QAnon là gì mà tràn ngập trên báo Mỹ?

NGUYỄN VŨ 26/08/2020 07:08 GMT+7

TTCT - Mùa bầu cử tổng thống Mỹ đang đi vào giai đoạn cuối, báo chí Mỹ lại rộ lên các phóng sự điều tra, nhắc nhiều tới những khái niệm lạ lẫm như QAnon. Nó là gì và ảnh hưởng như thế nào đến chính trường nước Mỹ?

Người ủng hộ ông Trump mặc áo QAnon. Ảnh: Getty Images

Nhà tình báo trong bóng tối?

Nếu chỉ đọc giải thích của báo chí Mỹ, người tỉnh táo rất dễ gạt QAnon sang một bên vì nó quá nhảm nhí: QAnon là một dạng thuyết âm mưu cho rằng Tổng thống Donald Trump đang tiến hành một cuộc chiến tranh bí mật chống lại giới tinh hoa nước Mỹ đang lẩn khuất bên trong chính phủ, doanh nghiệp và báo chí mà thực chất là những kẻ biến thái buôn bán, lấy máu trẻ con, thờ phượng quỷ Satan.

Một trong những lời đồn dai dẳng nhất cho rằng bà Hillary Clinton đang tổ chức đường dây mại dâm trẻ em từ một quán bánh pizza ở Washington DC. Thế mà nhiều người lại tin vào câu chuyện này và Edgar Maddison Welch, một người sùng đạo, cha của hai đứa trẻ, đang sống cuộc sống bình thường ở North Carolina một hôm vào cuối năm 2016 xách ba khẩu súng đã nạp đạn, chạy xe suốt gần 600 km đến quán này với ý định giải cứu các em đang bị cầm giữ.

Trên diễn đàn trực tuyến 4chan có một nhân vật bí ẩn ký tên Q thường đăng bài úp úp mở mở về chuyện hậu trường chính trị Mỹ, kể chuyện cung đình, thậm chí còn tiên đoán ngày giờ sẽ xảy ra sự kiện này, sự kiện kia. 

Lời văn dẫn dắt người đọc tới chỗ tin rằn Q là một nhân vật cao cấp trong giới tình báo, được tin cậy để tiếp cận tài liệu tuyệt mật ở mức độ Q là mức độ rất cao. Q giấu kín danh tính nên từ đó mới có khái niệm QAnon (Q và Anonymous - ẩn danh).

Bằng các lời mơ hồ như các câu thai đố, Q cho rằng sắp đến ngày “bão tố nổi lên”, kẻ ác núp dưới bóng những người cấp tiến đã điều khiển thế giới trong bóng tối suốt mấy chục năm qua sẽ bị lật mặt nạ.

Nếu chỉ đến đó thì Q cũng sẽ luôn là một vệt sáng lòe chút xíu rồi biến mất. Đằng này nhiều tay theo đuổi thuyết âm mưu thấy đây là cơ hội để mở rộng tầm ảnh hưởng bèn tô đậm các nội dung Q đưa lên, tán nó ra, tạo thành một phong trào theo “dấu vết” Q để lại để giải mã các thông điệp úp úp mở mở này.

Từ 4chan, Q và các thuyết âm mưu lan dần ra các diễn đàn khác rồi bắt đầu xâm nhập vào các mạng xã hội đông đảo người dùng. Hết thuyết âm mưu của Q đến các thuyết âm mưu của người khác liên tục được chia sẻ, lan rộng; nội dung các thuyết không quan trọng bằng lời “nhắn nhủ”: muốn hiểu bức tranh chung cần gạt sang một bên báo chí chính thống, đừng nghe phát biểu của chuyên gia, đừng tin vào các tổ chức dòng chính...

Một điều tra nội bộ của Facebook được NBC News đưa tin cho rằng có hàng triệu thành viên trong hàng ngàn nhóm tụ tập trên Facebook để truyền bá các thuyết âm mưu của QAnon. 

Một điều tra khác của tờ The Guardian cho thấy có ít nhất 170 nhóm QAnon trên Facebook và Instagram với hơn 4,5 triệu người theo. 

The New York Times nhận định từ một nhân vật ẩn danh Q, phong trào lan truyền thuyết âm mưu QAnon nay đã trở thành một phong trào chính trị có ảnh hưởng không thể làm ngơ.

Từ thuyết âm mưu sang tham chính

Điều đáng ngạc nhiên là theo tổ chức phi lợi nhuận Media Matters for America, hiện có ít nhất 20 ứng cử viên Quốc hội Mỹ tin tưởng vào Q; họ hoặc khen QAnon công khai hay dùng các khẩu hiệu của QAnon vào chiến dịch tranh cử. 

Có một số người được dự đoán sẽ đắc cử; Marjorie Taylor Greene, người công khai ủng hộ QAnon vừa thắng vòng sơ bộ đại diện Đảng Cộng hòa ra tranh cử vào Hạ viện Mỹ. Tracy Diaz, một người truyền bá tích cực cho Qanon, có 1.850.000 người theo dõi trên Twitter và hơn 100.000 người đăng ký trên YouTube. 

Trên TikTok các mẩu video có hashtag #QAnon có hàng triệu lượt xem. Và nếu trước đây QAnon là một hiện tượng của nước Mỹ thì nay, theo nhà nghiên cứu Marc-André Argentino của Đại học Concordia, có bằng chứng cho thấy QAnon đã có mặt ở 71 nước.

Họ bàn tán những gì? Thoạt tiên là dịch COVID-19 không có thật, chỉ là một âm mưu để khống chế đám đông; sau đó COVID-19 dù có thật cũng không đáng ngại, nó chỉ bị lợi dụng để áp đặt các lệnh cấm tụ tập, để tước bỏ quyền dân sự của người dân.

Bác sĩ Anthony Fauci, nhà cố vấn cho Chính phủ Mỹ về đại dịch, là đích tấn công của người theo QAnon, trở thành một biểu tượng của các nhân vật đứng trong bóng tối điều khiển nước Mỹ. Họ bàn tán về chuyện cứ nhìn vào các cuộc họp báo, rõ ràng ông Fauci đang đứng sau lưng Tổng thống Trump, đang che miệng nín cười.

Các nhân vật thường bị đem ra “tế thần” có nhà đầu tư George Soros, tỉ phú Bill Gates, người dẫn chương trình Oprah Winfrey, kể cả diễn viên được ưa chuộng Tom Hank... 

Thế nhưng người tin theo QAnon bề ngoài không biểu lộ điều gì ra cả. Họ có thể là hàng xóm láng giềng của nhau, có thể là ông nha sĩ quen thuộc, có thể là người chú họ ít gặp. Sức hút của QAnon nằm ở chỗ nó lan rộng nhưng lại vô hình; chỉ khi bạn bắt đầu tin nó thì thế giới QAnon mới hé mở dần dần cho bạn bước vào để khám phá.

Nước Mỹ trở thành mảnh đất màu mỡ cho thuyết âm mưu sau nhiều cuộc ám sát thập niên 1960, đặc biệt là sau vụ ám sát Tổng thống Kennedy làm người dân Mỹ bắt đầu không tin vào mọi lời giải thích của chính quyền cũng như tin vào một bộ máy bí ẩn đằng sau mọi biến cố của nước Mỹ. 

Đại dịch COVID-19 càng làm bùng phát những lời đồn khi người dân hoang mang trước những biến đổi to lớn, lại bối rối khi lời giải thích của các giới chức thay đổi như chong chóng và bi quan trước một tương lai bất định. 

Tờ Washington Post cho rằng một đặc điểm đằng sau mọi thuyết âm mưu do QAnon đưa ra là một sự lạc quan kỳ lạ: nó giúp những người tin vào nó rằng sẽ đến ngày có sự thay đổi như một sự phán xét sau cùng.

Nhưng đằng sau QAnon là cái gì?

Sự trỗi dậy và lan truyền của QAnon cho thấy báo chí chính thống Mỹ đã thất bại trước mạng xã hội và mạng xã hội cũng thất bại khi để các thuật toán hoành hành, khuếch đại tác động của lời đồn và thuyết âm mưu. 

The New York Times nhận định mạng xã hội không tạo ra QAnon nhưng mạng xã hội tạo ra một môi trường giúp QAnon sinh sôi nảy nở.

Các nhóm QAnon trên Facebook hiện nay là nhóm kín nên rất khó biết được hoạt động của chúng nhưng chính sách của Facebook là ưu tiên các nhóm cộng đồng; họ dùng thuật toán và trí tuệ nhân tạo để giới thiệu các nhóm như thế cho người dùng, vô hình trung đẩy nhiều người đến với QAnon. 

Theo tờ Wall Street Journal, 10 nhóm QAnon lớn nhất trên Facebook tăng lượng thành viên đến 600% trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 7. Mới tuần trước Facebook tuyên bố xóa 790 nhóm kín QAnon, hạn chế hoạt động 1.950 nhóm khác có liên quan.

Nhiều người có thể phủi tay cho qua hiện tượng QAnon vì nó chỉ như một trò chơi kêu gọi người chơi tham gia một thực tế ảo, với nhiều tình tiết huyền ảo. Giải các lời nói bí ẩn của Q chẳng khác gì đọc và thực hiện các thách đố trong một cuốn tiểu thuyết của Dan Brown bởi cũng có các ký hiệu số và biểu tượng Iluminati. 

QAnon cũng có thể là cách người dân Mỹ phản kháng lại các luồng tư tưởng đòi độc chiếm diễn đàn, cứ cho mình là chân lý nên không ai có thể tranh cãi. Họ dùng thuyết âm mưu để phản bác những lập luận này như thể đó là một phần của một âm mưu sâu rộng. Thuyết âm mưu thường rộ lên khi xã hội bất ổn, lòng dân ly tán, tương lai mờ mịt như một phao cứu sinh sau cùng.

Nhưng QAnon có thể nguy hiểm khi những tư tưởng nó lan truyền gây hại cho xã hội như việc không tin vào vaccine, cho đó là âm mưu kiểm soát dân số của chính quyền. Nó tạo ra cảm giác xã hội đang tan rã nhưng thay vì bàn cách hàn gắn, nó tập trung sự chú ý của mọi người vào những kẻ thù vô hình, có thể dẫn đến bạo lực như vụ xách súng vào quán pizza.

Theo The New York Times, đã có một số chính trị gia lợi dụng các cộng đồng QAnon trên mạng xã hội để thu hút sự ủng hộ, tìm kiếm người đi theo họ. QAnon cũng lợi dụng các dạng thuyết âm mưu đã có từ xưa nay để ăn theo, như chuyện đĩa bay UFO. 

Một điều chắc chắn là thuyết âm mưu một khi được nói đến quá nhiều sẽ trở thành bình thường, sẽ được chấp nhận như một góc nhìn trong nhiều góc nhìn khác nhau và đó mới là mối nguy lớn nhất. ■

Tranh Bill Clinton mặc váy treo trong nhà Epstein?

Thỉnh thoảng trên Facebook lại thấy xuất hiện bức tranh chân dung cựu tổng thống Bill Clinton nhưng đang mặc chiếc váy màu xanh, ngồi trên ghế bành với tư thế khêu gợi. Người đăng chú thích: Hình này treo ở nhà Epstein đó.

Tranh "Bill Clinton mặc váy". -Nguồn: New York Academy of Art

Jeffrey Epstein là một tỉ phú bị bắt vì tội xâm hại tình dục, kể cả trẻ vị thành niên. Ông tự tử chết trong tù vào năm ngoái. Epstein quen biết rộng, giao du với nhiều nhân vật nổi tiếng, kể cả cựu tổng thống Bill Clinton cũng từng tới nhà và đi chung máy bay của Epstein.

 Báo chí đồn đại bước vào nhà của Epstein người ta thấy ngay bức tranh tai tiếng này treo ngay trên tường. Chỉ từng đó thôi, mạng xã hội đã sản sinh cả ngàn câu chuyện mang tính thuyết âm mưu về mối quan hệ giữa Bill Clinton và Epstein nhất là dưới bối cảnh Clinton cũng từng mang tai tiếng với cô thực tập sinh Monica Lewinsky. 

Hoang đường nhất là thuyết cho rằng Clinton thuê người giết Epstein để bịt miệng các lần ăn chơi tại nhà ông này!

Hóa ra bức tranh này là có thật, do họa sĩ người Úc sống ở Mỹ, Petrina Ryan-Kleid vẽ từ năm 2012. Hiện nay người sưu tập có thể mua bản in bức tranh này với giá chỉ 40 đôla. Cô họa sĩ vẽ bức tranh như một bài tập chuẩn bị ra trường, thể loại biếm họa chính trị. 

Ngoài Bill Clinton, cô còn vẽ cựu tổng thống George W. Bush đang ngồi chơi với máy bay giấy, trước một đống đổ nát. Sau đó cô tặng hai bức tranh cho Viện Mỹ thuật New York bán đấu giá gây quỹ và không biết số phận chúng đi về đâu, ai mua, ai treo nữa. Một dòng thuyết âm mưu ra đời như thế đó.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận