​Quảng cáo cưỡng bức

DƯƠNG TRỌNG HUẾ 24/11/2014 04:11 GMT+7

TTCT - Với ưu thế lớn trong việc tiếp cận khách hàng mọi lúc mọi nơi, quảng cáo trực tuyến và di động đang dần biến thành nỗi ám ảnh của người dùng. Nó đang trở thành thứ quảng cáo cưỡng bức.

Người tiêu dùng đã chán quảng cáo kiểu này, thường là xóa ngay - Ảnh: M.N
Người tiêu dùng đã chán quảng cáo kiểu này, thường là xóa ngay - Ảnh: M.N

Cưỡng bức mọi lúc

Những loại hình quảng cáo cưỡng bức trên Internet khá đa dạng, nhưng về cơ bản có điểm chung là không cho người dùng có được cơ chế lựa chọn bỏ qua mẩu quảng cáo đó. Khi bạn vào một trang mạng, trước khi đọc được thông tin bạn cần hoặc muốn đọc, một mẩu quảng cáo sẽ hiện ra choán gần hết phần diện tích thông tin đó.

Bạn sẽ không tìm thấy nút chữ x đóng màn hình trên mẩu quảng cáo và bắt buộc phải chờ đợi cho hết thời gian quảng cáo. Dẫu bạn có thể quay đi làm việc khác trong lúc chờ đợi nhưng do bạn không muốn mất đi phần đầu của bản tin tìm kiếm, bạn đành chép miệng tự nhủ gắng đợi chút cho qua phần quảng cáo.

Quảng cáo trung gian (interstitials) là loại hình tiêu biểu cho quảng cáo cưỡng bức trong thời gian gần đây. Những người thường xem phim hay video clip trực tuyến sẽ rất quen với loại hình quảng cáo này. Đây là kiểu quảng cáo có định dạng đa tương tác truyền thông chứa đựng các đặc tính tương tác, hình ảnh động và âm thanh tùy biến.

Tại sao không bỏ qua quảng cáo như bạn có thể làm với truyền hình hay radio là chuyển qua trang mạng khác trong khi chờ đợi? Bởi, khi xem phim hay video clip trực tuyến bạn sẽ không muốn chuyển sang màn hình khác, làm như vậy bạn sẽ quay lại từ đầu của quá trình tải nội dung liên quan.

Dĩ nhiên, cái mẩu quảng cáo, như những cái đầu của Tôn Ngộ Không, cũng sẽ mọc ra và được lặp lại từ đầu đến cuối không sót chi tiết nội dung nào. Vậy nên cố gắng kiên nhẫn chờ qua mẩu quảng cáo vẫn là cách tốt nhất trong trường hợp này.

Còn trên điện thoại di động, ngày càng nhiều người dùng di động cảm thấy họ bị bắt buộc phải đọc những tin nhắn xa lạ, vào thời điểm ít mong đợi nhất. Tệ hơn, những tin nhắn này thường đến theo chiến lược “giội bom rải thảm”.

Quảng cáo tin nhắn trên di động đôi khi có dựa trên dữ liệu thực, nhưng thường là không đầy đủ và không cập nhật. Những mẩu tin nhắn quảng cáo loại này thường bị đối xử như đồ phế thải cần được quăng ngay vào thùng rác.

Người dùng cũng không thể phòng ngừa ngăn chặn tin nhắn rác đến điện thoại di động của mình, điều càng làm họ ức chế vì cảm giác bị tấn công mà không phòng vệ được.

Người tiêu dùng đã chán ngán 

Quảng cáo về cơ bản là sự tương tác thông tin về sản phẩm dịch vụ giữa người bán và người mua để thỏa mãn nhu cầu của hai bên.

Do có sự cạnh tranh và mục đích lợi nhuận kinh doanh mà quảng cáo cần thu hút sự chú ý của khách hàng. Để có điều đó thì trước hết phải có hành vi nghe, nhìn thấy thông tin quảng cáo, ở khía cạnh này dường như quảng cáo cưỡng bức đã đạt được mục tiêu.

Rất nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy quảng cáo cưỡng bức nhìn chung đang ngày càng làm người xem khó chịu.

Trong một nghiên cứu xuất bản năm 2002, Edward và các cộng sự đã dựa trên một lý thuyết trong lĩnh vực tâm lý xã hội học là Reactance Theory (tạm dịch “Lý thuyết điện kháng ứng”) để tìm hiểu tâm lý và phản ứng của cá nhân khi bị quảng cáo cưỡng bức.

Nghiên cứu cho thấy người dùng cảm thấy khó chịu vì cảm giác bị vi phạm không gian riêng tư cá nhân, bất an vì thấy mất quyền tự chủ trên chính thiết bị của mình... Điều này dẫn đến cảm nhận tiêu cực về nội dung tin, kênh phát tin và nguồn tin.

Điều tương tự cũng xảy ra với quảng cáo tin nhắn rác trên điện thoại di động. Khảo sát của Công ty nghiên cứu thị trường Kantar Media năm 2013 cho biết có 40% người nhận tin nhắn quảng cáo ở Việt Nam nói họ cảm thấy khó chịu và 12% xóa ngay tin nhắn mà không cần đọc.

Để tránh quảng cáo cưỡng bức tạo ra thái độ tiêu cực từ khách hàng tiềm năng, một số đề xuất đã được các nghiên cứu trên đưa ra cho các nhà làm quảng cáo, bao gồm hãy đưa ra quảng cáo khi người dùng có mức độ tập trung trí não thấp, tăng tính liên quan của sản phẩm quảng cáo với người dùng, và cần đem lại giá trị cho họ. 

Nếu không có chiến lược phân tích tiếp cận khách hàng cụ thể và phù hợp, sử dụng mãi chiến thuật giội bom ép buộc người dùng như hiện nay, quảng cáo cưỡng bức rồi sẽ không khác gì mấy quầy bán hàng mở nhạc inh ỏi bên phố bắt người đi đường phải nghiến răng chịu đựng.

Sự chán ghét và bực dọc của người dùng chắc chắn sẽ tiến hóa thành những phản ứng mà không một nhà quảng cáo nào lường được.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận