Phức tạp và chia rẽ

LÊ QUANG 28/07/2020 02:07 GMT+7

TTCT - Lại vẫn câu chuyện về Liên minh châu Âu (EU), vốn sinh ra để làm đối trọng kinh tế với một Bắc Mỹ hùng cường và thực hiện ước mơ về một mái nhà chung. Tâm lý vị kỷ cố hữu trong mỗi nhà nước dân tộc đã lộ ra là một điểm yếu thường bị xem thường, để rồi hàng chục năm nay, Trung Quốc ít nhiều thành công trong chiến lược chia rẽ và đánh tỉa từng thành viên một cách có hệ thống.

Luật an ninh nhắm vào Hong Kong hi vọng sẽ là sự cảnh tỉnh để châu Âu nắm tay nhau cùng tìm câu trả lời gửi đến cường quốc mới nổi, nhưng con đường dẫn đến một tương lai đầy tự tin của EU vẫn rất gập ghềnh, vì dưới mái nhà chung, các thành viên vẫn còn tham lam ích kỷ, dù ở mức khác nhau. Thêm nữa, họ không thể không đi cùng đường với Hoa Kỳ.

Đã qua thời kéo cưa lừa xẻ?

*** Error ***

Cuộc đối đầu căng thẳng Trung - Mỹ đã vượt qua mức có thể mỉm cười tra gươm lại vào vỏ rồi ngồi vào bàn thương lượng. Tuần trước, Trung Quốc cắt giấy phép hoạt động của lãnh sự quán Hoa Kỳ ở Thành Đô để đáp việc lãnh sự quán của họ ở Houston bị đóng cửa. Tổng thống Mỹ D. Trump lập tức tuyên bố không loại trừ tiếp tục đóng cửa các cơ sở ngoại giao khác của Trung Quốc vì cáo buộc gián điệp và ăn cắp sở hữu trí tuệ. Cùng lúc, nhân viên lãnh sự Mỹ ở Quảng Châu, Thẩm Dương và Vũ Hán bắt đầu lục tục xếp vali.

Việc đóng cửa các cơ sở ngoại giao của nhau gây căng thẳng thêm mối bang giao giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, vốn đã băng giá từ khi ông Trump tung ra lời buộc tội Trung Quốc đứng sau “virus Vũ Hán” làm chao đảo thế giới, chưa kể các vấn đề Tây Tạng, Tân Cương, Biển Đông, Đài Loan và gần đây nhất là luật an ninh áp xuống Hong Kong. Từ góc nhìn của Trung Quốc, quan hệ hai nước đã xuống thấp nhất từ khi chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao 41 năm trước.

Dưới thời ông Trump, Mỹ được cho là đã liên tục vi phạm các thỏa thuận bất thành văn với Trung Quốc. Ngồi chưa nóng ghế tổng thống, ông Trump đã điện đàm với bà Thái Anh Văn, một điều kiêng cữ ghê gớm trong chính sách “một Trung Quốc” mà hai bên ngấm ngầm chấp thuận. 

Còn giờ, từ khi khẩu trang chống Covid trở thành hàng hiếm, có vẻ như chẳng ai buồn đeo mặt nạ nữa: Ngoại trưởng Mike Pompeo vừa công du châu Âu kèm danh mục dài để kể tội Trung Quốc, từ yêu sách phi lý trên biển đến trục lợi do che giấu thông tin về khởi điểm đại dịch ở Hồ Bắc. Ông cũng không ngần ngại công khai kêu gọi các nước đồng chí hướng, trước tiên là EU, lập phe chống ảnh hưởng kinh tế từ Trung Quốc.

Đáng chú ý ở cách dùng ngôn từ: cho đến nay, mỗi khi nhắc đến Tân Cương, Mỹ hay sử dụng khái niệm “trại quản thúc” (internment camp), còn trước khi đi châu Âu, CNN trích lời ông Pompeo chuyển sang “trại tập trung” (concentration camp). Tương tự, trước đây Mỹ chính thức gọi ông Tập Cận Bình là “Chủ tịch Tập”, nhưng nay đã đổi sang “Tổng bí thư Tập”.

Bước ngoặt nào phía trước?

Phản ứng của Anh đứng ra bênh vực Hong Kong có thể do mong muốn ghi điểm sau Brexit hơn là do tư cách “cựu mẫu quốc”, nhưng vẫn có thể nhìn Anh để đoán động thái EU. Anh coi luật an ninh mới là sự “lật kèo” các thỏa thuận London - Bắc Kinh khi trao trả Hong Kong và đã tạm treo luật dẫn độ với Trung Quốc (sau Mỹ, Úc và Canada), đồng thời nới lỏng quy định nhập cảnh, thậm chí công khai khả năng cấp quyền công dân Anh cho cả 3 triệu dân Hong Kong.

Ông Pompeo làm ra vẻ bất ngờ một cách tích cực và khen các quyết định mới của đồng nhiệm Anh Dominic Raab trong chuyến công du châu Âu bắt đầu ở London. Toàn văn bài đáp từ của ông trên cổng thông tin Bộ Ngoại giao Mỹ xoay quanh một ý: đừng nói nữa, hãy hành động đi! 

Rõ ràng bài nói chuyện không chỉ hướng tới chủ nhà, mà còn dán tem một thông điệp gửi qua eo biển La Manche tới Paris, Brussel và nhất là Berlin. Tốc độ và cường độ phản ứng của Hoa Kỳ và Anh chợt khiến dư luận nhận ra EU cho đến nay mới chỉ dừng lại ở vài lời phản đối rời rạc.

Có thể coi thời gian mấy tuần sắp tới là một thử nghiệm, theo nhận định của hiệu trưởng Đại học Oxford Chris Patten, để biết EU có đủ dũng cảm lên tiếng phản đối Bắc Kinh sau khi nhắm mắt để Trung Quốc múa tay trong bị hai chục năm liền. 

Trong thời gian đó, Trung Quốc đã khéo léo tạo được vị thế rất vững ở châu Âu, song đồng thời cũng gây xung khắc không ít giữa các nước thành viên EU thông qua một loạt thỏa thuận song phương úp úp mở mở. Ông Patten hẳn biết rõ mình nói gì: ông là toàn quyền Anh cuối cùng của Hong Kong.

Đến một thời điểm khá muộn, châu Âu mới ngộ ra con rồng châu Á không chỉ vươn qua Tây bán cầu để phun châu nhả ngọc. Hội nghị các ngoại trưởng EU cách đây chưa đầy nửa tháng lắng nghe kiến nghị của Đức và Pháp, về nội dung không khác mấy với biện pháp của Anh mà Mike Pompeo khen ngợi: trước tiên ngừng bán dụng cụ đàn áp biểu tình (lựu đạn cay và đạn cao su) cho Trung Quốc, sau đó sẽ đơn giản hóa thủ tục cấp thị thực EU và dẫn đến mở rộng cửa cho các nhà hoạt động chính trị Hong Kong bị o ép sang lánh nạn. Hội nghị chỉ có mục đích thăm dò quan điểm của các nước thành viên để lập dự thảo, về thủ tục thì sau đó vài tuần mới luật hóa.

Nên hiểu câu trả lời của EU đánh dấu một bước ngoặt khó khăn nhưng cần thiết trong chính sách với Trung Quốc. “Cách hành xử của Trung Quốc đã thay đổi mọi quy luật”, Quốc vụ khanh Michael Roth phụ trách các vấn đề châu Âu ở Bộ Ngoại giao Đức rút gọn quan điểm của Hội nghị ngoại trưởng EU trong bài phỏng vấn với báo Welt ngày 23-7. “Các nước EU phải chấm dứt mưu mẹo song phương hóa đầy dụng ý của Bắc Kinh”. 

Ông cảnh báo chính nước Đức - dù có 80 hình thức đối thoại khác nhau với Trung Quốc, phần lớn đã nhét ngăn kéo. “Các thành viên EU không phụ thuộc vào Trung Quốc như vào các đối tác EU khác”, ông Roth nhấn mạnh. “Trung Quốc đầu tư quá ít so với EU đầu tư vào các nước thành viên của mình ở Trung và Đông Âu”. 

Đã đến lúc EU không chỉ nói suông, mà như Pháp đề nghị, phải có biện pháp trả đũa. Ông Roth nhấn mạnh: “Tuy quá trình biểu quyết ở EU có hơi chậm chạp, song Bắc Kinh và trên hết các công dân Hong Kong nên tin rằng chúng tôi sẽ để hành động đi đôi với lời nói”.

Câu chuyện bó đũa

Lucrezia Poggetti, chuyên gia nghiên cứu thị trường Trung Quốc ở Viện Mercator, tỏ ra thận trọng: “Sáng kiến này thiếu hậu thuẫn, châu Âu vẫn lưỡng lự khi dựa vào sức mạnh kinh tế của mình để gây sức ép với Bắc Kinh”. Tuy nhiên bà cho biết là từ vài năm nay EU đã cân nhắc kỹ hơn lợi hại giữa các khoản đầu tư từ Trung Quốc và an ninh quốc gia. Lối tư duy này được đề ra năm 2017 trên bình diện toàn EU và ngay lập tức đánh dấu sự thoái trào đầu tư của Trung Quốc.

Năm 2016 là năm kỷ lục, với dòng tiền 36 tỉ euro, từ đó mọi chuyện có chiều đi xuống. Các nước Đông Âu, vùng Balkan, thậm chí ngay giữa lòng Tây Âu, đều ưa gọi vốn từ Bắc Kinh. Họ ký các hợp đồng rất ưu ái với nhà đầu tư Trung Quốc, kể cả khi biết ở một số dự án có nhà nước nấp đằng sau, như của Huawei. 

Dự án Nhất đới nhất lộ bắt đầu triển khai năm 2013, dự kiến mở ra hàng chục ngàn cây số Con đường tơ lụa đời mới nối liền Á - Âu và giúp Trung Quốc trở thành chủ thể kinh tế nặng ký trên thế giới, chỉ mấy năm đã thuyết phục được Hi Lạp và Ý gia nhập quỹ đạo. Chiến lược trước khi bùng nổ đại dịch đã rõ: Trung Quốc xây cơ sở hạ tầng ở các nước nghèo và mua cổ phần hoặc thôn tính doanh nghiệp ở các nước hiện đại để mở rộng tầm ảnh hưởng. 

Trong khuôn khổ “Sáng kiến 17 + 1”, Trung Quốc giao thương với các quốc gia Đông Âu, ưu tiên thành viên EU - qua đó lách rào cản đa phương để tập hợp đồng minh dựa trên quan hệ song phương. Những nền kinh tế nhỏ như Serbia, Romania, Estonia... là lỗ hổng tiềm năng trên hàng rào quanh EU vì họ ưa nhận tín dụng ưu đãi mà không bị ràng buộc bởi nghĩa vụ cải cách như khi nhận tiền từ Brussel. Mặt khác, cũng nên trách EU ngủ quên khi sao lãng hạ tầng cơ sở ở đó. ■

London dự định gửi hàng không mẫu hạm HMS Queen Elizabeth vượt 11.000km về hướng Biển Đông, đồng thời thông báo loại trừ Huawei khỏi dự án 5G béo bở sau khi nhận được cảnh báo từ Hội đồng An ninh quốc gia về nguy cơ gián điệp. Thủ tướng Boris Johnson thậm chí ra tối hậu thư 2027 để thay thế toàn bộ công nghệ Huawei trong mạng lưới viễn thông quốc nội, dù vì thế mạng 5G của Anh sẽ chậm mất hai năm và chắc chắn đắt hơn.

Các nước khác ở châu Âu bị trói tay bởi cơ chế đồng thuận của EU nên không được tự do quyết định nhanh và dễ như Anh. Xét nền kinh tế đầu tàu EU là Đức thì biết. Quỹ Bertelsmann vừa công bố bản phân tích mới nhất về trọng tâm và mục đích đầu tư của Trung Quốc vào Đức. 

Quỹ này và Viện Prognos phân tích 175 cổ phần (từ 10% trở lên) của Trung Quốc tại các doanh nghiệp Đức từ 2014 - 2017 và nhận ra: 64% nằm ở 10 ngành mũi nhọn mà Trung Quốc muốn dẫn đầu thế giới theo lộ trình "Made in China 2025" như y sinh, công nghệ người máy, động cơ sạch cho xe cơ giới và hệ thống năng lượng.

Đức cũng rất cần Trung Quốc. Lấy ví dụ là ôtô ở xứ sở quê hương của ôtô: Cứ 3 chiếc xe rời băng chuyền Đức thì 1 chiếc đi thẳng ra cảng để bán cho thị trường tỉ dân, chiếm 24% thị phần. Theo phân tích doanh số của Công ty tư vấn Ernst&Young vừa công bố hôm 26-7, ba đại gia Đức Volkswagen, BMW và Daimler năm 2018 bán qua đó 5,5 triệu xe. 

Volkswagen, nhà sản xuất ôtô lớn nhất châu Âu, bán 40% sản phẩm cho Trung Quốc và chiếm 18,1% thị phần. Đây là một thách thức lớn để lấp lỗ hổng giữa các tuyên bố mạnh mồm và hành vi thoát Trung trong thực tế.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận