Quỹ bình ổn xăng dầu: Đằng sau một công cụ phi thị trường

TRUNG TRẦN 25/04/2022 17:00 GMT+7

TTCT - Mỗi năm nhu cầu sử dụng xăng dầu của cả nước Việt Nam rơi vào khoảng 20 triệu tấn, tức xấp xỉ 25 tỉ lít. Trong tổng cầu đấy, chúng ta nhập khẩu khoảng 25%. Hai phần ba còn lại được cung cấp bởi 2 nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn.

Một năm chúng ta xuất khẩu được khoảng 3 triệu tấn dầu thô - từ 10 triệu tấn sản lượng khai thác. Đồng thời nhập gần 10 triệu tấn, đồng nghĩa xuất dầu thô 1 tấn thì nhập hơn 3,3 tấn về để lọc ra xăng và các phụ phẩm khác.

Thực tế là xăng dầu chúng ta sản xuất được ở Dung Quất và Nghi Sơn đang có giá cao hơn giá xăng nhập khẩu, nếu tính đủ các khoản chi phí cấu thành, do nhiều lý do, có cả những lý do chính đáng vì an ninh năng lượng quốc gia và sinh kế của cư dân các địa phương còn nhiều khó khăn. 

 
 Ảnh: iStock

Nhưng vẫn còn lý do quen thuộc là sự yếu kém trong đầu tư và vận hành ngành công nghiệp trọng yếu này. Nói đơn giản, Dung Quất - và nhất là Nghi Sơn - càng sản xuất ra nhiều xăng thì ngân khố quốc gia lại càng hao đi vì phải bù lỗ. 

Con số đấy với Nghi Sơn là khoảng 60.000 tỉ đồng cho 3 năm. Trong các lý do thua lỗ có yếu tố hầu như không thể khắc phục: nguyên liệu dầu thô mua vào giá cao, trong đó với Nghi Sơn là một câu chuyện bất hợp lý từ ban đầu - nhà máy này không được thiết kế để lọc được dầu của các mỏ dầu Việt Nam. 

Còn với Dung Quất - dầu từ mỏ Bạch Hổ chưa chắc đã được chở về Quảng Ngãi để cung cấp, nếu có khách hàng nào mua với giá cao hơn, Bạch Hổ có quyền không bán cho Dung Quất, điều này do quy luật thị trường.

Giá xăng dầu tiêu dùng do đó phụ thuộc hoàn toàn vào giá dầu thô, thứ chiếm 50-60% giá thành. Cộng thêm khoảng 40% các loại thuế và phí nữa, ta sẽ có mức giá hằng ngày hiển thị trên các đồng hồ cây xăng.

Định giá giá xăng là một kỹ thuật rất phức tạp dựa trên nhiều yếu tố - trong đó một mục tiêu chủ đạo mà Nhà nước mong muốn là sự ổn định của toàn bộ nền kinh tế, vì vai trò mạch máu của loại năng lượng hóa thạch này. 

Trong khi yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến nó, giá dầu thô, lại không ổn định chút nào. Đáy và đỉnh giá dầu thô từ năm 2021 đến nay dao động trong vùng 70-140 USD/thùng, tức tính ra giá thành hòa vốn của xăng, sẽ vào khoảng thấp nhất là 16.000 và cao nhất là 32.000 đồng/lít.

Với sự chênh lệch lớn như vậy, có thể hiểu được giá xăng tăng giảm là điều mà Nhà nước phải đau đầu cân nhắc, cho dù khả năng can thiệp là không nhiều. 

Các biện pháp can thiệp giá bán, có cả những hàng rào kỹ thuật như các loại thuế, phí - chiếm khoảng 30% giá bán, và cả các biện pháp phi thị trường khác, ví dụ như quỹ bình ổn.

Quỹ này là một khoản tiền mà doanh nghiệp xăng dầu phải trích đóng cho mỗi lần nhập khẩu, từ 250-500 đồng cho một lít tùy thời điểm, và được tính vào giá bán. Khi giá xăng nhập khẩu tăng quá một tỉ lệ nào đó - như hiện tại là 7%, quỹ được Nhà nước sử dụng để điều tiết sao cho giá xăng tăng ít tác động tiêu cực nhất cho thị trường.

Nó được hiểu nôm na là nắm gạo bỏ hũ riêng phòng khi đói kém. Nắm gạo đấy trong vòng nửa năm qua đang giúp mức tăng giá xăng được kềm lại khoảng 1/4, giúp giá các mặt hàng có liên quan trực tiếp đến nhiên liệu bớt nhảy múa, phần nào giảm các tác động tiêu cực lên đời sống xã hội. Tuy nhiên bản thân nó vẫn là một công cụ phi thị trường và không mang tính chủ động.

Nếu như giá xăng cứ tăng mà không giảm trong một thời gian dài, quỹ này sẽ về âm thì doanh nghiệp lấy đâu ra để sử dụng? 

Lúc đấy giá xăng sẽ không còn được hỗ trợ, còn nếu được hỗ trợ bằng cách ứng trước quỹ, thì giá xăng lại méo mó - không phản ánh giá của thế giới - tức mang dáng dấp của cách kiểm soát giá xăng trước 2014, khi giá được Nhà nước chỉ định khi giá cơ sở tăng giảm lớn hơn 2%. 

Chưa kể bản thân tính minh bạch của quỹ này là một dấu hỏi khi bản chất của nó là tiền của người tiêu dùng nhưng lại được vận hành và sử dụng bởi doanh nghiệp và Nhà nước.

Việc điều hành giá xăng dầu của Nhà nước từ 2014 đến nay thông qua các nghị định 84 quy định về thời gian thay đổi giá cơ sở, nghị định 83 mở rộng quyền tự quyết giá bán, và mới đây là nghị định 95 thay đổi cách tính giá cơ sở dựa vào tỉ trọng của cả giá xăng nhập khẩu và xăng sản xuất trong nước, thay vì chỉ tính giá nhập khẩu như trước đây.

Các quy định pháp luật đang dần tạo cho doanh nghiệp quyền tự chủ hơn trong việc định giá, đồng thời kéo giá xăng dầu đồng nhịp với giá thế giới hơn, quan trọng hơn, nó buộc doanh nghiệp hóa dầu trong nước phải nỗ lực giảm giá - nếu không khách hàng của họ - các đại lý đầu mối, ở đây là hai chuỗi cây xăng lớn nhất nước Petrolimex và PV Oil, phải cắt giảm lợi nhuận, hay có thể phải bán lỗ - nếu giá của họ cao hơn giá nhập khẩu.

Có nhiều công cụ kỹ thuật để quản lý giá xăng dầu hiệu quả hơn, quỹ bình ổn là một, nhưng vẫn là một biện pháp phi thị trường. 

Bản thân ngành kinh doanh xăng dầu Việt Nam có đủ khả năng - và cả nhu cầu - thay đổi. Họ có thể cân nhắc sử dụng nhiều kỹ thuật mà thế giới đã áp dụng từ lâu: Các công cụ bảo hiểm giá, chiến lược tồn kho… để đảm bảo giá dầu thô và giá xăng nhập vào là thấp nhất trong khả năng có thể.

Thêm vào đó, việc hai nhà máy lọc dầu có thể đảm nhiệm hơn 70% nhu cầu thị trường nội địa, với tất cả các ưu tiên gần như là tuyệt đối về chính sách thuế, phí, sẽ phải đến lúc các doanh nghiệp này tách bạch bổn phận trách nhiệm xã hội, đảm bảo an ninh năng lượng, với mục đích tồn tại của một công ty là có lời nhờ bán sản phẩm rẻ hơn đối thủ.

Lúc đấy hy vọng quỹ bình ổn giá có thể chấm dứt vai trò phi thị trường của nó.■

Thực tế thời gian gần đây, cứ mỗi lần chuẩn bị có đợt tăng giá xăng, hầu hết các cây xăng đều trưng biển nghỉ bán kiểm tồn kho hay đi ăn giỗ. 

Cơ quan nhà nước lại ra những quyết định hành chính bắt buộc chủ cây xăng không được kiểm kê hay đi ăn giỗ, nếu không sẽ có biện pháp xử lý, trong khi ai cũng biết rõ là chỉ ngừng bán một ngày - hôm sau họ sẽ có lời thêm cả ngàn đồng một lít. 

Thêm vào đó, việc cõng quá nhiều mức thuế phí (35-40%) dẫn đến một vấn nạn khó thể giải quyết triệt để: xăng lậu và xăng giả.

Một nền công nghiệp hóa dầu thực sự hoàn thiện để đảm bảo giá xăng dầu thành phẩm đến cây xăng bán lẻ phải bao gồm up-stream (dòng thượng nguồn) là việc khai thác dầu mỏ, mid-stream (dòng trung nguồn) chỉ hoạt động vận chuyển dầu mỏ đến nhà máy lọc dầu và down-stream (dòng hạ nguồn) chỉ hoạt động hóa lọc dầu và hệ thống logistics, vận chuyển, phân phối và thị trường vốn cùng các quy định vận hành. 

Phần sau của hoạt động down-stream chính là điểm yếu nhất của chúng ta, tức trả lời câu hỏi bằng cách nào để chi phí đưa thành phẩm dầu khí đến được người tiêu dùng cuối cùng là rẻ nhất.

Từ giá thành ra đến giá bán, khoảng 20-40% giá xăng dầu thành phẩm tăng thêm là do các loại thuế, phí, trong đó thuế nhập khẩu và tiêu thụ đặc biệt là 17% và phí môi trường từ 12-15%. Cứ 2,1 lít dầu thô thì chế biến ra được 1 lít xăng (45%), còn lại là các phụ phẩm khác như diesel, nguyên liệu hạt nhựa... Trong 1 lít xăng, giá thành dầu thô chiếm từ 50-60%, chi phí hóa dầu chiếm 14-17%. Giá dầu thô khoảng một năm qua dao động trong mức 70-140 USD/thùng. 1 thùng dầu tương ứng 159 lít.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận