nền tảng xuất khẩu số một thế giới này. 

Trong khối Đông Nam Á, vị trí của VN thậm chí còn cao hơn Malaysia (5) và Thái Lan (7), vốn là những nền kinh tế lớn và phát triển hơn VN.

Ảnh: Forbes.com

Dịch bệnh COVID-19 khiến nhiều doanh nghiệp buộc phải thu hẹp hoạt động kinh doanh sản xuất, làm gián đoạn các chuỗi cung ứng về nguyên liệu đầu vào, đầu ra sản phẩm, nhất là trong các ngành F&B, nội thất, dệt may và da giày. Trước bối cảnh đó, TMĐT toàn cầu được xem là chìa khóa để các doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch.

Báo cáo của Alibaba cho hay kể từ khi đại dịch bùng phát, nhu cầu nhập khẩu hàng hóa ở các quốc gia phát triển như châu Âu và Mỹ cũng tăng, đặc biệt là các mặt hàng như khẩu trang và nông sản. 

65% người mua hàng B2B đã lên thẳng các trang TMĐT xuyên biên giới để tìm kiếm hàng hóa mà họ đang muốn nhập khẩu, so với 53% sử dụng Google Search như cách truyền thống trước đây. 

Điều này cho thấy xu thế nhập khẩu trực tuyến đang dần phát triển và sẽ trở nên phổ biến hơn trong tương lai, mang đến nhiều cơ hội và tiềm năng xuất khẩu cho các doanh nghiệp VN vốn luôn nắm bắt nhanh các xu hướng kinh doanh toàn cầu.

Năm ngoái, các nền tảng TMĐT xuyên biên giới như Amazon, Alibaba đã đẩy mạnh các hoạt động quảng bá tại VN. Amazon bắt tay với Tập đoàn T&T để cung cấp giải pháp tiếp cận vào thị trường Mỹ thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp Việt.

Thống kê riêng trên sàn TMĐT xuyên biên giới Alibaba.com, Mỹ là quốc gia đứng đầu về lượng hàng hóa nhập khẩu từ các nước trên thế giới, tiếp đến là Ấn Độ, Canada, Brazil, Úc, Anh, Nga… Đây đều là các thị trường tiềm năng cho các doanh nghiệp Việt tận dụng.

Bức tranh hệ sinh thái

Phản ứng lại những thay đổi của thị trường cần các chính sách đủ nhanh nhạy. Mới đây, Bộ Công thương đã tổ chức lấy ý kiến về dự thảo sửa đổi nghị định 52/2013/NĐ-CP về TMĐT và dự định sẽ sớm trình Chính phủ phê chuẩn chính thức vào quý 1 năm nay.

Ảnh: Payments Journal

Với tỉ trọng người dân dùng Internet, điện thoại thông minh hằng ngày ở mức cao hàng đầu khu vực, thị trường bán hàng trực tuyến VN thật sự hấp dẫn các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước, đi cùng các ý tưởng mới mẻ hướng tới tạo hệ sinh thái hoàn chỉnh. 

Tiêu biểu như sau khi nhượng lại chuỗi Vinmart, Vinmart+ cho Masan, Tập đoàn Vingroup gây bất ngờ khi quay trở lại mảng bán lẻ với việc tung ra nền tảng thương mại điện tử theo mô bình B2B VinShop.

Chủ tiệm tạp hóa sẽ đặt hàng trực tiếp trên ứng dụng VinShop với đầy đủ hàng hóa mà mọi tiệm tạp hóa cần, hàng hóa được giao ngay trong ngày hôm sau. 

Hình thức thanh toán đa dạng bằng tiền mặt hoặc thanh toán chuyển khoản. Ứng dụng này còn cung cấp tính năng bán hàng thông minh, quản lý hàng nhập - hàng bán, tính năng quét mã vạch thanh toán, quản lý đơn hàng, và dịch vụ ứng vốn dành cho chủ tiệm kịp thời xoay vòng vốn đặt hàng. 

Mục tiêu trong năm nay mà VinShop hướng tới sẽ đạt quy mô 55.000 tiệm tạp hóa trên cả nước đăng ký tham gia.

Không dừng lại giúp chuyển đổi hình thái của thị trường bán lẻ, TMĐT bùng nổ còn tạo động lực thúc đẩy các hoạt động phụ trợ phát triển, hướng tới tạo thành hệ sinh thái kinh tế số rộng lớn, như tài chính số, kho vận, giao nhận thức ăn, dịch vụ bảo hiểm, du lịch, nội dung số…

Mới đây, Quỹ đầu tư VinaCapital công bố thương vụ đầu tư vào Công ty cổ phần công nghệ GoStream. Start-up này đang cung cấp công cụ livestream đa nền tảng cho người bán hàng, tiếp thị và sáng tạo nội dung trên mạng xã hội với nhóm khách hàng doanh nghiệp và có khoảng 100.000 lượt phát livestream mỗi ngày.

TMĐT tăng tốc giúp gia tăng nhu cầu thanh toán không xài tiền mặt. Hãng ví điện tử có lẽ phổ biến nhất hiện nay - Momo - đã tiếp tục gọi vốn thành công lần thứ tư (Series D) đến các nhà đầu tư mới là Goodwater Capital, Kora Management và Macquarie Capital, bên cạnh các cổ đông hiện hữu Warburg Pincus, Affima Capital và Tybourne Capital Management.

Trong năm 2020, MoMo ghi nhận mức tăng trưởng hơn 2 lần về người dùng, từ 10 triệu lên 23 triệu, đồng thời tổng giá trị giao dịch trên ứng dụng cũng tăng gấp 5 lần, chạm mức 14 tỉ USD. Start-up này được kỳ vọng sẽ trở thành kỳ lân mới của VN khi tiến hành IPO trong 2 năm nữa.

Cửa hàng thử nghiệm không có người bán, không dùng tiền mặt, tất cả giao dịch đều tự động của Amazon ở Mỹ. Ảnh: Theblue.ai

Một cách tự nhiên, trên thị trường giao nhận, hệ thống kho vận và các trung tâm logistics hiện đại với quy mô lớn đang là đích nhắm của dòng vốn đầu tư. Theo thống kê của Hãng JLL VN, trong năm qua đã có gần 3 tỉ USD vốn đầu tư chảy vào ngành logistics VN. 

Theo JLL, thông thường các công ty TMĐT sử dụng nhiều không gian hậu cần hơn các nhà bán lẻ truyền thống do phạm vi sản phẩm của họ phong phú hơn, mức tồn kho lớn hơn, yêu cầu về không gian vận chuyển ra nước ngoài nhiều hơn, cũng như hoạt động hậu mãi (quy trình trả hàng) phức tạp hơn.

Đặc biệt, các hệ thống kho lạnh có thể sẽ sớm trở thành ngôi sao đang lên khi hàng tạp hóa trực tuyến tăng vọt trong thời kỳ đại dịch, đòi hỏi nhiều kho lạnh hơn gần với khách hàng. 

“Dịch bệnh COVID-19 đang thúc đẩy quá trình tự động hóa trong lĩnh vực hậu cần và sẽ trở thành xu hướng chính trong tương lai gần. Người thuê đang nâng cấp từ các cơ sở lỗi thời, thường nhỏ và do chủ sở hữu sử dụng thành các cơ sở mới hơn ở các vị trí cao cấp” - bà Trang Bùi, trưởng bộ phận thị trường của JLL VN, nhận định.

Nhìn chung, thị trường TMĐT của VN chỉ đang ở giai đoạn đầu của thời kỳ bùng nổ trên tất cả phân khúc (B2B, B2C) và lĩnh vực có liên quan. Dù vậy, mức độ cạnh tranh rất khốc liệt. 

Ở đó, chỉ những nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh, ý tưởng kinh doanh hấp dẫn, chiến lược cạnh tranh nhất quán, tạo dựng hệ sinh thái liên kết phong phú mới có thể chiến thắng. 

Với xã hội nói chung, xét về lâu dài, TMĐT được kỳ vọng sẽ giúp thị trường bán lẻ VN thay đổi tích cực, giúp giảm chi phí và mang đến nhiều lợi ích cho người tiêu dùng.■

Thương mại điện tử chiếm khoảng 20% ​​tổng doanh thu bán lẻ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, và VN hiện là một trong những thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận